Ghi chép về những cuộc phỏng vấn sau song sắt

Thứ Sáu, 30/07/2010, 15:19
Mỗi lần đi công tác ở các trại giam, tôi đều có cơ hội phỏng vấn những nhân vật "đặc biệt". Họ đặc biệt bởi khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi, họ đang khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc, đang phải trả giá bằng cả sự tự do và hạnh phúc của mình cho những sai lầm đã gây ra trong quá khứ.

Những buổi nói chuyện với những người tù trong mỗi chuyến đi trại giam giúp tôi thay đổi suy nghĩ về họ, để hiểu hơn về họ và thế giới của họ. Tôi nhận ra một điều, thế giới đó không đơn thuần chỉ có tội ác. Là những người đã từng lầm lỡ, nhưng bất kỳ ai trong số họ cũng đều biết yêu thương và khao khát hạnh phúc, biết thành tâm sám hối để hi vọng ngày trở về.

Nhắc đến giang hồ Bình Kiểm có lẽ người Sài Gòn không ai không biết khi mà tên tuổi của giang hồ khét tiếng này gắn liền với vụ bắt cóc tống tiền 10 triệu USD gây xôn xao dư luận. Sau khi bị bắt, Bình Kiểm phải chịu mức án 28 năm tù giam cho cả hai tội danh bắt cóc tống tiền và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép.

Trong một lần đến Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang), tôi đã có cơ hội được trò chuyện với nhân vật giang hồ khét tiếng này. Khác với tưởng tượng của tôi về một người đàn ông có gương mặt bặm trợn, dữ dằn, Bình Kiểm ngồi đối diện tôi có nụ cười híp mí hồn nhiên như một đứa trẻ.

Trước đó, tôi đã nghe nhiều phóng viên trong làng báo rỉ tai nhau những câu chuyện về Bình Kiểm, sự liều lĩnh, hung hăng, cũng như uy lực của Bình Kiểm trong giới giang hồ. Và tôi biết, phần lớn những câu chuyện đó, sự nhận định đó là có thực. Báo chí cũng đã không ít lần mổ xẻ, bình luận về những việc Bình Kiểm đã làm, những tội ác mà Bình đã gây ra.

Mức án 28 năm tù dành cho Bình, mọi người đều cho rằng đó là một mức án hợp lý. Chính Bình Kiểm có lẽ cũng nghĩ như thế, bởi một đồng nghiệp của tôi trực tiếp tham gia phiên tòa xử Bình Kiểm có kể lại, khi bị tòa tuyên phạt 28 năm tù, Bình cười toe, hét lên sung sướng: "Mình sống rồi". Trái với suy nghĩ của mọi người, Bình Kiểm tâm sự, những ngày trong trại giam là những ngày Bình Kiểm sống thanh thản nhất.

Chỉ vào mái tóc hoa râm của mình, Bình Kiểm bảo đó là hậu quả của những năm tháng bon chen, những khi thức đêm thức ngày để nghĩ ra đủ thứ mưu kế tồn tại trong chốn giang hồ. Ở trong trại giam, một ngày của Bình chỉ gói gọn trong việc lao động, chơi bóng đá, và đọc đi đọc lại các cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", "Thủy Hử", "Đông Chu liệt quốc".

Vào tù ra khám nhiều lần, nhưng đến tận lần này, khi phải đối mặt với mức án 28 năm tù, Bình mới thực sự cảm thấy thấm thía cái giá quá đắt mà mình đang phải trả. Không phủ nhận tội lỗi mà mình gây ra, nhưng trong buổi nói chuyện với tôi trong Trại giam Phước Hòa, tôi nhận ra rằng, ngoài việc là một anh chị có số có má trong giới giang hồ, trong con người Bình Kiểm còn có những tính cách khác khiến người ta có thêm một chút cảm tình. Bởi dù có thể gây ra hàng trăm chuyện sai trái ngoài xã hội, nhưng một phần trong con người Bình Kiểm vẫn còn biết đúng sai, biết ăn năn sám hối.

