Cao bồi miền… nhiệt đới

Chủ Nhật, 14/11/2010, 14:46
Gã đậm người, râu ria xồm xoàm, tóc búi cao… Vận sơ mi màu huyết dụ sờn vai, quần kaki vải loại sáu túi, bạc phếch. Thêm đôi giày kiểu hầm hố, đen bạc mốc. Ngồi với nhau ở quán Cowboy, quán cà phê có phong cách của miền… viễn Tây Hoa Kỳ ở số 20 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, bỗng thấy gã sao giống chàng cao bồi ở miền nhiệt đới quá.

Mà cái xứ của mình, lấy đâu ra ngựa cao to, súng ổ quay sáu viên và giày cổ cao có kèm  vòng quay thiếc… Thế nên, gã chỉ có thể là Phú Thảo - người cắt bóng nhanh nhất Việt Nam mà thôi. Kỷ lục được xác lập của gã là cắt bóng cho 10 người với thời gian 4 phút 27 giây.

1. Phú Thảo nói với tôi, năm nay mình 38 tuổi mà lang bạt kỳ hồ, một người một…kéo đã hơn 20 năm trời. Đi riết cũng mỏi chân, lại quay về gia đình, nhờ bố anh - nhà văn Mặc Tuyền mở cho cái công ty chuyên về truyền thông mang nghệ danh của anh để giữ cái ghế… Phó giám đốc. Gã Phó giám đốc mang dáng dấp của dân nghệ sĩ hè phố đầu tiên mà tôi gặp.

Cái hồi xa lắc, Phú Thảo cũng được gia đình cho đi học đàng hoàng. Cũng có kẻ đón người đưa, cũng được tạo mọi điều kiện, nhưng anh kiên quyết… học vừa đủ để rong chơi. Chịu hết xiết, gia đình cho anh theo học đủ nghề khác, từ thợ bạc cho đến sửa xe. Cũng chẳng đâu ra đâu, bèn gửi anh vào Thảo Cầm Viên, theo nghề cắt bóng từ một người bạn của bố anh.

Phú Thảo biểu diễn cắt bóng.

Thời máy chụp ảnh chưa phổ biến, những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cắt bóng rất thịnh hành. Chỉ một xấp giấy thủ công học trò, một cái kéo, óc quan sát, tư duy tưởng tượng tốt và một đôi tay khéo léo là có thể dọc ngang ở đất Sài thành này.

Phú Thảo thọ giáo thầy khoảng 2 tuần thì thành nghề. Thầy dắt anh rong ruổi từ Tây Ninh dạt về An Giang, hễ có hội chợ, cúng bái… bất cứ nơi nào tập trung đông người là có mặt thầy trò Phú Thảo. Đi riết rồi ghiền, Phú Thảo tạ sư phụ để thỏa mãn cái thú đi đây đó của mình. Thảo nói với tôi là, thầy cho mình đi loanh quanh ít lâu, rồi lại dắt về Thảo Cầm Viên. Vì nơi đó khách đông, dễ sống. Còn mình, mình không thích ngồi một chỗ nhiều, mình ghiền đi.

Gã lang thang ở các bến xe, đình chợ theo nghề cắt bóng. Nhưng, ngay khi bước ra đường lần đầu tiên, anh đụng phải cái bóng quá lớn của một siêu cắt bóng thuở ấy. Khách chê Thảo cắt chậm, cắt không đẹp.. Ế khách đồng nghĩa với đói, Phú Thảo về nhà trọ, quyết định đóng cửa luyện thêm nghề. Sao cho cắt một khuôn hình với những góc cạnh giống nhân vật y như thật và thời gian cho một khách hàng cắt bóng chỉ kéo dài từ 30 giây đến 1 phút thì mới tiếp tục bôn tẩu giang hồ. Và gã đã thành công.

Lần rong chơi này, có cái nghề đã hoàn thiện trong tay, Phú Thảo đi rất ác. Gã đi hết tỉnh này tới tỉnh kia, hết khu vui chơi này đến hội chợ nọ. Còn tiền thì đi xe ôm, hết tiền thì đi bộ. Chủ nhà trọ đứng kế bên réo tiền thuê nhà, thì chìa đại cái chứng minh nhân dân "Cô giữ đi, mấy hôm có tiền cháu chuộc lại". Cứ thế, cuộc chơi kéo dài đến mức mà mỗi lần trở về nhà, mẹ gã cứ ôm gã khóc ngất và cương quyết không cho gã đi bất cứ nơi đâu. Bởi đơn giản, gã là đứa con thừa tự trong gia đình.

Hạt gạo đầy chữ trên card visit của Phú Thảo.

Người nhà giám sát gã, bắt gã đi học cái này cái kia… Gã ậm ừ rồi tìm cách bỏ trốn đi… bụi tiếp. Mà thủơ ấy, điện thoại di động bói không ra được một cái. Thế nên, gã về thì mẹ khóc. Gã đi là nhà biết biệt tăm.

