Kẻ nhốt mẹ mình trong căn nhà 70 tỉ

Thứ Sáu, 18/06/2010, 17:54
Mẹ tôi đã mất được 5 năm nay, và từ ngày cụ mất, tôi mới nhận ra tội lỗi của mình. Tôi đã say sưa với công việc, công danh, quyền chức, tiệc tùng… nên có một thời tôi đã quên mất rằng mình có một bà mẹ già. Tôi có tội! Và tôi biết sự ám ảnh, nỗi giày vò này sẽ đi theo tôi hết cuộc đời. Sẽ không có sự sám hối nào rửa sạch tội lỗi này. Con xin mẹ! Ngàn lần cúi đầu tạ tội với mẹ! Con đáng phải sống trong đau khổ suốt phần đời còn lại…

 Cho đến bây giờ, khi tôi đã về hưu, quyền lực không còn nằm trong tay mình nữa, tôi mới cay đắng nhận ra sự thật rằng, tất cả những hào nhoáng ngày xưa chỉ là mớ bòng bong, giả tạo. Người ta kính trọng mình giả tạo, người ta vâng lời mình giả tạo, người ta yêu mến mình cũng giả tạo nốt… Cái sự hào nhoáng của quyền lực luôn làm người khác mê muội và tôi cũng vậy. Tôi không nhớ mình đã sống với nó như thế nào, nhưng tôi đã phải mất cả một cuộc đời để có nó, nhưng bây giờ tôi mới nhận ra thứ quý giá nhất không phải quyền chức, tiền bạc. Thứ quý giá nhất tôi đã đánh mất, ấy là tình yêu của người mẹ!

Tôi sinh ra và lớn lên ở ngoại thành. Thầy u tôi hiếm muộn, phải vất vả lắm mới sinh được tôi. Ngày xưa các cụ phải đi cầu tự, xin thần thánh trời Phật… mới sinh ra được cái thằng tôi đây. Vì thế tôi từ bé đã được chiều chuộng, được thầy u chăm nom hết sức cẩn thận. Tôi chưa bao giờ biết thế nào là đói khổ, dù cái làng ngoại thành của tôi ngày ấy đầy rẫy người chết đói. Thầy tôi có nghề gia truyền làm mộc, ông lại khéo tay, chăm chỉ nên lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc. Còn u tôi cũng thuộc tuýp người nhanh nhẹn, buôn chợ dưới, bán chợ trên nên kiếm đủ cái ăn cho cả nhà. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là vì gia đình tôi ít người, chỉ vẻn vẹn ba miệng ăn thế nên ngày giáp hạt, lúc hạn hán mất mùa cũng không bị đói.

Hồi bé tôi có được bất cứ thứ gì mình muốn: quần áo, giày dép, đồ chơi… thầy u đều chiều tôi. Hai cụ chiều tôi đến nỗi thấy tôi thích chơi con ve sầu mà không trèo lên cây bắt được. Thầy tôi đã bỏ tiền ra thuê mấy cậu bạn lớn hơn bắt con ve sầu cho tôi chơi. Khi lớn lên chút ít, cả làng mới có một cái xe đạp của bác Thống, bác mua được do làm đến chức đại tá quân đội. Tôi thích cái xe đạp Pha-pho-rít màu xanh dương ấy lắm. Ngày nào tôi cũng sang nhà bác ngắm nghía sờ nắn, rồi năn nỉ bác ấy cho tập đi. Thấy tôi mê cái xe đạp, thầy u đã rốc hết tiền tích cóp để mua cho tôi. Hồi ấy có cái xe đạp, chạy băng băng trên đê là ghê gớm lắm. Tôi như một công tử con nhà giàu, suốt ngày rong chơi, và chẳng bao giờ nhúng tay vào việc nhà.

Nhà con một nên tôi được miễn đi bộ đội, lại được học hành tử tế nên chẳng mấy khó khăn tôi thi đỗ vào Trường Đại học Xây dựng. Tôi đỗ đại học làm thầy u sướng như phát điên, hai cụ đã làm tất cả để tôi học tập. Suốt những năm đại học, thầy u không bao giờ để tôi đói. Làng tôi cách trường cũng chỉ vài chục cây số, nên thứ Bảy nào hai cụ cũng khăn gói lên thăm. Trong cái hòm gỗ thời sinh viên của tôi luôn đầy ắp đồ ăn. Hai cụ chịu khó làm đồ khô như: ruốc, bột đậu xanh, bột gạo nếp, bốt sắn dây… tất cả để tôi bồi dưỡng sức khỏe. Tôi cứ thế hưởng thụ học tập, người lúc nào cũng hồng hào đẹp mã.

