Đi tìm mốc 0 Khe Hó giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ Ba, 14/12/2010, 14:23
Khe Hó - mốc 0 lịch sử của đường mòn Hồ Chí Minh giờ đây nằm bơ vơ trên dãy Trường Sơn như một mảnh đất vô danh. Còn đâu cánh rừng già nguyên sinh dưới chân núi Động Nóc, còn đâu con đường mòn nhỏ, nơi mà cách đây 50 năm, Thiếu tướng Võ Bẩm cùng gần 500 người lính đã đưa những nhát cuốc đầu tiên khai sinh con đường Trường Sơn huyền thoại.

Không chỉ bị lâm tặc quần nát không thương tiếc, Khe Hó dường như còn đang bị lịch sử lãng quên.

Trong hồi kí, Thiếu tướng Võ Bẩm có kể lại, Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ nằm dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn Rào Thanh, Tây Nam Vĩnh Linh, cách nông trường Bãi Hà gần 12 km về phía Tây Nam, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa.

Trong chuyến khảo sát tháng 5/1959, đồng chí Võ Bẩm đã quyết định chọn nơi này là điểm đầu tiên bắt đầu con đường giao liên Trường Sơn, thực hiện chi viện cho miền Nam. Con đường mòn thuở ban đầu xuất phát từ Khe Hó qua làng Mít, qua đỉnh 1001 rồi vượt sông Bến Hải, qua đỉnh Voi Mẹp (Hướng Hoá - Quảng Trị). Tại đây, ngày 13/08/1959, chuyến hàng đầu tiên đã được bộ đội vận chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nỗi buồn nào cho Khe Hó?

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn vào Khe Hó, già làng Hồ Thanh đã quyết liệt khước từ. Lý do mà ông đưa ra khiến tất cả chúng tôi đều thấy chênh vênh: "Còn gì ở Khe Hó nữa đâu. Rừng bị lâm tặc phá rồi, đường mòn cũng bị phá cả rồi, chỉ còn một cái địa đạo nhỏ, giờ đã bị bụi rậm che lấp. Mà đường vào Khe Hó vất vả, nhiều đoàn cán bộ nhờ tôi dẫn đi, đến nửa đường không chịu được cái khổ lại bỏ về. Hình như người ta không còn nhớ về Khe Hó nữa rồi".

Đường vào Khe Hó đi qua những quả đồi trơ trọi vì sự tàn phá của lâm tặc.

Nói vậy nhưng sáng hôm sau, ông già Vân Kiều tuổi đã xấp xỉ 70 vẫn dẫn chúng tôi đi về hướng Tây, nơi có dãy Trường Sơn lừng lững đứng từ bao đời, nơi có bản Khe Hó từng gắn bó với nhiều thế hệ người Vân Kiều. Trên đường đi ông nói: "Người Vân Kiều giờ chỉ còn 4 người biết vị trí chính xác của mốc 0, nhưng chỉ còn mình ta là đủ sức dẫn đường. Phải đi chứ, để sau khi ta chết, người ta không quên con đường mòn của Bộ đội Cụ Hồ làm năm xưa".


Để vào được mốc 0 Khe Hó, chúng tôi phải đi mất hơn 4 tiếng đồng hồ băng qua rừng cao su, rồi vượt tiếp qua những ngọn núi bị lâm tặc tàn phá đến trơ trụi. Không chịu được sức nặng của những xe chở gỗ ra vào như cơm bữa, con đường mòn nhỏ vào Khe Hó mùa khô thì bụi tung mù mịt, mùa mưa thì bùn lầy như cháo.

Theo như lời già làng Hồ Thanh kể lại, thì trước khi chuyển ra trung tâm xã Vĩnh Hà hồi sau giải phóng, người Vân Kiều đã sống hàng thế kỷ ở Khe Hó. Ngày xưa toàn bộ khu vực này là một khu rừng nguyên sinh với những cây đại thụ vươn cao vài chục mét. Đi dưới những tán cây đó chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Người Vân Kiều bao đời vẫn sống dựa vào sự giàu có của núi rừng Trường Sơn, cho đến khi bom đạn chiến tranh tàn phá cuộc sống bình yên đó.

