Con đường hoàn lương của nữ tướng cướp và nghiệp chướng chưa hết

Chủ Nhật, 05/09/2010, 11:25
Sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà Tám Lũy (tức Nguyễn Thị Tép), nữ tướng cướp khét tiếng một thời ở Đồng Nai, từng điều khiển băng cướp gia đình mấy thế hệ, vẫn chưa thoát khỏi những nghiệp chướng do mình gây ra. Bà đã có hai đứa con đi tù. Những đứa còn lại cũng đều từng có tiền án, tiền sự. Để đến nỗi ở tuổi gần đất xa trời, bà vẫn không ngừng sám hối cho những tội lỗi mình đã gây ra.

Ngày còn trẻ, bà đẹp nức tiếng, khiến nhiều người đàn ông trong vùng (kể cả chồng bà) phải say mê, điêu đứng. Nhưng bà chưa bao giờ là "con gái nhà lành". Cha bà - ông Mười Rốp từng làm tướng cướp khét tiếng miền Nam những năm Pháp thuộc, vừa giỏi võ, vừa hung tàn. Ông chỉ hoàn lương khi đã có một gia đình yên ấm với một người vợ và những đứa con.

Tuy là con gái, nhưng Tám Lũy có dáng người cao to, khỏe mạnh như đàn ông. Được cha rèn luyện từ bé, nên từ nhỏ Tám Lũy đã vô cùng giỏi võ. Có sức khỏe, có võ công, nên có những lần đi ra ngoài, bị đàn ông chọc ghẹo, Tám Lũy sẵn sàng đấu tay đôi và hạ đo ván những tên háo sắc đó.

Cuộc đời Tám Lũy cũng đã có những năm tháng yên bình, cũng đã từng yêu, được yêu và được sống trong hạnh phúc. Ở tuổi cập kê, bà yêu một anh lính tên Nguyễn Thanh Liêm (tự là Tám Lũy), tuy mồ côi nhưng được cái hiền lành, chăm chỉ. Rất quý cậu con rể, nên ông Mười Rốp cha bà đã cấp cho hai vợ chồng chút vốn để mua chiếc ghe làm nghề buôn bán ở miệt sông nước.

Nhờ chịu thương, chịu khó, nên chỉ một thời gian ngắn, hai vợ chồng Tám Lũy đã nhanh chóng thoát khỏi cảnh tay trắng, bắt đầu tích cóp được của ăn của để, có vàng chôn dưới đất. Những tưởng khi đó cuộc sống của họ đã bình yên, nhưng đó là lúc bà Tám Lũy lao vào các chiếu bạc với một cơn khát bất tận. Cơn khát đó đã khiến bà tự hủy hoại hạnh phúc của mình, tự hủy hoại tương lai của mình và các con mình.

Chơi trò đỏ đen, bà Tám Lũy mất nhiều hơn được. Ban đầu, bà còn giấu chồng. Nhưng riết rồi cũng không giấu được nữa. Khi biết chuyện bà nợ người ta cả mấy lượng vàng, người chồng hiền lành của bà đã cắn răng dốc toàn bộ số tiền dành dụm ra để trả nợ. Nhưng bà vẫn không vì thế mà thức tỉnh. Bà vẫn lao vào bài bạc, đen đỏ, vẫn thua cháy túi. Và vì biết trong nhà không còn tiền, bà đi ăn trộm, ăn cắp của bà con trong vùng. Khi biết chuyện vợ mình đã làm những việc đáng xấu hổ đó, chồng bà đã cay đắng, nhục nhã vô cùng và quyết định bỏ vợ, một mình nuôi đàn con nhỏ. Nhưng vài năm sau, thấy vợ có vẻ đã biết ăn năn, ông lại quay lại.

