Chiếc ghế “biết nói” và 40 giờ phá án

Thứ Hai, 30/08/2010, 17:00
Vụ án xác chết không đầu tại chung cư G4 Trung Yên, Hà Nội đã kết thúc bằng phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/7. Đây là vụ án cùng lúc giữ 2 "kỷ lục": man rợ nhất và khám phá nhanh nhất trong số các vụ trọng án đã xảy ra thời gian gần đây tại Hà Nội. Bài viết dưới đây sẽ đem tới cho bạn đọc những hình dung về cuộc điều tra phá án nhanh kỷ lục này của các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội.

1. Trưa 17/5, tại chung cư G4 Trung Yên, Hà Nội. Một nhân viên kỹ thuật hốt hoảng chạy từ tầng thượng của toà nhà xuống Ban quản lý chung cư, mặt tái nhợt. Trong sự sợ hãi tột độ, lắp bắp mãi nhân viên này mới nói được nên lời. Trong khu kỹ thuật trên tầng thượng của toà nhà G4, anh ta đã nhìn thấy một xác chết là nữ giới, không áo, không quần và khủng khiếp hơn là không có cả đầu và ngón tay.

Mọi chuyện thực ra bắt đầu từ trước đó vào ngày khi những người dân sống trong toà nhà bỗng ngửi thấy mùi lạ bao trùm khắp toà nhà. Mùi đó vừa hôi vừa thối y như mùi chuột chết và lạ lùng là càng lên tầng cao thì mùi càng nặng. Ban quản lý thấy chuyện lạ đã yêu cầu nhân viên đi kiểm tra khắp nơi, đặc biệt là các xó xỉnh xem có xác súc vật chết hay không mà mùi hôi thối đến vậy. Anh nhân viên nói trên cũng là một trong những người được phân công đi làm việc này và khi trèo lên tầng thượng để kiểm tra thì té ngửa vì nhìn thấy một xác chết.

Ngay sau đó, Ban quản lý chung cư đã gọi điện thoại báo tin cho Công an phường Trung Hoà. Nguồn tin tiếp tục được báo lên Công an TP Hà Nội. Và, chỉ chưa đầy nửa tiếng sau thì tất cả lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP, Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hoà đã có mặt. Đại tá Nguyễn Đức Chung (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Thượng tá Nguyễn Văn Quyền (Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự ), Thượng tá Đào Thanh Hải (Phó trưởng Phòng, phụ trách Đội Điều tra trọng án), Trung tá Trần Ngọc Hà (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án), rồi Đội trưởng Đội Pháp y… tất cả đều có mặt đông đủ ở hiện trường và trực tiếp quan sát, xem xét trong mùi hôi thối nồng nặc và dưới cái nắng hầm hập trên tầng thượng. Dù lúc này, chưa biết thi thể đó là của ai, vì sao lại bị chết, nhưng nhìn tử thi thảm thương như vậy, tất cả họ, không ai có thể cầm lòng được…

Trao thưởng cho đại diện các tập thể và cá nhân tham gia điều tra vụ án chung cư G4.

2. Các công tác khám nghiệm hiện trường được thực hiện ngay sau đó do các bác sỹ pháp y, các giám định viên thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự tiến hành với mục đích nhằm xác định danh tính nạn nhân và thu thập các dấu vết. Toàn bộ khu vực phía bên ngoài các căn hộ như chiếu nghỉ, cầu thang của cả mười mấy tầng trong toà nhà đều được xem xét một cách kỹ lưỡng. Các giám định viên đã tìm thấy nhiều vết máu rải rác từ tầng 11 đến tầng thượng. Trong đó tại chiếu nghỉ của tầng 12 có một vệt máu khá lớn.

Từ dấu vết này, cơ quan điều tra bước đầu nhận định, có thể điểm xuất phát của xác chết không đầu này là ở tầng 11 và đường đi của tử thi là từ tầng 11 qua tầng 12 rồi lên tầng thượng.

