Con đường từ quý tử nhà giàu trở thành tội phạm của Bình “Liên Xô”

Thứ Sáu, 30/07/2010, 09:55
Từ một lưu học sinh có lý lịch đáng ghen tỵ, gã trở thành kẻ cướp xe máy. Gã tự sắp đặt một cuộc trốn trại như phim tâm lý hành động. Bản án còn dài, nhưng gã vẫn mơ về "ngôi nhà và những đứa trẻ".

Trời sậm tối, se lạnh. Phòng giam lúc nhúc người. Những spot quảng cáo xen giữa chương trình phim truyện cuối tuần nhảy nhót trên màn hình vô tuyến. Gã vội cầm remote, tranh thủ chuyển về kênh VTV3. Tivi đang phát sóng trực tiếp buổi giao lưu "Thầy trò Xô Việt".

Gã muốn được nghe lại tiếng Nga, dù chỉ một khoảnh khắc. Gã câm lặng tận hưởng không khí đẫm nước mắt giữa những thầy cô giáo bạc đầu đến từ xứ sở Bạch Dương, với những học trò tóc cũng muối tiêu không kém. Số phận cợt nhả, đẩy đưa, khiến gã, một lưu học sinh cuối thời Xôviết, thay vì là đại biểu của buổi lễ đầy trọng thị kia, lại gắn tuổi thanh xuân của chính mình vào 4 bức tường trại giam âm u, xám xịt…

Phút chạnh lòng của cựu lưu học sinh thời Xô viết

Cái biệt danh "Liên xô" gắn chết với tên Bình từ khi gã đủ điểm đi du học nước ngoài. Chuyện "Tây học" cũng chả phải quá khó với gã, một học sinh vốn được tiếng con ngoan trò giỏi của trường cấp III lừng danh Chu Văn Anh - Hà Nội. Hơn nhiều chúng bạn, gã có một tuổi thơ đáng mơ ước, những tháng ngày đủ đầy trong gia cảnh "nhà mặt phố, bố làm to", điều mà sau này, tự gã chiêm nghiệm: Có lẽ tại được gia đình chiều chuộng, chăm bẵm từ bé, nâng niu kỹ quá, sướng quá nên mới dễ sa ngã, dễ bập vào những cám dỗ trên đường đời.

Năm 1988, tròn 18 tuổi, Nguyễn Đức Bình sang Liên xô học. Hai tháng hè một tháng đông ngay năm đầu tiên thời sinh viên, gã đã cùng bạn bè rong ruổi hầu khắp Đông Âu, đi từ Ba Lan sang Tiệp Khắc, căng mắt ngắm nhìn cảnh đẹp xứ người và thỏa thuê rượu chè, nhậu nhẹt. Điểm yếu cốt tử của gã là dễ thân bạn và cũng quá chí tình với bạn, lại sẵn máu yêng hùng đại ca nên sẵn lòng kéo bè kết cánh và rủ nhau sa vào tội lỗi.

Đen đủi cho gã, thời khắc gã ở Liên xô, đúng lúc đất nước vĩ đại này bắt đầu bước vào những biến động chưa từng có. Cuộc sống của nhiều du học sinh đến từ Việt Nam cũng bị xáo trộn ít nhiều. Lưu học sinh không còn là mối quan tâm nồng hậu của cả các cơ quan Chính phủ và người dân Liên xô vốn nhiệt tình, chu đáo. Đổ lỗi cho hoàn cảnh ấy, năm 1990, gã cùng đám bạn dính vào một vụ trấn lột, gây rối. Rất nhanh chóng, gã bị phát giác, bị trục xuất về nước và phải ra tòa, chịu tội ở Việt Nam.

Cánh cửa cuộc đời bỗng chốc sập xuống, tuổi 20 của gã khép chặt lại. Bình "Liên xô" nhận bản án đầu tiên trong đời, 9 năm tù cho một tội danh chả lấy gì làm hào hùng lắm: trộm cắp tài sản.

Cho tới thời điểm ngồi dõi theo những phút ít ỏi, lúc được lúc không của chương trình "Thầy trò Xô Việt" trên màn hình vô tuyến, đầu năm 2010, Nguyễn Đức Bình đã có khoảng thời gian "ăn cơm suất, mặc áo sọc" gần xấp xỉ bằng quãng đời gã được thảnh thơi bên ngoài bầu trời tự do. Cuộc đời gã đến tuổi 40 đã ngăn đôi, nửa là thuở học sinh "cậu ấm" lãng tử, nửa là cảnh tù tội hết trại giam phía Bắc lại vào phía Nam. Bình "Liên xô" thuộc dạng phạm nhân "án chồng án", đến kỳ xét đặc xá, gã luôn là cái tên bị loại đầu tiên vì không đủ tiêu chuẩn theo quy định, do quá nhiều "tiền án".

