Kết cục của một gia đình buôn cái chết trắng

Thứ Sáu, 12/11/2010, 15:00
Có lẽ khi quyết định theo chồng dấn thân vào con đường mua bán cái chết trắng, Vũ Thị Huệ quê Mộc Châu, Sơn La không bao giờ nghĩ đến kết cục bị thảm của ngày hôm nay. Chồng bị xử tử hình, bản thân Huệ phải lĩnh án chung thân. Gia đình tan đàn xẻ nghé. Hai đứa con thơ dại phải tự nuôi nhau mà sống. Huệ không còn nước mắt để khóc cho mình, cho chồng và hai đứa con thơ. Gieo nhân nào gặt quả nấy.

Huệ đã từng là cán bộ y tế của xã rồi của huyện Mộc Châu. Cuộc sống dù bộn bề khó khăn nhưng an lành. Hàng ngày ngoài công việc bận rộn của một y tá, Huệ còn mở một cửa hàng tạp hóa để thêm thắt tiền nuôi hai con nhỏ. Chồng Huệ là một người rất thanh niên tính. Anh ta không có công việc gì cụ thể, chỉ làm nghề tự do. Thích thì làm mà không thích thì la cà quán xá cùng bạn bè. Thế nên bao nhiêu khó khăn, gánh nặng đều đổ lên vai Huệ.

Dù nhiều lần góp ý với chồng nhưng anh ta vẫn không thay đổi. Huệ đành chấp nhận. Cơn lốc của cơm áo gạo tiền cứ thế cuốn Huệ đi, khiến Huệ không còn đủ thời gian để biết chồng mình đang làm gì. Đến một ngày, Huệ vô tình phát hiện ra một gói bột màu trắng giấu dưới chiếu trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Hỏi ra thì chồng Huệ thành thật khai rằng, anh ta bị nghiện rất nặng. Huệ gần như ngã khuỵu xuống khi nghe tin dữ này. Bao nhiêu ngày qua, Huệ bươn chải để nuôi nấng cả gia đình vậy mà anh ta chơi bời đú đởn và mắc nghiện.

Sau cú sốc đó, Huệ quyết tâm cai nghiện cho chồng. Nhưng mọi nỗ lực của Huệ đều trở nên vô nghĩa bởi anh ta nghiện đã quá nặng. Không chỉ nghiện mà anh ta còn tham gia vào một đường dây buôn bán thuốc phiện lớn. Khuyên chồng không được, Huệ lại thành kẻ tiếp tay cho chồng khi là người trực tiếp nhận tiền bán thuốc.

Việc làm ăn phi pháp của vợ chồng Huệ trót lọt được hai năm thì bại lộ. Chồng Huệ bị bắt trước. Huệ nhớ là, hôm đó khi đang làm việc tại bệnh viện thì nhận được điện thoại báo tin Công an đến khám nhà và bắt chồng Huệ đi. Rụng rời chân tay, Huệ như không tin vào tai mình. Huệ buồn chứ không nghĩ rằng rồi cũng đến một ngày mình cũng chung số phận như chồng.

Hai tuần sau ngày chồng bị bắt, Huệ lên tiếp tế đồ cho chồng ở Trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ thì bị bắt tại đây. Quả là Huệ không lường trước được điều này. Cứ nghĩ chỉ nhận tiền cho chồng thì chắc không việc gì, bởi nếu không thì đã bị bắt cùng với chồng rồi. Nghĩ thế nên Huệ vẫn lên thăm chồng.

Đường dây buôn bán thuốc phiện mà vợ chồng Huệ tham gia đã bị bắt không sót một ai. Trong vụ án đó có rất nhiều anh em bên chồng của Huệ. Đây là một vụ buôn bán ma túy có quy mô lớn nên được đem ra xử điểm. Hôm xử án, hai con của Huệ cũng được đưa đến. Nhìn bố mẹ đứng trước vành móng ngựa chúng khóc như mưa. Huệ nhìn con mà đứt từng khúc ruột. Không hiểu rồi sau đây chúng sẽ sống ra sao khi không có bố mẹ bên cạnh.

Gia cảnh nhà Huệ cũng thật đặc biệt. Bố mẹ chồng vì không ưa con trai nên cũng không ưa luôn cả con dâu và không quan tâm đến hai cháu nội. Từ khi chồng Huệ và Huệ bị bắt đến nay cũng đã bảy năm rồi nhưng chưa một lần bố mẹ chồng vào thăm. Các con của Huệ, ông bà cũng phó mặc cho bà ngoại chăm nom. Nhà Huệ ở thị trấn, còn nhà mẹ đẻ lại ở tận vùng sâu, thế nên nếu các con Huệ về ở cùng với bà lại bất tiện cho việc học hành. Về phần bà, bà cũng không thể bỏ ông già yếu, bệnh tật liên miên để lên với các cháu.

Thế là, để tiện cho việc học, hai đứa con của Huệ vẫn ở lại thị trấn, tự chăm sóc nhau, tự học hành. Cuối tuần bà lại lên đón chúng về chơi. Có những khi nhớ mẹ quá, hai đứa con Huệ lại năn nỉ bà ngoại đưa chúng vào trại thăm mẹ. Thương cháu thiệt thòi bà lại gắng gượng sức già để làm thỏa lòng chúng. Ba bà cháu dắt díu nhau đi cả đoạn đường dài tới vài trăm cây số để thăm Huệ. Nhìn mẹ già lưng còng và hai con thơ dại, Huệ chỉ biết khóc. Biết Huệ buồn nhiều nên mỗi dịp lên thăm hiếm hoi ấy bà luôn động viên rằng: "Hãy nhìn hai đứa con mà sống. Đó là món quà vô giá mà không tiền nào mua nổi". Nghe mẹ nói vậy, Huệ cũng thấy yên lòng. 