Nhưng ngay từ thời điểm này khi công tác khám nghiệm hiện trường vẫn còn chưa kết thúc thì Đại tá Nguyễn Đức Chung đã đưa ra một nhận định mà sau này khi tìm ra hung thủ rồi mới thấy đó là một nhận định cực kỳ chính xác, góp phần quan trọng cho cuộc điều tra được kết thúc một cách nhanh chóng. Đó là, theo nhận định của Đại tá Nguyễn Đức Chung thì dù có tìm thấy vết máu ở cầu thang hay ở chiếu nghỉ thì những điểm này không thể là hiện trường chính của vụ án mà chỉ là hiện trường phụ. Lý lẽ mà Đại tá Chung đưa ra đã thuyết phục được tất cả mọi người, rằng: cả cầu thang lẫn chiếu nghỉ của toà nhà đều là khu vực công cộng. Bởi thế, không có kẻ nào lại dám đưa nạn nhân ra khu vực công cộng, nơi có đông người qua lại để giết và chặt đầu cả. Ngoài ra, sau khi giết, để có thể chặt được đầu và cắt 10 đầu ngón tay của tử thi thì chắc chắn phải mất nhiều thời gian. Vì vậy, hiện trường chính, theo Đại tá Chung, nhất định phải là bên trong một căn hộ nào đó, cửa đóng then cài, kín đáo.

Cho đến khi công tác khám nghiệm tử thi kết thúc cho thấy nạn nhân đã bị chết bởi một nhát đâm thấu phổi thì cơ quan điều tra lại có thêm một nhận định thứ hai, đó là khi bị đâm, máu nạn nhân sẽ phun lên rất mạnh theo hướng bắn lên tường và trần nhà. Bởi vậy, tại hiện trường chính, chắc chắn sẽ còn dấu vết của máu.

Một kết luận giám định nữa cũng hết sức quan trọng góp phần định hướng điều tra đó là theo kết quả khám nghiệm tử thi thì nạn nhân đã bị chết trước đó từ 12 đến 15 ngày. Có nghĩa là, nạn nhân chết đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Căn cứ vào điều này, cơ quan điều tra đưa ra một nhận định thứ ba, đó là việc giết người nhiều khả năng xảy ra ở trong các căn hộ mà chủ hộ sống độc thân hoặc cả nhà đi nghỉ lễ vắng, nhờ 1 người quen biết trông nhà hộ.

Thượng tá Đào Thanh Hải nhận giấy khen của UBND quận Cầu Giấy về thành tích khám phá nhanh vụ án chung cư G4.

3. Từ 3 nhận định này, hướng điều tra được đưa ra thống nhất như sau:

Thứ nhất, hiện trường chính của vụ án chỉ có thể là bên trong các căn hộ từ tầng 9 đến tầng 12 của toà nhà. Thứ hai, đó là căn hộ vắng người. Thứ ba là tại hiện trường chính chắc chắn sẽ còn vết máu.

Thế là ngay trong buổi tối 17/5, hàng trăm điều tra viên, trinh sát hình sự được huy động từ nhiều lực lượng của Công an TP đã được tung vào cuộc, chia làm nhiều tổ để tiến hành rà soát tất cả các căn hộ trong toà nhà theo hướng điều tra kể trên. Công an phường Trung Hoà cũng rất nhanh chóng lên được danh sách những hộ gia đình vắng nhà trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Thông tin về những người thường xuyên đến chơi và ngủ lại tại các căn hộ trong chung cư cũng đồng thời được thu thập. Các điều tra viên khi đi cùng với Công an phường vào thu thập thông tin tại các hộ gia đình ở chung cư G4 còn có thêm một nhiệm vụ tối quan trọng, đó là bí mật quan sát xem có thấy dấu vết gì lạ trên tường hoặc trên trần nhà, thậm chí cả sàn nhà hay không.

Cũng may là các hộ gia đình ở chung cư này đều hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Không có bất kỳ một gia đình nào tỏ ra khó chịu về sự "săm soi", hỏi han tỉ mẩn của các điều tra viên. Những cư dân ở chung cư G4 sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cơ quan điều tra làm việc. Một hộ gia đình còn nhường hẳn căn hộ của mình để anh em Công an làm chỗ nghỉ chân. Ngoài ra, họ còn nấu mì miễn phí phục vụ anh em, mua bánh, mua nước, mua hoa quả đem đến cho anh em lót dạ.

