Dư luận xung quanh vụ Cù Huy Hà Vũ phạm tội tuyên truyền chống nhà nước

Thứ Hai, 15/11/2010, 16:57
Theo Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an, căn cứ các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước thu được tại nhà riêng ở 24 Điện Biên Phủ của ông Cù Huy Hà Vũ, Cơ quan ANĐT có cơ sở để khởi tố, bắt tạm giam bị can Vũ về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 - BLHS.

Ông Cù Huy Hà Vũ sinh năm 1957 tại Hà Tĩnh, trú tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Năm 2009, ông Vũ nhiều lần tự ý bỏ việc nên bị Bộ Ngoại giao kỷ luật buộc thôi việc.

Năm 2010, gia đình ông Vũ vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 24 Điện Biên Phủ. Lợi dụng bức tường rào bị đổ, ông Vũ đã cho xây dựng lại không có giấy phép xây dựng, không đúng nguyên trạng ban đầu gây khiếu kiện. Ông Vũ còn cho lắp dựng vì kèo thép trong khuôn viên đất lưu không của khu biệt thự với diện tích 23m2 mà không có giấy phép xây dựng (đây là diện tích nằm trong số 97,4m2 đất UBND TP đã có quyết định thu hồi từ năm 2003 để làm phòng lưu niệm của cố nhà thơ Xuân Diệu).

UBND phường Điện Biên đã lập biên bản và ban hành quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu gia đình ông Vũ phải phá dỡ phần vi phạm, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Trong quá trình xử lý vi phạm, gia đình ông Vũ luôn tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối, không thực hiện việc tự khắc phục lỗi vi phạm.

Về hành vi vi phạm pháp luật: Theo Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an, căn cứ các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước thu được tại nhà riêng ở 24 Điện Biên Phủ của ông Cù Huy Hà Vũ, Cơ quan ANĐT có cơ sở để khởi tố, bắt tạm giam bị can Vũ về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 - BLHS.

Quyết định này đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn. "Việc bắt, khám xét được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ mức độ sai phạm của Cù Huy Hà Vũ để xử lý theo pháp luật".

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, bị can Cù Huy Hà Vũ sinh năm 1957, là tiến sĩ luật, trú tại số 24, Điện Biên Phủ, Hà Nội (ông Vũ không phải là luật sư như một số thông tin đã nêu). Năm 2009, do vi phạm kỷ luật, Bộ Ngoại giao buộc thôi việc đối với ông Vũ. 

Qua các tài liệu thu thập được cho thấy, Cù Huy Hà Vũ đã có một số vi phạm pháp luật, cụ thể: Làm nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, vi phạm Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Có quan hệ với các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, đã thực hiện hơn 20 cuộc trả lời phỏng vấn với đài báo nước ngoài mà nội dung các cuộc trả lời phỏng vấn đó là sai sự thật, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước. Đồng thời, ông Vũ còn chuyển tải các tài liệu để các đối tượng này sử dụng chống phá Nhà nước Việt Nam.

Cơ quan ANĐT còn phát hiện ông Vũ làm ra các tài liệu, đưa thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dư luận, kích động, cổ suý, hô hào chống phá chính quyền… Có thể kể đến một số tài liệu như: đường sắt cao tốc Bắc Nam: dự án tham nhũng; đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về hành vi ban hành Nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể; đơn khởi kiện Thủ tướng về việc phê duyệt phân vùng khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015; tài liệu "chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ"; tài liệu "Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, đa đảng hay là chết"…

Tối 9/11, chúng tôi đã gọi điện cho bà Trần Lệ Thu, vợ hai của nhà thơ Huy Cận (mẹ kế của ông Cù Huy Hà Vũ) để hỏi bà về một số chuyện xung quanh cuộc sống của bà tại ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ.

Trước đó, bà là một nhân vật từng xuất hiện trên báo ANTG Cuối tháng, trong chuyên mục "Đằng sau số phận". Bà đã sống với ông ở cõi nhân gian 24 Điện Biên Phủ gần 40 năm và chia sẻ với nhà thơ Huy Cận cả ngọt bùi lẫn đắng cay.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, thỉnh thoảng bà vẫn chống gậy tìm tới tận tòa soạn Báo CAND để chia sẻ với chúng tôi những điều đau đớn mà bà cố nén trong lòng bao năm nay. Nhưng dù thuyết phục thế nào thì bà cũng nhất định không trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến Cù Huy Hà Vũ, không trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chuyện Vũ đi kiện về quyền thừa kế nhà, nhưng chúng tôi biết, ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ ấy, đã nhiều năm nay, kể cả lúc nhà thơ Huy Cận còn sống, ông và bà ít khi tiếp khách tại nhà và khách của ông bà cũng ngại bước chân đến đó.

Muốn lên căn gác nhỏ của ông bà, tôi phải vòng ra lối cửa sau, nơi có mảnh sân đầy lá rụng. Căn nhà của ông bà bong tróc từng mảng vữa, bởi thế mà ông bà đã phải dọn đến nhà con gái ở trong những ngày cuối đời.

Luật sư Trần Đình Triển.

Ngày 8/11/2010, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân) xung quanh việc cơ quan ANĐT Bộ Công an bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ ngày 5/11/2010 về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Điều 88 - Bộ luật Hình sự, vì được biết luật sư Triển đã nộp đơn xin được bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ.