Chồng Huệ vừa mới bị thi hành án tử hình cách đây chưa tròn một tháng. Hôm gia đình lên xin nhận mộ và đưa hài cốt chồng Huệ về cũng có ghé qua trại giam thăm và động viên Huệ. Khi đứa con gái đưa cho Huệ chiếc băng tang và nói: "Tang của bố đấy. Mẹ đeo vào đi!". Đáng lẽ khi ấy Huệ phải òa lên mà khóc nhưng rồi Huệ đã không khóc nổi. Nước mắt đã rơi trong những đêm trường không ngủ nên giờ Huệ không thể khóc. Có lẽ khi ấy nhiều người bên gia đình chồng sẽ đánh giá là Huệ không còn yêu chồng nữa nên không thấy xót thương khi biết tin chồng chết. Bởi lẽ thường, chỉ cần nghe tin một người quen không may qua đời cũng đủ làm người ta bật khóc huống hồ đó lại là người đầu gối tay ấp với mình.

Chồng Huệ chết, âu cũng là cái giá phải trả khi đang tâm gieo rắc cái chết trắng cho biết bao nhiêu người, làm tan nát biết bao gia đình. Còn Huệ, còn được sống là còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Dù cái sự làm lại ấy quá muộn màng. Giờ Huệ chỉ còn biết xót thương cho hai đứa con bé bỏng tội nghiệp. Chúng phải tự nương tựa vào nhau mà sống.

Khi vợ chồng Huệ bị bắt, đứa lớn 11 tuổi, đứa bé mới chỉ gần 7 tuổi. Bảy năm qua rồi, giờ con trai đầu của Huệ cũng đã học xong THPT, vì muốn nuôi em học hành tới nơi tới chốn nên nó đã phải hy sinh giấc mộng vào đại học của mình. Giờ nó đã đi làm ở nhà máy sữa.

Hôm trước nó gọi điện lên cho Huệ nói rằng: "Con đã kiếm được tiền để nuôi em, chỉ tiếc là chưa có thật nhiều tiền để gửi xuống biếu mẹ". Được như thế cũng là diễm phúc cho vợ chồng Huệ lắm rồi. Chòm xóm ai cũng bảo: "Bố mẹ nó đổ đốn nhưng bù lại hai đứa con thì ngoan ngoãn quá". Nghe mọi người kể lại vậy, Huệ hạnh phúc lắm. Đúng là hai đứa con của Huệ đã làm được những điều mà chính Huệ cũng chưa nghĩ tới. Tự nuôi nấng và chăm sóc cho nhau, chăm chỉ học hành.

Khi bố chúng mất, hai đứa cũng tự lập bàn thờ rồi ngày ngày thắp hương khấn bố.

Hôm Huệ gọi điện về, đứa con gái mếu máo khóc bảo: "Mẹ ơi, con sợ lắm. Nhà mình cứ lạnh lẽo làm sao ấy mẹ ạ. Nhiều hôm anh đi làm ca đêm con không dám học, cũng chả dám ngủ. Con thắp điện sáng trưng nhưng vẫn sợ lắm!". Nghe con nói vậy mà Huệ đứt từng khúc ruột. Tội nghiệp nó quá. Bố chết, mẹ đi tù, anh trai vì miếng cơm manh áo phải đi làm cả ca đêm. Đứa con gái nhỏ của Huệ phải ở nhà một mình.

Nó khóc nức nở còn Huệ thì chả có cách nào vỗ về con được, chỉ biết động viên con rằng: "Nếu con cảm thấy sợ, con hãy cứ ra thắp hương và chuyện trò với bố. Bố sẽ bảo vệ con. Khi còn sống bố luôn yêu con nhất mà!". Kể từ sau khi nói chuyện với Huệ, nó tĩnh tâm hơn. Mỗi lần có chuyện gì buồn, vui nó đều thắp hương kể cho bố nghe. Giờ nó không thấy sợ nữa mà coi việc tâm sự với bố là một chuyện bình thường hằng ngày.

Niềm an ủi lớn nhất, cũng là động lực giúp Huệ cố gắng cải tạo tốt chính là hai đứa con. Dù không có người lớn bên cạnh chăm lo, bảo ban nhưng chúng vẫn khôn lớn. Anh em đùm bọc lấy nhau. Hai anh em vẫn thường bảo nhau phải chịu khó viết thư động viên, an ủi mẹ để mẹ yên tâm cải tạo. Trong thư trước, đứa con gái Huệ còn khoe nó đỗ học sinh giỏi cấp huyện. Đọc thư con mà nước mắt Huệ cứ rơi.

Những ngày tháng sống trong trại giam Huệ đã nghĩ thật nhiều về "Luật nhân quả". Vợ chồng Huệ đã gieo hạt mầm tham lam nên quả họ gặt được chính là mất mát. Khi nhận thức được điều này thì Huệ và chồng đã phải trả một cái giá quá đắt. Không phải bất cứ ai gây ra lỗi lầm đều có cơ hội để sửa chữa. Chồng Huệ là một ví dụ. Còn Huệ may mắn hơn nên Huệ thấy mình cần phải sống và cải tạo thật tốt để sửa chữa lỗi lầm cũng là để có cơ hội sớm trở về bù đắp những thiệt thòi mà hai đứa con mình đang gánh chịu...

Ngọc Anh
.
.
.