Khi thuốc con nhộng thử nghiệm lên người hàng xóm

Thứ Sáu, 18/06/2010, 14:21
Như thông tin chúng tôi đã đăng ở kỳ trước, trong khi các nhà  khoa học vẫn đang nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm BAHUDO thì nảy sinh vấn đề kinh phí. Theo TS Lê Quang Huấn, để có kinh phí tiếp tục nghiên cứu chỉ có cách là xây dựng đề tài, làm công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Công an... xin duyệt đề tài để được cấp kinh phí.

Bản thân ông Huấn đã viết đơn, nộp vào chương trình KCO của Bộ Khoa học Công nghệ nhưng không được chấp nhận bởi đề tài mà ba người đang theo đuổi có tính nhạy cảm cao. Thế là các ông lại thống nhất làm đề tài tiền khả thi, sau đó xin duyệt đề tài cấp cơ sở (cấp Viện Công nghệ sinh học), cấp bộ (cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) và cấp Nhà nước. Đây là một quy trình chặt chẽ, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng nếu được phê duyệt sẽ có kinh phí để theo đuổi mục đích nghiên cứu đến cùng.

Chính trong thời gian cả nhóm dừng nghiên cứu để... xin kinh phí, TS Động cùng với một kỹ thuật viên của Viện Công nghệ sinh học vẫn triển khai công việc tại nhà (nhà TS Động). Sau này, họ đã phối chế thành viên thuốc con nhộng và thử nghiệm lâm sàng với chính người hàng xóm của TS Động. Và rắc rối bắt đầu. Mối lương duyên của ba nhà khoa học bước vào thời tan vỡ…

... Tan

Khi có kết quả thử nghiệm trên người hàng xóm, TS Động đã báo với cả nhóm. Cả nhóm thống nhất đề xuất với Viện Công nghệ sinh học thành lập hội đồng nghiệm thu tiền khả thi đề tài "Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học có bản chất dị vòng từ sinh vật biển bằng công nghệ sinh học để cai nghiện và chống tái nghiện ma tuý". Hội đồng nghiệm thu Viện Công nghệ sinh học đã đánh giá cao nhưng không chấp nhận vì cho rằng, sẽ gây nguy hiểm cho người thử nghiệm. Tuy nhiên, qua báo cáo của Hội đồng nghiệm thu tiền khả thi, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đứng ra ủng hộ nhóm nghiên cứu.

Tới đây, cả ba người thấy cần có một văn bản thống nhất trên tinh thần của Hội đồng nghiệm thu là: Tạo thuốc, nghiên cứu trên động vật và mô hình động vật (lưu ý là không nói đến thử nghiệm trên người). Mục đích của việc này là để thấy rõ ý thức chấp hành ý kiến của Hội đồng nghiệm thu tiền khả thi. Thế là Biên bản thỏa thuận gồm ba thành viên: GS Ban, TS Huấn, TS Động được ký kết vào ngày 30/5/2008 với nội dung: Sau khi nghiệm thu đề tài tiền khả thi ngày 25/5/2008, trước Hội đồng nghiệm thu Viện Công nghệ sinh học, chúng tôi thống nhất các điều khoản: Giao PGS.TS Lê Quang Huấn chuẩn bị thuyết minh đề cương nghiên cứu năm 2008 và năm 2009-2010 cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để tiến hành thử nghiệm thuốc trên động vật.

Nhiệm vụ cụ thể: Nghiên cứu thu nhận các độc tố thần kinh từ sinh vật biển (sa giông, bạch tuộc xanh, cá nóc độc) và thu nhận các chất có tác dụng bổ khí, bổ huyết từ các nguồn thảo dược của Việt Nam ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô Pilot; nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm thuốc điều trị bệnh nghiện ma tuý và chống tái nghiện ma tuý từ độc tố thần kinh và các chất thảo dược; nghiên cứu độc tính, tác dụng dược lý LD50 của chế phẩm trên động vật thí nghiệm (chuột, thỏ); nghiên cứu tác dụng điều trị bệnh nghiện ma tuý của chế phẩm trên mô động vật thí nghiệm được gây nghiện.

Các thành viên trong Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu cơ chế tác động của thuốc, các chỉ tiêu sinh hoá, các chức năng sinh lý của gan, thận, thần kinh, huyết học, hệ miễn dịch trên động vật trước và sau sử dụng thuốc để nghiệm thu cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và trình lên Hội đồng Y đức của Bộ Y tế để xin thử nghiệm trên người.

Sau khi hoàn thành các nội dung trên, theo thỏa thuận ban đầu của Ban chủ nhiệm, TS Dư Đình Động sẽ thay mặt nhóm tác giả đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước. Bản quyền tác giả sẽ thuộc về các tác giả sau: GS.TSKH Đái Duy Ban, TS Dư Đình Động, PGS.TS Lê Quang Huấn sau khi cùng nhau hoàn thiện sản phẩm có sự đóng góp, sáng tạo của mỗi người.

