Hành trình âm thầm của một vị tướng

Thứ Bảy, 10/07/2010, 11:11
Trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do và bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân là những người con đã âm thầm dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Và Thiếu tướng Tống Ngọc Minh là một trong những người con ưu tú ấy.

Đứa con từ một làng quê nghèo

Quê ông ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhà đông anh em, cha mẹ thân sinh đều là nông dân cày ruộng nên cuộc sống của ông rất cơ cực bần hàn. Như lời ông kể, tuổi thơ của Tống Ngọc Minh gắn với những ngày tháng đói nghèo, vất vả. Khi ở tuổi phải được cắp sách đến trường thì cậu bé Tống Ngọc Minh đã phải theo mẹ ra đồng chăn trâu cắt cỏ.

Ngày qua ngày, Minh cùng mẹ cha làm lụng cực nhọc mà cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Nhưng tâm hồn trong sáng của cậu luôn luôn hiện lên giấc mơ về một tương lai tươi sáng. Với sự thông minh sáng dạ, học hết lớp 10 ở quê nhà, năm 1960, Tống Ngọc Minh tình nguyện xin tham gia vào lực lượng Công an nhân dân, bởi khi đó Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chủ trương tuyển dụng đào tạo nhân viên trong lực lượng làm khoa học công nghệ phục vụ Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 17/4/1961, tổ chức điều Tống Ngọc Minh về Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I. Sau đó cử ông đi học Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Ra trường Minh được giao nhiệm vụ ở tổ kỹ thuật nghiệp vụ, xử lý thông tin. Vào thời điểm đó tình hình chiến sự giữa ta và đế quốc Mỹ vô cùng căng thẳng.

Tại vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Mỹ liên tục ném bom, khủng bố bằng lực lượng không quân, hải quân... nhằm mục đích ngăn chặn không cho bộ đội ta vượt qua sông Bến Hải. Chính vì thế những người lính trinh sát "chiến đấu trên không", thu nhận tin tức địch hàng ngày rất quan trọng trong việc đấu tranh với kẻ thù đầy đủ phương tiện hiện đại. Cơ sở vật chất của chúng ta lúc đó nghèo nàn, lạc hậu nên việc thu nhận tin từ phía địch rất khó khăn. Vì vậy mà ông và đồng đội của mình thay nhau bám trụ kiên cường bên những cỗ máy suốt ngày đến đêm.

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách công việc tổ chức giao đối phó với địch, Đội Trinh sát kỹ thuật được thành lập gọi là đơn vị X40 gồm có 21 đồng chí trinh sát và đồng chí Tống Ngọc Minh được giao trách nhiệm Đội phó, phụ trách thu nhận thông tin của địch tại chiến tuyến Vĩnh Linh. 2 năm nằm vùng ở vùng đất Vĩnh Linh đạn lửa, Tống Ngọc Minh và 21 anh em trong Đội X40 luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ gửi nhiều thông tin quan trọng tình hình chiến sự giữa ta và địch nhanh chóng chuyển về Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I báo cáo cấp trên nắm bắt, dự đoán tình hình. T

ránh sự phát hiện của Mỹ. Tổ chức điều động Tống Ngọc Minh về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Minh Quang đảm đương nhiệm vụ của ông. Tại đây, Nguyễn Minh Quang đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đấy là vào thời gian cuối năm 1967, lúc đó tại miền Bắc, Tống Ngọc Minh xây dựng gia đình với cô gái người Hà Tây làm việc ở Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I. Riêng mình hạnh phúc bao nhiêu thì ông càng nhớ thương Nguyễn Minh Quang, người bạn chiến đấu cùng chung chiến hào, người trinh sát xuất sắc. Với lòng thương nhớ người đồng đội đã hy hinh và với tình yêu Tổ quốc, Tống Ngọc Minh xin cấp trên cho mình trở lại tuyến lửa Vĩnh Linh chuẩn bị vào chiến trường miền Tây Nam bộ hoạt động trong lòng địch. Và ông để lại người vợ yêu thương để đi về nơi bom đạn.

Những ngày nằm vùng ở chiến trường Nam Bộ

Tháng 3/1971, đồng chí Tống Ngọc Minh cùng  21 trinh sát trong Đội X40 nhận lệnh, khẩn trương mang theo những vũ khí, khí tài cần thiết, gồm: 10 dàn máy hiện đại vào tỉnh Tây Ninh. Tiễn các đồng chí trinh sát trước lúc lên đường, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn căn dặn: "Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp trên tín nhiệm giao cho. Chúc các đồng chí hoàn thành trọng trách mà Đảng, lực lượng Công an đặt niềm tin chờ ngày chiến thắng".

