Cảnh sát chống ma tuý phải... "sạch"

Thứ Năm, 10/06/2010, 14:53
Rất thẳng thắn và quyết liệt, như tính cách đặc trưng của những người lính chuyên đấu tranh với các ông trùm ma túy cộm cán, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vừa ký lệnh bắt các đối tượng tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy tổng hợp rất lớn mà các anh đang làm, vừa tiếp chuyện chúng tôi...

Sự rảnh rỗi là điều quá xa xỉ đối với người chỉ huy trực tiếp ở đơn vị chiến đấu nóng bậc nhất của lực lượng Công an này. Ông trả lời nhanh, và thú vị. Dường như luôn thường trực những suy nghĩ sâu thẳm đằng sau những nhiệm vụ tưởng "bất khả thi" mà ông đã làm, ví như việc ký lệnh bắt những người từng một thời là đồng đội. Đau đớn và xót xa. Ông nói rằng, làm lính ma túy, trước hết phải "sạch", bởi lằn ranh cám dỗ đôi khi chỉ là một bước chân. Bước thêm một bước, anh đã ở bên kia chiến tuyến, đã trở thành kẻ thù của chính đồng đội mình. Đầu cuộc trò chuyện, ông chia sẻ:

- Tình hình tội phạm ma túy chưa khi nào thôi phức tạp. Hằng năm, lực lượng phòng chống ma túy cả nước bắt giữ khoảng 12.000 vụ (tương đương với khoảng 20.000 đối tượng). Đấu tranh với loại tội phạm này là vô cùng nguy hiểm vì nó quyết tâm chống đối đến cùng, sử dụng vũ khí nóng, vũ khí hiện đại như vụ việc xảy ra ở Hang Kia - Pà Cò làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh. Mới đây nhất, ngày 21/5, ở Tân Thanh, Lạng Sơn, một đồng chí bộ đội Biên phòng hy sinh  khi đấu tranh với tội phạm này. Bên cạnh đó, tình hình buôn bán ma túy tổng hợp, nhất là các ma túy dạng mới ngày càng phát triển, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất khó khăn trong công tác đấu tranh của ta.

- Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy thường được ví như những… người hùng ẩn mặt, vì đặc thù công việc. Đó là sự khác biệt so với những lực lượng Cảnh sát chiến đấu trực tiếp khác, thưa ông?

- Lính ma tuý nói chung cũng là những con người cụ thể, được đào tạo giống các lực lượng khác ở giai đoạn ban đầu. Nhưng đặc thù ở mặt trận chiến đấu: nguy hiểm hơn, khó khăn, gian khổ hơn nên họ cũng phải bản lĩnh hơn và sáng tạo hơn. Một vấn đề đáng tự hào là cho đến thời điểm hiện nay, qua 13 năm tính từ ngày ra mắt lực lượng đấu tranh với tội phạm ma túy, thì tỉ lệ sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng này so với các lực lượng khác là không đáng kể. Nói thế nghĩa là, lính ma túy phải có bản lĩnh nghề nghiệp, lập trường vững vàng và kiên trung, biết hành động và sẵn sàng hy sinh vì sự yên bình của nhân dân.

- Vâng, chúng ta có thể nói gọn lại: rất kiên trung và rất… “sạch”?

- Đúng, đúng! Cho đến thời điểm hiện nay, nhất là đối với cơ quan Cục CSĐT tội phạm về ma túy, thì lính ma túy vẫn được coi là "sạch".

- Nhưng hình như đội ngũ đánh án ma túy lúc nào cũng thiếu và cán bộ thì hay xin chuyển bộ phận công tác?

 - Lúc nào và ở đâu cũng vậy, ở những mặt trận quyết liệt thế này thì không phải ai cũng dám xung phong. Tâm lý muốn tìm một việc nhàn và an toàn hơn là có thật. Nhưng nó lại là cuộc sàng lọc tự nhiên, dẫu có phần nghiệt ngã: Những người trụ lại là những chiến sỹ bản lĩnh nhất!

- Làm lãnh đạo, tôi nghĩ nỗi đau khi phải đi khâm liệm đồng đội hy sinh là rất lớn. Nhưng sẽ còn đắng chát hơn, khi chúng ta phải ký vào lệnh bắt những người từng là đồng đội của mình. Mà ở một lực lượng có quá nhiều cám dỗ như CSĐT tội phạm về ma túy thì điều này đã xảy ra, với chính ông. Nhiệm vụ này có là "bất khả thi"?

- Tôi từng được gọi là khắc tinh trong các vụ bắt giam CBCS Công an có sai phạm liên quan đến ma túy. Nhưng tôi không cho rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi. Buồn thì có, đắng lòng cũng có. Vì hầu như khi làm các chuyên án ma túy lớn, tôi đều phải đặt bút ký lệnh bắt một số người từng ở cùng chiến tuyến với mình. Từ vụ Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Đức Lượng, vụ phá xóm ma túy Thanh Nhàn đến bắt giữ trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy, đều có những người từng là đồng đội với mình tham gia. Nhưng tôi tự hào vì trong số các đối tượng biến chất này thì những người đứng ở hàng ngũ trực tiếp chiến đấu với tội phạm ma túy rất ít.

