Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Bình thản trong cơn bão dư luận

Thứ Tư, 17/11/2010, 16:46
Không từ chối câu hỏi nào, dù… nhạy cảm nhất liên quan đến show truyền hình ăn khách Vietnam Idol 2010, nơi anh đang đảm nhận vai trò làm giám khảo và đạo diễn dàn dựng vòng Gala. Nguyễn Quang Dũng là người quyết liệt, dám đối diện với dư luận để kiên trì theo đuổi những ý tưởng của mình. Chính vì thế anh đã từ chối những đề nghị làm phim Tết 2011 để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi hơn.

Bất ngờ là điều nên có ở mọi cuộc thi tài

- Dư luận thời gian qua rất nóng về việc có những thí sinh hát tốt đã bị loại khỏi Vietnam Idol 2010, còn một vài gương mặt nhạt hơn thì vẫn được đi tiếp. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ đó chính là điểm bất ngờ hấp dẫn của các cuộc thi tài như Vietnam Idol. Nó phản ánh thị hiếu của khán giả hiện tại. Bởi chính sự bình chọn của khán giả đã quyết định cho việc đi tiếp của các thí sinh. Ý anh nói đến chính là trường hợp Phương Anh phải không? Thí sinh này, theo tôi, là hát tốt. Cô ấy đã được ban giám khảo "cứu" một lần để đi tiếp vào vòng sau. Nhưng chúng tôi chỉ được quyền "cứu" một lần thôi. Những vòng sau thì hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả. Và khán giả lại không chọn cô ấy. Khi công bố kết quả chính tôi cũng thấy tiếc và hơi bất ngờ. Tôi nghĩ, đâu không phải là điều gì khuất tất, mà nó thể hiện sự công bằng trong mặt bằng chung của các cuộc thi có yếu tố "vote" - "bình chọn".

- Nghĩa là anh đang thanh minh rằng, giám khảo Vietnam Idol 2010 rất công minh và khách quan?

- Thì nếu mà chúng tôi có thể sắp đặt được thì những trường hợp tôi cho là hát tốt tôi sẽ can thiệp được chứ. Mà chúng tôi cũng… can thiệp công khai đó thôi, chỉ có điều khán giả có lý lẽ của họ.

- Tôi có theo đoàn tuyển trạch của Vietnam Idol 2010 đi casting vòng đầu tiên ở nhiều vùng miền. Có cảm nhận là rất đông và cũng nhiều giọng hát hay, hay hơn nhiều những gương mặt đang còn lại của Vietnam Idol. Mà vòng loại thì khán giả chưa bình chọn được. Anh có nghĩ anh và giám khảo Vietnam Idol đã không đủ tinh, đủ cái nhìn thấu đáo, để bỏ sót và… lựa nhầm?

- Đúng là có nhiều bạn hát hay. Nhưng họ hát giống nhau hoặc giống một ai đó. Ví dụ cụ thể, nếu tôi đã chọn một Lều Phương Anh hay Trần Lân Nhã (2 thí sinh đang trụ lại trong chung kết Vietnam Idol 2010- PV) rồi, thì tôi sẽ không chọn những giọng hát tương tự mà lại kém màu sắc hơn. Họ có thể hát chưa tuyệt đỉnh, nhưng họ là những giọng ca có màu sắc riêng, và tốt nhất trong những thí sinh mà chúng tôi tuyển lựa. Đây là một cuộc thi rất cần những giọng hát lạ, những nhân tố đặc biệt và gắn liền với thị trường âm nhạc. Có lẽ những giọng hát mà bạn nói mới chỉ là những giọng hát giỏi, chứ không phải là những giọng hát hay.

Chúng tôi nghe rất kỹ, làm việc quên cả ăn trưa, và sẵn sàng chờ những thí sinh cuối cùng đến casting, chỉ để mong có được những giọng hát hay. Hoặc như trường hợp thí sinh Đăng Khoa. Ai cũng thấy cậu ấy không quá xuất sắc về giọng hát. Nhưng cậu ấy vẫn được khán giả yêu thích và bình chọn. Đăng Khoa có thể đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu hiện tại của showbiz. Chính vì thế, nếu anh chú ý, anh sẽ thấy các thí sinh vào TOP 10 của Vietnam Idol 2010 không ai giống ai, họ đều có những cá tính và tố chất riêng.

