Cần một tình yêu để ngắn lại ngày về

Thứ Bảy, 12/06/2010, 11:14
Tận sâu trái tim Quang vẫn dành trọn tình yêu cho vợ và tôi tin, khi đưa lá đơn ly hôn cho Kiều, một góc nào đó trong tâm hồn anh vẫn hy vọng, tình yêu của Kiều sẽ lớn hơn, giúp chị từ chối ký vào đơn ly hôn, để chờ đến ngày anh trở về. Điều đó, cần cho anh biết bao nhiêu...

Có lẽ chưa bao giờ tôi có một cuộc trò chuyện cởi mở và thân tình như vậy với một người đang ở phía bên kia song sắt. Bởi anh đã có một thời là sinh viên trường Cao đẳng Ngân hàng, cùng thời với chúng tôi. Những câu chuyện về thời sinh viên chưa quá xa bỗng dội về trong tâm hồn chàng trai Hà Nội đã từng ôm giấc mộng thiên di vào Sài Gòn làm giàu dường như vẫn còn đó, dù bây giờ Quang đang phải thụ án chung thân trong Trại giam Nam Hà. Và tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười của Quang, nụ cười lành, tươi hết cỡ, và ẩn sau nụ cười đó, tôi vẫn thấy một điều gì chua chát, hình như anh đang lấy nụ cười để cố che giấu một nỗi niềm không dễ sẻ chia.

Dang dở giấc mơ vào Công an

Là con trai Hà Nội gốc, theo học trường Chu Văn An suốt từ cấp 2 lên cấp 3, bố mẹ Quang hầu như hoàn toàn yên tâm về cậu con trai của mình. Bố Quang bảo, ở nhà Quang lành lắm, lành đến mức, cả nhà gọi Quang bằng cái tên thân tình là Quang "đất". Sau này, vào Sài Gòn, bạn bè còn đặt cho anh một biệt hiệu khác, Quang "gà", vì Quang lúc nào trông cũng ngơ ngác.

Mang cái vẻ lành và ngơ ngác ấy, Quang bước chân vào giảng đường đại học. Ngày đó, Quang  học giỏi và năng động, là tâm điểm chú ý của nhiều bạn gái. Nhưng Quang bảo, anh dát gái lắm. Mê một vài cô trong trường nhưng chưa bao giờ dám chủ động thổ lộ với một ai, thậm chí nhiều khi còn bị bạn gái tấn công. Nhưng Quang chịu ảnh hưởng nhiều từ tính cách của người bố, là hiệu trưởng một trường cấp 3 ở Hà Nội đã về hưu, quảng giao và rộng rãi với bạn bè. Đó cũng là khởi thủy cho những mối quan hệ sa đà sau này của Quang.

Trong những cuộc vui giao lưu với bạn bè các trường đại học, Quang gặp Nguyễn Anh Tuấn, tức Tuấn "con", lúc đó cũng đang là sinh viên Đại học Tổng hợp. Tuấn nổi tiếng là một người nghĩa hiệp với bạn bè nhưng ham chơi. Từ thời sinh viên, Tuấn đã được trùm giang hồ Trà Hinh dìu dắt để sau này sẽ là người thay thế Trà Hinh. Nhưng Quang không hề biết gì về thế giới ngầm đó của Tuấn. Hai người chỉ chơi với nhau theo danh nghĩa là những người bạn. Mối lương duyên với Tuấn "con" đã làm nên một bước ngoặt trong cuộc đời của anh chàng tưởng như hiền lành và ngờ nghệch kia.

Tốt nghiệp đại học với khát vọng làm giàu, Quang tâm sự: "Tôi đã từng nghĩ phải làm được một điều gì đó hơn người và tin chắc mình sẽ làm được trong cơ chế thị trường đang mở cửa và nhiều thông thoáng". Tất nhiên ý định Nam tiến đầu tiên của Quang là xin đi làm… Công an. Gia đình Quang có khá nhiều người công tác trong ngành Công an, nên bố mẹ cũng muốn gửi gắm cậu con trai vào đó cho yên lòng. Giá như ngày đó, dự định này thành hiện thực thì chắc hẳn bố mẹ Quang sẽ có quyền tự hào về cậu con trai của mình. Nhưng hồi đó Quang bị lỡ mất thời cơ, vốn là một người ưa hoạt động, Quang không thể ngồi yên một năm để chờ nên ngay sau đó Quang thi tuyển và làm giao nhận ngoại thương cho một công ty nước ngoài.

