Địa ngục trần gian của một thôn nữ

Thứ Ba, 21/12/2010, 16:14
Nguyễn Thị Phượng, một trong những nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc, đã vượt qua sự e ngại, sợ sệt kể lại với PV chuyên đề CSTC những năm tháng đọa đày, kinh hoàng khi bị bè lũ "buôn thịt người" hành hạ, vắt kiệt thân xác ở các nhà thổ, nơi với khách làng chơi là "thiên đường" nhưng lại là địa ngục với những nạn nhân bị mua bán và bị ép buộc phải làm nô lệ tình dục…

Với 179 phụ nữ và trẻ em bị mua bán trong 5 năm qua (2005-2010), tuy không rầm rộ như các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng không vì thế mà nỗi đau và sự kinh hoàng mà bọn buôn người mang đến cho các nạn nhân tại tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ, kém phần khốc liệt.

Được sự giới thiệu, động viên của bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tân Biên, địa phương có nhiều phụ nữ bị mua bán và xuất ngoại vì động cơ kinh tế, Nguyễn Thị Phượng, một trong những nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc, đã vượt qua sự e ngại, sợ sệt kể lại với PV chuyên đề CSTC những năm tháng đọa đày, kinh hoàng khi bị bè lũ "buôn thịt người" hành hạ…

Quyết định sai lầm

"Như bao cô gái mới lớn khác ở xã Mỏ Công, em từng có những năm tháng vui sống hồn nhiên bên người mẹ già và những người thân yêu. Tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơm rau đạm bạc nhưng với tâm trạng của một cô gái ở tuổi thanh xuân nhiều mơ mộng, hoài bão, em cảm nhận được tương lai hứa hẹn tươi sáng ở ngày mai. Nhưng vì nhẹ dạ, cả tin vào lời ngon tiếng ngọt của những kẻ có tâm địa độc ác mà em đã tự đưa mình vào chốn đọa đày. Chuyện xảy ra đã gần 2 năm nhưng đến tận bây giờ hằng đêm nằm ngủ em vẫn giật bắn người khi những tháng ngày bị hành hạ, chà đạp nơi xứ người thi nhau hiện về".

Những cô gái có gia cảnh nghèo khó và nữ sinh mới lớn là đối tượng có nguy cơ bị bọn buôn người lừa gạt bán sang biên giới.

Giữa cái nắng đổ lửa như thiêu đốt ở một huyện vùng biên với thời tiết khắc nghiệt, trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, chắp vá như số phận buồn tủi, bần cùng của chủ nhân ở xã Mỏ Công, Phượng, sinh năm 1985, bắt đầu câu chuyện cô bị bọn buôn người chuyên nghiệp lừa gạt và bán đi bán lại như một món hàng nơi xứ lạ vào đầu năm 2006 bằng những dòng nước mắt uất hận: "Trước khi bị lừa bán qua Trung Quốc, em chơi thân với Thảo, cùng tuổi con trâu như em, người ở tỉnh Vĩnh Phúc, theo người thân vào lập nghiệp tại Mỏ Công từ năm 17 tuổi. Khoảng năm 2002, mẹ Thảo điện thoại vào bảo phải về Bắc lấy chồng, kể từ đó tụi em xa cách. Nào ngờ khi bị biến thành món hàng, em mới biết Thảo là mắt xích trong một đường dây buôn người có tổ chức".

Trong tâm trạng nhớ bạn khôn nguôi thì vào một sáng tháng 3/2006, đang lúc hái rau ở vườn nhà, cô thôn nữ Nguyễn Thị Phượng đón một cặp vợ chồng ăn vận sang trọng, nói giọng Bắc, bảo là chị của Thảo, nhân chuyến đi công tác vào Nam có mang theo lời nhắn gửi của em gái cho cô bạn thân: "Sau khi giới thiệu mình tên Thủy, chị nọ hỏi thăm cuộc sống của em và cho biết Thảo hiện sống ở Trung Quốc, công việc kinh doanh quán cà-phê của vợ chồng Thảo rất thuận lợi và đang tính chuyện mở rộng quán. "Thảo mong muốn đón em sang, trước là để gặp gỡ hàn huyên, sau là mong em phụ giúp vợ chồng nó quản lý quán, lương trả hậu hĩnh"-người phụ nữ, nói.

"Má là người có dự cảm không tốt về chị Thủy nên không đồng ý cho em theo chị ta" - Phượng kể chuyện trong sự hối hận muộn màng: "Tuổi trẻ bồng bột, suy nghĩ giản đơn nên má càng bàn ra thì ý định xuất ngoại trong em càng lớn. Phần thương nhớ bạn lâu ngày không gặp, phần khát khao đi du lịch nước ngoài cho biết đó biết đây và quan trọng nhất là được làm việc nhàn hạ nhưng thu nhập cao gấp chục lần công việc đồng áng nặng nhọc, bấp bênh… nên một ngày nọ, em âm thầm gói ghém đồ đạc trốn gia đình theo chị Thủy.

