Con đường đi qua Việt Nam, Phật giáo và dòng chảy văn học

Thứ Năm, 05/08/2010, 17:25
Sam Hamill là một dịch giả nổi tiếng của Mỹ, với trên hai mươi tác phẩm dịch thuật thơ Hy Lạp, Latin, Ex-to-ni-a, Nhật Bản, Trung Quốc… Cuối tháng Giêng năm 2003, nhận được thư mời của Tòa Bạch Ốc tham dự một cuộc tọa đàm văn học với chủ đề "Thi ca và Âm điệu Hoa Kỳ".

Sam Hamill không thể im lặng vì Tổng thống Bush đã tuyên bố sẽ tấn công Iraq. Ông gửi thư từ chối tham dự, và lập tức viết cho 50 nhà thơ bạn bè để "tái hình thành "phong trào Thi sĩ chống chiến tranh" thuở còn chiến tranh Việt Nam… để gióng lên tiếng nói lương tâm của đất nước, góp tên vào thỉnh nguyện thư chống lại cuộc chiến tranh mới này". Trong 4 ngày ông nhận được 1.500 bài thơ, rồi 9.000 đầu tháng hai, 13.000 đầu tháng ba, và hiện nay đã lên tới 20.000 (poetsagainstthewar.org). Phong trào này đã lan tràn ra khắp thế giới.

Ông sống cũng như ông viết cùng trong một sát na, không khác. Nhận định về đời sống của xã hội hậu kỹ nghệ và hậu hiện đại ông viết:

"Tôi nghĩ là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thật đáng tủi hổ là rất vị kỷ, trong đó nhiều người lãng phí cuộc đời mình qua cuộc săn đuổi những thỏa mãn nhất thời. Chỉ có một kẻ vị kỷ khùng điên mới nói là mình làm thơ "cho hậu thế." Vì thế tôi cố gắng rút nghệ thuật từ những ngõ ngách khiêm tốn, từ những thực hành khiêm tốn mỗi ngày, dù tôi tin tưởng một cách hoàn toàn là con đường thơ là một trong hàng chục ngàn con đường dẫn tới đức Phật, và sáng tác thơ là công việc  hoàn toàn tự đầy đủ và tự hoàn chỉnh".

 Dưới đây là phần trích bài phỏng vấn nhà thơ dịch giả Sam Hamill do Giáo sư Nguyễn Bá Chung thực hiện.

 

Nguyễn Bá Chung (NBC): Ông đã tìm đến đạo Phật như thế nào? Điều gì trong Phật giáo thu hút ông ngay từ đầu?

Sam Hamill: Tôi bắt gặp đạo Phật lần đầu tiên là qua cuốn tiểu thuyết Dharma Bums xuất bản năm 1958 của tác giả Jack Kerouac, và qua những ghi chép của Alan Watts, Gary Snyder, Philip Whalen, và cuối cùng là D. T. Suzuki. Tôi đầu quân vào lực lượng Thủy quân lục chiến năm 1961 để tránh xa đường phố và để có tính kỷ luật trong cuộc sống, và việc tòng quân này đã đưa tôi đến Okinawa trong gần 2 năm.

NBC: Vậy ông đã có kinh nghiệm gì khi học Thiền ở Nhật Bản? Học Thiền có khó không? Giờ nhìn lại, ông thấy nó đã tác động thế nào đến cuộc sống của ông?

Sam Hamill: Việc học Thiền của tôi không hề bình thường. Tôi chưa bao giờ là một nhà sư mà cũng không cho là mình thích hợp với cuộc sống tu hành. Tôi học ngồi thiền qua một người Okinawa làm việc ở căn cứ nơi tôi đóng quân. Ông ấy đã từng đi tu, vừa câm vừa điếc, nên phải dẫn tôi đến gặp mấy người bạn của mình để họ dịch cho tôi nghe những câu trả lời của ông. Từ đó ông giúp tôi bắt đầu trải nghiệm shikantaza (tức Chỉ quản đả toạ - "chỉ an nhiên toạ thiền là đủ"). Ông ấy giúp tôi tìm các bài viết và bản dịch của R. H. Blyth cũng như rất nhiều sách về lịch sử và triết lý Phật giáo mà hồi đó rất hiếm có bản tiếng Anh.

Nói theo một cách nào đó, đấy chính là thời điểm bắt đầu trưởng thành của tôi. Những gì trải nghiệm ở Okinawa đã khiến tôi quan tâm nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả của nó, tìm hiểu về cái lịch sử đích thực được dệt nên bởi những chuyện hoang đường và những lời nói dối của chính đất nước mình.

NBC: Ông đã thực hành Thiền trong suốt 40 năm qua. Ông nghĩ điều đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ông và thơ ca của ông thế nào?