Bình Kiểm tâm sự: "Những ngày ở trong tù, điều khiến tôi ân hận nhất là không làm tròn chữ hiếu của người con với mẹ già, không làm tròn trách nhiệm của người cha đối với hai con. Tôi sợ nhất là sau này con tôi lớn lên, nó sẽ có cái nhìn méo mó về cha nó. Tội tôi làm tôi chịu, nhưng điều tôi mong mỏi nhất, là các con tôi sẽ hiểu được tình cảm tôi dành cho chúng. Tôi muốn chúng hiểu, dù với xã hội, với pháp luật, tôi đã gây ra nhiều tội lỗi, nhưng với tư cách là bố chúng, tôi đã thực sự yêu chúng với tất cả trái tim mình. Sau này khi ra tù, tôi nhất định sẽ làm một người bố tốt, để bù đắp cho con cái".

Báo chí đã viết rất nhiều bài về Bình Kiểm, mổ xẻ những tội ác mà Bình Kiểm đã gây ra trong quá khứ. Nhưng sau khi gặp Bình Kiểm trong trại giam, tôi chỉ viết một câu chuyện về những tâm sự của Bình Kiểm với gia đình. Bởi tôi tin, khi biết nghĩ đến gia đình, đến mẹ già và con nhỏ, có nghĩa là Bình Kiểm đã biết ăn năn, hối lỗi, biết ước mơ phục thiện, làm lại cuộc đời.

Cách đây vài hôm, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người phụ nữ tự xưng là người vợ sau này của giang hồ Bình Kiểm. Điều đó khiến tôi hết sức ngạc nhiên, tôi vẫn đinh ninh Bình Kiểm chỉ có một người vợ. Chị tâm sự rằng chị và Bình Kiểm đến với nhau sau khi Bình Kiểm và người vợ đầu tiên chia tay. Nhưng sau đó, vì trong cuộc sống có những mâu thuẫn không giải quyết được, nên hai người đường ai nấy đi.

Sau này, khi đọc bài báo tôi viết về Bình Kiểm trong Trại giam Phước Hòa, hiểu hơn về những tâm sự của Bình Kiểm trong tù, chị đã đến gặp Bình Kiểm, hàn gắn lại mối quan hệ và thường xuyên qua lại gia đình Bình Kiểm, chăm sóc mẹ Bình như một người con dâu đích thực. Tôi mừng cho Bình Kiểm, bởi trước kia dù có nổi tiếng có nhiều người tình đủ cả chân ngắn, chân dài, nhưng sau khi sa cơ lỡ bước, không phải người phụ nữ nào cũng dám hi sinh và vượt qua những khó khăn chất chồng để ở bên Bình Kiểm như người phụ nữ này. Hi vọng đây sẽ là động lực lớn nhất, giúp Bình Kiểm quyết tâm cải tạo, đợi ngày hoàn lương.

Hải Bánh trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trại Xuân Lộc.

Câu chuyện về Bình Kiểm khiến tôi nhớ đến Hải Bánh, một giang hồ khét tiếng không kém, gắn liền với vụ án ông trùm Năm Cam gây chấn động cả nước gần 10 năm trước. Bây giờ ở trong Trại giam Xuân Lộc, Hải Bánh nghĩ về đạo phật mỗi ngày, để sám hối cho những tội lỗi mình gây ra. Hải Bánh học thư pháp và là phạm nhân đi đầu trong các hoạt động văn nghệ của trại.

Hải Bánh chính là phạm nhân đã xin phép Ban Giám thị trại cho tổ chức trò chơi cờ người, một trò chơi dân gian truyền thống của người Việt. Nhưng điều khiến tôi ghi nhận nhất, chính là việc Hải Bánh đã biết gửi gắm vào trò chơi đó những câu chuyện về cuộc đấu tranh thiện ác của chính các phạm nhân đã một thời lầm lỡ.

Tâm sự với tôi, Hải Bánh kể: "Khi chơi cờ người trong trại giam, sáng tạo của chúng tôi chính là để cho hai quân cờ mặc hai bộ quần áo trắng - đen, tượng trưng cho cái thiện và cái ác. Đó cũng là cuộc chiến đang diễn ra trong con người mỗi phạm nhân chúng tôi, và nếu muốn tiếp tục tồn tại, cái thiện trong chúng tôi nhất định phải giành chiến thắng".

