Con ơi, thứ tha cho mẹ nhé…

Thứ Hai, 06/12/2010, 14:33
Có thể con sẽ không tha thứ cho mẹ đâu. Vì mẹ thực sự không xứng đáng với sự tha thứ đó. Mẹ không ra gì. Rất buồn, rất xấu hổ và đầy tội lỗi. Mẹ cảm giác như mình vừa từ địa ngục trở về. Nhưng cảm giác nữa là muốn quay lại địa ngục đó, để may ra mình được tha thứ. Hoặc là con cứ giận mẹ đi. Sự giận dữ của con, lại làm mẹ thấy vơi đi sự ân hận phần nào.

Mẹ sinh con trong một cơn bĩ cực của cuộc đời. Một mình mẹ đi như lết trên con đường dài đến bệnh viện huyện. Thị trấn nghèo nàn, đèn đường vàng vọt. Một người đàn ông đi đường dừng lại. Anh ta muốn chở mẹ tới bệnh viện. Nhưng người phụ nữ đi cùng anh ta đã quát lên: "Không được giúp, xe làm ăn chở bà đẻ xui xẻo lắm". Vậy là anh ta sợ hãi đi tiếp. Mẹ ngồi phịch xuống đường, khóc nức nở. Khi mẹ đi đến gần bệnh viện huyện thì mưa như trút nước.

Đêm đó con sinh ra dưới mái hiên nhà người ta. Tiếng con khóc xé toạc cơn mưa. Tiếng khóc rát lòng trong đêm sinh thành như báo hiệu một cơn đau âm ỉ lâu dài. Khi ấy mẹ gần như ngất lịm. Gió lạnh và mưa sầm sập. Mẹ lấy chiếc áo quấn cho con. Và khi mẹ tưởng mẹ con ta đã chết thì chúng ta đã được trời phật cứu. Bà già bán bắp rang ở đầu đường đi bán hàng về. Và bà ấy nghe được tiếng khóc của con và cơn đau của mẹ. Con được cắt rốn, mẹ được dìu vào nhà. Căn nhà bé như một túp lều ấy trở nên quá quý giá với mẹ con mình đêm ấy. Đến tận lúc này mẹ vẫn muốn khóc vì những điều đó.

Mẹ không còn ai nương tựa cả. Mẹ là một cô gái không tốt. Cuộc sống của mẹ là như vậy, mọi thứ đều bối rối và đầy tai ương. Từ nhỏ mẹ không biết bố mình là ai. Đến khi mẹ lên 10 tuổi, mẹ một lần nữa bơ vơ. Vì bà ngoại con lấy chồng. Gia đình nhà chồng không chấp nhận bà ngoại có một đứa con riêng. Bà ngoại ngậm ngùi gửi mẹ vào nhà cậu ruột của mẹ. Lúc ấy mẹ giận bà ngoại ghê gớm. Vì mẹ thấy bà ngoại đang cố tình hắt hủi con mình, cố tình làm điều xuẩn ngốc và quên mất cả một đứa con mình sinh ra, chăm bẵm và đã từng rất yêu thương. Mẹ gào lên: "Lúc nào cũng nói mẹ yêu con nhất, nhưng cuối cùng thì cũng bỏ rơi con. Con ghét mẹ!".

Bà ngoại khóc suốt một buổi chiều. Nhưng cậu của mẹ an ủi bà ngoại, âu cũng là số phận. Bà ngoại đi rồi, mẹ ngồi thẫn thờ trong chiều. Biết là bà ngoại sẽ yêu thương người khác, chăm lo cho người khác. Nhưng mẹ biết làm sao? Từ đó mẹ lầm lì, ít nói. Và cuộc sống với cậu của mẹ cũng chẳng tốt đẹp gì. Mẹ phải làm việc từ sáng tới tối. Đi học về là phải đi làm ruộng, chăn bò, hót phân.

