Đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng "đẻ" ra ở đó

Thứ Ba, 21/12/2010, 19:07
Nhà siêu mỏng, siêu kỳ dị về hình thù xuất hiện lần đầu ở Hà Nội vào khoảng những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi thành phố xây dựng tuyến đường Kim Mã - Cầu Giấy - Voi Phục. Và rồi như một quy luật, cứ mở đường đến đâu là nhà siêu mỏng, siêu méo "ăn theo" đến đấy.

Đó là dãy nhà cao tầng siêu mỏng xuất hiện trên phố Đào Tấn, là dãy ki ốt trên đường Xã Đàn xuất hiện cách đây vài năm. Còn nay, khi đường Khuất Duy Tiến, đường vành đai III, đường Lê Văn Lương thông đường thì cũng là lúc "khai sinh" thêm những ngôi nhà có hình dáng kỳ dị.

1. Đường Lê Văn Lương kéo dài mới thông đường vào tháng 10, đúng dịp Thủ đô long trọng tổ chức đại lễ 1.000 năm. Con đường kéo quận Hà Đông và các quận nội thành Hà Nội lại gần nhau có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Đất đai, nhà cửa bám đường Lê Văn Lương được đẩy giá lên cao, được săn lùng và giao dịch với tỷ lệ thành công lớn. Chạy xe dọc tuyến Lê Văn Lương - bắt đầu từ ngã ba Khuất Duy Tiến đến khu đô thị Nam Cường, chúng tôi thấy hai bên đường đang là đại công trường.

Hàng chục dự án đang xây dựng, hàng chục dự án đang san lấp mặt bằng… với tốc độ này, chẳng mấy chốc các cao ốc, các khu đô thị mới sẽ hoàn thiện, biến nơi đây thành khu vực hiện đại bậc nhất của thành phố. Nhà tư nhân cũng đang xây dựng với tốc độ ồ ạt, đó là những chủ hộ may mắn có mặt tiền bám đường Lê Văn Lương sau giải phóng mặt bằng.

Nhà siêu mỏng trên đường Khuất Duy Tiến.

Tại ngã ba Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, những ngôi nhà bị "chém" một phần hoặc gần hết được phá tiếp và xây dựng lại. Cảnh xây dựng ở đây cũng rất ồn ào, tấp nập. Trên diện tích đất còn lại mỏng dẹt, chẳng ra hình vuông, hình chữ nhật hay hình tam giác cũng đều được chủ nhân tận dụng xây lên những ngôi nhà có hình thù mà chẳng có kiến trúc sư lành nghề nào dám nghĩ tới. Cũng bởi diện tích có hạn nên người ta tìm các đua ra không trung để tăng thêm không gian sống.

Thế mới có những ngôi nhà, "gốc" thì nhỏ nhưng mình thì to. Nhìn cái sự bất cân bằng này mà tôi chợt nhớ đến trò chơi xếp hình của trẻ nhỏ. Nếu phần gốc mà nhỏ, phần thân lớn, chẳng mấy chốc hình khối đứa trẻ dày công xếp sẽ bị đổ chỏng gọng. Ấy vậy mà tại đây đang tồn tại những ngôi nhà như thế đấy.

Tôi đứng quan sát một công trường xây dựng tư nhân cách ngã ba Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương không xa. Thật khó xác định hình thù của ngôi nhà này. Nếu đứng trực diện và cắt đôi thì ngôi nhà chia làm hai, một có hình tam giác đều, một… không xác định được hình gì. Đúng là ngôi nhà có hình thù đặc biệt, một cạnh của tam giác là mặt tiền, hai cạnh khác hướng vào trong.

Theo quy định của thành phố, những thửa đất có hình dáng hình học không đạt chuẩn cũng không được cấp giấy phép xây dựng. Nếu áp quy định này thì ngôi nhà trên đương nhiên không được cấp phép. Thế nhưng, ngôi nhà vẫn đang thi công. Mà không chỉ ngôi nhà này, trong khu vực cũng có những ngôi nhà không đạt chuẩn đã xây dựng và đưa vào sử dụng. Nhiều người biện minh, thời buổi tấc đất, tấc vàng nên sau giải phóng mặt bằng, còn bao nhiêu đất thì tận dụng để xây dựng. Ngôi nhà mặt tiền dẫu hình thù, diện tích hạn chế nhưng sẽ có giá trị sử dụng cao, đem lại lợi ích cho chủ nhân.

Tại ngã ba Khuất Duy Tiến - Nguyễn Huy Tưởng cũng đang tồn tại ngôi nhà siêu mỏng mà tầng hai của ngôi nhà đua ra vỉa hè, tạo ra mái che cho dãy để xe máy của chủ nhân và khách đến giao dịch. Ngôi nhà sơn màu xanh lá cây rất bắt mắt, cộng với hình thù đặc biệt nên thu hút cái nhìn của những người có dịp đi qua đây. Ngôi nhà này được kiến tạo sau khi đường Khuất Duy Tiến xây dựng.