Bản Khe Hó cũ giờ đây không còn bóng dáng của người Vân Kiều. Vết tích của bản làng trước kia đã bị bụi thời gian xoá mờ. Chỉ có sự gắn bó mật thiết với bản cũ mới giúp Hồ Thanh nhớ được vị trí chính xác của bản. Đứng trên nền của một nếp nhà cũ đầu bản, già Thanh kể: "Trước đây, chỗ này có một cái cây cổ thụ cao mấy chục mét, dân quân du kích Vân Kiều thường thay phiên nhau đứng gác ở trên ngọn cây để cảnh giới máy bay địch tấn công. Có người đã chết ngay trên cây khi đang làm nhiệm vụ".

 Đứng từ bản cũ của người Vân Kiều, chỉ đi qua 4 quả đồi là đến mốc 0 của con đường mòn giao liên Trường Sơn thuở ban đầu. Nhưng phải mất gần một tiếng tìm kiếm quanh khu vực Khe Hó, già Thanh mới xác định được chính xác vị trí của mốc 0 Khe Hó và địa đạo nơi bộ đội dùng làm nơi trú ẩn. Ông kể: "Lâm tặc đã phá đi toàn bộ rừng quanh Khe Hó, nên tôi ngày càng khó tìm được đường về nơi này. Ngày xưa tôi toàn định hướng đường đi bằng vị trí cây mọc. Giờ rừng đã biến thành đồi trọc, mỗi lần đi lại thấy khung cảnh đổi khác".

Địa đạo nơi bộ đội trú ẩn trong chiến tranh.

Đứng ở điểm khởi đầu con đường giao liên năm xưa, già Thanh dường như bất lực vì chẳng thể nào chỉ ra được một dấu tích nào của bộ đội Đoàn 559 một thời.

Ông buồn bã nói: "Xưa kia chỗ này là một con đường mòn rộng chưa đầy một mét, xung quanh là cây cối rậm rạp, bên cạnh còn có một cái căng tin nhỏ. Nhưng căng tin đã mất, còn đường mòn thì bị lâm tặc mở rộng thêm ra để vào khai thác gỗ trong rừng sâu. Chẳng có một bằng chứng nào để chứng minh đây là nơi bộ đội bắt đầu đưa hàng vào Nam. Nhưng máu của bộ đội và của người Vân Kiều đã rơi trên mảnh đất này sẽ chứng giám cho những gì ta nói".

Nỗi buồn của Hồ Thanh cũng là nỗi buồn của chúng tôi khi đặt chân đến Khe Hó. Dù đã là di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 1997 và đang được lập hồ sơ để công nhận di tích quốc gia, nhưng xung quanh mốc 0 của con đường giao liên 50 năm trước không hề có bất cứ một biển chỉ đường hay một biển báo di tích nào. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích cũng không hề được thực hiện.

Chính vì thế, lâm tặc vẫn ngang nhiên tàn phá những cánh rừng quanh Khe Hó, biến nơi đây thành những khoảng đồi trơ trọi, rát bỏng dưới cái nắng nghiệt ngã của miền Trung. Một địa đạo nhỏ nằm cách mốc 0 không xa, nơi bộ đội 559 dùng làm nơi trú ẩn cũng bị những cây chuối rừng che lấp gần như toàn bộ.

Chuyện những người mang họ Bác Hồ đi gùi hàng cho bộ đội

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi mà việc vận chuyển hàng hoá vào Nam vẫn phải thực hiện bằng phương pháp gùi thồ, người dân Vân Kiều ở Khe Hó đã không tiếc công giúp bộ đội gùi hàng vượt dãy Trường Sơn.

