Gặp "lão tướng" vụ giải cứu con tin kinh điển

Chủ Nhật, 01/08/2010, 08:43
... Cả Hà Tĩnh như nín lặng trước cuộc chiến với tên tội phạm cực kỳ hung hãn. 1 tuần liên tục, dưới nắng hạ ngột ngạt, 12 chiến sỹ CSCĐ dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Lê Hữu Tăng thực hiện các bài tập bắn súng tại trường bắn Thạch Ngọc (Thạch Hà). Lực lượng mô phỏng địa bàn trận đánh và các phương án đột nhập, truy kích với các kỹ năng bắn thiện nghệ...

>> Giải mã sự kỳ lạ của hung thủ bắt cóc con tin

Phần trước, chúng tôi nói đến các vụ đối tượng bắt cóc con tin nhằm chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn gây án khác nhau và kiểu bắt cóc do bi kịch tâm lý như trường hợp ở Huế. Nhưng dạng thứ hai của tội phạm bắt cóc con tin không vì mục đích chiếm đoạt tài sản: đối tượng hình sự do phạm một tội khác, có thể trọng tội, khi bị truy bắt, chúng đã sử dụng con tin làm lá chắn bảo vệ mình, chống đối Cảnh sát. Trong trường hợp này, thủ phạm lộ mặt, uy hiếp con tin, tấn công lực lượng giải cứu.

Nếu như kẻ bắt cóc giấu mặt thì bài toán quan trọng nhất là tìm ra danh tính, địa điểm của chúng để bắt giữ, còn trong trường hợp này, kẻ bắt cóc hiện diện, lực lượng Cảnh sát đối mặt với hắn nhưng việc bắt giữ lại cực kỳ nan giải: thủ phạm sử dụng vũ khí, nếu tấn công có thể kẻ bắt cóc sẽ sát hại con tin - điều tối kỵ trong mọi cuộc giải cứu. Việc giải cứu con tin trong những cuộc chạm trán kẻ lộ mặt vì thế hết sức kịch tính. Có thể coi vụ giải cứu con tin nguy hiểm nhất, nghiêm trọng nhất trong khoảng 20 năm qua ở nước ta là vụ án xảy ra ở xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh năm 1991. Vụ giải cứu con tin, tiêu diệt kẻ bắt cóc tại chỗ này để lại nhiều bài học quý giá cho khoa học hình sự cũng như lý luận về phương án giải cứu con tin trong điều kiện cụ thể ở nước ta.

"Có thể người ta còn nhắc nhiều vụ giải cứu con tin khác nhưng vụ giải cứu năm 1991 ở Hà Tĩnh thực sự kinh điển.

Nguyễn Văn Thường (còn gọi Thường Lê) - tên tội phạm hung hãn, lạnh lùng nã AK giết chết 4 người, trong đó có cả những người vốn không có mâu thuẫn với hắn, tiếp đó hắn hung hãn bắn chết lái xe trên đường trốn chạy… Có vụ, Thường đến nhà tìm gặp kẻ từng có mâu thuẫn với mình nhưng bất thành, khi quay ra sân, gặp người phụ nữ đi vào, Thường lạnh lùng nã súng. Sau khi gây án, để đối phó lực lượng Cảnh sát, hắn giắt hai quả nổ, mỗi quả nặng hơn 1kg và gần 200 viên đạn AK đe dọa khiến dân cả xã Sơn Quang phải di tản như thời chiến. Thường rất cảnh giác, dù cố thủ trong nhà hay đi ra đường đều bắt ít nhất 1 người đi cùng, và chỉ cần nghi ngờ có động ở hướng nào là nhằm súng hướng đó. Khi lực lượng Công an có thư đề nghị hàng, Thường thẳng thừng tuyên bố: "Tao như con khỉ chuyền cây, tao chỉ thích bắn khỉ chuyền cây chứ không thích bắn khỉ ngồi một mình. Bắn khỉ ngồi một mình là kém cỏi". Hắn đe: "Nếu tao bị bắn chết, ít nhất 100 Cảnh sát phải chết cùng"!