Cán bộ trong trại Xuân Lộc nhận xét rất tốt về thái độ cải tạo tích cực của Hải Bánh. Ở trong trại giam, Hải Bánh không còn ra vẻ đàn anh đàn chị giang hồ, không có những biểu hiện của đại bàng trại giam với các phạm nhân khác trong trại. Cuộc đời vẫn dành cho Hải Bánh nhiều may mắn, khi mà ở trong trại giam, định mệnh đã run rủi cho Hải Bánh gặp lại mối tình đầu của mình. Dù gặp nhau khi cả hai đều đang dang dở, bẽ bàng, nhưng họ đã đến với nhau và cùng mơ ước về một mái ấm trong tương lai.

Điều Hải Bánh quan tâm nhất là cải tạo thật tốt để đợi ngày trở về với cô con gái nhỏ mà Hải Bánh thương đến cháy gan cháy ruột, chờ ngày trở về để tạo dựng cuộc sống mới với mối tình hiện tại.

Dù khét tiếng chốn giang hồ, gây ra không biết bao cảnh đổ máu, nhưng khi nhắc đến con gái, thì Hải Bánh ứa nước mắt. Hải Bánh đi tù khi con gái Hải mới hơn 10 tuổi. Bây giờ Vân, con gái Hải đã trở thành một thiếu nữ, đã biết yêu và bắt đầu mơ ước về cuộc sống gia đình. Chỉ mới đây thôi, khi nghe tin con gái chuẩn bị đưa bạn trai vào trại giam thăm bố, Hải Bánh đã vô cùng quýnh quáng. Ngang dọc giang hồ, nhưng cái ý nghĩ về cuộc gặp đầu tiên với cậu con rể tương lai thực sự khiến Hải Bánh bối rối.

Hải Bánh tâm sự: "Tôi chỉ sợ đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Sợ những việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con gái sau này. Tôi chỉ mơ có một ngày mình được bẻ khóa từ chung thân xuống 30 năm, rồi đợi ngày hết án, trở về đoàn tụ với gia đình. Khi đó, có lẽ tôi đã lên chức ông ngoại, ngày ngày đưa cháu ngoại đi chơi".

Đi các trại giam, gặp các phạm nhân, dù là những giang hồ cộm cán hay những người phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy, do một lúc thiếu kiềm chế, tôi nhận ra họ đều có một điểm chung, đó là đều có những băn khoăn, ân hận khi nhắc đến những người thân của mình. Tôi nhận ra rằng, khi nhắc đến những tình cảm máu mủ, ruột rà nhất, cũng chính là lúc họ khao khát hướng thiện nhất. Tôi tin, chỉ cần còn biết rung động và yêu thương, họ nhất định sẽ thành công trong việc gieo lại những hạt mầm lương thiện trong chính trái tim mình.

Rất nhiều phạm nhân tâm sự với tôi, nguồn động viên lớn nhất giúp họ có thêm mục tiêu cải tạo chính là sự tha thứ của gia đình. Bởi tội ác, dù có gây ra tội ác kinh hoàng đến mấy, trái tim của những con người lầm lỡ vẫn có thể mềm ra khi nhận được bàn tay độ lượng từ chính những người thân của mình.

Một phạm nhân tôi gặp trong trại giam đã từng gây ra vụ giết chồng rồi chặt xác phi tang vô cùng kinh hoàng. Chị làm thế sau nhiều năm trời bị chồng áp bức và đối xử như một nô lệ tình dục. Sau khi bị bắt, chị tìm mọi cách tự tử, để kết thúc cuộc đời khốn khổ của mình càng sớm càng tốt. Nhưng sự tha thứ kì diệu của cậu con trai duy nhất đã khiến chị được tái sinh.

Chứng kiến con mình, dù sống trong cảnh bố chết, mẹ tù tội nhưng vẫn tự lập, vẫn thành đạt hơn người, người mẹ trong chị không giấu được cảm giác tự hào. Chị nâng niu từng tấm bằng khen con gửi, nâng niu từng lá thư báo cáo kết quả học tập vô cùng mỹ mãn của con. Ngày con trai chị đến thăm, mua quà cho chị bằng những đồng lương đầu tiên, chị đã khóc, vì biết cuộc đời mình vẫn còn nhiều cái đáng để sống, vẫn còn nhiều hy vọng vào tương lai.

Những phạm nhân đó, ngoài việc là nhân vật cho bài viết của tôi, họ còn dạy cho tôi một bài học quý giá: Bài học về sức mạnh của yêu thương và vị tha có thể xóa bỏ mọi tội lỗi và hận thù trên thế giới này

Sơn Thảo
.
.
.