Sam Hamill: Tôi luôn cố gắng thực hành tam giáo trong cuộc sống của mình. Nếu như Lão Tử và Thiền nói với ta rằng luôn có những điều giá trị mà ngôn từ không thể diễn tả hết được, thì Khổng phu tử nhắc ta nhớ rằng "mọi sự khôn ngoan bắt nguồn từ chính danh, từ việc học cách gọi sự vật (và cảm xúc) bằng đúng tên của nó", và sách Đại học thì dạy ta biết trách nhiệm của mỗi cá nhân khởi nguồn từ bên trong và biểu hiện ra bên ngoài như thế nào. Liệu tôi có Thiền hơn, xem nào, Khổng phu tử? Tôi không thể trả lời được, chỉ biết việc thực hành ngồi Thiền đã giúp tôi tĩnh tâm và sáng suốt trong mọi việc tôi làm; cũng như việc đấu tranh cho công bằng xã hội, niềm tin vào việc phải gọi tên mọi sự vật và cảm xúc một cách chính xác và trách nhiệm đối với cả ngôn ngữ lẫn hành động của mình.

NBC: Ông coi trọng nhất những bậc thầy nào thời xưa và đương đại?

Sam Hamill: Trong rất nhiều các bậc thầy thời xưa, tôi bị thu hút nhất bởi Đỗ Phủ. Ông ấy thật là một nhà thơ giỏi, hết lòng vì công bằng xã hội và trải qua một cuộc đời bi kịch mà phẩm giá không hề suy suyển.

Tôi cũng thích Basho vì đã đưa thơ haiku và haibun lên hàng kiệt tác. Một số nhà thơ khác mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ có thể kể đầy một cuốn sách, chắc chắn phải có George Seferis, Lý Bạch, Neruda, Sappho, Catullus, Lý Thanh Chiếu (nữ thi nhân đời Tống), Issa, Ceslaw Milosz, William Carlos Williams, Denise Levertov, Gary Snyder, và một bậc thầy rất khó tính, Ezra Pound.

Sam Hamill

NBC: Ông thấy đạo Phật có thể đóng vai trò như thế nào trong văn hóa đương đại của Mỹ? Điểm gì trong đạo Phật theo ông có thể là giá trị lớn trong thế giới ngày nay?

Sam Hamill: Triết lý đạo Phật mênh mông mà tôi lại hiểu quá ít ỏi. Tôi đến với Phật giáo như đến với triết học và thực hành triết lý chứ không phải như đến với tôn giáo. Tứ diệu đế và Bát chính đạo là sự dẫn dắt con người hành xử đúng đắn. Sống trung thực trong một thế giới giả dối chính là làm cách mạng; thực hành trắc ẩn và phi bạo lực trong một thế giới bạo lực cũng là làm cách mạng; giảm tiêu dùng để từ đó giảm phát thải carbon từ mỗi cá nhân trong một thế giới đang ngày càng trở nên mong manh cũng là làm cách mạng. Tập Thiền cũng là làm cách mạng.

Tôi lấy việc nghiên cứu và dịch thơ của các bậc thầy bên cạnh những triết lý của Lão Tử và Trang Tử làm cách thực hành Thiền của mình. Dịch thuật cho thấy cùng một thế giới qua con mắt và ngôn ngữ của những người khác nhau. Phật giáo ở phương Tây cũng thích nghi phần nào với văn hóa phương Tây như khi thơ ca Trung Hoa thích nghi với tiếng Anh - không "hoàn toàn", mà vẫn đúng đắn trong ý chí và hành động. Nhìn thấy Phật trong những người khác không phải là một trải nghiệm mang tính Ấn Độ, hay Việt Nam, hay Trung Hoa, hay Nhật Bản, mà là một trải nghiệm nhân văn mang tính khai sáng.

NBC: Erich Fromm, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ 20, đã phân biệt hai kiểu tồn tại - "có" và "là". Kiểu "có" luôn tìm kiếm sự sở hữu, gây hấn và quyền lực, trong khi kiểu "là" hướng đến tình yêu, sự sẻ chia và tính sáng tạo. Ông có cho là ý niệm này rất tương hợp với đạo Phật không?

Sam Hamill: Tất cả mọi điều đều không toàn diện. Chúng ta "có" và chúng ta "yêu thương và chia sẻ" ở nhiều mức độ khác nhau. Tất nhiên đạo Phật luôn nhắc chúng ta rằng tập trung vào việc "có" chỉ là ảo tưởng và sẽ dẫn đến hậu quả xấu, ngược lại luôn hành động với lòng trắc ẩn (yêu thương và chia sẻ) bản thân đã là một phần thưởng - là trái ngọt của tiềm năng ở mỗi người. Các quốc gia cũng vậy, đều tạo nên nghiệp chướng. Nước gây ra chiến tranh sẽ tạo ra tâm lý chiến tranh hao người tốn của; nước luôn tránh xung đột và tìm kiếm sự hợp tác sẽ thấm nhuần trong nhân dân ý thức hợp tác thay vì cạnh tranh. Mỗi chính phủ đều phải đối mặt với hai mối quan tâm hàng đầu: 1) Bảo vệ nhân dân và lãnh thổ. 2) Làm cho nhân dân sống ấm no hạnh phúc. Nước nào cũng có thể là láng giềng tốt hoặc xấu. 