Năm 1998, chấp hành xong bản án 9 năm tù lăn dài qua các trại Văn Hòa, Phú Lương, Phú Sơn 4… gã tung tẩy vào TP HCM. Gã nhanh chóng lấy vợ và sinh con, một công chúa kháu khỉnh, bụ bẫm. Cái trích ngang lý lịch, dẫu đã có khoảng sẫm màu, vẫn đủ "ép phê" để gã được nhận vào làm tại một công ty xuất nhập khẩu lớn của thành phố đang ngồn ngộn sức sống. Có thể gã sinh ra dưới một ngôi sao khắc nghiệt, hoặc do những tư thù trót gieo mầm trong thời gian cải tạo, nên người thân chưa kịp hoàn hồn, Nguyễn Đức Bình đã vướng vào tội danh mới: tàng trữ vũ khí quân dụng.

Tiếp tục 15 tháng tù giam, lần này là Trại Bố Lá. Nhưng cuộc đời vốn thênh thang với Bình "Liên xô" từ lúc lọt lòng, vẫn dang tay rộng lòng đón gã. Ra tù, gã được cơ quan tiếp nhận trở lại, không nề hà chuyện quá khứ. Gã bảo, lãnh đạo công ty phần lớn là dân học ở Liên xô về, nên luôn sẵn ân tình với những ai có dính dáng ít nhiều đến thời thanh niên sôi nổi của họ. Gã cũng công nhận, cha mẹ chiều chuộng, số phận chiều chuộng, chỉ riêng gã là luôn tự ngược đãi, hắt hủi chính mình.

Ngồi nhà chưa ấm chỗ, đi làm chưa kịp thuộc mặt đồng nghiệp, gã lại dây vào rắc rối mới, một hành vi đậm chất "đại bàng": Bắt giữ người trái phép. Trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, gã bỏ ra Hà Nội. Tại đây, gã theo bạn, vướng vào vụ lừa đảo, chiếm đoạt xe máy đắt tiền. Bại lộ, gã đành dạt về TP HCM. Bạn bè đông, nhưng người tốt nhiều, kẻ xấu cũng lắm, trớ trêu thay, Bình "Liên xô" luôn tìm thấy chỗ bấu víu ở đám bạn quen nếp sống bụi đời, hoang dã.

Quãng những năm 2004, 2005, gã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp xe máy tại Thanh Hóa. Cái tên Bình "Liên xô" từng khiến người dân qua lại khu vực này bạt vía kinh hồn. Tên gã nghiễm nhiên được "đồng hành" cùng những hành vi liều lĩnh, manh động và tầm thường bậc nhất của kiếp giang hồ vặt.

Bình "Liên Xô" đang thụ án

Cuộc trốn chạy "ngoạn mục" và những sám hối muộn mằn

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, dẫu lắm quan hệ, nhiều chỗ náu thân, "Bình Liên xô" vẫn bị Công an Thanh Hóa phối hợp với Công an Hà Nội bắt giữ. Gã chường mặt ra tòa, nhận liền hai bản án tổng cộng 9 năm. Bị đưa về Trại giam số 5 - Yên Định - Thanh Hóa, gã luôn âm ỉ thời cơ thoát vòng cương tỏa. Đau buồn vì lỡ sinh ra một kẻ "phá gia chi tử", cha mẹ gã bán nhà ở Hà Nội vào TP  HCM mong thoát khỏi những mối quen biết cũ. Tại nơi trú ngụ mới, vẫn chưa yên thân, hai ông bà già, những cán bộ có chức sắc một thời lại buồn rầu khăn gói về quê Hà Tĩnh, mang theo đứa cháu nội có bố đi tù, bị mẹ bỏ rơi.

Thời gian còn công tác, bố của Bình "Liên xô" từng làm tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại một nước châu Âu, mẹ là Đại tá Quân đội về hưu. Nhà có thêm một người anh trai, nhưng yểu mệnh, lâm bệnh mất sớm ngay lúc đang tại ngũ. Bởi thế, mọi tình thương, gửi gắm trong đời, cha mẹ đều trút hết vào Bình và những mong mỏi gã sớm tỉnh ngộ, trở về với nếp nhà xưa.