Kết quả của cuộc rà soát là những thông tin rất quan trọng tại căn hộ 1011 thuộc tầng 11. Đây là căn hộ của cô Hoàng Thị Yến, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội. Cô này gia đình ở Quảng Ninh, lên Hà Nội học, cô được cha mẹ mua cho căn hộ này. Sống cùng cô là bà nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hai bà cháu cô Yến về quê chơi và giao chìa khoá nhà cho người yêu là Nghĩa đến trông nhà hộ. Nghĩa cũng là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội, yêu Yến đã lâu và thường xuyên lui tới căn hộ này chơi, một số người ở trong chung cư G4 cũng biết mặt Nghĩa. Nghĩa cao to, người ngoại tỉnh và đeo kính cận rất dày. Tuy nhiên, theo thông tin mà cơ quan điều tra thu thập được thì đó là một chàng trai có nhân thân tốt, khá điển trai và rất lễ phép chứ không phải là đối tượng hình sự.

Cho đến sáng 18/5 thì danh tính của nạn nhân đã được làm rõ. Tử thi là cô Linh, người Hà Nội, mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ.

Rà soát các quan hệ của Linh, các trinh sát gặp khá nhiều khó khăn. Lẽ vì, Linh là một cô gái khá xinh xắn lại học giỏi nên có rất nhiều bạn. Ngoài bạn bè ngoài đời, cô còn có nhiều người quen trên mạng Internet qua trò chơi game online. Cuối cùng, sàng lọc qua rất nhiều mối quan hệ của Linh, các điều tra viên đặc biệt chú ý đến một người mà Linh từng yêu. Đó là Nguyễn Đức Nghĩa, một người bạn quê ở Hải Phòng, học cùng lớp với Linh  tại Trường Đại học Ngoại thương. Hai người tuy đã chia tay nhau nhưng thi thoảng vẫn điện thoại, nhắn tin cho nhau. Nhân vật Nghĩa này theo mô tả của các nguồn tin mà cơ quan điều tra đã tiếp cận được thì có nhiều điểm trùng với Nghĩa, người yêu của cô Yến ở phòng 1011. Đó là cùng là người ngoại tỉnh, cùng học Đại học Ngoại thương, cùng có dáng người cao to và cùng đeo kính cận rất dày.

Tiếp tục thu thập thông tin, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở để kết luận, anh chàng Nguyễn Đức Nghĩa, người yêu cũ của người bị hại chính là người yêu mới của cô Yến. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khi hai bà cháu cô Yến trở lại Hà Nội thì anh chàng Nguyễn Đức Nghĩa này không thấy xuất hiện tại căn hộ 1011 nữa.

Hướng điều tra bắt đầu mở ra. Manh mối về hung thủ đã bắt đầu hé lộ. Những thông tin về Nghĩa cũng bắt đầu được thu thập sâu hơn, dày lên. Thì ra, Nghĩa quê ở Hải Phòng, cha mẹ vẫn còn ở đó còn hai chị em Nghĩa thì ở Hà Nội. Tuy nhiên, chị gái Nghĩa đã lấy chồng nên Nghĩa không ở cùng chị mà ở tại nhà một người họ hàng.

Nghĩa vốn là một học sinh giỏi ở Trường THPT Ngô Quyền danh tiếng tại Hải Phòng và đã thi đỗ Đại học Ngoại thương với số điểm khá cao. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, do không tiếp tục phấn đấu nên trong khi các bạn học cùng lớp, cùng khoá đã tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm ổn định thì Nghĩa vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp vì còn nợ khá nhiều môn thi.

Tại cơ quan điều tra, khi được mời tới, cô Hoàng Thị Yến cũng khai về Nghĩa như vậy. Cô cũng thừa nhận việc có nhờ Nghĩa đến trông nhà trông dịp cô về quê nghỉ lễ và từ sau hôm đó cô không thấy Nghĩa đến chơi nữa. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra hỏi rằng, cô có phát hiện thấy gì bất thường trong căn hộ của mình không và bếp nhà cô có bị mất con dao cũ nào không thì cô Yến nhất mực bảo không.