Lý do mà ông Triển đưa ra, ngoài mối quan hệ đồng hương (cùng quê Hà Tĩnh), bố vợ luật sư Triển chơi thân với ông Cù Huy Cận (cha ông Cù Huy Hà Vũ) và nhà thơ Xuân Diệu (cha nuôi ông Vũ) thì còn bởi, nhiều năm nay, ông có mối quan hệ thâm giao với gia đình Cù Huy Hà Vũ và ông cũng là người hiểu khá rõ con người ông Vũ, dù ông Triển và ông Vũ chưa bao giờ ngồi với nhau quá 15 phút, bởi như ông nói "hễ tranh luận là chúng tôi cãi nhau".

"Tôi chỉ biết vụ án thông qua báo chí và qua chị Dương Hà (vợ anh Vũ). Chiều 5/11, chị Hà gọi điện cho tôi bảo: "Chú qua nhà ngay. Anh Vũ bị bắt rồi, những lúc thế này mới cần có chú. Họ đang khám xét nhà anh chị". Tôi nói là, bây giờ em qua cũng chả giải quyết được việc gì, mà cũng không được vào nhà đâu. Chị cứ để các anh ấy làm việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đừng có chống đối gì. 10h tối, tôi gọi điện lại vẫn thấy bảo công việc khám xét chưa xong. Sáng hôm sau là 6/11, tôi gọi cho chị Hà thì chị ấy bảo: "Chú làm luật sư luôn cho anh đi". Tôi đã nhận lời vì nhiều lý do, trong đó có lý do là tôi rất thân thiết với gia đình anh Vũ và hiểu rõ con người anh Vũ.

Trong cuộc sống hàng ngày, về quan hệ thì tôi và gia đình Cù Huy Hà Vũ rất thân thiết với nhau, nhưng gặp nhau rất ít, bởi vì ai cũng bận. Những việc vừa qua mà anh Vũ làm, thực sự là tôi không biết nhiều lắm. Hơn nữa là tôi rất ngớ ngẩn về tin học, hầu như không bao giờ lên mạng. Nếu như một mạng nào đó ở nước ngoài đăng các bài của anh Vũ lên thì tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết vụ báo chí nêu là vụ anh Vũ kiện Thủ tướng về vấn đề bauxite và việc Vũ tham gia ứng cử Bộ trưởng. Tôi cũng có một lần gọi điện cho anh ấy khi Vũ ứng cử Bộ trưởng, khuyên "anh không nên làm như thế, người ta cho là buồn cười", nhưng anh ấy bảo: "Mày không hiểu gì cả, tao làm là việc của tao, liên quan gì đến mày...".

Tôi cũng từng trả lời một báo mạng nước ngoài rằng, việc Tòa án trả đơn kiện của anh Vũ là đúng, Việt Nam mình chưa có Tòa án hiến pháp thì việc Vũ khởi kiện là chưa được pháp luật quy định. Nói thật là đến 2 năm nay, tôi chưa có lần nào ngồi quá 15 phút với anh Vũ vì tôi rất bận, thỉnh thoảng anh chị em có việc gì thì gọi cho nhau thôi và lý do nữa là chúng tôi đều không ai chịu ai. Thường thì chúng tôi tranh luận các vụ việc liên quan đến pháp luật hoặc liên quan đến gia đình, tìm các hướng tháo gỡ nhưng hầu như quan điểm toàn ngược nhau. Ông Vũ là người nóng tính, bảo thủ. Rất ít khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác. Cứ nghĩ thế nào là làm thế ấy. Trong cuộc sống thì "mở miệng ra là chửi".

Các vụ kiện của Cù Huy Hà Vũ

- Năm 2006, ông Cù Huy Hà Vũ khởi kiện ca sĩ Mỹ Linh khi cô phát hành album "Chat với Mozart" vì cho rằng album này vi phạm bản quyền của... Mozart. Đây là vụ kiện mà dư luận đánh giá là ngớ ngẩn nhất. Cục Bản quyền Tác giả Văn học - Nghệ thuật sau đó đã có công văn trả lời, việc đặt tên album này không vi phạm tác quyền khi những tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ và việc làm này được xem là "sáng tạo tác phẩm phái sinh", tức sử dụng các trích đoạn trong tác phẩm cũ để tạo ra tác phẩm mới.

- Năm 2007, ông Vũ đã gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Trong đơn, ông Vũ cho rằng Quyết định 21/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 22/8/2002, về việc thành lập Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ có ghi "gia đình nhà thơ Xuân Diệu chịu trách nhiệm thi hành quyết định này", ông Vũ cho rằng quyết định này trái với Luật Di sản văn hóa vì Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về thành lập bảo tàng chứ không quy định thành lập Phòng lưu niệm và nếu thành lập Phòng lưu niệm thì phải do ông đứng ra lập hồ sơ đề nghị. Với những lý do đó, ông Vũ yêu cầu ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin bồi thường 100 triệu đồng thiệt hại tinh thần.

- Ngày 11/6/2009, ông Vũ gửi đơn tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội khởi kiện Quyết định số 167/2007/QĐ - TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015. Ngày 19/6/2009, Chánh án TAND TP Hà Nội có quyết định không xem xét giải quyết đơn khởi kiện này của ông Cù Huy Hà Vũ.

- Năm 2006, ông Cù Huy Hà Vũ nộp đơn xin tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Đây là một sự kiện khiến dư luận đánh giá ông Vũ chơi ngông vì ai cũng biết, việc ứng cử vào cơ quan hành pháp chỉ có Thủ tướng mới có quyền bổ nhiệm các thành viên Chính phủ trên cơ sở Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội. Vì vậy, đương nhiên là việc tự ứng cử chức Bộ trưởng của Cù Huy Hà Vũ đã bị loại từ vòng "gửi xe".

Nhóm PV
.
.
.