Mẹ là một đứa con gái không có niềm vui. Buổi tối đến, mẹ tranh thủ học được một chút thì hai mắt đã gục xuống. Đó là lý do mà học hết lớp chín, mẹ thi trượt tốt nghiệp, phải ở nhà làm việc. Mẹ không thể học tiếp. Vì cậu của mẹ cũng không nuôi nổi mẹ. Bà ngoại cũng lam lũ đắm đuối với gia đình nhỏ bé của bà. Bà ngoại cũng giật gấu vá vai. Chỉ còn một mình mẹ loay hoay giữa con đường sống của mình.

Đúng lúc đó, mẹ được một người chị trong thị trấn thương tình rủ ra làm phụ tiệm hớt tóc, gội đầu. Với mẹ, đó là con đường đầy niềm vui và mẹ không mong gì hơn thế. Mẹ ra thị trấn và bắt đầu công việc của một đứa phụ việc. Tất cả mọi việc. Làm quen với những hộp sơn móng tay đủ màu. Bàn tay mẹ luôn hiện đủ tất cả các màu sắc của sơn móng tay vì luôn phải làm người thử các màu để khách hàng chọn. Mẹ đi lấy nước về, đun trên bếp than tổ ong, để pha thành nước ấm gội đầu cho khách.

Rồi mẹ phải bóp chân nếu khách yêu cầu. Mẹ làm rất nhanh và thành thạo. Mẹ không được trả tiền nhưng được nuôi cơm và mẹ đã rất chăm chỉ khi nghĩ mình sẽ có được một cái nghề cho tương lai. Lúc đó mẹ chỉ nghĩ vậy. Chứ mẹ không nghĩ được về sau này, mẹ sẽ phải tìm kiếm những người đàn ông để nương tựa như chị chủ tiệm gội đầu nói. Chị ấy rất xinh đẹp và chị ấy có rất nhiều người theo đuổi. Chị không yêu ai nhưng chị lại thích cảm giác được tất cả mọi người cùng yêu. Khi ấy mẹ vô tình thành cái bia đỡ, cái bình phong cho chị ấy. Nhưng mẹ không nghĩ gì cả. Mẹ biết ơn chị ấy đã nuôi sống mẹ và luôn làm cho mẹ cảm thấy vui. Thế thôi.

Một trong những người khách ghé tiệm của mẹ đã bắt đầu thích mẹ khi mẹ bước vào tuổi 17. Khi ấy mẹ đã là người thợ giỏi nhất trong tiệm hớt tóc ấy và chị chủ đã gần như giao phó cửa tiệm cho mẹ. Và mẹ cũng đã để dành được một ít tiền, với hy vọng sau này sẽ có thể mở được một tiệm riêng. Người khách đó hẹn mẹ đi uống cà phê và bày tỏ rằng, anh ta có thể giúp mẹ mở tiệm ở nơi khác. Mẹ nghĩ như vậy cũng là hợp lý. Mẹ theo người đàn ông đó ra đi.

Mẹ mở được tiệm và mẹ đã sống với người đàn ông đó như vợ chồng. Mẹ dọn về một thị tứ nhỏ hẹp hơn, nhưng với mẹ đó đã là một bước tiến dài. Chỉ cần có đủ khách cho mẹ kiếm tiền đủ sống, chứ không mong gì hơn. Người đàn ông ấy chính là bố con đấy. Nhưng bố con đã không thừa nhận con. Khi biết mẹ mang bầu, thì bố con muốn mẹ đi phá bỏ cái thai. Nhưng khi đó mẹ ngây ngô, mẹ có biết gì đâu. Bố con đưa mẹ đến bệnh viện, bác sỹ nói con đã quá lớn trong bụng mẹ, nếu phá bỏ sẽ rất nguy hiểm. Bác sỹ bảo, vợ chồng trẻ khỏe, sao không sinh con mà nuôi. Khối người khao khát có con chẳng được.

Mẹ nghe lời bác sỹ. Và bố con thì không nghe lời mẹ. Mẹ bị bố con dằn vặt rất nhiều. Và rồi một ngày khi ngủ dậy, mẹ không thấy bố con nữa. Đến khi ấy mẹ mới biết, mẹ chưa từng hỏi về quá khứ của bố con. Mẹ cũng không biết bố con sẽ làm gì. Mẹ nhớ là mẹ vẫn còn giữ cái giấy chứng minh nhân dân của bố con từ bữa đi khai tạm trú tạm vắng. Mẹ chỉ còn manh mối đó và mẹ đi tìm bố con.