- Trong vụ Nguyễn Văn Đua lừa đảo chạy án và buôn bán ma túy, nạn nhân bị lừa đảo đã viết đơn tố giác Đua, trong đó có nói đến việc Đua kể rằng đã móc nối chạy án với một số cán bộ của Cục. Hay trong vụ Bùi Thị Nga, Nguyễn Văn Biển cũng vậy, có lời khai tố giác đường dây chạy án liên quan đến một số cán bộ trinh sát, điều tra của ông. Ông phản ứng thế nào trước thông tin này?

- Khi nhận đơn thư tố giác, bao giờ tôi cũng cho anh em xác minh làm rõ từng vấn đề một, nhưng tôi luôn có niềm tin vào những cộng sự trực tiếp làm việc với mình. Bởi tôi và họ đều hiểu rằng, cái giá phải trả cho việc câu kết với tội phạm ma túy là rất đắt, là đánh cược sinh mạng chính trị, cuộc sống hạnh phúc gia đình, không nên vì những đồng tiền bẩn mà đánh đổi sự trong sạch như thế. Lãnh đạo mà không tin anh em thì không bao giờ chỉ đạo được công việc. Và cuối cùng, kết quả xác minh ở cả hai vụ án trên cho thấy, các cán bộ của chúng tôi hoàn toàn trong sạch, tất cả đều do các đối tượng lợi dụng danh nghĩa để lừa tiền chạy án mà thôi.

- Nhưng thực tế vẫn xảy ra, có thể không phải là ở cơ quan Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, nhưng ở một đơn vị Công an nào đó, hiện tượng đó không phải không có. Thưa ông, có cách nào để giải quyết triệt để những tiêu cực này?

- Để đảm bảo chắc chắn không bao giờ có việc này thì tôi nghĩ rằng không ai dám nói trước. Nhưng với cương vị lãnh đạo chỉ huy, tôi nghĩ, giáo dục chính trị và lối sống cho anh em là quan trọng, giữ gìn bản thân, nghe có vẻ hơi cứng nhắc và cũ kỹ, nhưng vẫn luôn nóng và luôn đúng. Làm lãnh đạo không phải là ngồi trên rồi chỉ tay năm ngón, mà phải gần gũi anh em, từ công việc đến cuộc sống đời thường, để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em, kịp thời phát hiện ra cán bộ, chiến sĩ của mình có biểu hiện chưa chuẩn mực mà uốn nắn.

- Tôi nghĩ, đó chính là mấu chốt để lính ma túy được tiếng là thương nhau như anh em ruột…

- Các bạn có vẻ rất hiểu lính ma túy! Đúng! Lính ma túy chỉ có đồng lương, chế độ ưu đãi so với mặt bằng chung cũng chỉ bình thường nhưng rất giàu tình cảm. Họ có sự hỗ trợ rất chặt chẽ trong chuyên môn. Và họ dễ đến với nhau vì cùng cảnh ngộ, dễ đồng cảm. 

- Tôi cũng luôn nghĩ rằng, do tính chất của cuộc chiến khốc liệt, có thể hôm nay tôi và anh cùng chiến đấu bên nhau nhưng rất có thể ngày mai sẽ chỉ còn một người, vì lý do đó mà người lính ma túy yêu thương nhau hơn chăng?

- Thậm chí yêu thương như anh em ruột. Vì cuộc chiến này khó khăn quá, vất vả quá, nguy hiểm quá. --PageBreak--

- Chúng ta đã lên án những chiến sỹ bị tha hóa. Nhưng đi vào gốc rễ thì hầu như họ vì cuộc sống khó khăn mà khó thắng khỏi cám dỗ của đồng tiền. Với góc độ con người, đặt công việc sang một bên, ông có sự cảm thông với họ?

- Nói không thông cảm thì không đúng. Tôi cũng là con người, là máu thịt cả thôi. Ai cũng muốn có cuộc sống tốt cho vợ con, đàn ông mà. Và tội phạm ma túy thì quá hiểu điều ấy. Chúng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua chuộc. Thế nên tôi lại nói lại, bản lĩnh là chuyện đầu tiên mà chúng ta không bao giờ được quên.

- Tôi nhớ, ông trùm xã hội đen Năm Cam khi xưa có câu mà giới tội phạm rất mê, đó là cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền. Quả là trước món tiền lớn, như vụ tội phạm ma túy Nguyễn Văn Tám bỏ tiền tỷ hòng mua chuộc cán bộ của ông, thì cũng có không ít người băn khoăn. Ông có lo hiện tượng này nếu phổ biến  sẽ làm hỏng CBCS của mình?