Hơn tháng trời, cả xã Sơn Quang bị phong toả, nhiều người di chuyển sang các xã khác trú ngụ như Sơn Giang, Sơn Diệm. Tối tối, đường làng vắng hoe hoắt, nhiều khi chỉ một tiếng động nhẹ trong lùm cây cũng có thể làm nhiều người giật mình hoảng sợ, tưởng tên Thường lắp súng sắp nã đạn. Một không khí căng thẳng bao trùm, sản xuất, đời sống của xã bị đình trệ nghiêm trọng.

Thời gian này, lực lượng Công an huyện được lệnh tăng cường, nhiều chiến sĩ hóa trang đi vào làng để nắm di biến động của tên Thường. Nhưng hắn rất hung hãn, tuyên bố, nếu biết Công an theo dõi sẽ nã đạn không tiếc tay. Thường cũng không lạ mặt nhiều chiến sĩ Công an huyện nên rất khó để các chiến sĩ tiếp cận. Công an tỉnh bố trí thêm lực lượng, nhất là quân số của phòng hình sự, bám ráo riết địa bàn. Mục đích đặt ra là phải nắm chắc hoạt động của tên Thường, không để hắn tìm cách bỏ trốn khỏi địa bàn, đồng thời không để xảy ra thương vong khi thực hiện các biện pháp giám sát.

Hơn hai tháng, thấy vẫn "tự do", Thường càng hung hãn. Hắn ở mỗi gia đình chỉ vài ngày, sau đó di chuyển ngay khiến công tác nắm tình hình khó khăn. Đến nhà nào, không đợi ra lệnh, y như rằng chủ nhà ở đó phải mổ gà, thết rượu đãi hắn. Để nhấp rượu gà không đơn độc và tránh bị phát giác, Thường kéo cả đàn ông, đàn bà trong gia đình ngồi nhậu cùng. Hắn còn giở trò bắt con gái một số gia đình phải chiều ý, nếu trái lệnh sẽ bị ăn đạn. Nhiều cô gái trở thành người tình bất đắc dĩ của kẻ giết người, đáng nói, có cô đang có người yêu sống tại xã, cay đắng nhưng không biết làm gì hơn để bảo toàn tính mạng của mình.

Bấy giờ Lê Hữu Tăng là Đội trưởng Đội CSCĐ, Công an Hà Tĩnh. Sau nhiều cuộc họp khẩn, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSCĐ phối hợp CSHS tổ chức đánh trận này. Gần 2 tháng bao vây không có kết quả, Thường cố thủ trong nhà bà Nguyễn Thị Xanh, điên cuồng nã AK. Khi đó, có ý kiến đề đạt: để tiêu diệt tên Thường phải huy động khoảng 200 lính cơ động, bao gồm lực lượng của Công an Hà Tĩnh, Nghệ An và của Bộ tăng cường. Ba đêm trời, Lê Hữu Tăng không thể chợp mắt. Anh băn khoăn: có nên sử dụng 100 hay 200 quân thiện chiến với đầy đủ áo giáp, súng đạn? Anh nghĩ: "Tại sao phải huy động một lực lượng thiện chiến đông đảo như vậy chỉ để tiêu diệt một tên tội phạm?". Cách làm này liệu có đảm bảo an toàn khi vào cuộc?

19 năm rồi, ký ức đó như vẫn hiển hiện. Lê Hữu Tăng nhớ lại: "4 giờ sáng, sau những đêm trằn trọc không ngủ, tôi choàng dậy bước ra khoảng không yên tĩnh phía sau nhà. Tôi loé lên sáng kiến và chạy bộ sang nhà Giám đốc Tuẫn (đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn, khi đó là Giám đốc Công an Hà Tĩnh). Biết anh đang rất nóng lòng nhưng tôi đề nghị chỉ xin bố trí 12 người vào vòng trong, đúng bằng 1 tiểu đội, còn số lượng Cảnh sát khác chỉ bao vây vòng ngoài". Nghe người đội trưởng trình bày phương án sử dụng chỉ một tiểu đội nói trên, sau lúc suy nghĩ, Giám đốc Nguyễn Tiến Tuẫn đồng ý phương án này. Nhưng để đảm bảo yêu cầu, Giám đốc Tuẫn yêu cầu: "Anh chỉ nhận 1 tiểu đội thì phải đảm bảo tác chiến mười hai người như một, không thể sơ hở bất cứ lúc nào" và phải hoàn thiện phương án tác chiến.--PageBreak--