Đội trinh sát kỹ thuật X40 do anh Mai Cao Đàm làm Đội trưởng, 2 anh Minh, Thông - Đội phó. Họ đoàn kết một lòng một dạ trung thành với Đảng, kề vai sát cánh thần tốc tiến vào chiến trường miền Tây Nam Bộ chỉ trong 3 ngày.

Khi đi đến trạm thuộc đơn vị An ninh miền (từ địa phận Tây Ninh đến Cà Mau là An ninh quân khu 7, khu 8, khu 9). Tại đây họ được đón về cơ quan An ninh miền gặp các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục. Đó là những đồng chí lãnh đạo cấp cao: ông Cao Đăng Chiếm, ông Lâm Văn Thê, ông Bùi Thiện Ngộ.

Ông Chiếm và ông Thê giữ chức Phó ban An ninh Trung ương Cục. Lúc đó ông ba Ngộ đặt bí số đơn vị X40 - là đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ. Nhiệm vụ của các đồng chí kỹ thuật nghiệp vụ chuyên thu nhận tin tức của địch. Những ngày ở căn cứ miền Tây, Tây Ninh mùa mưa, những cơn mưa rả rích  kéo theo muỗi vắt và sốt rét rừng. Không quen với thời tiết khắc nghiệt, chỉ trong một tuần đã có nhiều người bị sốt rét đau ốm triền miên...

Không nản chí trước khó khăn nguy hiểm, những anh em trinh sát còn lại đều chiến đấu hết mình không một phút rời xa trận địa, nhiều tin quan trọng các anh thu nhận đều có giá trị giúp cho cuộc chiến chống giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta tránh tổn thất lớn về người.

Do phương tiện của ta thô sơ, lạc hậu nên việc lấy tin của địch rất khó khăn, vất vả, nhưng với  niềm tin son sắt với Đảng với Cách mạng nên các anh bất chấp mọi hiểm nguy, khắc phục khó khăn. Xúc động trước sự  tận tụy của anh em trong Đội X40, anh Phạm Thái Bường (hay còn gọi anh Ba Bình) Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục đến thăm. Anh Bình rưng rưng: "Các anh cứ triển khai công việc. Những đơn vị mình quan tâm gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát; Phủ đặc ủy Trung ương tình báo; Bộ Tổng tham mưu của địch". Kết quả trinh sát thu được nhiều tin tức quan trọng từ phía địch phát ra như: "Hoạt động của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi thăm đơn vị lính ngụy; Các cuộc hành quân của lính ngụy; Mỹ ném bom vào căn cứ Cách mạng".

Từ những nguồn tin quan trọng ta thu nhận, cấp trên có kế hoạch đối phó, phá tan âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ. Trước sự tấn công như vũ bão của quân giải phóng, bộ đội ta đánh tan quân ngụy, tỉnh Phước Long được giải phóng trước mùa mưa. Hậu quả Mỹ - ngụy thua trận tháo chạy toán loạn để lại thị xã Phước Long tiêu điều, bom mìn bọn chúng cài đặt khắp mọi nơi. Khắc phục hậu quả, giải quyết những việc tiếp theo, Tống Ngọc Minh đi tiếp quản thị xã Phước Long.

Ông thu hồi tài liệu quan trọng của địch cài lại. Ta bắt sống  một sỹ quan Đại úy tình báo ngụy giả lính bộ binh. Tống Ngọc Minh lấy cung gã Đại úy được biết: "Hoạt động của bộ đội ta từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam như thế nào...", từ đây Đội X40 phát hiện bắt giữ hàng chục đối tượng ngụy quân ngụy quyền làm tay sai cho địch cài cắm ở thị xã Phước Long phá hoại Cách mạng. Biết tin đó, ông Ba Ngộ họp Ban An ninh Trung ương Cục báo cáo Bộ Chính trị thay đổi chiến thuật, cách đánh vào Nam của quân đội ta để tránh tổn thất.