Sẽ chỉ có một Phú Thảo dáng người hầm hố, đi nơi này nơi kia nếu như không có lần gã ngẫu nhiên đọc một tờ báo. Trong tờ báo ấy có bài viết về người cắt bóng nhanh nhất Việt Nam, được xưng là vua cắt bóng, thời gian để cắt xong một người của vị nghệ nhân này là 23 giây.

"23 giây thì mình làm được chứ. Nhưng, mà người ta 68 tuổi rồi. Còn mình thì thanh niên phơi phới. Giờ đi lọ tại với người ta thì hóa ra mình… cậy ít tuổi ăn hiếp người già à. Nên thôi, mình sẽ nghĩ ra trò khác để làm. Ra giang hồ mà bị những cái bóng khác cùng nghề đè thì khó chịu lắm", gã bảo với tôi vậy.

2. Lại về nhà trọ, đóng cửa để luyện trò nhắm mắt cắt bóng. Trong thủ thuật cắt bóng, cần nhất sự tập trung cao độ sao cho đường kéo không được lệch đi dẫu chỉ 1mm, vì lệch khuôn hình sẽ bị phá nát hoàn toàn về bố cục. Thế nên, để mở mắt cắt bóng tốt đã khó, nhắm mắt lại còn khó hơn.

Gã tập nhiều lần, thất bại, chán nản rồi lại tập. Được cái, tính gã ngoan cố nên dần dần, từ những hình cắt cơ bản, hình tròn.. gã tập trong lúc nhắm mắt đã được gã hoàn thiện đúng chuẩn. Gã chuyển sang tập cắt bóng bằng trí tưởng tượng. Gã nói, hình như nhắm mắt hoài nên mình có giác quan thứ 6. Nhắm mắt hay mở mắt gì gã cắt bóng cũng như nhau. Ngày trước còn tập trung để cắt, giờ gã có thể hát, trò chuyện trong khi đôi tay vẫn cắt bóng và khuôn hình vẫn giống người thật như khuôn, xét về góc cạnh. Mà cắt bóng cho dân Tây cắt dễ hơn, vì mỗi người có một đặc điểm riêng rất khác biệt. Còn dân Đông Á mình, người nào cũng hao hao giống nhau, nên rất khó.

Thành công tuyệt kỹ nhắm mắt cắt bóng, thời Chuyện lạ Việt Nam còn đình đám trên sóng truyền hình của VTV, người ta đã tìm đến gã. Ban đầu, là tìm theo kiểu hú họa vì người ta cũng chẳng tin vào biệt tài của gã. Đến khi tìm được, người ta cảm thấy thích thú, vậy là gặp hôm trước, hôm sau quay luôn… Gã nổi như cồn ở Sài thành sau khi tuyệt kỹ cắt bóng của gã được trình chiếu.--PageBreak--

Xong trò này, gã bày ra trò xé bóng bằng tay. So với cắt bóng, xé bóng bằng tay đòi hỏi kỹ thuật hơn. Nhưng, có người thích cắt bóng bằng kéo cho tròn vành, có người thích xé bóng bằng tay cho riêng biệt. Gã đều có thể đáp ứng đầy đủ.

Mà tính gã cũng giang hồ. Giá mỗi lần cắt bóng của gã không bao giờ cao hơn giá chụp một tấm ảnh. Lắm khi, say lên hứng chí là gã cắt bóng, gã xé bóng. Thích ai đó, gã làm nhanh tặng liền. Hoặc, một lần cắt bóng đổi cho gã 1 ly trà đá hoặc một đĩa cơm bụi thì cũng… vui lòng. Vì với gã, cắt bóng là một trò chơi. Mà đã chơi, thì phải chơi sao cho sảng khoái, đừng để tiền bạc đè nặng thú vui của đời mình.

Thời còn rong ruổi tỉnh này tỉnh kia, có những nơi nghèo khó, nghề của gã sống không được, gã lại cười lớn cởi áo đi làm… phụ hồ để kiếm cơm. Tiền bạc đối với gã rất đơn giản.

Dạo này, gã thích đi với các đoàn từ thiện. Cắt bóng cho khách rồi để thùng tiền hảo tâm ở đó, ai muốn cho bao nhiêu thì cho. Sau buổi diễn, kiểm được bao nhiêu tiền thì ủng hộ hết cho người nghèo. Còn gã, sẽ lại tìm góc vắng nào đó, ngồi uống rượu tán chuyện ba lăng nhăng với bạn bè. Mà hình như, dạo này gã còn quay sang cả nghề viết báo.

Gã sống chủ yếu ở Long An, lâu lâu lạc lên Sài thành ở vài hôm rồi dông về miệt dưới làm Phó giám đốc tiếp. Đi riết thành quen, gã luôn có vài bộ đồ, ít vật dụng cá nhân trong ba lô để dễ dàng… ngủ bụi ở đâu đó. Nghề cắt bóng của gã, đã lụi tàn từ lâu, từ khi máy chụp hình kỹ thuật số gia đình trở nên thông dụng và ĐTDĐ có chức năng chụp ảnh phổ biến như… con nít thường khoái cà rem. Thế nên, nếu chẳng coi đây là trò vui, thì gã cũng đâu biết làm cách nào khác.