Nhiệm vụ căng thẳng. Cả Hà Tĩnh như nín lặng trước cuộc chiến với tên tội phạm cực kỳ hung hãn. 1 tuần liên tục, dưới nắng hạ ngột ngạt, 12 chiến sỹ CSCĐ dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Lê Hữu Tăng thực hiện các bài tập bắn súng tại trường bắn Thạch Ngọc (Thạch Hà). Lực lượng mô phỏng địa bàn trận đánh và các phương án đột nhập, truy kích với các kỹ năng bắn thiện nghệ. Khi đó, có người tính, nếu tên Thường tung quả nổ và với 200 viên đạn AK có thể quét vòng bán kính vài trăm mét, xác suất thương vong khi đó không thể lường. "Nhưng tôi có niềm tin và tinh thần rất sẵn sàng. Từ sáng sớm, tôi đến thăm mẹ. Tôi không tiết lộ sự nguy hiểm của trận đánh bởi nếu chẳng may…" - Trung tá Lê Hữu Tăng hồi tưởng.

Đúng kế hoạch, hơn 200 Cảnh sát bố trí bao vây vòng ngoài, hai ngày đêm liên tục, một lực lượng đào hầm bí mật quanh nhà bà Xanh. Lê Hữu Tăng chỉ huy Đội CSCĐ ép sát vào phía trong. Để đào được hầm quanh vườn, lực lượng đào phải mặc áo giáp sắt chống đạn, dựng từng tấm ván lớn phía trước với sự yểm trợ của Cảnh sát xung quanh. 

Lê Hữu Tăng nhớ lại thời khắc đo từng nhịp tim dồn dập: "Tôi trườn đến sát vườn nhà bà Xanh. Tôi nghe rõ hắn đang hát nghêu ngao bài "Đá đỏ Quỳ Châu". "Qua vách lá, tôi nhìn thấy hắn đang kẹp chặt bà Xanh cùng cô cháu gái và chĩa nòng súng về phía bụi cây, nơi tôi đang ẩn". Một loạt đạn toé lửa cạnh gốc cọ, mấy lá khô cháy bùng. Anh nằm rạp xuống, dùng bao cát che thân. Lắng một lúc, anh lùi về sau bức tường gạch, dùng loa kêu gọi hắn bỏ súng đầu hàng. Những lời kêu gọi trên loa vang dội khiến cả dân bên Sơn Diệm cũng nghe rõ mồn một, ai cũng nín thở. Nhưng tên Thường như bỏ ngoài tai. Hắn ôm khư khư khẩu AK ngồi trong ngách cửa khu nhà ngang, rê nòng súng hướng ra ngoài, thỉnh thoảng lại "roạt" một loạt đạn khét khói" - Thượng tá Tăng kể.

Diễn tập truy kích kẻ bắt cóc trong xe khách.

Kêu gọi đầu hàng không có kết quả, phương án tiêu diệt tên Thường được đặt ra. Nhưng nan giải nhất lúc này là tên sát thủ tay ôm khẩu AK, tay kia ôm bà Xanh và trấn giữ cháu gái của bà. Mọi phương án tiêu diệt đều có nguy cơ làm thiệt mạng của 2 con tin, đó là điều không thể được. Gần trưa, tên Thường bị khói thuốc súng choáng váng, hắn lỏng tay, cô cháu gái bật chạy ra vườn, Thường nã đạn theo nhưng may mắn không trúng. Còn lại bà Xanh, hắn ôm chặt. Bà ngất xỉu bên hông súng của hắn. Bấy giờ, phương án đặt ra: Các lực lượng đặc nhiệm từ vị trí an toàn (trườn dưới hầm có bao cát chắn, bố trí chốt chặn tại bốn hướng vòng quanh), theo dõi mọi di biến động của tên bắt cóc, tuỳ thời cơ để dùng quả nổ và lựu đạn công phá ngôi nhà trên, buộc Thường xốc bà Xanh chạy ra ngoài, thừa cơ hội bắn chuẩn xác tiêu diệt hắn nhưng vẫn cứu được bà Xanh.

