Doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi: Chỉ bùng nổ về… lượng

Thứ Sáu, 11/06/2010, 15:46
Thật bất ngờ đến tận hôm nay là từ trước tới nay, Hà Nội mới dành riêng một số điểm đỗ ít ỏi cho taxi. Trong khi đó, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện có 108 hãng taxi với khoảng 13.000 xe đang hoạt động. Với số lượng xe khổng lồ này, giới taxi đã xoay xở ra sao? Tại sao, taxi luôn đứng đầu danh sách vi phạm đỗ, dừng và bị kêu nhiều như vậy?

"Nở" cả khi đã hạn chế tăng

Tôi tin chắc rằng, rất ít người dân Thủ đô nào nhớ tên được 10 hãng taxi cũng như số điện thoại, logo của các hãng này. Thế mà, hiện thành phố có 108 hãng taxi, đúng là một thế giới "đa sắc màu". Trong khi taxi đã nhiều như vậy thì 3 năm trở lại đây, thị trường taxi Hà Nội vẫn cứ xuất hiện thêm những thương hiệu "phá giá". Đó là sự xuất hiện của các thương hiệu taxi gắn với dòng xe Matiz, Kia Morning với giá cước thấp hơn hẳn các "đàn anh" với dàn xe Toyota, Vios... Taxi bình dân nhanh chóng chiếm cảm tình của các bà mẹ có con nhỏ, người già ốm đau...

Các "đàn anh" với dòng xe cao cấp hơn buộc phải chấp nhận san sẻ thị phần, hoặc đầu tư chiều rộng để với tới đa số khách hàng. Điển hình trong việc chuyển đổi này là Mai Linh khi tung ra... thị trường dòng xe Matiz với giá cước được khách hàng bình dân chấp nhận. Sự linh hoạt các doanh nghiệp vận tải taxi càng khiến khách  hàng được hưởng lợi là điều ai cũng nhìn thấy.

Đã có thời kỳ, khách hàng yên tâm với việc vẫy một chiếc taxi hiệu Matiz hoặc Kia Morning để tiết kiệm tiền. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, khách hàng phải cân nhắc với sự lựa chọn này. Tại sao? Nhiều hãng taxi ồ ạt ra đời, để tồn tại, các hãng phải "chiến". Đó là việc tìm kiếm các điểm đón khách "ngon". Tăng đầu xe, tăng thị phần. Thế nhưng, vốn đầu tư có hạn, tìm kiếm các điểm đỗ "ngon" lại khó cạnh tranh được với các đàn anh đi trước.

Trong khi đó, để được cấp phép hoạt động, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, điểm đỗ, bộ máy quản lý. Thế nên, nhiều hãng đành tăng đầu xe bằng cách bán thương hiệu cho các chủ phương tiện tư nhân. Bù lại, họ thu được "tiền đàm" (sử dụng máy bộ đàm) từ 1.000.000đ - 1.200.000 đ/tháng. Nhờ được gắn mào (mào taxi), dán logo, số điện thoại của hãng mà nhiều ông chủ xe tư nhân mặc nhiên trở thành người của hãng. Thế là họ tránh bị gọi là taxi "dù".

Xe của mình, mình lái, đương nhiên mình có quyền quyết. Thế nên mới có chuyện, nhiều lái xe thu giá cước theo hứng. Vị khách nào mà dính quả lái xe hứng, thu tiền cao thì chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Không chỉ vậy, có không ít trường hợp đăng ký thành doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi để xí chỗ. Đã có lần, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, phát hiện một hãng taxi chỉ có mỗi 3 đầu xe. Đương nhiên, chiểu theo quy định của ngành vận tải, doanh nghiệp này bị rút phép.

Ngày 20/1, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 303/VPUB-GT truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, "Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, các sở ngành liên quan nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát, hạn chế phát triển, không làm gia tăng số lượng xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố".

Ông  Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở thời điểm này cũng cho biết, hiện Hà Nội có 103 hãng taxi. Số lượng này quá lớn so với nhu cầu thực tế, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Và từ ngày 1/3, sẽ không cấp "mào" cho taxi mới. Thế nhưng, theo số liệu hiện tại của Sở GTVT, hiện Hà Nội có 108 hãng taxi. Như vậy, so với khi có chủ trương không làm gia tăng số lượng xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố, đã có thêm 5 hãng taxi ra đời. Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội, mới đây có hãng taxi mới đăng ký mới cho 400 xe.

"Liều" như tài xế taxi?!