Chúng tôi muốn ít nhất sau cuộc thi, dù không đoạt giải cao nhất, họ vẫn có khán giả, sẽ dần có chỗ đứng trong công chúng và phát triển được trong thị trường âm nhạc hiện tại. Tôi có hứa sẽ mời Phương Anh vào chương trình "Duyên dáng Việt Nam" tôi thực hiện vào đầu năm 2011 tại Phú Yên. Cô ấy hoàn toàn xứng đáng dù phải dời cuộc chơi khá sớm. Tôi nghĩ, tính thực tế của chương trình này cao hơn các cuộc thi hát khác ở điểm đó.

- Đến lúc này anh có cảm thấy tiếc một trường hợp nào đó không?

- Tôi nghĩ không nên tiếc vì các tài năng sẽ có cách tồn tại và phát triển trong showbiz. Trong vòng loại của Vietnam Idol, có thí sinh đã quyết tâm đi khắp các điểm tuyển trạch để dự thi. Chúng tôi đã quyết định đồng ý cho cô ấy vào Top 100. Nhưng vào tới vòng 48 người, thực sự cô ấy đã thua quá xa các thí sinh khác, nên buộc lòng phải rời cuộc thi. Ban đầu cô ấy cự cãi vì cho rằng giám khảo ác cảm. Nhưng khi tự so sức mình với những thí sinh khác, cô ấy đã biết mình phải rời “cuộc chơi” vì khả năng có hạn chứ không vì bất cứ ai.--PageBreak--

Rất sợ truyền hình trực tiếp

- Nhân anh nói đến "Duyên dáng Việt Nam". Kỳ trước, cũng làm ở Phú Yên và truyền hình trực tiếp. Khán giả có phản ứng rằng chương trình không tốt lắm. Anh có sợ điều đó sẽ lặp lại, khi kỳ này vẫn được thực hiện tại Phú Yên?

- Nếu bạn xem trực tiếp tại Phú Yên bạn sẽ không bao giờ nói rằng, chất lượng chương trình không tốt. Tất nhiên, khen chê là một điều hết sức bình thường và tôi không có bệnh "ai cho mày chê con tao xấu". Tôi và cả ê kíp đã rất nỗ lực để có được một chương trình tốt nhất, hiệu ứng sân khấu rất tốt, âm thanh ánh sáng cũng đã được làm rất kỹ. Chúng tôi đóng cả một mũi tàu thật để làm nên không gian về biển. Nói tóm lại là tốn kém và công phu. Nhưng truyền hình đã phá hỏng nó. Bản quay trên tivi nhòe nhoẹt và những góc quay quá xấu, âm thanh rất tệ. Tôi rất sợ. Khi xem lại chương trình, tôi thấy hoảng. Có lẽ những chương trình tới chúng tôi cần phải thống nhất chuyện này với bên quay phim. Tôi không muốn công sức của mình đổ xuống sông xuống biển, vì những yếu tố không thuộc về mình.

- Vậy anh sẽ làm gì với "Duyên dáng Việt Nam" tiếp theo, trong tình hình show ca nhạc đang cạn kiệt ý tưởng và bão hòa khán giả?

- Ở Phú Yên khán giả không bị bão hòa, đó là điều kiện khá lý tưởng. Họ rất háo hức với các chương trình ca nhạc tử tế. Và tôi tin mình làm được điều này. Ý tưởng thì đúng là lúc nào cũng khó khăn. Kỳ này chúng tôi quyết định chủ đề là "Nhớ". Sẽ là những hồi ức về một dòng nhạc đẹp, có Văn Cao, có Trịnh Công Sơn. Và sẽ có một chủ đề mạnh về dòng nhạc Bolero. Dòng nhạc của quá khứ nhưng có sức sống trong công chúng. Nhiều người nói Bolero là nhạc sến, rẻ tiền. Nhưng tôi nghĩ rằng, công chúng không khờ dại, phải cái gì đi vào tâm tư họ mới được lưu nhớ lâu đến vậy. Dòng nhạc nào cũng có đỉnh cao của nó. Và khi bạn đã chạm vào đỉnh cao thì đó là giá trị thực sự.

- Anh nghĩ sao nếu tôi nói rằng, anh đang bị "ế show" với điện ảnh nên coi truyền hình và tạp kỹ là "đất sống"?

- Anh nghĩ thật thế đấy à? Vì năm nay tôi không làm phim Tết sao. Anh thật nông cạn! Cũng giống như nghề của anh, dạo này ít thấy tên anh trên báo, đâu có nghĩa là anh không còn làm nghề nữa, mà biết đâu anh ấp ủ nhiều dự án lớn hơn!

Giám khảo Việt Nam Idol.

Không ăn mòn tên tuổi của mình

- Vậy vì sao anh không làm phim nữa?