- Tôi luôn có niềm tin vào CBCS của mình. Riêng tội phạm ma tuý có đặc thù là trước sau cũng bị phát hiện. Đã liên quan đến ma tuý, dù chỉ một lần rồi dừng lại cũng không thể xoá được tội lỗi của mình. Bởi anh dừng lại, nhưng đường dây vẫn tồn tại. Kể cả các đối tượng đã bị phát hiện, trốn truy nã nhưng vẫn hoạt động, thậm chí hoạt động điên cuồng hơn. Sớm hay muộn chúng cũng bị bắt, chúng sẽ khai lại tất cả những ai từng liên quan đến hoạt động phạm tội ma tuý trong đường dây. Vì vậy, lính ma túy luôn hiểu rõ rằng đã dính vào là kiểu gì cũng có ngày bị phát hiện. Cán bộ chiến sĩ của tôi tự nhận thức được điều đó rất rõ và cũng hiểu rằng, nếu liên quan đến tội phạm ma tuý, khi bị phát hiện sẽ phải đánh đổi bằng mạng sống, sinh mạng chính trị và cả danh dự gia đình. Điều đó là quá đắt, đúng không?

- Vâng, có những bản án không chỉ trả bằng hình phạt, mà nỗi đau còn dai dẳng lên danh dự và lương tâm của những người thân tội phạm nữa. Bản thân Cục trưởng đã bao giờ bị đe dọa hoặc nhận được lời đề nghị "hợp tác" đôi bên cùng có lợi chưa?

- Tôi đã từng bị đe dọa, trực tiếp qua điện thoại hoặc đối tượng bắn tin qua người nọ người kia. Cũng có kẻ nhờ vả qua mối quan hệ này khác để tiếp cận và đánh tiếng "sẽ biết ơn" nếu giúp đỡ họ thoát án. Đương nhiên mình hiểu "sẽ biết ơn" là như thế nào.

- Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, nhưng để hạn chế thấp nhất những… tai nạn và mất mát, có lẽ cần một quyết định nhanh và chính xác của những người trực tiếp chiến đấu với tội phạm ma túy, nói lại một chút vụ Hang Kia - Pà Cò, ông có đồng ý với chúng tôi quan điểm này không?

- Nguyên tắc hàng đầu của chúng tôi là bảo toàn tính mạng, thậm chí có trường hợp chúng ta tạm thời rút để bảo toàn lực lượng trước và sẽ bắt đối tượng sau, có những vụ phải chịu hy sinh để tấn công đến cùng, mỗi vụ có một tính chất khác nhau, nhưng chắc chắn sau mỗi vụ sẽ rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc.

- Có điều này tôi muốn hỏi ông từ rất lâu, tội phạm ma túy là nữ có khá nhiều "mỹ nhân". Hỏi cung mỹ nhân chắc khó hơn… người thường, thưa ông?

- Mỹ nhân đến đâu cũng vẫn là hai trận tuyến. Ngày xưa, tôi đã từng hỏi cung đối tượng Nguyễn Thị Hoa trong vụ Vũ Xuân Trường hay đối tượng Ngô Thị Dung trong vụ Nguyễn Văn Tám. Họ đều là những phụ nữ đẹp, cũng có nhiều người thắc mắc, liệu cán bộ điều tra có mủi lòng trước các người đẹp này không, và đó cũng chính là một thử thách mà cán bộ điều tra phải vượt qua. Vì suy cho cùng, ai cũng là con người, nếu anh không chế ngự được cảm xúc thì rất dễ sa ngã.

- Và đứng trước mỹ nhân thì anh hùng bản lĩnh nhất cũng rất dễ… rơi vào bẫy? Lằn ranh quả là quá mong manh?

- Đúng thế. Nói tới ranh giới, tôi lại kể các bạn nghe một câu chuyện về đối tượng Phạm Ngọc Định, hiện đang cải tạo ở Trại giam Nam Hà. Anh ta bị bắt trong vụ Nguyễn Văn Tám. Định không sử dụng ma túy, đặc biệt ghét hút sách vậy mà lại trở thành kẻ chuyên cung cấp ma túy chỉ bởi lợi nhuận quá lớn của nó đem lại, vì vậy, ranh giới giữa lương thiện và tội phạm là rất mong manh nếu anh không vượt qua được. Nhiều người nhận ra điều này khi sắp ra pháp trường. Có người trên đường ra pháp trường trả án vẫn cảm ơn tôi, họ nói rằng "sai phạm của tôi là không thể sám hối, nhưng nhờ bác mà tôi hiểu được chỉ có một chân lý duy nhất nếu muốn sống lương thiện ở đời".

- Cảm ơn Đại tá!

Thu Hoà - Đinh Hiền (thực hiện)
.
.
.