Ở thị xã Phước Long một thời gian, ông Minh nhận thấy công việc mình làm đã tạm ổn, an ninh trật tự được giữ vững, nhiều điệp viên mật vụ nằm vùng của địch bị bóc gỡ, tiêu diệt tận gốc. Sau đó, Tống Ngọc Minh cùng với 3 trinh sát của Ban An ninh tỉnh Bình Phước cùng đi kiểm soát khu đóng quân Cảnh sát ngụy. Đây là căn cứ chính của quân đội ngụy ở tỉnh Bình Phước. Tịch thu nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có tài liệu mật, máy móc thiết bị  hiện đại. Vào thời điểm này anh em trinh sát Đội X40 vui mừng tự tin vì các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhưng thắng lợi bao nhiêu thì Tống Ngọc Minh buồn bã bấy nhiêu bởi chúng ta cũng đã tổn thất nhiều. 7 anh em trinh sát trong Đội X40 mãi mãi không trở về. Minh khóc gọi tên những anh Ba, anh Thức, anh Thông, anh Cừ...

Người lính trinh sát cấp thông tin cho chiến dịch miền Nam

Mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông Tống Ngọc Minh, vào ngày 15/1/1973, ông nhận lệnh cấp trên rời thị xã Bình Phước trở về căn cứ tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông vội vã thu xếp những máy móc cũ, tài liệu thu nhận từ quân đội ngụy gửi ra Bắc, đồng thời tiếp nhận những trang thiết bị hiện đại phục vụ công việc nhận tin gửi ra chiến trường khét mùi đạn bom.

Trước sự ào ạt như thác lũ, quân giải phóng chiếm lĩnh nhiều nơi làm cho bộ máy ngụy quân tan rã không còn đủ sức chống chọi với quân giải phóng nữa. Thất thủ nhiều nơi quanh ngoại ô thành phố Sài Gòn cho nên việc lấy tin cơ mật đối với ông Minh lúc này nhẹ như lông hồng. Ngày 16/1/1974, không khí hừng hực của quân đội Việt Nam chuẩn bị tiến về giải phóng miền Nam làm ông phấn chấn. Ông vừa thu thập tin tức hàng ngày gửi cho cấp trên vừa chuẩn bị cùng lực lượng quân đội tiến về giải phóng những địa điểm lính ngụy còn đóng giữ...

Như lời ông kể thì càng về cuối năm khối lượng công việc đòi hỏi người trinh sát hoàn thành gấp rút và thật chính xác. Không phụ lòng mong mỏi của các đồng chí lãnh đạo, Tống Ngọc Minh đã khẳng định tài năng trinh sát của mình giúp cho cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Âm thầm làm việc, âm thầm sống và chiến đấu. Hơn 4 năm hoạt động ở chiến trường Nam Bộ từ năm 1971 đến 1975 tại vùng đất phương Nam đầy nắng gió. Chiến tranh kết thúc, bao người lính ngã xuống bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tống Ngọc Minh may mắn hơn bao người khác là được tận mắt chứng kiến ngày vui chiến thắng, trở về đoàn tụ cùng gia đình vợ con.

Vì công lao đóng góp của ông cho lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất vì có thành tích chiến đấu trong lực lượng CAND; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. 47 năm cống hiến tuổi trẻ sức lực trên mặt trận An ninh nhân dân ông có 40 năm tuổi Đảng. Khi trở về cương vị người trinh sát, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, từ người lính ông Tống Ngọc Minh trở thành lãnh đạo cao cấp của ngành Công an. Năm 1992 ông giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Vinh dự hơn nữa năm 2002 ông được Đảng, Nhà nước thăng cấp hàm Thiếu tướng.

Nay tuổi cao sức yếu ông được nghỉ theo chế độ Nhà nước, nhưng lãnh đạo Bộ không quên công lao đóng góp của ông, ngày 26/3/2010, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen cho Thiếu tướng Tống Ngọc Minh vì đã có thành tích trong xây dựng Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, Thiếu tướng Tống Ngọc Minh bị tai biến, ông không còn khoẻ như trước, nhưng trong tâm trí ông vẫn nhớ mãi về một thời oanh liệt khi chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ. Có lẽ những ngày đó là dấu ấn không phai mờ để hôm nay ông nghĩ về mình và nghĩ về anh em trong Đội X40. Và ông cùng với biết bao cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân có thể tự hào rằng: Họ đã đi theo cách mạng để hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc mà không một phút yếu lòng.

Giờ đây, Thiếu tướng Tống Ngọc Minh, người chiến sỹ đã chiến đấu âm thầm trong gian khổ, hy sinh rưng rưng nói: "Đời mình khổ nhưng may mắn còn sống đến ngày nay để chứng kiến sự phát triển của đất nước". Nhìn vào mắt ông tôi hiểu những người lính như ông sống là dâng hiến đến tận cùng cho Tổ quốc

Hải Châu
.
.
.