- Tôi chưa làm chứ không phải không làm. Tháng 4 này tôi sẽ quay phim "Chân dài hành động" của hãng Galaxy. Các diễn viên đang ráo riết tập võ. Tôi từ chối làm phim Tết vì tôi không muốn lặp lại. Tôi không muốn mắc sai lầm. Khi không có gì hay hơn thì đừng cố làm. Tôi thấy nhiều người đang làm theo số lượng và giết mình ngay khi cái tên vừa được tạo dựng rất vất vả. Tôi không phải dạng người như vậy.

- Có thật anh từ chối làm phim Tết, mùa phim duy nhất và quan trọng, mùa kiếm tiền của điện ảnh Việt Nam?

- Nói thật, để có cơ hội làm phim với tôi vào lúc này không khó. Một số nhà sản xuất còn nói, tôi làm phim thì chắc chắn thắng. Vì mọi người nhìn vào 3 bộ phim Tết vừa qua tôi làm đều rất thành công về doanh thu. Như "Những nụ hôn rực rỡ" năm rồi doanh thu được coi là cao nhất. Nhưng tôi nói với họ, tôi không phải là thần tài, tôi chỉ cố tránh những cái lỗi mà người khác đã dính, chứ tôi không phải làm gì cũng thắng, cũng hốt bạc. Mà điện ảnh Việt Nam, nói là có doanh thu cao, chứ thực ra cả năm mới có một phim như vậy thì lợi nhuận chẳng thấm vào đâu. Sản xuất phim vẫn là nghề quá mạo hiểm, như đánh bạc vậy, nhất là ở thị trường nhiều "hên xui" như Việt Nam. Tôi từ chối không nhận làm phim Tết vì tôi cần có thời gian để thực hiện bộ phim mới của mình một cách kỹ lưỡng hơn. Khán giả ngày càng đòi hỏi cao. Và chúng ta không được phép cẩu thả.

- Phải chăng anh đã không còn muốn làm phim ăn khách nữa? Anh đã muốn làm phim nghệ thuật? Nên anh im lặng trước những dư luận về phim "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Phan Quang Bình?

- Phim thì lúc nào cũng cần có khán giả. Không có chuyện tôi làm phim cho riêng mình. Chỉ quan trọng là làm vào thời điểm nào mà thôi. Tôi cũng có ý tưởng về một bộ phim tác giả. Tôi nghĩ có làm phim nghệ thuật mà nếu nó đạt được đỉnh cao thì khán giả cũng sẽ mê đắm và ngược lại, một bộ phim thương mại được làm bằng phong cách tài hoa, như "Thiên hạ vô tặc" của Phùng Tiểu Cương chẳng hạn, còn có giá trị hơn nhiều những bộ phim nghệ thuật lưng chừng.

Tôi im lặng trước dư luận về phim "Cánh đồng bất tận" vì tôi đã chia sẻ những tâm huyết, những vất vả và những nỗ lực của ê kíp trong hậu trường. Sự chia sẻ đó mang tính chất cá nhân. Và khi đối diện với bộ phim trong rạp chiếu, tôi là một khán giả bình thường. Tôi không muốn phát biểu nhiều về một tác phẩm của bạn bè. Tôi thấy trân trọng những nỗ lực của họ.

- Người ta nói, những người đã quen với sản phẩm thương mại sẽ khó lòng làm được một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Anh có nghĩ điều này đúng với mình?

- Tôi thì nghĩ ngược lại, các đạo diễn phim nghệ thuật khi đi làm phim thương mại thường khó lòng mà ăn khách.

- Đến lúc này, anh nghĩ rằng, Nguyễn Quang Dũng đã là một thương hiệu ăn khách?

- Tôi nghĩ rằng, mình là cái tên được các nhà sản xuất tin tưởng. Nhưng để có điều đó, tôi đã phải bỏ lại rất nhiều lời mời có thể kiếm nhiều tiền. Như làm phim truyền hình, làm show… Bây giờ có đạo diễn nhận một lúc vài phim truyền hình. Còn tôi thì không, nếu ai mời tôi làm phim truyền hình sẽ phải trả giá rất cao tôi mới nhận. Tôi có cái giá của mình và tôi chấp nhận bỏ những món tiền nhỏ để tìm những món tiền lớn. Anh cứ nhìn đi, có những gương mặt hiện tại rất ăn khách, nhưng chỉ vài năm sau không ai còn nhớ đến, gần như thị trường không còn cần họ nữa. Thật buồn. Tôi thì không muốn ăn mòn tên tuổi của mình và phải… chết một cách lặng lẽ như vậy!

- Xin cảm ơn anh!

PV (thực hiện)
.
.
.