Thế nhưng khi phương án đã vạch rõ, Giám đốc Nguyễn Tiến Tuẫn bước đến, hỏi: "Anh Tăng này, giả sử tên Thường đi trong nhà ra, một tay xốc nách bà Xanh, một tay cầm súng yêu cầu Công an giải tán thì ta có đủ khả năng bắn bỏ mà đảm bảo an toàn cho con tin không? Thứ hai, giả sử tên Thường bất ngờ ôm súng chạy trong nhà ra một hướng bất kỳ và liên tiếp nhả đạn hoặc ném bộc phá về phía ta thì liệu lực lượng cơ động có thể nhanh chóng bắn hạ, bảo toàn được lực lượng"? Tất cả im lặng. Lê Hữu Tăng cũng im lặng. Đúng là tình huống không dễ gì giải được. Tình thế cam go, dường như nhiều ý kiến đã xuôi về phương án ném lựu đạn, bắn chết tên Thường và đành chấp nhận để bà Xanh cũng bị chết cùng!

Căng thẳng! Nhưng còn nước nào khá hơn cũng phải tính - anh kể như đang sống lại những ngày đánh án. Phải cứu cho được con tin. 12 giờ trưa, rồi 1 giờ chiều, 2 giờ chiều. Tính lại đã ròng rã 10 giờ liên tục nã súng, gọi hàng, áp sát nhưng không có kết quả... Kim đồng hồ nhích về số 3. Nhưng một tia sáng đã loé lên lúc ấy, lúc mà gần như tất cả đã căng như dây đàn. Lê Hữu Tăng nhoài người ra, và một phương án loé lên vào thời điểm cam go. Bằng các lập luận có căn cứ, 2 giả thuyết được trả lời và giám đốc chấp thuận.

Một, nếu tên Thường xốc nách bà Xanh đi ra ngoài, lực lượng sẽ tấn công bằng quả nổ (loại giống lựu đạn nhằm uy hiếp tinh thần nhưng không gây thương vong lớn). Thường sẽ tưởng lựu đạn, buông bà Xanh để dùng súng tấn công, khi đó lực lượng cơ động sẽ tung lựu đạn cay, tung bộc phá đốt cháy nhà ngang và hướng súng chuẩn xác, cơ hội cứu bà Xanh là rất rõ. Hai, nếu Thường dùng súng chạy thẳng từ nhà ra, vừa chạy vừa liên tiếp nhả đạn hoặc tung bộc phá thì căn cứ địa hình, xác định hướng Thường có thể chạy là hướng ngắn nhất, dễ nhất, đó là phía nhà thờ họ; từ đó ta bố trí lực lượng mạnh nhất tại đây với các vũ khí sẵn sàng, từ đó tiêu diệt hắn.

Phương án triển khai. Hai, ba loạt đạn AK dồn dập làm ngưng hệ thống truyền thanh trực tiếp (trận đánh được truyền thanh trực tiếp về trụ sở chỉ huy tại UBND tỉnh). "Tình thế không thể kéo dài hơn nữa, tôi quyết định dùng nước cờ cuối" - Trung tá Lê Hữu Tăng nói. Lập tức, quả nổ tung vào trận. Đúng như nhận định, tên Thường tưởng lựu đạn vội lùi lại, buông bà Xanh, cầm súng bắn xối xả ra ngoài. Ngay lúc đó, lực lượng CSCĐ dùng bộc phá ném tung ngôi nhà tranh phía ngoài. Lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đúng lúc đó, bà Xanh cố sức bình sinh vụt chạy. Thường loay hoay định vồ theo. Lập tức, một viên đạn chuẩn xác đã găm trúng cánh tay phải của Thường, nơi hắn đang buộc chặt quả bộc phá tự tạo nặng gần 3kg. Bị thương, hắn vẫn gượng dậy ôm súng vụt chạy ra ngoài, lao về hướng nhà thờ bóp cò liên tiếp.

Tình huống diễn ra đúng như phương án thứ hai mà Giám đốc Tuẫn đã đặt ra trước đó - phía nhà thờ họ là đường đi ngắn nhất và các lực lượng Cảnh sát cơ động đã đón hắn tại đây. Các loạt đạn của CSCĐ từ hướng này đã hạ gục Thường. Bản án tử hình không tuyên đọc trước vành móng ngựa

Đăng Trường
.
.
.