Mẹ đi xe ôtô tới cái địa chỉ ghi trên giấy chứng minh nhân dân. Và mẹ gần như sụp đổ khi biết bố con đã có gia đình và có ba đứa con nữa. Mẹ trở về, đau như cào như xé. Lúc ấy mẹ đã nghĩ, nếu không có con thì đời mẹ nhẹ nhàng biết bao nhiêu.--PageBreak--

Sinh con xong, mẹ ẵm bồng con trong cơn hoảng loạn. Mẹ lại tìm đến ngôi nhà ấy. Mẹ gói con trong chiếc giỏ mây để trước cổng rồi vội vã đi tới quán nước ở một góc để xem bố con có nhận con không. Nếu bố con nhận thì mẹ sẽ lặng lẽ ra đi. Nhưng bố con đã làm một việc mà mẹ cảm thấy không thể tha thứ được. Bố con hét toáng lên và hàng phố đã kéo đến đông như kiến cỏ. Người ta nói xì xào. Và người ta hỏi nhau có ai nhận con nuôi không. Một vị sư trong chùa nói nếu như không có ai nhận thì nó sẽ  nương náu cửa chùa. Mẹ không chịu nổi. Mẹ lao đến và gào khóc, mẹ giành lại con trong sự ngạc nhiên tột độ của mọi người. Bố con sững sờ nhìn mẹ. Mẹ lặng lẽ ra đi…

Mẹ nuôi con trong miệng tiếng của người đời. Đến lúc này, con đã 6 tuổi rồi. Tháng trước mẹ phát hiện ra sự thật là mẹ có thể sắp qua đời vì ung thư. Mẹ hoảng loạn. Mẹ dằn vặt quá nhiều. Mẹ đã nghĩ đến cái chết. Và mẹ đã có ý nghĩ, thôi thì mẹ con mình cùng đi. Mẹ nghĩ rằng, nếu để con lại bơ vơ trên cõi đời, thì con lại lầm lẫn khổ ải như mẹ. Mẹ cứ nghĩ có thể kiếp sau con sẽ sướng hơn. Mẹ quá u mê phải không con. Mẹ đã mua thuốc ngủ, mẹ nói là con cần phải uống để hết cảm.

Và rồi mẹ đã làm một việc mà chính mẹ không kiểm soát được. Tất nhiên, chúng ta đã không chết. Nếu chết thì mẹ đâu có thể ngồi đây để nói với con về những điều này. Nhìn con xanh mướt như tàu lá sau cú chết hụt, lả đi trên tay bác sỹ, mẹ thấy mẹ tội lỗi quá. Mẹ thấy mẹ không đáng sống. Hổ dữ cũng không ăn thịt con, mà mẹ đang tâm làm chuyện tày trời.

Con ơi, mẹ chỉ u mê chứ mẹ không phải đã hết yêu con. Nhưng mẹ đang cảm thấy có lỗi nhiều quá. Có thể mẹ sẽ không ở bên con được lâu nữa. Nhưng mẹ mong khi con đủ lớn, con đọc những dòng mẹ viết. Để dù con có oán giận, thì con cũng sẽ biết được con oán giận mẹ vì điều gì. Mẹ không dám nghĩ sẽ được con tha thứ. Nhưng mẹ vẫn xin con. Vì mẹ sắp đi rồi…

Lê Nguyệt Minh (biên tập viên Tạp chí Nữ doanh nhân, TP HCM)

Đọc câu chuyện chị kể, tôi thấy hiện lên một đời sống thật bế tắc. Đành rằng trong cuộc đời ai cũng có những nỗi niềm riêng, những điều nhiều khi tưởng như không thể giải quyết được, thế mà rồi mọi cái cũng sẽ qua. Chị đã từng phạm những sai lầm trong cuộc đời của mình, nhưng giữa những sai lầm ấy, chị vẫn có những người tốt cứu giúp mình. Đừng yếu lòng và thiếu sáng suốt để phải xảy ra những điều không may. Đôi khi chị không nên cho rằng, số phận mình nó thế mà "tạo điều kiện" cho những điều không may liên tục xuất hiện và để nó kéo tụt đời mình xuống.

