"Hành trình" của cuốn nhật ký lưu lạc

Thứ Sáu, 06/08/2010, 09:43
Từng viết nhiều bài báo, gặp không ít những cô gái lỡ bước, sa chân vào các động mại dâm nhưng khi đọc cuốn nhật ký này, tôi đã bị ám ảnh bởi cảnh đời éo le của nhân vật chính trong "tác phẩm".

Sự đồng cảm rồi một chút máu nghề nghiệp đã thôi thúc tôi vượt 500 km, tìm gặp chủ nhân cuốn nhật ký vào một ngày tháng 7 tiết trời oi ả, đang mòn mỏi chờ đón một trận mưa rào xoa dịu cơn khát. Tôi đã đọc được trong mắt cô gái ấy niềm tin đang dần trở lại. Hạnh phúc đến với cô bây giờ là phần thưởng xứng đáng cho một cô gái  biết vượt qua số phận để giành lại sự sống cho chính mình.

Điều khiến người đọc suy ngẫm suốt cuốn nhật ký ấy là dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, có những lúc tưởng chừng vô vọng, cô vẫn giữ trong mình khát khao sống, nghị lực vươn lên.

Cuốn nhật ký thấm đẫm nước mắt của cô gái tuổi 20 được ghi lại trong hoàn cảnh rất đặc biệt, không có giấy, cô gái  đã  viết  lại  xúc cảm  trên  phần lề một cuốn sách tiếng Trung Quốc, kể lại những chuỗi ngày đầy đọa trong các địa ngục trần gian nơi đất khách quê người.

Trước khi được trở về đoàn tụ cùng gia đình, chủ nhân cuốn nhật ký đã gửi tặng lại các chiến sỹ biên phòng như mong quên đi một quá khứ không đáng nhớ. Khi viết lại câu chuyện từ cuốn nhật ký, tôi không muốn khơi lại nỗi đau trong lòng cô gái mà đồng cảm với số phận của cô, để các bạn trẻ hãy tỉnh táo trước những cạm bẫy của những kẻ buôn người.  

Xế trưa, mõ trâu lách cách xua tan không khí tĩnh lặng trong căn nhà sàn lúp súp nằm dưới những tán lá rừng sum suê… Lấp loáng dưới vầng trán thanh thoát là đôi mắt lá liễu đằm thắm, hai gò má ửng hồng rịn mồ hồi, Hứa Thị Éc ào vào nhà, lưng áo ướt đẫm. Chút ngỡ ngàng thoáng qua nhanh khi nhìn thấy những người lạ, khi nghe nhắc đến cuốn nhật ký, Éc rụt rè hỏi tôi: "Vì sao chị lại có cuốn nhật ký này?".

Chưa kịp để tôi trả lời, cô bé ngậm ngùi: "Em không muốn giữ lại cuốn nhật ký đó, đó là những chuỗi ngày em muốn quên nhưng không thể". Ngày ngày, nỗi đau đớn ấy vẫn gặm nhấm tâm can Éc, nó như một vết thương sâu trên thân thể, dù đã lành vết nhưng mỗi khi trở trời vẫn đau nhức. Đọc lại những dòng đầu tiên trong cuốn nhật ký, Éc đã khóc.

Câu chuyện của hơn 2 năm qua bỗng dội về trong trí nhớ: "Lời đầu tiên, tôi chỉ muốn khóc thật to mới thấy dễ chịu thôi. Có ai chịu hiểu cho bọn tôi, những kẻ không số phận, có lẽ ông trời đang chừng phạt tôi, dù không hồng nhan nhưng vẫn bạc phận đấy thôi. Tất cả chỉ vì một chữ "tiền". Bọn tôi cũng chỉ muốn kiếm cái thứ gọi là tiền đấy mà lâm vào cảnh lưu lạc, 4 đứa bốn phương trời, tin tức về nhau "bặt vô âm tín", không ai biết ai còn sống hay đã bỏ xác lại nơi đất  người. Vì muốn kiếm tiền và không có tiền thì không thể tồn tại được phải không? Thế nên tôi mới dễ dàng bị người  ta lừa và người ta cũng chỉ chi tiền là lừa 4 đứa con gái rất trong trắng trở thành vật gán nợ cho người ta. Bà chủ của tôi là người Việt Nam đã sang Trung Quốc lấy chồng và nuôi một đàn gái Việt Nam không khác gì nuôi một đàn súc vật. Thích thì cho ăn, không vui thì cho nhịn, bảo cười nói thì phải nói cười… dù không muốn. Nhưng đã là vật nuôi thì phải nghe lời chủ, thì mới được cho ăn. Tôi tự xếp mình là một con vật cứng đầu vì ngang bướng, không nghe lời chủ. Ngay cả không cho ăn cũng nhịn không có vấn đề gì. Vì thế tất nhiên tôi bị đánh đập chẳng ra gì… bị người ta dồn đến đường cùng thì phải liều mà thôi…" .