Chỉ trên một đoạn từ ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến ngã ba Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, có hàng chục ki ốt sau khi giải phóng mặt bằng bị phá dỡ, diện tích còn lại rất ít, hình khối kỳ dị. Có đoạn, người ta phải xây tường bịt kín để những ki ốt phá dỡ dở dang không được xây dựng lại.

Theo thống kê của Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn quận Thanh Xuân (tính đến tháng 6/2010) có 82 công trình nhà siêu mỏng, riêng phường Thanh Xuân Bắc có 36 công trình, trong đó có 30 ki ốt thanh lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường Khuất Duy Tiến, đoạn qua phường Thanh Xuân Bắc đi qua khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Từ lâu, tầng một của các khối nhà tập thể sát đường Khuất Duy Tiến cũ đã hình thành các ki ốt kinh doanh. Khi đường Khuất Duy Tiến được mở rộng, buộc phải giải phóng mặt bằng nên các ki ốt này bị giải tỏa hoặc giải tỏa một phần.

Với những ki ốt được giải tỏa toàn phần thì không có vấn đề gì, chỉ có những ki ốt bị thu hồi dở dang mới khiến chính quyền sở tại khó khăn trong công tác xử lý. Cứ để mặc nhiên thì chẳng mấy chốc sẽ xuất hiện những công trình xây dựng có kích thước, hình thù kỳ dị. Giải pháp xây tường bịt không cho tái xây dựng các ki ốt mới trên nền diện tích còn lại được coi là khả thi.

Cũng nằm trên trục đường Khuất Duy Tiến, đường vành đai III kéo dài từ khi khánh thành đã đem lại bộ mặt mới cho hai bên đường. Rất nhiều công trình dân sinh được xây mới, hoàn thiện, bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Tuy nhiên, trong số đó có cả những công trình siêu mỏng, siêu méo. Thực tế này cho thấy sự non kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng.--PageBreak--

2. Không phải đến thời điểm hiện nay, khi những con đường lớn được xây dựng và sử dụng, nhà siêu mỏng, siêu méo mới là vấn đề nóng bỏng trong trật tự xây dựng. Năm 2007, khi con đường đắt nhất hành tinh - đường Kim Liên mới (nay là đường Xã Đàn) khánh thành, vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo được báo chí, người dân đặc biệt quan tâm. Chính quyền phường Nam Đồng, quận Đống Đa, một phường có tới 77 diện tích đất được xếp vào dạng siêu mỏng và có hình thù kỳ dị sau khi đường Xã Đàn xây dựng rất đau đầu với vấn đề này.

Nhiều cuộc họp giữa các hộ dân có diện tích đất mặt tiền siêu mỏng với các hộ bên trong được tổ chức. Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng là hợp khối. Hộ có diện tích đất siêu mỏng, hợp khối với hộ có diện tích bên trong. Chủ trương là đúng nhưng giữa các hộ dân có tìm được tiếng nói chung không lại vượt thẩm quyền của phường. Chính quyền địa phương chỉ có thể đứng ra tổ chức các cuộc họp cho các bên, đưa ra những giải pháp để cả hai cùng chọn và đi đến tiếng nói chung. Sự nỗ lực của chính quyền đã đem lại hiệu quả khi có nhiều hộ thỏa thuận hợp khối thành công.

Tuy nhiên, vẫn có những hộ không đồng ý với chủ trương này nên đến thời điểm hiện nay, vấn đề nhà siêu mỏng vẫn chưa giải quyết triệt để. Điển hình phải kể đến dãy ki ốt siêu mỏng mọc lên án ngữ mặt tiền các hộ gần số nhà 209 phố Xã Đàn. Dãy ki ốt này từng nổi tiếng không chỉ vì siêu mỏng mà còn vì tấm biển "Thương binh 27-7". Không hợp khối, không phá dỡ, dãy ki ốt cứ điềm nhiên đứng ở cả một đoạn mặt tiền dài trên phố Xã Đàn. Giải pháp cuối cùng mà chính quyền đưa ra là xây bịt mặt tiền dãy ki ốt này. Thế là khu "đất vàng" với mặt tiền dài hơn chục mét ở con phố lớn giờ đây đứng ỉm im, mặc cho xung quanh buôn bán tấp nập, mặc cho xe cộ ùn ùn qua lại và tấm biển “Thương binh 27-7” cũng được dỡ xuống.

Sau giải phóng mặt bằng đường Lê Văn Lương, ngôi nhà này bị phá dở dang, kích thước không còn vuông vắn.

