Lá đơn đòi quyền nuôi con của một người mẹ

Thứ Tư, 07/07/2010, 09:11
Chỉ vì người chồng chứng minh anh ta có mức thu nhập gần 70.000 USD/ tháng (cao gấp hàng chục lần mức thu nhập của người vợ), tòa án đã lạnh lùng cho rằng anh ta có thể nuôi con cái trong môi trường học tập Quốc tế tốt hơn và đưa ra một phán quyết "vô tâm" anh ta được quyền nuôi cả hai đứa con mà chị rứt ruột đẻ ra.

Bản án đã không đoái hoài gì đến chị, một người mẹ đã mang nặng đẻ đau hai đứa trẻ và trên hết là quyền lợi của những đứa trẻ rất cần sự chăm sóc của chính người đã sinh ra chúng…

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ "tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" diễn ra vào sáng 16/6 tại trụ sở Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM (TP. HCM) không gây sự chú ý của nhiều người. Thế nhưng khi ngang qua phòng xử ấy, tôi bị thu hút bởi một cậu bé người nước ngoài xinh xắn, có cặp mắt to nhưng buồn rười rượi ngồi hàng đầu dãy người dành cho người dự khán. Đang ngắm nghía cậu bé thì tiếng khóc sụt sịt của người phụ nữ đang đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX) một lần nữa lại gây sự chú ý cho tôi.

Người phụ nữ đứng trước tòa chính là mẹ của cậu bé lai người nước ngoài ấy. Nước mắt nhạt nhòa trên khuôn mặt chị trình bày ngắn gọn về cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình, về chồng cũ mà đến hôm nay sau hơn 5 năm ly hôn chị vẫn chưa có một ngày bình yên, bởi luôn nhớ nhung đứa con trai cách xa hàng ngàn cây số (đang sống tận Thái Lan) và hơn một năm nay chị lại sống trong tâm trạng sợ hãi khi người chồng, một lần nữa nộp đơn ra tòa giành nốt quyền được nuôi và chăm sóc đứa con gái bé bỏng của chị.

Tiếng kêu xé lòng của người mẹ bị cướp mất con

Từng có việc làm ổn định, sau khi kết hôn với ông P. (người Bỉ) vào tháng 6/1999, do yêu cầu công việc, chị theo chồng chuyển đến Hồng Kông (HK) sinh sống. Sau đó, hai đứa con lần lượt ra đời (10 tuổi và 8 tuổi). Chỉ sau hơn 2 năm kết hôn, vợ chồng họ thường xuyên cãi vã do thói quen sinh họat, nếp sống của mỗi người khác nhau. Từ tháng 6/2003, người chồng dọn ra khỏi căn nhà chung sau đó nộp đơn ly hôn ra Tòa án quận thuộc đặc khu hành chính HK.

Tháng 8/2003, chị nộp đơn xin được trợ giúp tài chính đồng thời cũng gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án. Một mình giữa nơi đất khách quê người cùng hai con nhỏ, thời điểm này chị không việc làm nhưng người chồng không hề chu cấp tiền bạc, ngoại trừ việc công ty của anh ta đồng ý tiếp tục thanh toán tiền thuê nhà cho họ đến tháng 2/2004. Vì thị thực nhập cảnh HK của chị là thị thực theo chồng nên chị không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi HK cùng các con.

Thời gian này, người chồng vẫn tiếp tục gia hạn giấy phép lao động tại HK nhưng không hề gia hạn visa cho chị và các con để họ có thể ở lại HK và hơn nữa, ông cũng không giúp xin gia hạn hộ chiếu để khi hết hạn, các con có thể trở về Việt Nam. Lúc này, chị cố liên hệ với lãnh sự quán Bỉ cố gắng sắp xếp cuộc gặp với người chồng nhưng anh ta không đến. Cuối cùng, Lãnh sự quán Bỉ chỉ cấp hộ chiếu tạm thời để hai đứa con chị có thể trở về Việt Nam.

Đến tháng 3/2004, Tòa án quận thuộc đặc khu hành chính HK đã chấp nhận đơn ly hôn của chị. Dù lúc này đang trong tình trạng thất nghiệp nhưng nhận định ông P là người "vô trách nhiệm", tòa án vẫn đưa ra phán quyết chị được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cả hai con. Ngoài ra, tòa này còn tuyên buộc ông P phải cấp dưỡng cho hai đứa con mỗi tháng hơn 6.000 đô la HK. Tuy nhiên từ đó đến nay, chị nói chưa hề nhận được một đồng cấp dưỡng nào từ người đàn ông ấy.