Bây giờ ngồi ngẫm lại tôi chưa thấy ai may mắn như mình. Tôi luôn gặp may mắn, cứ như có một vị thần phù trợ vậy. Khi tốt nghiệp đại học, cũng vì tình cờ mà tôi được nhận công tác ngay tại Hà Nội. Những năm thành phố bị ném bom, có lần cả đội thi công bị trúng bom rơi, chết hơn nửa chỉ mình tôi nguyên vẹn, không sơ sẩy chút nào. Tôi cũng không nhớ cái gì đã xảy ra chỉ thấy tiếng nổ chát chúa, bụi mù tung toé… khi tỉnh dậy thấy máu vương khắp nơi, xác người ngổn ngang, người chết người bị thương, chỉ riêng tôi nguyên vẹn.

Khi hoà bình lập lại, có bận tổ kỹ sư chúng tôi giám sát thi công một công trình lớn. Hôm ấy trời nắng to, giữa trưa anh em công nhân và kỹ sư tụ tập dưới gầm cầu thang ăn trưa vì ở đó mát. Ăn uống xong, tôi đột nhiên mót tiểu nên đi ra ngoài. Chưa đầy vài phút tôi nghe tiếng gãy đổ, khi chạy vào thì cái cầu thang ấy sập xuống đè chết hai người còn lại bị thương nặng. Có thể ông trời thương tôi con một nên không nỡ cướp đi.

Tôi công tác nhiệt tình vì chẳng lo toan gì về gia đình nên có nhiều thời gian cho công việc. Do công tác tốt, lại có trình độ nên tôi được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. Đó cũng là thời gian an nhàn vốn có của tôi. Thế nhưng cũng chính những năm đo,á thầy tôi mất đột ngột vì cảm lạnh. Tôi chỉ nghe mẹ tôi kể lại rằng, vào giữa trưa ông ấy sang làng bên tìm gỗ. Khi ngang qua cánh đồng thấy trời nắng nóng nên xuống cái đầm tắm cho mát, về đến nhà lên cơn sốt rồi đi, chẳng kịp nhắn gửi gì.

Tôi về nước lấy vợ rồi sinh con. Công việc cứ thế thăng tiến, và làm đến chức Giám đốc một công ty xây dựng lớn của Hà Nội. Con người tôi đã khác đi từ đó, tôi bị ảnh hưởng lối sống phương Tây, lại có chức quyền nên muốn mình phải thật sự đàng hoàng, lịch lãm, thậm chí tôi luôn tưởng tượng mình là dòng dõi quý tộc. Cái gì trong nhà tôi cũng phải đẹp, phải sang, phải đắt tiền. Tôi có quyền nên tiền bạc không thiếu, lại đang thời kỳ mở cửa, công việc xây dựng lúc nào cũng có lộc nhiều. Hơn nữa vợ tôi là người thành phố gốc, nên sự tinh tế trong cách sống cũng ảnh hưởng nhiều đến tôi.

Hồi ấy nhiều đồng nghiệp, bạn bè đều nhìn vợ chồng tôi như một hình mẫu để sống. Tôi mua loại áo gì, giày gì, đi xe nào… lập tức họ bắt chước mua theo. Tôi sắm đồ gì trong nhà họ cũng xuýt xoa kêu đẹp, có gu thẩm mỹ, tinh tế như quý tộc… Tôi ngất ngây với những gì mình đang có, tự hào vì có vợ là người tinh tế. Vì thế tôi đã rất ái ngại khi u tôi lúc ấy đã ngoài 70 tuổi. Dù tôi có giàu có, quyền chức thì u tôi vẫn là một nông dân, mang nặng cách sống nông thôn, lại thêm sự lẩm cẩm của tuổi tác… Thế nên lúc nào trông cụ cũng tuyềnh toàng, giản dị lại ăn nói ngu ngơ… Tôi đón cụ lên thành phố cũng vì vợ tôi nhắc khéo, cô ấy sợ cụ một mình ở quê chẳng ai chăm nom, sợ người ngoài nhìn vào khó coi. Tôi miễn cưỡng đón cụ về căn biệt thự đắt tiền của mình.