Cũng trên con phố này, phía từ Trung Tự đi lên (địa phận phường Phương Liên), hàng rào mà những hộ dân bị thu hồi đất xây lên án ngữ lối ra của các hộ dân bên trong vẫn còn. Thế là đã 3 năm trôi qua, thỏa thuận giữa các hộ dân bên trong với chủ diện tích đất (lưu ý là diện tích đất này chỉ đủ để xây cái bờ tường) vẫn chưa được thỏa thuận. Hàng rào có bề rộng chừng 20cm vẫn còn đó, nó tồn tại để chứng minh quyền sở hữu "đất vàng" của chủ nhân. Thiên hạ thấy thế mới tiếc cho những hộ bên trong, giá như chủ đầu tư dự án đường Xã Đàn thu hồi thêm chừng 20cm nữa… Giá như khi lên phương án thu hồi đất, ban giải phóng mặt bằng sớm nhìn ra sự tồn tại của dẻo đất siêu mỏng này mà thu hồi nốt…

Hiện nay, tại các quận nội thành đang tồn tại bao nhiêu nhà siêu mỏng? Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng là ngày 10/6/2010 (thời điểm đường vành đai III, đường Lê Văn Lương chưa khánh thành), tại quận Tây Hồ có một nhà siêu mỏng; huyện Từ Liêm có 9; quận Cầu Giấy có 19; huyện Thanh Trì có 1; quận Thanh Xuân có 82; quận Đống Đa có 12; quận Hai Bà Trưng có 11. Như vậy, tổng số nhà siêu mỏng mà Sở Xây dựng thống kê đến tháng 6/2010 là 172. Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng nhà siêu mỏng đang được "khai sinh" ở đường vành đai III, đường Lê Văn Lương, chắc chắn sẽ khiến con số trên lớn hơn.

Làm sao để giải quyết được vấn đề nhà siêu mỏng? Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trong Báo cáo số 4516/BC-SXD về việc rà soát thống kê đề xuất biện pháp xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo nằm dọc các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân là: việc tổ chức mở đường qua các khu ở cũ chưa có phương án cụ thể, đồng bộ, khả thi để hình thành mặt phố theo quy hoạch; sau khi mở đường, do việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện theo chỉ giới đường đỏ đã để lại các công trình bị cắt xén, các lô đất có kích thước hình học không hợp lý…; người dân chưa có ý thức thực hiện các quy định về trật tự xây dựng của thành phố, lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ cố tình vi phạm, bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền địa phương để giữ đất và mưu sinh do giá trị đất tăng cao.

Một trong những giải pháp mà Sở Xây dựng đưa ra khi xử lý các công trình xây dựng siêu mỏng là thực hiện đền bù thu hồi đất. Đối với các trường hợp là đất trống, nhà tạm, nhà cấp bốn thì không cấp giấy phép xây dựng. UBND thành phố Hà Nội ngày 4/6/2008 ban hành Văn bản số 3514/UBND- XDĐT yêu cầu các quận, huyện thống kê phân loại và đề xuất các giải pháp xử lý đối với các công trình xây dựng không đạt chuẩn.

Tuy nhiên, như những gì chúng tôi phản ánh ở trên thì vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố vẫn chưa giải quyết dứt điểm mà đang có nguy cơ phình to hơn. Nhà siêu mỏng, siêu méo mặc nhiên tồn tại ở mặt tiền các con phố lớn là thách thức đối với mỹ quan đô thị.

Đối với những dự án mở đường chuẩn bị triển khai cần thực hiện theo các phương án:

Thành phố cần yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị giải phóng mặt bằng, UBND các quận, huyện phải thực hiện thu hồi những diện tích nhà đất có kích thước bất hợp lý hoặc nhỏ hơn trong quá trình giải phóng mặt bằng để hợp khối; khi lập dự án mở đường, giao chủ đầu tư giải phóng mặt bằng mở rộng hai bên đường so với chỉ giới đường đỏ 50m - 100m để xây dựng các công trình hỗn hợp văn phòng kết hợp nhà cao tầng; tổ chức quản lý xây dựng đồng bộ hai bên tuyến phố.

(Văn bản số 4516/BC-SXD ngày 10/6/2010)

Ông Phạm Viết Ngôn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: Nhà siêu mỏng xuất hiện khi thực hiện các dự án mở đường, chủ đầu tư sau khi thu hồi đất để lại những diện tích đất siêu mỏng, siêu hình học. Sau khi con đường được khánh thành, giá trị đất tăng cao, lợi thế kinh doanh cũng tăng theo, chính vì thế nhiều người dân đã xây dựng nên những công trình siêu mỏng, siêu méo. Tôi thấy đề xuất của Sở Xây dựng khi thực hiện các dự án mở đường nên thu hồi thêm 50 - 100m kể từ chỉ giới đường đỏ để đấu giá là hợp lý. Số tiền thu được dùng vào mục đích công. Để tồn tại các công trình siêu mỏng như hiện nay là trách nhiệm của cơ quan quản lý, thanh tra xây dựng.

Cao Hồng
.
.
.