Xuất phát tại Bến xe Tân Biên, theo các chuyến xe đò, xe khách, cùng một cô gái khác em chỉ biết tên Mai, ngụ cùng huyện, vậy là hai đứa em theo chị Thủy vượt hàng ngàn kilômet ra tới Hà Nội, rồi từ đó sang Trung Quốc và đi sâu vào nội địa nước này. Quá trình di chuyển tụi em vui lắm, chẳng lo lắng, nghĩ ngợi gì vì mọi chi phí chị Thủy lo hết. Tụi em nào biết phía trước là những ổ quỷ với bọn đầu trâu mặt ngựa, đám tú bà, tú ông và những ông khách làng chơi bệnh hoạn, thô bạo… đang đợi mình".

Trong vòng siết phường buôn người

Khi đặt chân đến Trung Quốc, ngày gặp được người bạn cũ dấu yêu cũng là ngày mà cô thôn nữ Nguyễn Thị Phượng biết mình chỉ là món hàng đối với bạn. "Khi gặp gỡ, thay vì mừng vui thì Thảo cùng chồng đanh mặt phớt lờ em, trao đổi, mặc cả thẳng thừng với vợ chồng chị Thủy về chuyện trả tiền mua em và Mai. Hai bên kỳ kèo một hồi nhưng do Thảo không đủ tiền mua nên vợ chồng Thủy dẫn tụi em đi nơi khác để bán.

Hiểu được bản chất thật của bạn, em căm hận lắm, nhất định không chịu đi và yêu cầu chị Thủy đưa trở lại Việt Nam thì chị bảo "thích thì về" kèm lời đe dọa "đường về nếu bị bọn xấu bắt giết vùi mất xác thì ráng chịu". Thân gái dặm trường, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân vì bị chị Thủy giữ, không biết nói tiếng thổ ngữ nên tụi em đành mặc cho số phận. Trong quá trình dịch chuyển, cả thảy phải trốn chui trốn lủi để né tránh sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, có lần phải trốn trong bụi gai rậm đến nửa đêm rồi lần theo những con đường mòn tiến sâu, trèo lên những đồi núi heo hút ở tạm…--PageBreak--

Ngày thứ 20 kể từ lúc đặt chân sang địa phận Trung Quốc, sau hơn chục ngày băng rừng, vợ chồng Thủy đưa 2 cô gái nhẹ dạ cả tin dừng trước dãy nhà gỗ tuềnh toàng vốn là động thổ bình dân trên một mỏm đồi và bán cho một phụ nữ người Việt. "Em không rõ Thủy nhận từ người phụ nữ ấy bao nhiêu tiền" - Phượng, nhớ lại: "Chỉ biết ngay sau khi vợ chồng Thủy đi, người đàn bà nọ mà sau này em mới biết chị ta cũng từng là nạn nhân của bọn buôn người, đưa 2 đứa em xuống một thị trấn nhỏ, nơi chị ta đang làm chủ một quán bia ôm. Ngay trong ngày chị ta ép Mai phải bán thân cho khách, tiền khách trả chị ta giữ hết. Bản thân em cũng bị chị ta buộc bán trinh cho một ông khách còn hơn tuổi ba em có kiểu nói năng, hành xử thô bạo. Lúc ấy em sợ lắm, em đã nghĩ đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm nhưng khi nghĩ đến mẹ và các anh chị nơi quê nhà đang sống khắc khoải, âu lo không biết em hiện ở đâu, sống chết ra sao nên em ráng sống nuôi cơ hội đào thoát trở về để được chăm lo cho mẹ và tố cáo tội phạm".

Người dân theo dõi phiên tòa xét xử các đối tượng trong một đường dây buôn người tại TP HCM.

Sau khi bị ép phải bán đời con gái cho người đàn ông nọ với số tiền gần 10 triệu đồng, Phượng cho biết cô và Mai bị bà chủ ép phải tiếp khách liên tục. "Chị ta không cần biết tụi em và khoảng 20 cô gái khác đau đớn, mệt mỏi ra sao. Hễ có khách vào, khách chọn ai thì người ấy phải làm cho họ vừa lòng, bằng không thì bà chủ sai bọn đầu trâu mặt ngựa đánh đập".

Đừng để trả giá đắt vì sai lầm tuổi trẻ!