Hứa Thị Éc là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở tỉnh Lào Cai. So với bạn bè cùng trang lứa, Éc may mắn hơn nhiều vì được bố mẹ cho ăn học hết cấp III, một điều mà không phải cô gái nào trong xã cũng có được.

Tuổi mười tám, đôi mươi, Éc cũng ấp ôm khát vọng được trở thành cô giáo trường làng, ngày ngày mang cái chữ đến cho trẻ em trong bản. Nhưng ước mơ của Éc đành khép lại vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền… Éc không thể quên ngày định mệnh đó (ngày 4/3/2008), bốn cô gái đều ở tuổi 18 đôi mươi, trong đó có Éc đã bị Hoàng Văn Sa và vợ là Hoàng Thị Tế ở tỉnh Lào Cai rủ đến TP Lào Cai bán hàng thuê.

Éc và đám bạn còn mường tượng đến bao nhiêu dự định cho đến khi rơi vào tay của tú bà Nguyễn Thị Mây để gán nợ. 5 ngày đầu, Éc và các cô gái bị nhốt trong phòng lơ lửng ở tầng 3, bọn chủ nhà vứt cho họ một thùng mỳ tôm. Vừa sợ hãi, vừa nhớ nhà, Éc và những người trong nhóm chỉ biết ôm nhau khóc, chẳng ăn uống gì, người lả đi.

Đến ngày thứ 6 thì bà chủ người Trung Quốc tìm đến, bọn chúng ép Éc và Tòng phải ăn hết một hộp cháo, sau đó tống lên một chiếc xe ôtô tải. Sợ hãi đến cực độ, Éc và Tòng quỳ xuống van xin nhưng bà chủ Mây lạnh tanh, lôi tuột cả hai vào xe rồi tuyên bố rằng: Tao đã bỏ tiền ra mua nên chúng mày phải tiếp khách cho đến khi đủ tiền mới được về nhà".

Éc không nhớ cô đã đi đâu, bao nhiêu ngày cho đến khi đến một khu phố toàn nhà trọ và nhà nghỉ. Đến nơi, thị Mây sỗ sàng đè Éc ra kiểm tra trinh tiết rồi ép cô phải bán đi cái quý giá của người con gái cho một gã đàn ông già hơn cô vài chục tuổi để mua lấy sự may mắn cho ông ta... Éc gào khóc, dùng hết sức mình chống cự nhưng cô quá nhỏ bé so với sức lực vạm vỡ của kẻ háo dâm bỏ tiền ra mưu cầu sự may mắn. Lúc đó, cảm giác đau đớn ê chề xâm chiếm toàn bộ tâm can của Éc, cô như một khúc gỗ mặc hắn muốn làm gì thì làm. Khi đã thỏa mãn cơn nhục vọng, gã vứt cô trên giường rồi bỏ đi…--PageBreak--

Éc lao vào nhà tắm, khóc nức nở, cô thấy trời đất dưới chân mình như đang sụp xuống. Éc không nhớ cô đã ngồi trong căn phòng tắm đó bao lâu, cho đến khi bà chủ Mây lao đến và lôi tuột cô ra khỏi phòng. 3 giờ sáng hôm đó, Éc mới được  đưa về nhà, mụ chủ chứa đã thẳng tay dùng chiếc đồng hồ báo thức đánh vào đầu và người Éc vì cô đã không làm vừa lòng khách. Chuỗi ngày tủi nhục của em cũng bắt đầu từ đây…