Ông Hồ Thanh hồi tưởng lại: "Suốt những năm đó, khu vực quanh vĩ tuyến 17 bị giặc ném bom dữ dội. Ở trên dãy Trường Sơn, dân bản Khe Hó vẫn nghe tiếng máy bay địch gào rú như một con quái thú. Cả bản ai cũng căm thù giặc. Thời gian đầu bộ đội đến Khe Hó, dựng lán trại ở đó, người trong bản vẫn đinh ninh đó là công nhân lâm trường. Khi biết đó là Bộ đội Cụ Hồ đi làm nhiệm vụ cách mạng, cả bản đã chung sức cùng với bộ đội khuất phục dãy Trường Sơn".

Ban ngày, cả bản đi làm nương để lấy lúa ăn, ban đêm lại về giúp bộ đội đào hầm tránh đạn. Mỗi tháng, người dân bản lại dành 10 ngày để đi gùi hàng cho bộ đội. Ai có sức thì gùi nhiều, ai không có sức thì gùi ít. Đàn ông gùi bom đạn, phụ nữ gùi lương thực. Nhiều người vừa đẻ xong được vài tháng cũng để con ở nhà, hăng hái đi làm giúp bộ đội.

Nhớ lại những ngày đó, già Thanh hào hứng nói: "Người Vân Kiều trước đây không có họ, không có tên. Đến năm 1958 thì cả dân tộc được vinh dự mang họ Bác Hồ. Nên bản Khe Hó đã dốc hết sức để giúp đỡ Bộ đội Cụ Hồ. Tình cảm của bộ đội với dân tộc Vân Kiều như cá với nước. Dân bản cho bộ đội sống trong nhà, chia với bộ đội củ sắn lúc đói lòng. Bộ đội lại cho dân bản viên thuốc để đuổi bệnh tật. No đói, yếu khỏe đều có nhau. Bản Khe Hó khi đó đã nhiều lần bị bom đạn tàn phá tan hoang, nhiều dân quân du kích Vân Kiều đã hi sinh, nhưng người dân Khe Hó vẫn quyết một lòng theo bộ đội, vì tất cả đều tin rằng: "Bộ đội Cụ Hồ còn thì người Vân Kiều còn".

Nhiều năm gùi hàng giúp bộ đội vượt qua tuyến lửa, già làng Hồ Thanh và người dân Khe Hó hồi đó cũng không còn nhớ được mình đã gùi bao nhiêu chuyến hàng. Nhưng tất cả đều thấy hạnh phúc vì đã góp phần vào cuộc chiến thống nhất hai miền Nam - Bắc, đem lại sự bình yên cho núi rừng Trường Sơn.

Sau giải phòng, Đảng chủ trương di dời bản Khe Hó xuống vùng thấp để làm kinh tế, xoa đói giảm nghèo. Sau hơn 30 năm, người Vân Kiều đã cần cù lao động để thoát khỏi cuộc sống nghèo đói xưa kia. Giờ đây đến bản Khe Hó mới ở trung tâm xã Vĩnh Hà, sẽ thấy những ngôi nhà xây khang trang, nằm yên ả trong những cánh rừng cao su, rừng keo ngút ngàn dưới chân dãy Trường Sơn. Có gia đình Vân Kiều mỗi tháng thu hoạch từ 10 -15 triệu đồng từ cây cao su. Nụ cười ngày càng sáng bừng trên  gương mặt người dân bản Khe Hó. Cuộc sống của người Vân Kiều đã thực sự bình yên.

Lúc chia tay, già làng Hồ Thanh nói rằng: "Con đường mòn của Đoàn 559 mở tại bản Khe Hó sẽ mãi mãi là niềm tự hào của người Vân Kiều. Trong khi đợi nhà nước cắm mốc công nhận di tích lịch sử, mỗi người dân Vân Kiều sẽ tự cắm mốc trong tim mình"

Nam Anh
.
.
.