NBC: Ông tham gia rất tích cực các phong trào chống chiến tranh trên toàn cầu. Vậy ông thấy đâu là thế mạnh và điểm yếu của văn hóa Mỹ đương đại? Chúng thể hiện thế nào trong văn chương hiện nay? Các nhà văn hiện nay đang có vai trò như thế nào?

Sam Hamill: Văn chương Mỹ hiện đang chịu hậu quả của chính cái điều đang ảnh hưởng đến văn hóa nói chung: ít hoặc không hiểu biết lịch sử. Hầu hết người Mỹ không tìm được Việt Nam hay Afghanistan trên bản đồ; hầu hết không bao giờ nghĩ Mỹ đã xâm lược các nước Mỹ Latin hơn cả trăm lần chỉ riêng trong thế kỷ 20; hầu hết không biết rằng trong cuộc diệt chủng ở Mỹ hai trăm ngôn ngữ bản địa đã bị xóa sạch. Người ta không biết lịch sử nước mình thì cũng không thể học được gì từ lịch sử ấy.

13.000 nhà thơ Mỹ đã cùng đứng lên chống lại cuộc "chiến tranh phòng ngừa" giết người của Tổng thống Bush ở Iraq. Nhưng khi đọc các ấn phẩm thơ hiện nay, 7 năm trôi qua và cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, đôi khi bạn tự hỏi liệu các nhà thơ của chúng ta có hiểu gì về thương vong hàng ngày, tội phạm chiến tranh hay việc Đạo luật yêu nước đã vi phạm Hiến pháp như thế nào.

Tôi không thể gán một "vai trò" đặc biệt nào cho bất cứ nhà thơ nào. Mỗi chúng ta đều tạo ra cái "tôi" của mình qua những gì chúng ta làm và viết. Một số viết hư cấu, một số lại viết từ trải nghiệm. Không có một cách làm đúng cho mọi nghệ thuật. Nhưng nhà thơ cũng là công dân và phải có trách nhiệm công dân. Chúng ta phải là công dân tốt của thế giới trước khi là công dân tốt của nước Mỹ - vì chỉ có một nhân loại và chúng ta không và không thể tách rời nhau. Điều đó không có nghĩa là nhà thơ không có quyền (hay nghĩa vụ thơ ca) xa rời thế tục như Emily Dickinson, Hàn Sơn Tử hay Saigyo. Mỗi chúng ta đều theo đuổi năng khiếu thơ ca mà chúng ta có, thể hiện lòng biết ơn trong các tác phẩm của mình, nếu chúng ta khôn ngoan.

NBC: Đây sẽ là lần thứ hai ông đến Việt Nam? Vậy lần thứ nhất ông đã có ấn tượng gì đặc biệt?

Sam Hamill: Đây là một câu hỏi rất phức tạp. Tôi đã rất xúc động trước những người tôi gặp, những điều tôi thấy và làm, nhưng tôi cũng rất đau lòng (một lần nữa) khi nhìn thấy những gì chính phủ Mỹ đã làm 40 năm trước cũng như những gì chính phủ Mỹ đã làm - và không làm - kể từ đó. Hòa bình sẽ có khi ta biết cách nhìn thế giới qua con mắt của người khác…, từ bỏ cách nhìn nhận "sự khác biệt" như một khái niệm xấu, và hiểu rằng nhân loại vốn dĩ đông đúc và khác biệt, nhưng vẫn chỉ là một nhân loại. Sự khác biệt đó làm giàu thêm nền văn hóa nghệ thuật của nhân loại, liên kết chúng ta lại với nhau khi chúng ta tiếp tục tiến hóa - và khi chúng ta tiếp tục đấu tranh, theo cách của riêng mình, để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một chút.

Tôi đã gặp những nạn nhân của chất độc da cam cũng như những đứa con bị ảnh hưởng nặng nề không kém của họ; tôi cũng gặp cả những người đang làm mọi cách có thể để giúp đỡ họ. Tôi đã gặp những đứa trẻ khiếm thính và đã có cơ hội giúp các em tiếp cận các thiết bị trợ thính. Tôi đã gặp các nhà thơ, nhà văn, nghe họ kể chuyện đời họ và kể chuyện đời tôi cho họ nghe. Tôi đã đi thăm nhiều đền, chùa, trò chuyện và cười vui với các sư phụ. Và mỗi phút trôi qua tôi đều học được điều gì đó. Như bậc thầy Basho nói: "Ta đi đó đi đây là để học cách tiếp nhận lòng tốt của người lạ"

Nguyễn Bá Chung
.
.
.