Cuộc sống của Quang sẽ trôi đi bình lặng, và biết đâu, với tư chất và nhiệt huyết của một chàng thanh niên trẻ nhiều khát vọng, giờ này Quang đã là một người thành đạt. Khi nói đến những chuyện này, Quang xót xa, tiếc nuối, bạn bè anh, thế hệ những người sinh ra vào đúng ngày đất nước giải phóng, có nhiều cơ hội để khẳng định mình, giờ nhiều người đã thành danh. Không trách gì Tuấn, nhưng Quang nói, nếu không sa đà vào cái thứ tình nghĩa giang hồ không mang đến cho nhau hạnh phúc mà chỉ là máu và nước mắt thì có thể, giờ này cuộc đời của Quang đã khác.

Đến bây giờ, bố Quang vẫn bảo, ông hối hận vì đã cho Quang vào Sài Gòn, bởi không có bố mẹ bên cạnh, những đứa trẻ như những con chim lạc đàn không tránh được khỏi giông gió. Nên ông vẫn giận mình. Khi gặp lại Tuấn "con" ở Sài Gòn, lúc này Tuấn đã trở thành một giang hồ cộm cán. Nhưng Quang là bạn, một người bạn đúng nghĩa, chứ không phải đệ tử. Quang thường xuyên qua lại đi chơi cùng Tuấn cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà nên hai đứa càng ngày càng gắn bó. Nhưng Quang không hề biết gì về cuộc sống của người bạn chí cốt này.

Phi vụ đầu tiên mà Quang tham gia cùng Tuấn là vụ thanh toán ân oán giang hồ, giữa băng nhóm của Tuấn "con" và một băng đảng khác do Thắng "chập" cầm đầu (Thắng "chập" cũng là trùm một băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen). Vốn nhiệt tình và cả nể với bạn, Quang không ngần ngại cầm lái chở Tuấn đi. Vụ này, Tuấn đã dùng súng bắn 4 phát vào Thắng "chập" và một đàn em của anh ta cũng "tặng" cho Thắng "chập" vài nhát chém chí mạng. Sau đó, Quang còn tham gia vụ cướp 270 triệu đồng trên đường Cao Thắng.

Cho đến tận năm 2003, Quang bị bắt trong một sòng bạc ở quận Tân Bình, thì mọi việc mới rõ như lòng bàn tay. Chính Quang cũng bị bất ngờ bởi những tình tiết nghiêm trọng liên quan đến cả một băng đảng giang hồ trong vụ án. Lúc đó, Quang mới thực sự biết Tuấn "con" là ai. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn, chiếc còng số tám đã khép chặt đời Quang vào cái án chung thân, một sự trả giá quá đắt cho những ảo tưởng ngông cuồng của tuổi trẻ, cho một lối sống phóng túng và quá tự do.

Mang nặng hai nỗi buồn

Quả thật, cái ranh giới giữa lương thiện và tội ác thật mong manh trong mỗi con người, bởi khi ngồi nói chuyện rất lâu với Quang, tôi vẫn không tin được, con người đó, nụ cười đó và đôi mắt đó có thể gây ra những phi vụ kinh thiên như vậy. Và không phải chỉ riêng cảm nhận của tôi, mà tất cả những người bạn đại học, bạn cấp 3 của Quang, không ai tin Quang có thể  phạm tội, thậm chí có người vẫn nghĩ Quang đang có một cuộc sống yên ổn ở Sài Gòn. Còn bố mẹ Quang, nỗi đau của họ có lẽ không thể nào nguôi ngoai.