Lái xe taxi từng là nghề được coi là thời thượng. Bằng chứng là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, có hẳn một bộ phim theo trào lưu mì ăn liền có tên, "Cô gái lái taxi". Đến nay thì sao? Chỉ riêng tại Hà Nội, hiện có 13.000 xe taxi, cứ tính 2 tài xế một xe thì số người làm nghề này ở Thủ đô đã gần 30.000 người. Để có công cao, tài xế phải có doanh thu tốt. Các hãng căn cứ theo doanh thu để tính tỷ lệ ăn chia. Có hãng, lấy 300.000đ doanh thu là mức tối thiểu để chia chác. Nhưng có hãng, phải là con số 500.000đ. Tỷ lệ ăn chia cũng tuỳ doanh nghiệp, đó là các cấp độ: 40-60; 50-50; 45-50...

Thực tế, đã có những vụ đình công lớn của lái xe để phản đối tỷ lệ ăn chia. Cứ mỗi lần giá xăng tăng, các hãng không điều chỉnh giá cước, tỷ lệ ăn chia là lúc, tài xế sôi sùng sục vì tiền xăng là nặng ký nhất trong tổng số tiền phải chi. Để có công, lái xe phải tìm mọi cách để có khách. Thế mới có chuyện, phải tìm kiếm chỗ đậu xe, phải chen lấn, tranh giành và không ít trường hợp đã dùng tay chân để "nói chuyện".

"Cùng đỗ sai quy định, nhưng xe tư nhân thì được tha, xe taxi thì bị phạt", anh Phạm Duy Hùng, lái xe taxi than thở. Khảo sát từ 10 người lái taxi, tôi đều nhận được câu trả lời tương tự. Tôi tin chắc, phản ánh này của cánh tài xế taxi là đúng. Nếu vậy, lái xe taxi đừng vi phạm? "Nghề của bọn tôi là bám đường, nếu không ở ngoài đường thì chẳng lấy đâu ra khách. Thế nên, đôi khi phải chấp nhận vi phạm thôi", anh Hùng nói. Nếu trước đây, lỗi đỗ, dừng xe ô tô sai quy định mức xử phạt theo Nghị định 146/CP từ 200.000 - 400.000đ thì từ ngày 20/5 sẽ áp dụng theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, mức phạt sẽ từ 600.000 - 1.000.000đ.

Cũng bởi hay vi phạm và hay... bị phạt nên tình trạng lái xe taxi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu gia tăng. Điểm qua các vụ tài xế hất CSGT, CSTT lên capô thì trăm phần trăm đều là lái xe taxi. Đã có ý kiến cho rằng, việc làm này xuất phát từ sự ức chế do... bị phạt. Không ai có thể chấp nhận cách ngụy biện này song nó cũng phản ánh một thực tế, tài xế ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận lái xe chưa cao.

CS113 xử phạt lái xe taxi vi phạm lỗi dừng, đỗ.

Chất lượng lái xe taxi thế nào? 80% lái xe taxi là người ngoại tỉnh. Nhiều người trong số này trước khi cầm vô lăng không thuộc đường, dẫn đến những phiền toái cho hành khách. Gia tăng taxi dẫn đến tình trạng "khát" lái xe là một thực tế đáng bàn. Tôi được biết, có hãng taxi sẵn sàng trả tiền hoa hồng nếu ai đó giới thiệu thành công 1 lái xe 450.000đ. Thiếu lái xe, tuyển dụng dễ dãi, cũng là cơ hội để những người cầm lái chất lượng thấp lọt vào đội ngũ lái xe.

Kỹ xảo gian lận cước

Có hai đối tượng bị thiệt khi lái xe gian lận cước. Đó là hãng xe và hành khách. Đối với hãng, lái xe sẽ dùng thủ đoạn làm cho côngtơmet không chạy. Không có doanh thu, hãng làm sao mà có căn cứ để chia tỷ lệ. Còn đối với hành khách, lái xe sẽ làm ngược lại, nghĩa là thúc đồng hồ tính tiền chạy nhanh hơn. Để làm được việc này, lái xe phải cài thiết bị gọi là xung. Thiết bị này khi được lái xe tác động có chủ ý, sẽ làm tăng hoặc giảm những con số hiện trên đồng hồ tính tiền hoặc côngtơmet. Trước đây, để điều chỉnh đồng hồ phải có sợi dây kết nối với xung với đồng hồ tính cước, km. Nay thì hiện đại hơn, lái xe sử dụng thiết bị không dây, điều khiển từ xa. Thiết bị này bé xíu, có thể giấu trong túi quần, dưới ghế.

Làm thế nào để phát hiện gian lận? Thông qua thanh tra chuyên ngành, kiểm định. Tại Trung tâm kiểm định khu vực I, chúng tôi đã được các kỹ sư ở đây cho xem thí nghiệm từ thiết bị dùng gian lận cước của lái xe taxi. Xe không cần chạy, đồng hồ tính cước vẫn tăng đều đều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thiết bị này khoảng 1,8 triệu đồng.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vừa qua đã phát hiện 2 xe taxi Sông Nhuệ gian lận cước bằng xung. Đối với khách hàng, ông Mạnh khuyên, nếu thấy lái xe cho tay vào túi quần, đồng hồ nhảy liên hồi thì đặt dấu hỏi nghi ngờ ngay. Khi đó, hành khách hãy bí mật gọi cho hãng hoặc Thanh tra Giao thông để kiểm tra.