Vẫn chưa đủ, gã còn một kỹ năng khác. Viết trên hạt gạo.

3. Hôm rồi tổ chức Lễ hội Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, gã định ra ngoài đó chơi. Sẵn trưng bày hàng đống hạt gạo có viết chữ "Nghìn năm Thăng Long Hà Nội" trên đó cho vui. Nhưng do bận chuyện, lại không có tiền, nên gã ngóng tin ở phương Nam. Gã cứ tiếc mãi chuyện đó. Giờ gã cẩn hạt gạo viết chi chít chữ trên cái card của mình, ai thân thân thì tặng cho một cái như để chứng minh là "Tui không có nói xạo vụ viết trên hạt gạo, nha".

Tôi hỏi gã anh dùng bút gì vẽ được đến 27 ký tự trên bề mặt hạt gạo, gã cười cười trả lời rằng thì dùng bút lông chấm mực tàu. Gã khoe bút lông Tàu hay lắm, vuốt cho nó mỏng cỡ nào cũng được, viết lên đâu cũng tốt. Dĩ nhiên, cần phải có sự tập luyện.

Gã viết chữ trên đồ vật nhỏ là bởi trong lúc ngà ngà say, bạn gã bảo gã "Mày xé bóng thì lo xé bóng, cắt bóng thì lo cắt bóng. Biết cái quái gì mà đòi chơi trò thư thư pháp pháp", khi gã dại mồm bảo mình sẽ chơi thư pháp cho vui. Nghe bạn nói vậy, máu nổi lên, gã bảo: "Tao sẽ nổi tiếng từ thư pháp".

Mà muốn nổi tiếng, thì phải lạ. Muốn lạ, phải khổ luyện. Gã coi ti vi thấy bên Trung Quốc, người ta làm gì cũng làm trên vật nhỏ để được chú ý. Mà vật nhỏ thân thuộc chính là hạt gạo, kiểu "hạt gạo làng ta", có thêm chút tự ái của dân cư đất nước nông nghiệp. Vậy là gã tập viết trên hạt gạo.

Việc đó cực khó, vì những thớ gạo có độ hút mực riêng, bề mặt lại tròn, trơn… khó ăn mực. Gã lần mò mãi mới biết được cách pha chế mực thích hợp. Có được mực, lại khó thêm chuyện, viết trên vật quá nhỏ thì tay sẽ run, tim sẽ đập mạnh, mắt sẽ mỏi do tập trung. Phải rất lâu, gã mới có thể khắc phục các yếu tố này. Trước đó, gã từng thành công khi viết 14 điều Phật dạy với 157 chữ trên bề mặt viên đá nhỏ khoảng nửa bao thuốc lá.

Phú Thảo bịt mắt và biểu diễn cắt bóng.

Nghề cắt bóng của gã đôi khi cũng hay xảy ra tai nạn. Số là, cắt bóng phải tập trung nhìn vào các góc cạnh nổi bật của một người nào đó, nhìn riết quen dần, đi đâu gặp ai gã cũng nhìn rất… đắm đuối. Nhìn dân giang hồ, bị cự hoài. Nhìn phụ nữ đẹp, cũng bị nhiếc móc là đồ bất lịch sự. Nhìn lung tung nhiều người cũng… không thích. Mà khổ, gã đâu có háo sắc đến mức đó, chẳng qua là do thói quen nghề nghiệp thôi.

Tôi nghe gã kể vậy, tin vậy. Vì cái cách gã nhìn chằm chằm vào người nói chuyện khiến mình cũng ngài ngại. Mà biết đâu, anh Phú Thảo ạ, vì nghe giang hồ đồn rằng nghệ sĩ lang thang thường hay đổi số điện thoại. Ác thế, người ta lại bảo rằng đổi số điện thoại để… trốn gái. Vì nghệ sĩ có gì đâu mà bày đặt đổi số này nọ làm gì.

Cũng mong là cái chuyện đổi số điện thoại và chuyện nhìn chằm chằm phụ nữ xinh đẹp có thể là khác nhau(!). Tôi hỏi, để số điện thoại của gã trên báo được không? Gã bảo, được chứ. Vui thôi mà. Số điện thoại của gã là 0918.631.533.

Hy vọng sau bài báo này, gã sẽ không phải đổi số điện thoại nữa. Gã cũng bảo rằng, gã sẽ truyền nghề cắt bóng lại cho những ai muốn học vào hai ngày cuối tuần ngay tại quán cà phê Cowboy mà gã thích ngồi. Bạn đọc muốn thọ giáo nghề này, cứ nhấc máy gọi cho gã đừng ngại gì cả, vì gã cũng đang muốn có người  học

Phan Gia
.
.
.