Thế nhưng, sau khi ký kết vào bản thỏa thuận trên (và cũng là bản cuối cùng) thì TS Huấn nhận được email của TS Động với nội dung đại ý muốn tách ra và đề nghị ông Huấn chấp nhận. Tuy nhiên, cả TS Huấn và GS Ban đều không đồng ý. Theo TS Huấn thì biên bản này chỉ mình TS Động ký và chuyển cho các cơ quan chức năng.

Ngày 18/11/2008, GS Ban đã nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm BAHUDO. Cái tên BAHUDO, GS Ban ghép từ hai chữ cái trong tên của các thành viên trong nhóm mà thành. Theo TS Huấn, cách đặt tên này của GS Ban với mục đích kéo TS Động quay về với nhóm.--PageBreak--

BAHUDO vẫn là sản phẩm 3 trong 1

Sau khi TS Động đề nghị tách riêng nhưng không được 2 thành viên (GS Ban và TS Huấn) chấp thuận, số phận công trình nghiên cứu thuốc cai nghiện và thuốc chống tái nghiện như thế nào? Theo TS Huấn thì việc nghiên cứu chế phẩm BAHUDO vẫn đang được tiến hành theo đúng thỏa thuận trong biên bản ngày 30/5/2008 giữa 3 ông Ban, Huấn, Động. Nghĩa là hiện nay, TS Huấn đang thực hiện đề tài cấp bộ (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), giai đoạn 2009 - 2010. Đề tài có tên "Nghiên cứu tạo chế phẩm BAHUDO trong cai nghiện ma tuý".

Nghĩa là việc TS Động tự ý tách ra, không muốn đứng chung tên công trình này với hai ông chẳng có ý nghĩa gì. TS Huấn vẫn đang thực hiện theo cam kết. Còn tiến trình nghiên cứu, bào chế chế phẩm BAHUDO đã thực hiện được đến đâu thì TS Huấn cho biết, hiện đang trong giai đoạn kiểm nghiệm để làm rõ tính độc tố, cấp độc tố bán trường diễn, tác dụng giảm đau; xác định lại thành phần hoá học, tỷ lệ các thành phần thảo dược, thần kinh trong thuốc. Mục đích cuối cùng của việc làm này là trả lời câu hỏi, viên thuốc đó là gì trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc thử nghiệm lâm sàng chỉ thực hiện khi được phép của Hội đồng Y đức Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ chỉ định bệnh viện có chức năng, có tính pháp lý để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc thử nghiệm phải hoàn toàn độc lập và kết quả sẽ báo với Bộ Y tế.

Đến lúc đó mới khẳng định, thuốc có tác dụng hay không có tác dụng khi cai nghiện ma tuý. Như vậy đã rõ, chế phẩm BAHUDO nếu được phép lưu hành thì đã qua một chu trình có bài bản, tuân thủ đúng quy trình trong nghiên cứu khoa học, dược học hiện đang trong giai đoạn kiểm nghiệm. Mục đích của người nghiên cứu, bào chế là cho ra một sản phẩm có tác dụng cai nghiện ma tuý mà nguyên liệu là thảo dược và chất TTX trong cá nóc độc.

Và hiện nay, người thực hiện việc bào chế nó chưa thể trả lời, thuốc có tác dụng cai nghiện ma tuý và có an toàn trên người sử dụng không. Hiện, họ đang chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng trên người mới cho câu trả lời chính thức. Cuộc thử nghiệm này sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc quy trình dược học.

Vậy giữa BAHUDO và Thiên Thanh Hoàn có mối liên hệ nào không? Như trên đã nói, BAHUDO là chế phẩm ra đời từ sự hợp tác giữa các ông Ban, Huấn, Động. Trong khi đang tiếp tục hoàn thiện chu trình nghiên cứu, chế tác thì một trong ba người tự xin rút lui, người đó là TS Động. Và TS Động hiện đã cho ra đời thuốc Thiên Thanh Hoàn, một sản phẩm được lưu truyền là có tác dụng trong cai nghiện ma tuý.

Theo TS Động, hiện đã có 1.500 người tình nguyện sử dụng và tỷ lệ cai nghiện thành công là 80%. Trước khi đề cập đến sản phẩm Thiên Thanh Hoàn của TS Động, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Ban để hiểu hơn về quá trình hợp tác nghiên cứu, bào chế sản phẩm có tác dụng cai nghiện và chống tái nghiện ma tuý có tên BAHUDO.