Ngày đó, nếu kịp tỉnh ngộ, thì Tám Lũy đã có một cuộc sống yên bình. Nhưng về sống với chồng con, chí thú được vài năm, bà lại bắt đầu quay lại bài bạc và còn chơi đậm hơn trước, nên số tiền bị mất trên chiếu bạc cũng lớn hơn trước. Không chỉ thế, trong những lần đi chơi bạc, bà còn dẫn theo mấy đứa con nhỏ của mình đi theo, khiến tâm hồn non nớt của các con bà từ bé đã bắt đầu nhúng chàm.

Vì bài bạc nhiều, vì con nhỏ, gia cảnh khốn khó, bà trở thành tướng cướp lúc nào không hay. Có sẵn "gen di truyền" trong người, nên bà nổi lên như một tướng cướp khét tiếng của miền Đông Nam bộ những năm đó. Để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động tội ác của mình, bà lần lượt kết nạp chính những đứa con nhỏ của mình vào băng cướp ngay khi thấy chúng vừa đủ tuổi. Bà cũng dạy cho chúng sự hung bạo, võ nghệ và "kỹ thuật" cướp giật.

Băng cướp gia đình của Tám Lũy đã từng gây đau đầu cho cả Công an tỉnh Đồng Nai lẫn người dân trong vùng. Có vũ khí dự trữ và sẵn sàng tấn công nếu nạn nhân kháng cự, nên mỗi khi băng cướp Tám Lũy xuất hiện, hầu hết các nạn nhân đều chỉ biết cắn răng nhìn tài sản của mình bị cướp đi, cốt sao giữ được mạng sống của mình.

Là một băng cướp không sợ trời, không sợ đất, có lần Tám Lũy còn chỉ huy các con cướp đồ của một cán bộ Công an đang công tác ở Đồng Nai. Chồng bà đã năm lần bảy lượt hết lòng khuyên vợ con thức tỉnh, nhưng đã bị cả "băng cướp" trong gia đình mình cô lập, thậm chí còn dọa giết nếu tiếp tục mở lời. Không còn cách nào khác, ông sống tách biệt với những thành viên còn lại trong gia đình và không ngớt cầu nguyện cho họ.

Trước sự ngang tàng, bạo ngược của băng cướp Tám Lũy, Công an Đồng Nai đã kiên quyết ra tay triệt phá nhóm cướp này, để lấy lại sự bình yên cho người dân trong vùng. Toàn bộ thành viên trong gia đình Tám Lũy, từ bà đến các con bà đều bị bắt, chỉ có duy nhất người chồng của bà, một người theo đạo phật, sống cả đời hiền lành, là ở ngoài xã hội và gặm nhấm nỗi đau nhìn vợ và các con mình sa vào vòng lao lý.

Nhưng để đưa được băng cướp Tám Lũy vào tù, trong quá trình truy bắt đã có hai cán bộ Công an hi sinh. Riêng bà Tám Lũy cũng phải chịu "thiệt hại" khi một trong những đứa con trai của bà khi bị công an bắt đã tự sát.

Những ngày ở trong tù, chứng kiến cảnh tượng cả gia đình tù đày, bà Tám Lũy đã nghĩ rằng cuộc đời mình đến đây là hết, không còn hi vọng gì nữa. Nhưng ở trong trại giam, được các cán bộ quản giáo hết lòng quan tâm, giáo dục và động viên, tâm tính bà dần thay đổi và bắt đầu khao khát hoàn lương.

Bà trở về quê cũ, cất một cái chòi giữa nơi đồng không mông quạnh và lần lượt đợi những đứa con của mình ra tù. Trời không phụ lòng người, những đứa con của bà cũng lần lượt trở về, có đứa đã chí thú làm ăn, kinh tế khá giả, được cán bộ xã khen ngợi. Đó là điều mà bà đã từng không dám nghĩ đến.