Đó là căn biệt thự vào loại sang nhất nhì ở thành phố này. Tôi đã thuê cả người giúp việc để chăm nom cụ. Nhưng người già, ở những nơi hiện đại như thế hết sức khó chịu. Đêm nào cụ cũng đi lại lọc cọc trong nhà, sáng ra đã đứng ở ngoài sân. Cụ khó chịu với tất cả: nhà vệ sinh, bếp, buồng ngủ, bàn ghế… cụ lúc nào cũng kêu chúng lạnh lẽo không dùng được. Những việc đó tôi chịu đựng được, nhưng oái oăm ở chỗ cụ rất thích có khách đến chơi. Tôi là lãnh đạo nên khách khứa đến suốt ngày. Họ đến vì công việc, vì nhờ vả, vì quan hệ… Cứ thấy khách đến cụ lại ton ton bắt chuyện, cụ hỏi han, dặn dò…  luyên thuyên theo kiểu nông thôn, quê kiểng.

Ban đầu tôi chỉ ái ngại, nhưng dần dần tôi cảm thấy xấu hổ, bực tức vì cụ phá đám khách khứa. Điều làm tôi khó chịu nhất là vẻ quê kiểng của cụ, nó trái ngược với hình ảnh mà bấy lâu nay tôi tạo ra. Nhiều người khá ngỡ ngàng khi nhìn thấy mẹ tôi. Họ cứ nghĩ tôi là người thành phố, xuất thân giới quý tộc… không ngờ tôi có gốc gác nông thôn, có người mẹ xù xì, xấu xí ấy… Tôi đã tự nghĩ như vậy và khó chịu như vậy. Thế rồi tôi quyết định giấu mẹ mình trên gác. Khi nào có khách đến chơi, tôi lệnh cho người giúp việc khoá cửa buồng cụ lại. Tôi cũng không bao giờ mở miệng nói với ai về mẹ mình, tôi muốn quên đi quá khứ, muốn người ta nghĩ tôi là một người có dòng dõi quan lại, quý tộc hay một cái gì đó miễn sao không phải nhà quê.

Cứ thế tôi giấu mẹ mình trên gác, nhiều đêm u tôi mê ngủ gọi tên tôi. Nhưng tôi cũng không thèm lên xem cụ, tôi không muốn gần cụ vì sợ cái mùi khó chịu của tuổi già. Tôi vô tâm đến nỗi cụ ốm cũng chỉ sai vợ tìm bác sỹ về nhà cho uống thuốc, hoặc đưa đi viện. Tôi giấu bặt đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên về mẹ mình. Nhiều người đã không biết tôi có mẹ sống trong nhà, còn những ai biết muốn đến thăm thì tôi nói dối cụ đã về quê…

Thế rồi mẹ tôi ốm nặng! Cái chết chỉ đếm từng ngày, tôi vẫn im lặng với tất cả. Đáng ra tôi phải luôn ở bên mẹ mình những lúc như thế. Nhưng tôi vẫn đi công tác nước ngoài vì nghĩ rằng mọi chuyện sẽ có người nhà lo. Mẹ tôi đã ngất đi nhiều lần, nhưng cụ vẫn không chịu đi cho đến khi tôi về. Tôi chỉ nhớ đôi mắt mờ đục của cụ nhìn tôi lần cuối rồi, bàn tay sần sùi của cụ rờ lên má tôi. "U sống thế đủ rồi, sống thêm nữa làm con khổ nhiều! U mất con đưa về quê gần thầy, đám ma làm ít thôi, chỉ người làng thôi! Con cũng không thích người thành phố biết u mà...!" - đó là những lời nói cuối cùng của mẹ tôi!

Từ đó đêm nào tôi cũng mơ thấy mẹ mình, thấy quá khứ của mình, thấy sự hi sinh của cha mẹ dành cho mình. Và tôi bắt đầu nhận ra tội lỗi của chính mình, đã gần 10 năm tôi giấu mẹ trên gác, tôi lánh xa mẹ già bằng những chuyến công cán, tiệc tùng… Điều tôi lỗi nhất là tôi đã muốn quên người mẹ tần tảo hết mực yêu con vì những thứ giả tạo do mình tưởng tượng ra. Tôi có tội! Ngàn lần xin đập đầu trước vong linh mẹ! Có chết ngàn lần cũng không hết nỗi giày vò này. Con xin mẹ, tha thứ cho con!

Anh Sa (ghi theo lời kể của nhân vật)
.
.
.