Nhập trại khi lòng canh cánh chuyện gia đình, Bình nhấp nhổm không yên. Tháng 8/2009, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ quản giáo, gã trốn trại. Thản nhiên bắt xe về Hà Nội, gã tự tin vì có đông bạn bè, nhiều mối quan hệ. Cho đến tận giây phút này, Bình "Liên xô" vẫn hãnh diện vì các mối quan hệ bạn bè, vẫn tin rằng, gã có số "giàu vì bạn". Trốn trại được ít ngày, gã đã có ngay một cô bạn gái thân thiết, một người mà như gã nói, cũng có chút tên tuổi khi thể hiện các vai diễn trong một số bộ phim vẫn phát sóng trên truyền hình.

Gã có một vẻ ngoài thoạt trông lành hiền, khá dễ mến, một cung cách nói chuyện từ tốn, tỉ tê đủ độ. Trốn trại, rủng rẻng tiền bạc và cả đô la Mỹ từ những người thân cận giúi cho, gã lên tàu vào TP HCM. Thừa biết Cảnh sát Trại giam số 5 và các lực lượng chức năng đang bủa vây mình, gã tìm mọi cách đánh lạc hướng. Tàu đến Vinh, gã hai tay hai máy điện thoại, tự bấm số gọi cho nhau. Gã cố tình câu kéo, để cho những người đang theo dấu mình tưởng gã nán lại miền Trung, lần về nhà cha mẹ. Sắp đặt đường đi nước bước xong, Bình "Liên xô" lên tàu vào Nam. Gã trú ẩn tại nhà một người quen ở Củ Chi, an hưởng cuộc sống nhàn tản như một người vừa hoàn thành sứ mệnh quan trọng.

Đến khi đánh hơi thấy người của Trại giam số 5 đã vào đến TP HCM, gã nhơn nhơn nhắn tin vào máy cán bộ: "Cán bộ về đi cho khỏi mất công, không bắt được tôi đâu". Khi bị tóm tại một nhà hàng ở Củ Chi, TP HCM với chứng minh nhân dân mang một cái tên khác, Nguyễn Đức Bình sụm xuống, bải hoải. Gã ngượng, vì quá tự đắc với bản thân, và luôn dằn vặt vì đã tự đẩy mình vào thế khó. Gã trốn trại, tức bị liệt vào loại "lừa thầy phản bạn", điều tối kỵ trong các trại giam.

Gã cay đắng hiểu, đội ngũ quản giáo sẽ canh chừng gã kỹ hơn. Không ai còn có thể châm chước được nữa cho một kẻ đã lợi dụng lòng tin của cán bộ để nhanh chân chạy trốn. Thời gian để gã trở về lại lùi xa thêm 3 năm 6 tháng nữa cho bản án trốn khỏi nơi giam. Bình "Liên xô" đau đớn khi ngộ ra rằng: tuổi trẻ của mình đã qua đi một cách vô ích, không dấu ấn.

Ở phân trại K3 - Trại giam số 5, Bình "Liên xô" đang đếm ngày đếm tháng cho qua nốt những tháng năm còn lại. Dẫu chặng đường phía trước còn dài, nhưng gã tự nhủ mình, có gan làm có gan chịu, không thể tìm ra cách thức về với cuộc sống tự do nào khác ngoài an tâm cải tạo. Gã đắng lòng khi biết cha mình, vị lão thành cách mạng 80 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng đã viết thư cho Ban giám thị Trại, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án cho gã.

Bình "Liên xô" tự nhủ, ngày ra trại, gã cũng tròm trèm tuổi 50. Tuổi trẻ đã hết, nhưng cuộc đời còn nguyên phía trước. Gã chỉ mong, lúc ấy còn cơ hội tạ tội cùng cha mẹ, đủ sức làm chỗ dựa cho con gái vốn đã quá hẩm hiu, thiệt thòi. Dẫu kiệm lời, nhưng gã vẫn mơ về "ngôi nhà và những đứa trẻ", một đoạn kết có hậu cho cuộc đời quá nhiều sai lầm không thể sửa chữa của gã, một cựu lưu học sinh thời "Liên bang Xô viết"…

H.Sen – T.Huyền
.
.
.