Đi chợ điện thoại ở Thâm Quyến - Trung Quốc

Chủ Nhật, 20/06/2010, 10:09
Những chiếc điện thoại cũ, đã qua sử dụng, bị va đập hư hỏng nhập về đây đều được làm lại theo kiểu hỏng đâu vá đấy, những chỗ bị hỏng sẽ được thay thế bằng các loại phụ kiện sản xuất trong tỉnh Thâm Quyến, dĩ nhiên là không phải hàng chính hãng. Sau đó được đóng tem nhãn mác cũng được in tại xưởng luôn, nếu muốn điện thoại sản xuất ở nước nào thì chỉ việc đóng tem nước đó vào...

Mặc dù đã được nghe nhiều về sự to lớn, đồ sộ thiên đường điện thoại ở Thâm Quyến qua sách báo và từ các tay buôn hàng điện thoại ở Việt Nam nhưng khi được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán ồn ào tấp nập tại nơi đây, tôi vẫn ngạc nhiên.

Thế giới "ngầm" điện thoại

Trước khi đi thăm Thâm Quyến, một anh bạn tôi làm điện thoại lâu năm đã nhắc nhở "Sang đây nếu đi tham quan thì phải thăm chợ Hoa Cương Bắc, chợ bán điện thoại chắc là không có cái thứ hai trên thế giới..". Trái với suy nghĩ trong đầu của tôi đây sẽ là một tòa nhà to với biển hiệu treo kín tòa nhà, thực ra tên gọi Hoa Cương Bắc là dành cho một tổ hợp gồm nhiều tòa nhà liền kề nhau, hầu hết đều là những chung cư cũ với vẻ tĩnh lặng dường như không dành cho một chợ điện thoại lớn nhất thế giới.

Sau một hồi tham quan bên ngoài, tôi cũng tìm được đường vào bên trong một trong những tòa nhà chung cư cũ này. Hóa ra trái ngược với không khí tĩnh lặng bên ngoài, bên trong lại là một không khí buôn bán sầm uất và náo nhiệt. Hàng nghìn quầy điện thoại nhỏ không tới 1m2 được dựng san sát với nhau, bên trong những tủ kính được phủ hờ những lớp vải mỏng là rất nhiều điện thoại trên thế giới đủ mẫu mã, màu sắc, cũ, mới...

Quả thực với hàng nghìn gian hàng ở 4 tầng của riêng cái chung cư này, tôi đã thấm thía về cái gọi là gian chợ điện thoại "ngầm" độc nhất thế giới. Ở đây, ta có thể dễ dàng mua được mọi mẫu điện thoại trên thế giới. Dù rằng có những mẫu theo tôi biết đã ngừng sản xuất từ rất lâu nhưng chủ gian hàng vẫn giới thiệu được với tôi là hàng mới vẫn còn nguyên hộp. Đóng vai một người mua hàng, tôi đặt vấn đề với ông chủ cửa hàng về việc muốn mua hàng số lượng nhiều để bán lại ở Việt Nam. Như được cởi tấm lòng, anh nói với tôi rất nhiều về các loại máy và nhân tiện chìa ra một đống sổ có rất nhiều tên người Việt trong đó.

Với thiện chí bán hàng, anh giải thích đầy đủ về các loại mặt hàng với tôi. Hóa ra ở Thâm Quyến một nền công nghiệp đóng mới điện thoại ở Thâm Quyến. Những chiếc điện thoại cũ, đã qua sử dụng, bị va đập hư hỏng nhập về đây đều được làm lại theo kiểu hỏng đâu vá đấy, những chỗ bị hỏng sẽ được thay thế bằng các loại phụ kiện sản xuất trong tỉnh Thâm Quyến, dĩ nhiên là không phải hàng chính hãng (còn về chất lượng thì chắc chỉ có giời mới biết!). Sau đó được đóng tem nhãn mác cũng được in tại xưởng luôn, nếu muốn điện thoại sản xuất ở nước nào thì chỉ việc đóng tem nước đó vào.

Từ một chiếc điện thoại nhìn chỉ muốn vứt đi ở nước ngoài, qua bàn tay những công nhân ở Thâm Quyến nó đã trở thành một chiếc điện thoại mới nguyên. Đó là với những chiếc điện thoại thuộc phân hạng cao cấp, còn với những chiếc điện thoại đã quá quen thuộc với mọi người bình dân thì tại đây nó được "nhân bản vô tính" một cách mạnh mẽ.

Không được chứng nhận cho phép của hãng sản xuất, nhưng những chiếc điện thoại như Nokia 1200, 6310i,... những bảng mạch và những phụ kiện được sản xuất hàng loạt với chất lượng cũng bình thường như giá tiền của nó. Rồi được lắp ráp thủ công tại một nhà máy nào đó quanh Thâm Quyến và được chuyển về trung tâm mua bán. Sau đó được phân phối đi khắp thế giới. Ở đây tôi có gặp người ở rất nhiều quốc tịch khác nhau.

Như để tăng thêm nhu cầu mua hàng của tôi, ông chủ còn nói thêm một câu khiến tôi giật nảy cả mình: "Nếu thích lấy giấy chứng nhận hàng hóa của Việt Nam hoặc giấy tờ ship từ nước nào thì tôi cũng làm luôn cho anh được, yên tâm mà bán lại hàng...".

Đến đây, tôi chợt hiểu ra hơn về những cái gọi là "hàng xách tay từ Mỹ", "người nhà về chơi xách về",... thật khó có gì nói trước được. Đành gác lại chuyện mua hàng bằng cách trao đổi liên lạc với anh chủ và hẹn sẽ quay lại sau. Tôi bước chân mà trong lòng vẫn suy nghĩ về những chiếc điện thoại hàng xách tay bán tại quê hương.

Chợ "trời" điện thoại

Lang thang trên đường về khách sạn, tôi lại gặp một cái chợ kỳ lạ nữa mà chắc cũng không đâu có. Chợ điện thoại họp trên vỉa hè và điện thoại được bán theo cân.

Khác với chợ trước tôi đã đi, khu chợ này chủ yếu tập trung bán những chiếc điện thoại đã cũ và hỏng có giá trị thấp. Điện thoại ở đây được bày ra sạp trên vỉa hè hoặc được để trong thùng hàng phía sau những chiếc xe tải.

Thấy hai người đàn ông đang giao dịch, tôi ghé mắt vào xem. Thật ngạc nhiên, họ đang mua bán điện thoại mà sao lại dùng đến cân như những bà bán hàng ngoài chợ ở Việt Nam thế này. Tôi liền ghé vào hỏi thăm ông chủ thì được biết rằng hóa ra điện thoại ở đây được bán theo ký và người mua không được chọn lựa, hư hỏng thế nào cũng phải lấy cả cân và về nhà tự lựa ra. Đúng là lần đầu tiên tôi được biết đến việc đi mua điện thoại theo kiểu hên xui và giá điện thoại được tính theo kg

Linh Nguyễn
.
.
.