Tôi nghĩ rằng, dù còn sống một ngày hay hai ngày, hay nhiều hơn nữa, thì bất kể người mẹ nào cũng mong đem lại những tốt đẹp cho đứa con của mình. Mong chị hãy bỏ lại và quên đi những ám ảnh của quá khứ đau buồn và sống rộng lòng hơn, tin yêu cuộc đời hơn nữa, để những điều phía trước được tốt lành. Và hơn cả, đứa con thân yêu của chị, cũng sẽ thấy việc chị đã cho con mình một cuộc sống trên đời là điều ý nghĩa. Vì ai cũng cần được sống hết. Có điều là phải sống như thế nào.

Phạm Kim Lâm (nhân viên văn phòng, Quỹ phòng chống thương vong châu Á, TP HCM)

Đầu thư, mình thật sự cảm động và xót xa cho số phận éo le của cuộc đời chị, chị u mê, đúng! Và trong cơn hoảng loạn cho tương lai chị đã làm theo sự u muội. Số phận cứ đẩy chị đến đường cùng trong khi chị vùng vẫy muốn thoát ra, đã có lúc chị đã làm được nhưng cuộc sống là 1 chuỗi thử thách mà mỗi ngày chị phải vượt qua.

Con chị, sau này bé sẽ không oán trách chị vì những nỗi đau chị trải qua đã là 1 sự tha thứ. Bé không may mắn có 1 gia đình no ấm, nhưng bé vẫn còn có một người mẹ, mặc dù chị đã có lúc không làm tròn bổn phận của mình, nhưng thiết nghĩ trong tận thâm tâm, chị yêu con và muốn những điều tốt đẹp cho con.

Em trách lỗi lầm của bao nhiêu nhưng vẫn dành cho chị những tình cảm xót thương. Giờ chị biết mình không còn sống được bao lâu, nhưng phước lớn rằng bé vẫn sống, con chị vẫn chưa thể hiểu hết những dòng chị viết nhưng mình chắc rằng một mai này, bé cầm lá thư này, từng lời từng chữ chị viết sẽ thành từng giọt nước mắt bé rơi, bé sẽ hiểu rằng mình có một người mẹ yêu con, không phải một loài cầm thú ăn thịt con như chị lo lắng!

Nguyễn Bá Khâm (110 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Chào Minh H., cho phép con gọi cô là cô nhé! Đọc những dòng cô tâm sự, mới hiểu được hết những nỗi niềm của một người ở tột cùng của đau khổ. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khốn khó, cô ý thức được những gì cô nên làm cho đứa con bé bỏng. Nhưng, căn bệnh một lần nữa cướp đi tia hy vọng trong cô. Cô sợ khi cô ra đi, con cô sẽ gặp những khổ đau, khổ đau nhiều hơn những gì cô từng trải qua nên cô đã muốn em ấy đi cùng.

Con không ủng hộ suy nghĩ này nhưng con không trách cô, bởi khi biết mình sắp chết, không ai không tránh khỏi việc mất tình tĩnh để có những quyết định đúng đắn. Tích cực một chút, hiện nay mọi người vẫn bình an và cô đã gửi thư để được tư vấn. Hiện nay, em ấy chỉ mới 6 tuổi. Ở cái tuổi này thì không đủ lớn để hiểu những việc cô từng trải qua và nhất là hành động cho em ấy uống thuốc ngủ. Lừa dối nếu mang lại hạnh phúc thì ta cứ thử. Hãy để em ấy sống trong hạnh phúc của những ngày còn lại bên cô.

Và điều thứ 2 cần làm là tìm người đỡ đầu cho em ấy. Con tin là sau khi viết lá thư này cô đã rất nhẹ người vì cô biết cô sẽ có những lời khuyên chân thành và giúp cô vượt qua được.

Bạch Minh H.
.
.
.