Sau khi nhận được quyết định được phép đưa hai con rời khỏi HK, tháng 9/2004 chị quay trở về Việt Nam (VN). Thời gian đầu, chị không có việc làm nên được cha mẹ cưu mang cả ba mẹ con. Từ tháng 11/2004, chị dần tìm được công việc là nhân viên tư vấn, bán bảo hiểm y tế cho người nước ngòai sống tại VN. Cũng trong khoảng thời gian này, chị nhận được tin người chồng nộp đơn ra TAND TP.HCM giải quyết vụ ly hôn của họ.

Chị nói, vì nghĩ lại tình nghĩa vợ chồng, không có anh ta thì chị cũng không có hai đứa trẻ nên giữa tháng 12/2006 chị chấp nhận để cho anh ta trực tiếp nuôi dưỡng đứa con trai đầu (10 tuổi). Thế nhưng đầu tháng 4/2009 chị bất ngờ khi hay tin người chồng cũ nộp đơn ra TAND TP.HCM "tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn", theo đó anh ta đòi giành quyền nuôi luôn đứa con gái bé bỏng mà chị rứt ruột đẻ ra.

Theo đơn trình bày của anh ta với tòa án, thời gian qua khi đưa người con lớn về thăm mẹ và em gái ở Việt Nam, ông phát hiện vợ cũ chăm sóc con gái không được tốt, thể hiện là con gái truy cập vào trang web đồi trụy nhưng mẹ không ngăn cản. Do sợ ảnh hưởng tâm sinh lý của con nên anh ta đề nghị đưa đi khám bác sĩ nhưng vợ cũ không đồng ý mà còn dọa sẽ đưa con gái đi nơi khác ở để ông không đến thăm con được nữa.

Anh ta còn cho rằng, khi đến thăm con gái thì phát hiện cháu bị cận thị và dị tật chân nên đưa đi khám mắt, mua kính cận, mua giày chuyên dùng để dùng trong khi vợ cũ không quan tâm đến những việc này. Vì muốn con gái có cuộc sống học tập và sinh họat tốt như anh trai của cháu nên anh ta muốn nuôi dưỡng luôn con gái vì có điều kiện tốt hơn vợ cũ.--PageBreak--

Trong khi đó, theo chị L., thời gian qua chị chăm sóc con gái rất tốt, thể hiện qua kết quả học tập và sổ khám sức khỏe hàng năm của cháu. Hiện nay chị đang làm việc ở công ty TNHH với mức thu nhập 8 triệu đồng/ tháng với công việc tư vấn bảo hiểm nên chị đủ khả năng nuôi con. Việc ông P. cho rằng chị biết nhưng không ngăn cản con gái truy cập trang web đồi trụy không có chứng cứ chứng minh. Hiện tại, con gái còn nhỏ cần được mẹ trực tiếp chăm sóc nên chị không chấp nhận thay đổi quyền nuôi con của ông P.

Thế nhưng chỉ dựa vào lời khai của nguyên đơn cung cấp (trong đó có nhiều chi tiết không có chứng cứ như việc bé L. truy cập trang web đồi trụy…), tháng 10/2009 xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp đơn yêu cầu của ông P., tuyên buộc chị phải giao cháu M. (con gái chị) cho chồng cũ trực tiếp nuôi dưỡng, không xem xét đến lời trình bày của chị cũng như những chứng cứ, hồ sơ điều tra của Tòa án quận đặc khu hành chính Hồng Kông về việc ông P. đã bỏ mặc vợ con ở HK như thế nào.

Trong khi đó, tại tòa ông P. thừa nhận: hiện tại ông và con trai đang sống ở Thái Lan cùng với bạn gái. Một tháng ông đi công tác đến 9 ngày, những ngày đó đứa con trai được giao cho bạn gái đang chung sống với ông chăm sóc. Ông muốn nuôi cháu M vì đứa con trai nói rất cô đơn mỗi khi ông đi vắng nên muốn có em ở cùng.

Phút gặp gỡ ngắn ngủi của chị và đứa con trai sau phiên tòa.

Lá đơn đẫm nước mắt

Trong quá trình theo dõi vụ án, chúng tôi có được lá đơn kháng cáo của chị, lá đơn như một bức tâm thư gửi cho những nhân danh pháp luật về nỗi lòng của một người mẹ:

"…Tòa sơ thẩm cho rằng trong thời gian qua người chồng về VN, dẫn con đi chơi, mua kính cận cho con… là thể hiện tình thương của một người cha đối với con cái, là đúng. Nhưng không có nghĩa là tôi - một người mẹ mang nặng đẻ đau, làm lụng kiếm sống và nuôi dưỡng hai con từ khi lọt lòng cho đến ngày nay lại không thương yêu và chăm sóc con cái!

Nếu người đàn ông ấy thương con như lời mình nói thì ông đã không bỏ mặc ba mẹ con tôi ở HK, khi đứa con gái tôi chỉ mới một tháng tuổi, và đứa con trai chưa đầy 2 tuổi. Không những không gửi tiền nuôi con, mà người đàn ông đó còn tàn nhẫn, đoạn tình, đoạn nghĩa tới mức yêu cầu chủ nhà hủy hợp đồng nhà, hủy tất cả các hợp đồng điện thọai… tất cả những thứ gì mang tên ông ta để tôi và các con không một con đường sống.