Đúng như những gì TS Lê Quang Huấn nói, GS Ban và TS Động ban đầu có sự hợp tác để nghiên cứu bài thuốc cai nghiện ma tuý bằng thảo dược. Tuy nhiên, kết quả lúc đầu không khả quan nên bằng kinh nghiệm của một người đi sâu nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học phân tử, GS Ban đã nghĩ tới độc tố TTX trong cá nóc độc. Cùng trong giới nghiên cứu sinh học nên ông biết, TS Huấn đã có công trình nghiên cứu về độc tố cá nóc. Ông Huấn là người hiểu rõ nhất về phân bố cá nóc độc tại Việt Nam, cách tách chiết độc tố TTX từ cá nóc độc... Thế nên, GS Ban đã "tận dụng" kết quả nghiên cứu này bằng cách mời TS Huấn tham gia thực hiện bài thuốc cai nghiện.

Theo GS Ban, việc bào chế thuốc cai nghiện ma tuý được thực hiện với hai nguyên liệu chính là: Độc tố TTX trong cá nóc độc. TTX có tác dụng ức chế xung thần kinh (trong cai nghiện sẽ có tác dụng không nhớ về ma tuý); giảm đau (vì TTX có tác dụng gây tê, gây mê). Khi bào chế thuốc cai nghiện ma tuý cần tận dụng cả hai tác dụng này của độc tố TTX; thuốc đông y. Đó là các vị thuốc có tác dụng an thần, thải độc, thanh nhiệt. GS Ban cho rằng, chính việc kết hợp thảo dược với độc tố TTX mới tạo nên sự khác biệt với thế giới. Và chính sự độc đáo này sẽ cho ra đời loại thuốc có tác dụng quên ma tuý, giảm đau, nâng đỡ cơ thể. Đến nay, việc bào chế chế phẩm BAHUDO vẫn đang được thực hiện trên tinh thần này.

Tại sao TS Động lại tách ra? Theo GS Ban, đó là sự bội ước. Ngay như việc, TS Động đã để lộ thông tin là vi phạm các thoả thuận giữa ông và TS Động và giữa ông, TS Huấn và TS Động. Còn câu hỏi, giữa BAHUDO và Thiên Thanh Hoàn có điểm tương đồng nào không thì chúng tôi xin nêu ra đây văn bản gửi Viện Khoa học hình sự của GS Ban và TS Huấn để bạn đọc thấy rõ quan điểm của họ. Văn bản nêu: Chúng tôi nhận được báo cáo về việc nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng thuốc cai nghiện ma tuý Thiên Thanh Hoàn ngày 14/9/2009 của TS Dư Đình Động lên lãnh đạo Viện Khoa học hình sự.

Chúng tôi muốn trình bày vắn tắt một số điểm không đúng trong báo cáo của TS Động, cụ thể: "Sự đề xuất nghiên cứu thuốc cai nghiện ma tuý bằng TTX và các dược thảo là của GS Ban, TS Huấn và TS Động chứ không phải bài thuốc gia truyền (bí truyền) kết hợp với TTX như TS Động đã viết trong công văn; Công nghệ tách chiết TTX và tạo thuốc thảo dược tại nhà ông Động do ông Ban, ông Huấn và cán bộ nghiên cứu của ông Ban thực hiện đã được ông Động nắm bắt.

Vì tách chiết TTX là cả một đề tài của TS Huấn làm luận án tiến sỹ; mô hình gây nghiện và thử chế phẩm trên động vật (thỏ) là có sự tham gia của GS Ban và thấy có kết quả; Nghiệm thu đề tài tiền khả thi ngày 26/5/2008 là có cả ba tác giả và đề tài đã được thử nghiệm trên một số người tình nguyện thấy có hiệu quả rõ mới được hội đồng đề nghị xét cho đề tài độc lập cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chứ không phải như TS Động nói từ tháng 2/2007 đã tách ra nghiên cứu.

Trong đề tài độc lập, chúng tôi đều để tên TS Động tham gia và do TS Huấn làm chủ nhiệm (vì đề tài của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nên để người trong Viện đứng tên chủ nhiệm). Song song với việc đó, chúng tôi có một văn bản ký kết với nhau cố gắng xin đề tài được lên cấp Nhà nước để TS Động làm chủ nhiệm, GS Ban đã về hưu nên không đứng tên chủ nhiệm được; GS Ban đã đóng góp trước 10.000.000đ chứ không phải không đóng góp gì như TS Động nói; hướng đi dùng TTX và các thảo dược an thần kinh chống sốt bảo vệ gan, thận trước chất độc là của GS Ban. TS Động vẫn theo hướng này và các kỹ thuật công nghệ để tạo Thiên Thanh Hoàn và bước đầu có hiệu quả nên tách riêng để làm. Việc này có tính chất tư nhân hoá theo kiểu gia đình...".

Sự thật có phải như những gì chúng tôi nêu trên? Trong số báo tiếp theo, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Dư Đình Động để làm rõ?

(Còn tiếp)
Cao Hồng - Anh Phương
.
.
.