Nhưng thực tế thì không phải vậy. Bằng con mắt nghiệp vụ, khi đi cùng các đồng chí Công an phường vào hỏi thông tin về chuyện có vắng nhà hay không trong dịp nghỉ lễ, tại căn hộ của nhà cô Yến, các điều tra viên đã quan sát thấy nhiều vết máu mờ trên tường. Chưa hết, các điều tra viên cũng chú ý đến một mảng tường được sơn lại. Dù người cầm chổi tỏ ra rất khéo léo nhưng mảng tường sơn mới vẫn bị lộ. Cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên còn phát hiện được rằng, trong bếp nhà cô Yến đã có ít nhất là một con dao được thay mới. Đặc biệt, dưới chiếc ghế ngồi, khi lật lên thì không cần phải dùng đến máy móc giám định mà chỉ cần bằng mắt thường cũng nhìn thấy rõ ràng nhiều dấu vết máu.

Nút thắt điều tra đến đây đã được mở. Các điều tra viên như trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng một nhiệm vụ mới lại đặt ra, nặng nề không kém gì cuộc điều tra ban đầu. Đó là bằng mọi giá phải truy lùng được Nguyễn Đức Nghĩa để tóm cổ y trong thời gian sớm nhất.

4. Dựng lại hành trình của Nghĩa từ khi gây án, các điều tra viên được biết, sau khi giết Linh, Nghĩa đã ra Quảng Ninh đón hai bà cháu Yến trở lại Hà Nội. Sau đó, Nghĩa có quay về Hải Phòng với gia đình rồi lại đi. Tất cả những mối quan hệ của Nghĩa cũng đã được dựng lại và tại những điểm nghi ngờ Nghĩa có thể lẩn trốn cũng đã được đặc biệt chú ý. Một mũi trinh sát được lệnh đi Hải Phòng ngay trong chiều tối 18/5. Một mũi khác đi Thái Bình.

Một mũi nữa đi Thái Nguyên. Còn một mũi thì rà soát tại Hà Nội. Nhưng tại Hải Phòng, khéo léo kiểm tra, mũi trinh sát tại đây khẳng định Nghĩa không có mặt tại Hải Phòng. Tại Thái Nguyên, mũi trinh sát do Trung tá Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Bắt truy nã và Trung tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án chỉ huy đã nắm được một thông tin quí giá. Đó là Nghĩa đang lẩn trốn ở địa bàn này và hai điểm mà có thể Nghĩa lui tới, đó là ký túc tá một trường đại học ở Thái Nguyên (nơi Nghĩa có bạn đang học) và nhà của một người họ hàng.

Được sự phối hợp nhiệt tình của Công an tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho đến 21h thì đã có đầy đủ cơ sở để khẳng định Nghĩa không có mặt ở ký túc xá mà chỉ có thể lẩn trốn ở nhà người anh họ của Nghĩa. Các trinh sát hình sự của Công an Thái Nguyên cùng mũi truy bắt của Công an Hà Nội lên phương án chốt chặn quanh nhà đề phòng trường hợp Nghĩa liều mạng thoát thân hoặc chống trả lực lượng truy bắt. Nhưng không, khi một mũi trinh sát có mặt tại tầng 3 của ngôi nhà này thì Nghĩa vẫn đang ung dung ngồi đọc truyện.

Nhìn thấy khá nhiều Công an xuất hiện, Nghĩa dường như đã hiểu ra mọi chuyện. 2h sáng, mũi trinh sát đã dẫn giải Nghĩa về tới Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội an toàn. Vụ án được khám phá chỉ trong vòng chưa đầy 40 giờ. Đây quả là một kỷ lục đáng tự hào của Công an TP Hà Nội.

"Theo những gì tôi được biết thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào khuôn mặt và dấu vân tay để nhận dạng một người nào đó nên tôi đã nảy ra ý định phải bỏ đầu và những ngón tay của nạn nhân đi. Đồng thời, lúc đó tôi nhớ ra ở trên tầng thượng của toà nhà G4 có một khoảng không gian trống do một lần đi dạo bằng cầu thang bộ mà tình cờ tôi biết được và theo tôi nhớ trên đó bụi bặm bám rất nhiều nên tôi nghĩ có rất ít người lui tới đó. Bởi vậy, tôi quyết định đem xác nạn nhân giấu lên đó… Lên đến nơi… tôi phát hiện thấy một cánh cửa hé mở. Nghĩ rằng, cho xác nạn nhân vào đó sẽ kín đáo và khó bị phát hiện hơn. Tôi đã đem xác nạn nhân vào trong căn phòng đó và đóng cửa lại".

(Trích lời khai của Nguyễn Đức Nghĩa)

Đặng Huyền
.
.
.