Bị cầm tù trong động buôn thịt người gần 6 tháng trời, khi thấy khách làng chơi trong vùng không còn mặn mà với mấy "món hàng" cũ rích, vậy là mụ tú bà quyết định thanh lý "hàng tồn kho" để nhập về lô hàng mới: "Lúc đó vào khoảng giữa tháng 8/2006. Đó là lần cuối cùng em gặp được Mai. Đến tận bây giờ em không biết nó sống chết ra sao" - Phượng rấm rứt kể: "Hôm bị bà chủ bán, nói thật lòng em cảm thấy vui vì nghĩ sang nơi mới biết đâu cơ hội đào thoát rộng mở, chứ không như chốn này, nằm biệt lập giữa núi rừng heo hút, muốn trốn cũng chẳng biết đi đâu về đâu".

Nói đến đây Phượng lại bưng mặt khóc và liên tục rùng mình nhớ về những khoảnh khắc kinh hoàng nhất mà cô phải trải qua: "Động thổ thứ hai cũng kinh khủng không kém gì động thứ nhất. Em và các cô gái bị bọn chủ chứa chăn dắt ép đi khách ngày đêm. Vắt xác tụi em hơn 4 tháng, chủ chứa bán em cho một động khác.

Động thứ 3 mới thực sự hãi hùng. Bình quân mỗi ngày em buộc tiếp ít nhất 20 khách, có ngày hơn 30 lượt. Ở đây bọn chủ chứa đề ra nội qui rất khắc nghiệt. Mỗi ngày mỗi tiếp viên phải tiếp khách đến con số thứ 15 mới được cho ăn cơm. Để được no bụng, tụi em phải tích cực chiều khách. Những hôm đến kỳ phụ nữ, mệt mỏi quá, em và một số chị không muốn tiếp khách thì họ đẩy tụi em vào phòng kín, bắt cởi hết quần áo, cho bọn ma-cô đánh đập, bỏ đói không cho ăn uống. Bị tra tấn, hành hạ, em không còn con đường nào khác ngoài việc phải gắng sống và làm mọi điều chúng bảo".  

Sau gần 3 tháng ở động thổ thứ 3, thấy sức khỏe Phượng suy sụp, nhan sắc tàn phai nên mụ tú bà người bản địa quyết định bán cô cho một chủ chứa khác. "Đó là động mại dâm lớn gấp đôi động mại dâm thứ 3. Trong ấy tập trung đông gái Việt bị lừa như em. Ở đây bọn ác nhốt tụi em trong những căn phòng cửa sắt chật chội, mỗi phòng có 10 cô, chúng không cho mặc quần áo để khách làng chơi thỏa mắt chọn lựa. Riêng em do sức khỏe kém, bà chủ tạm cho nghỉ ngơi để hồi sức và nhân lúc chúng sơ hở, em lấy được giấy tờ và trốn thoát với sự giúp đỡ của những nạn nhân đồng cảnh. Nhờ số tiền họ cho, em mua quần áo, thuê phòng trọ nghỉ ngơi và giữa lúc chưa biết phải về nước như thế nào thì em được một phụ nữ người Việt giúp đỡ công việc làm. Với số tiền dành dụm ấy, 4 tháng sau em tìm được đường về Tây Ninh và đã đến cơ quan Công an tố giác tội phạm.

Phượng chấm dứt câu chuyện bị bán bên kia biên giới khi trời sập tối. Lúc chia tay, cô nhắn nhủ các cô gái trẻ chớ nên nhẹ dạ, cả tin những lời lẽ ngon ngọt, rủ rê của bạn bè, nhất là những người bạn lâu ngày gặp lại.  Trước khi làm ăn xa hay đi du lịch phải tham khảo ý kiến với gia đình, người thân. Đừng để đến lúc hối hận, ăn năn thì chuyện đã quá muộn!

Bà Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Tân Biên

Tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp. Dưới vỏ bọc kết hôn với người nước ngoài, đi hợp tác lao động, du lịch, đến nay toàn huyện có đến 1.333 phụ nữ xuất ngoại. Chưa có con số thống kê cụ thể trong số xuất ngoại kia có bao nhiêu người bị bọn buôn người lừa gạt, buôn bán nhưng đến nay huyện đã tiếp nhận 12 nạn nhân của bọn buôn người được giải cứu ở nước ngoài và được trao trả qua con đường ngoại giao. Phần lớn các nạn nhân bị buôn bán khi trở về tinh thần hoảng loạn vì chấn thương tâm lý lúc bị hành hạ nơi xứ người. Qua khảo sát cho thấy những trường hợp xuất ngoại, bị mua bán đa phần là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hạn chế về trình độ văn hóa, thiếu hiểu biết trong phòng ngừa tệ nạn xã hội…

Thành Dũng
.
.
.