Nhưng quá khứ đã đi qua nhiều năm, dù hoàn lương, nhưng nghiệp chướng của bà chưa hóa giải hết được, có lẽ là do tội ác của bà và các con của bà gây ra quá lớn. Khi đứa con cuối cùng của bà được tự do, bà đã động viên các con xây dựng cuộc đời mới, làm ăn lương thiện để sống một cuộc đời bình thường, đàng hoàng. Đã có đứa nghe lời mẹ, trở thành người lương thiện, nhưng đã có đứa sau một thời gian tỏ ra chí thú làm ăn, chăm chỉ lao động rồi lại "ngựa quen đường cũ".

Năm 2006, hai đứa con trai của bà Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng "phổi") và Nguyễn Văn Thâu (tức Thâu "ròm") đã tham gia vào một vụ cướp tiệm vàng, giết chết người chủ tiệm vàng một cách không ghê tay. Sau vụ đó, chúng nhanh chóng bị Công an Đồng Nai bắt và bị kết án tử hình.

Những ngày sau khi các con bị bắt và bị kết án tử hình, bà Tám Lũy buồn hẳn đi. Trước khi hai đứa con gây ra vụ án động trời đó, bà đã an tâm vô cùng khi thấy chúng trở về, ngoan ngoãn cùng bà nuôi đàn con nhỏ. Bà đã già và đã muốn con mình yên bề gia thất. Tiền nuôi lợn, nuôi vịt có bao nhiêu bà tích lại, bàn chuyện tìm một đám nào đó để cho con yên bề gia thất. Bà cũng tính chuyện dành vốn cho chúng tách ra làm ăn. Vậy mà không ngờ, trong lúc bà ấp ủ bao viễn cảnh tươi đẹp đó, các con bà lại tham gia vào một tội ác không có hi vọng được pháp luật khoan hồng.

Tuy đau khổ vô cùng, nhưng trong thâm tâm, bà biết người đáng trách nhất không phải các con mình, mà chính là mình. Bởi chính bà đã dẫn dắt các con vào con đường đen tối này và đẩy chúng đến chỗ chết. Đến tận khi đó, bà mới hiểu một điều rằng, bàn tay đã nhuốm máu thì có gột rửa cả đời cũng khó lòng mà sạch sẽ cho được.

Giờ đây bà sống một mình trong căn chòi, nuôi lợn, nuôi gà vịt và trồng vài luống rau, nhất quyết không về ở cùng các con cháu, để nghĩ về những tội lỗi mình đã gây ra. Bây giờ bà không còn hung bạo như ngày xưa nữa. Bà đã già yếu và đã phải cất những bước đi khó nhọc để chăm sóc lũ gà vịt của bà.

Phần vì bà đã già, phần vì bà đã đủ thấm thía để hiểu rằng cái giá phải trả là quá đắt đỏ, nên những năm tháng cuối đời bà đã toàn tâm, toàn ý hoàn lương. Nếu ngày xưa bà ra tay không ghê tay, từng cùng các con giết chết hai cán bộ Công an, thì giờ đây, bà không dám làm đau từ con gà, con vịt. Bà trân trọng những cái gì liên quan đến sự sống, sự sinh sôi, nảy nở. Bà có thể ngồi ngắm con gà, con vịt đẻ trứng, nhìn chúng ấp nở thành con rồi lớn lên. Khi đó, trong lòng bà vừa ngập tràn hạnh phúc, vừa chất chứa sầu muộn.

Người chồng của bà đã chết trước khi hai đứa con trai của bà tham gia vào vụ cướp tiệm vàng và bị lĩnh án tử hình. Cả đời ông đã không ngừng khuyên nhủ vợ con, không ngừng mong vợ con hoàn lương, hướng thiện. Nhưng ông đã không làm được. Nghĩ về người chồng tội nghiệp và bất hạnh của mình, bà thẫn thờ bảo, may mà ông ấy không còn sống để chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó, chứ nếu không, có lẽ đến chết ông ấy cũng không nhắm mắt và sẽ hận tôi đến tận mấy kiếp sau, vì đã làm hỏng cuộc đời những đứa con của tôi và ông ấy

Sơn Bình
.
.
.