Còn có một kiểu ăn cắp cước cò con khác, đó là sập đồng hồ từ trước (thông thường đồng hồ tính cước đã ấn định số tiền phải trả cho km đầu tiên). Để không bị hành khách phát hiện, lái xe phải khéo léo sập đồng hồ nhưng vẫn giữ ở mức dưới khung cước quy định cho km đầu tiên. Với cách gian lận này, lái xe lấy được 5.000 - 7.000đ của khách.

Hà Nội dành 32 điểm đỗ cho taxi

Hiện nay, cơ quan liên ngành đang tiến hành khảo sát, tìm kiếm cách dừng, đón khách dành riêng cho taxi.  Đây là nỗ lực lập lại trật tự trong hoạt động vận tải bằng taxi của thành phố.

Có nhiều luồng ý kiến quanh việc nên hay không kìm chế sự phát triển doanh nghiệp vận tải taxi. Trong đó, có ý kiến cho rằng, không nên kìm chế vì như vậy sẽ vi phạm Luật Doanh nghiệp. Cứ cho phép hoạt động, còn tồn tại được hay không thì để cho cơ chế đào thải xử lý. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, nên kìm hãm sự phát triển mà thiên đảm bảo chất lượng ngay từ đầu. Còn với người dân, chất lượng là mối quan tâm hàng đầu và nó luôn đi cùng với giá cước, phong cách phục vụ.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra, Sở GTVT: Sẽ có cơ chế quy chế quản lý điểm đỗ dành riêng cho taxi

Trước năm 2003, thành phố từng giao cho Hiệp hội Taxi phối hợp cùng với các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Công an các quận, huyện rà soát, tìm kiếm các điểm đỗ taxi nhưng việc này chưa được thực hiện. Hiện nay, liên ngành đang khảo sát để cấp điểm đỗ dành riêng cho taxi. Khi đưa vào hoạt động, cần có quy chế quản lý điểm đỗ này. Đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, đảm bảo vệ sinh... là vấn đề đáng quan tâm.

Việc các hãng taxi bung ra quá lớn, trong khi ý thức đảm bảo trật tự giao thông đô thị chưa cao nên đang tồn tại hiện tượng lấn chiến hè đường, vỉa hè. Ngoài ra, đang tồn tại mâu thuẫn giữa người lái xe và người làm bãi đỗ xe, đó là một bên không muốn vào bãi (mất tiền) và một bên muốn hút có khách (có người đỗ xe). Mâu thuẫn này chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra kinh doanh bãi đỗ xe.

Trung tá Đào Xuân Lâm, Đội trưởng Đội Quản lý xe, Phòng CSGT, Công an Hà Nội: Chưa có quyết định đình chỉ cấp mới của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn đăng ký mới cho xe hoạt động vận tải taxi.

Số liệu đăng ký mới cho xe hoạt động vận tải taxi tăng lên hàng ngày. Chúng tôi thực hiện việc đăng ký này cũng giống như đăng ký cho các loại phương tiện mới, không có gì khác biệt. Chúng tôi nhận biết đấy là phương tiên vận tải taxi vì ngay từ khi đóng thuế trước bạ đã nêu rõ kinh doanh taxi. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đăng ký số lượng xe lớn còn mang theo giấy giới thiệu.

Anh Nguyễn Thành Tuân (lái xe taxi): Lái xe taxi cổ phần chỉ ràng buộc với hãng tiền bộ đàm phải đóng hàng tháng

Tôi là một lái xe taxi cổ phần. Cổ phần tôi đóng vào công ty là xe ô tô Kia Morning cũ, trị giá 250.000.000đ. Do là xe của mình nên tôi không phải khai báo, chia tỷ lệ doanh thu. Nói nôm na là tự làm, tự ăn. Mối ràng buộc duy nhất của tôi với hãng là số tiền 1.200.000 đ/tháng phải đóng (tiền bộ đàm). Đối với việc thực hiện nội quy của hãng như mặc đồng phục, giờ giấc đi lại, mức tính cước thì tôi linh hoạt vận động. Ví như mặc đồng phục thì tôi ít thực hiện vì thấy không cần thiết.

Tôi chỉ lưu tâm đến giá cước vì tôi sử dụng đồng hồ tính cước của hãng. Tuy nhiên, nếu đi đường dài thì tôi thường thoả thuận giá với khách chứ không căn cứ vào đồng hồ. Ngoài ra, tôi còn có thể biến xe của mình thành xe du lịch khi cần bằng cách bỏ mào taxi, bóc logo, số điện thoại... hoặc lại dán vào nếu thích "mặc áo" taxi.

Vĩnh Nghi
.
.
.