Vậy thử hỏi, nếu tôi không phải là người mẹ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho các con thì giữa xứ lạ quê người, không tiền bạc, không bà con làm sao tôi và các con có thể tồn tại. Khi đến ngày đưa con về VN, do ông ấy giữ toàn bộ hộ chiếu của các con nhưng không chịu hợp tác, tạo điều kiện cho Lãnh sự quán cấp hộ chiếu. Vì tình người, lòng nhân đạo, Lãnh sự quán Bỉ đã cấp hộ chiếu cho hai con tôi trái với pháp luật, khi tình người đó không có ở người cha!

Ngay cả khi bản án của tòa HK buộc ông phải cấp dưỡng cho hai con, ông cũng không chấp hành. Trách nhiệm làm cha mẹ không ai buộc chúng ta phải cấp dưỡng mà bản thân chúng ta phải tự làm điều đó nếu chúng ta thật sự yêu thương, lo lắng cho con. Hơn nữa, hành động bỏ hai đứa trẻ không thể là hành động của người cha cao thượng bởi tình cảm cha con cao hơn xung đột trong đời sống vợ chồng.

Hơn thế nữa, khi ông ấy đưa đơn ly hôn tại tòa án với lý do: tôi có những biểu hiện tâm thần trong thời gian chung sống với ông và ngày càng trầm trọng. Vậy mà ông là người tỉnh táo, sáng suốt, có tình yêu thương cao cả lại dám bỏ rơi các con cho một người mẹ tâm thần coi sóc và còn tàn nhẫn, hủy diệt tất cả, cô lập mọi con đường sống của tôi và các con.

Khi mẹ con tôi cơm chan nước mắt thì ông ung dung đi du lịch khắp thế giới, ở toàn khách sạn 4, 5 sao. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến và chăm sóc con vô điều kiện nhưng ông ấy chỉ yêu và chăm sóc con kèm theo điều kiện là được quyền nuôi con, nếu không ông không thèm đếm xỉa gì đến chúng. Vậy có phải là tình yêu thương con của bậc làm cha mẹ?

Nếu chỉ đơn thuần căn cứ vào sự giàu có của người cha hay người mẹ để lạnh lùng tuyên bố đứa trẻ đó ai có quyền nuôi dưỡng? Bản án sơ thẩm đã lạnh lùng chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng là việc làm không những trái pháp luật mà còn trái đạo đức làm người. Nếu pháp luật chỉ xét đến "lợi ích nhiều mặt của con" không có nghĩa là chỉ xét đến lợi ích về mặt kinh tế, không có nghĩa là đứa trẻ sẽ sống với người giàu hơn sẽ tốt hơn hay nên người hơn.

Tòa sơ thẩm đã không hề nghĩ đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của bé gái 7 tuổi phải sống xa mẹ để ở chung với người đàn bà lạ (người tình của ông P., sống chung nhà) trong khi người cha thường xuyên vắng nhà do yêu cầu công việc. Tại sao người lớn chúng ta quá tàn nhẫn, lạnh lùng không để ý đến tiếng kêu đau thương của một tâm hồn thơ trẻ. Tôi xin trích dẫn lời con gái vì tôi hứa với con là sẽ viết câu này vào: "Đứa trẻ này là con gái rất thương mẹ mình và không muốn xa mẹ mình. Nếu mà xa mẹ thì đứa con gái này sẽ khóc mãi".

Tôi không giữ con để đòi tiền ông P., bằng chứng là hơn 7 năm nay, tôi vẫn sống, làm việc và nuôi con mà không cần ông ấy cấp dưỡng. Vậy thì không có lý do gì mà hôm nay, tòa án lại cho rằng tôi không đủ khả năng nuôi con, để tước đoạt quyền làm mẹ của tôi với cả hai đứa con. Làm người sống không tình vẫn còn chút nghĩa, tôi đã đồng ý để ông nuôi đứa bé trai vì tôi nghĩ nếu không có ông ấy thì tôi cũng không có những đứa con này”.

Cuối cùng công lý đã được thực hiện. HĐXX TAND Tối cao cũng đã có một phán quyết hợp tình người khi chấp nhận đơn kháng cáo của chị, tuyên chị có quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu M., đứa con gái bé bỏng. Nhưng hạnh phúc đâu đã trọn vẹn, khi còn đó ánh mắt đứa con trai. Kết thúc phiên tòa, hai mẹ con chị vẫn lưu luyến không rời. Phải hơn nửa giờ sau, sau một lúc thuyết phục, đứa trẻ mới chịu theo cha ra về

Anh Huy
.
.
.