Éc lén lau nước mắt trên gương mặt nhạt nhòa nước mắt: "Chúng đối xử với bọn em chẳng khác gì nuôi một con vật”. Mỗi ngày, các cô gái khác được ăn một bữa cơm với rau, nếu không nghe lời là chúng bỏ đói. Mỗi ngày Éc và những cô gái có cùng cảnh ngộ khác phải tiếp khách triền miên, có ngày từ 15-16 khách. Nhiều cô  không đủ sức lao động đã bị bọn chúng tiêm thuốc, ép phải bán dâm cho khách cho đến khi sức tàn, lực kiệt. Bọn chủ chứa mất lương tri triệt để khai thác họ như một cỗ máy kiếm tiền. Hầu hết trong số họ đều không sử dụng bao cao su, vì họ yên tâm rằng em là "gái mới".

Bố mẹ của em Hứa Thị Éc.

Tủi nhục và ê chề, những cô gái Việt Nam như Éc bị rao bán như một món hàng sống. Trong số những cô gái có cùng cảnh ngộ, Éc là đứa bướng bỉnh nhất, vì thế cô đã chịu không ít những trận đòn roi của chủ chứa, nhiều trận thập tử nhất sinh.

Có những lúc Éc nằm gục mấy ngày rồi sau đó lại gượng dậy. Những ngày bị "giam giữ " ở đây, Éc đã gặp một cặp vợ chồng người Trung Quốc, gã chồng là một kẻ bê tha rượu chè nên bắt vợ phải đi làm gái. Khi đó, vợ chồng gã  Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến Éc, nó rỉ tai nói với Éc rằng: "Nếu bỏ ra ngoài bán dâm chỉ cần ba tháng là đủ tiền, vợ chồng nó sẽ đưa Éc về Việt Nam. Khi bị dồn đến đường cùng, con người ta luôn tìm một cách để thoát thân và Éc cũng vậy, cô liều tìm cách thoát khỏi cái bẫy do tự mình đã chui vào.

Cơ hội đã đến, khi Mây đi vắng, Éc đã cùng đôi vợ chồng người Trung Quốc lẻn ra ngoài. Éc cứ cắm đầu chạy cho đến khi chân tay bủn rủn còn mắt thì tối sầm xuống.

Rồi Éc cũng được vợ chồng người Trung Quốc đưa đến một căn nhà, so với địa ngục trần gian mà cô bé vừa trải qua thì ở nơi đây tốt hơn nhiều...

Nhưng dần dần, vợ chồng người Trung Quốc cũng để lộ ra cái đuôi cáo của chúng. Éc bị tiếp khách nhiều hơn, bất kể lúc nào có khách là phải phục vụ. Thằng chồng đánh đập không thương tiếc tất cả những người không làm theo yêu cầu của nó. Trong hoàn cảnh đó, một cô gái  trong nhóm đã rủ cả bọn bỏ trốn.

Hai lần bị lừa bán, giúp Éc cảnh giác hơn nhiều, Éc biết chắc cô gái đó cũng lại bị lừa một lần nữa nên đã ở lại: "Vừa thoát được cái bẫy này, tôi lại rơi vào cái bẫy khác. Rồi một đứa trong chỗ mới này là người Trung Quốc rủ tôi và hai đứa bạn bỏ trốn về Hà Khẩu thăm nhà nó. Thế là hai đưa bạn tôi đã bỏ đi theo đứa kia. Tôi không đi vì tôi có cảm giác đây cũng là sự lừa gạt vì đứa con gái nói chỉ cần 500 NDT là đến nơi, trong khi thực tế phải đi mất 4-5 ngày trên xe và mất khoảng 1.000 -2.000 NDT. Tôi chỉ biết khóc vì giờ không còn ai chuyện trò, nếm trải cuộc sống này cùng tôi nữa. Tôi đã không đi rồi chỉ biết khóc mà thôi vì giờ chẳng còn ai nói chuyện. Tôi trở nên giống người câm. Hơn 2 tháng trời vì không biết nói tiếng Trung Quốc và cũng chẳng hiểu bọn nó nói gì, chỉ biết lắc, gật giống như một con ngốc. Thấy khó chịu tôi cũng mày mò hỏi nó bằng cách vẽ hình ra giấy để đứa chủ chứa hiểu rồi cũng bập bẹ nói được một vài câu…".

(Còn nữa)

Xuân Mai
.
.
.