Nhà Quang chỉ có hai anh em trai, Quang là con trai cả, ông bà đều là giáo viên của những trường lớn ở Hà Nội. Từ bé Quang đã sống theo nền nếp của gia đình. Ông bà đặt nhiều hy vọng ở Quang, nhất là người bố, và ông suy sụp và giận con đến mức, từ ngày Quang bị bắt và thụ án trong trại giam, ông chỉ duy nhất một lần lên thăm con. Bà mẹ đau khổ của anh, đến tận năm 2007 vẫn thảng thốt không tin: "Con ơi, có phải con gây ra những vụ án đó không". Nói đến điều này, Quang đau  lắm. Chắc Quang hiểu nỗi đau của những người làm bố, làm mẹ khi đặt quá nhiều niềm tin vào con trai mình, thì chắc hẳn nỗi thất vọng của họ sẽ đau đớn như thế nào. "Bố chỉ lên thăm tôi một lần, và ông không nói gì. Vốn dĩ, tôi và bố không hợp nhau, nên không mấy khi nói chuyện. Nhưng tôi mong một lần bố hãy lên thăm, để bố có thể hiểu tôi hơn. Tôi muốn nói với bố rằng, tôi vẫn là đứa con ngoan của bố". Chúng tôi cũng hy vọng, nếu một lúc nào đó, bố anh đọc được những lời tâm sự này, chắc hẳn ông sẽ nén giận để lắng nghe đứa con trai tội lỗi nhưng đáng thương của mình một lời tâm sự.

Ông bà đang sống trong một căn nhà nhỏ ở quận Cầu Giấy, đồng lương công chức của hai ông bà giáo về hưu tằn tiện lắm mới đủ để nuôi đứa cháu nội. Con trai Quang năm nay đã học lớp 3, ông bà nuôi nấng và chăm sóc nó như chăm sóc chính đứa con của mình. Bởi ông bảo, nó giống Quang như lột, từ hình hài cho đến tính cách.

Nhưng ngồi nói chuyện với Quang, nhìn sâu vào đôi mắt và nụ cười của anh, mới cảm nhận được nỗi buồn đang ẩn chứa rất sâu trong tâm hồn người đàn ông này. Tôi hiểu, với một người như anh, được lớn lên trong một gia đình gia giáo, được học hành đầy đủ, nỗi buồn ấy mới thấm thía đến mức nào. Anh không thể nói hết được sự tiếc nuối, nỗi xót xa của mình.

Ngày vào Sài Gòn, anh yêu và cưới  Kiều, một cô gái giản dị làm nghề may. Nhưng cú ngã của Quang đã làm Kiều sốc mà đến bây giờ nhiều lúc cô vẫn bàng hoàng không tin người đàn ông đầu gối tay kề với mình lại có thể hành động như vậy. Niềm tin đổ vỡ và dường như tình yêu của cô cũng không đủ lớn, không đủ bao dung để tha thứ, để chấp nhận và chờ ngày Quang được trở về. Quang cảm nhận được điều đó. Dù anh rất yêu vợ, và đến bây giờ nói về vợ anh vẫn dành trọn tình yêu của mình. Quang chủ động viết đơn ly hôn để giải phóng cho cuộc đời Kiều.

Lá đơn như một vết dao cứa vào vết thương lòng của anh, bởi hơn ai hết, trong lúc này anh cần một chỗ dựa, một niềm tin cho mình được bấu víu. Có lẽ vợ anh cũng không đủ sâu sắc để hiểu được điều đó, mà chị cũng hành xử theo cái lẽ "nữ nhi thường tình" nhất, thế mới biết, cuộc đời lắm khi thật nghiệt ngã. Nói đến điều này, Quang buồn lắm. Nỗi buồn đó không có gì cứu vãn được, bởi trong tận sâu trái tim anh vẫn dành trọn tình yêu cho vợ và tôi tin, khi đưa lá đơn ly hôn cho Kiều, một góc nào đó trong tâm hồn Quang vẫn hy vọng, tình yêu của Kiều sẽ lớn hơn, giúp chị từ chối ký vào đơn ly hôn, để chờ đến ngày anh trở về. Điều đó, cần cho anh biết bao nhiêu.

Bây giờ Kiều đang mở một quán may nhỏ ở gần nhà bố mẹ Quang, chị cũng sống ngoài này để tiện việc chăm sóc con. Tôi chợt có một ý nghĩ, giá như tình yêu của Kiều lớn hơn, thì chắc hẳn con đường về của Quang sẽ ngắn lại rất nhiều, bởi tâm hồn anh sẽ được sưởi ấm bởi phép nhiệm mầu của tình yêu. Không biết Kiều và nhiều người vợ cùng cảnh ngộ, có hiểu được rằng, phía sau cánh cửa sắt lạnh lùng kia, những người đàn ông như Quang vẫn nuôi ước mơ cháy lòng về một mái ấm gia đình, bởi đó là chỗ dựa tinh thần duy nhất cứu rỗi tâm hồn tội lỗi của họ, giúp ngày về với họ ngắn hơn...

Hà Việt - Hiền Anh
.
.
.