Chi phí của tình báo Mỹ chiếm 2/3 tổng kinh phí của tình báo thế giới

Thứ Sáu, 30/07/2010, 16:08
Trong bài viết hôm 16/7, ông Bernd Debusmann phóng viên hãng Reuters cho biết, tuy dân số Mỹ chỉ chiếm 5%, nhưng nắm giữ 23% tổng giá trị toàn cầu và chi phí cho hoạt động tình báo chiếm tới 2/3 tổng kinh phí của tất cả giới tình báo thế giới được cấp kinh phí.

Số liệu kể trên được ông Bernd Debusmann lấy từ cựu Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) Dennis Blair, người đã từ chức hôm 21/5 và chính thức rời nhiệm sở hôm 28/5. Theo đó, trong tài khoá năm 2009-2010, chính phủ Mỹ đã chi cho các cơ quan tình báo 75 tỷ USD, chiếm khoảng 2/3 so với con số 106 tỷ USD mà các cơ quan tình báo trên thế giới có được. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Robet Gates, người từng là Giám đốc CIA được giới chuyên môn quan tâm bởi ông khẳng định, sự cồng kềnh của hệ thống tình báo Mỹ (16 cơ quan) không phải không quản lý được, nhưng khó có được thông tin chuẩn xác.

Tại cuộc điều trần hôm 20/1/2010, lãnh đạo các cơ quan Mỹ đã nhận trách nhiệm về việc không ngăn chặn vụ đánh bom bất thành trong dịp lễ Giáng sinh năm 2009. Giám đốc Tình báo quốc gia Denis Blair và Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Michael Leiter đã nhận khuyết điểm tại cuộc chất vấn của ủy ban về an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ. Tuy là Giám đốc thứ ba của DNI, nhưng ông Dennis Blair là người duy nhất được giới chuyên môn gọi với biệt danh "Sa hoàng tình báo Mỹ". Nhưng trong đơn xin từ chức, ông Dennis Blair cho biết, quyết định ra đi vì không còn đủ năng lực đảm nhiệm chức trách được giao.

Điều đáng nói là bài viết của ông Bernd Debusmann xuất hiện trước thời điểm tờ Washington Post cho công bố một số bí mật xung quanh lĩnh vực này. Sau 2 năm điều tra, Washington Post thông báo một tin khiến dư luận sửng sốt bởi có khoảng  2.000 công ty tư nhân và 1.270 cơ quan của chính phủ Mỹ đã tham gia vào công tác chống khủng bố tại 10.000 địa điểm khác nhau. Theo đó, có hơn 250 cơ quan an ninh được lập hoặc tái cơ cấu kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 và khoảng 854.000 công dân Mỹ được phép tiếp cận với các thông tin bí mật. Để những đơn vị kể trên hoạt động, hàng tỷ USD đã được rót theo dạng ký hợp đồng và các cơ quan tình báo Mỹ đứng sau vấn đề này. Điều này dẫn tới sự trùng lặp cao, lãng phí lớn, cùng một bộ máy cồng kềnh, khó kiểm soát.

Ông James Clapper và Tổng thống Barack Obama tại lễ nhậm chức Giám đốc tình báo quốc gia.

Tờ The New York Times cho biết, Mỹ đã thuê nhiều nhân viên của các hãng an ninh tư nhân ở AfghanistanPakistan để theo dõi những người bị nghi là phần tử khủng bố. Những người này trở thành điệp viên hoạt động cho CIA và các lực lượng đặc biệt khác của Mỹ. Theo luật pháp Mỹ, việc sử dụng nhân viên hợp đồng tư nhân hoạt động gián điệp bị coi là bất hợp pháp. Nếu không có sự cố xảy ra - người của Al-Qaeda được mời đến thăm một căn cứ của CIA ở Afghanistan và hắn đã giết chết 7 nhân viên tình báo Mỹ sau khi kích hoạt quả bom đeo trên người (30/12/2009), thì dư luận không quan tâm tới thông tin trên tờ The New York Times. Sát thủ kể trên từng được tuyển làm điệp viên cho CIA. Sau đó (3/5/2010), căn cứ của cơ quan tình báo Mỹ ở tỉnh Khost, miền Đông Afghanistan cũng bị đánh bom khiến 1 dân thường và 2 nhân viên an ninh thiệt mạng.

Trưởng trung tâm tình báo quân đội NATO và Mỹ ở Afghanistan, Tướng Michael T. Flynn đã thẳng thắn nhìn vào những thất bại trong công tác tình báo Mỹ ở Afghanistan. Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố, cuộc chiến chống khủng bố và Al-Qaeda có nguy cơ thất bại nếu không chỉnh đốn hệ thống tình báo, nhất là CIA.

Theo giới chuyên môn, việc chỉ định tướng về hưu James Clapper (năm 2005), thay thế ông Dennis Blair làm Giám đốc Tình báo quốc gia cho thấy, Tổng thống Barack Obama đang muốn cải tổ hệ thống tình báo theo cách của mình. Tại lễ nhậm chức của ông James Clapper (6/6/2010), Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh, Giám đốc tình báo quốc gia chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của 16 cơ quan tình báo để đảm bảo an ninh quốc gia. Việc bổ nhiệm ông James Clapper cho thấy, Tổng thống Barack Obama muốn tăng cường các hoạt động tình báo quân sự nhằm giải quyết sớm những vấn đề gai góc ở chiến trường IraqAfghanistan.

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Tình báo quốc gia, ông James Clapper là Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo, từng có thâm niên 47 năm làm việc về công tác tình báo và quốc phòng. Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton (1992 - 1995), ông James Clapper là Giám đốc Cơ quan An ninh tình báo quốc phòng. Sau đó (2001 - 2006) làm Giám đốc Cơ quan Tình báo địa không gian quốc gia

Trang Cường (tổng hợp)
.
.
.