Lần đầu tiên khởi tố tội danh về chứng khoán: Đánh chặn "cá mập"

Thứ Tư, 08/12/2010, 18:13
"Cá mập" - từ chỉ những đại gia có "phép" thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán. Sự kiện Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông bị khởi tố, điều tra được coi như phần đầu của cuộc đánh chặn "cá mập" đang hoành hành thị trường xanh đỏ này.

1. Tròn 10 năm thị trường chứng khoán có mặt tại Việt Nam nhưng lại chưa tròn 1 năm các tội danh về chứng khoán được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2010). Lần đầu tiên, một đối tượng bị khởi tố, điều tra bởi một trong 3 tội danh về chứng khoán quy định trong BLHS, sự kiện này được coi như một "tiếng động" nhấn mạnh rằng, BLHS phần các tội phạm chứng khoán đã chính thức được áp dụng trên thực tế và là câu trả lời rõ ràng: hành vi làm giá chứng khoán hoàn toàn có thể khởi tố hình sự nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng và quy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, không có chuyện cơ quan pháp luật "bó tay" hay luật chỉ hiệu lực trên giấy. 

Cần chú ý, đây là lần đầu tiên CQĐT khởi tố một tội danh về chứng khoán được quy định trong BLHS chứ không phải là lần đầu tiên hành vi phạm pháp trong lĩnh vực chứng khoán bị khởi tố. Trước khi BLHS sửa đổi năm 2009 có hiệu lực thi hành, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã xử lý hình sự nhiều vụ phạm pháp trong lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên các hành vi bị xử lý ở những tội danh khác nhau như "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái" hay "tham ô tài sản" nếu hành vi thuộc mặt khách quan các tội danh tương ứng… Một số đối tượng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc hay nhân viên công ty chứng khoán cũng đã bị truy tố về các tội danh nói trên, trong đó có tội "tham ô tài sản", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với hình phạt nghiêm khắc, cao nhất là tù chung thân. (Tháng 9/2010, TAND Hà Nội tuyên án phạt tù chung thân đối với bị cáo Lý Thị Trúc Quỳnh, 32 tuổi, nguyên Trưởng phòng khu vực số 9, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng, Quỳnh đã lừa đảo thông qua mua bán cổ phiếu của các cá nhân, tổ chức trong giao dịch chứng khoán, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng).

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông bị CQĐT khởi tố để điều tra hành vi thao túng giá chứng khoán - hành vi đang gây rối ren thị trường chứng khoán mà trước đó chưa ai bị khởi tố. Theo điều tra ban đầu, thời gian gần đây, ông Dũng cũng như Công ty Dược Viễn Đông nổi đình đám trên thị trường chứng khoán, trong đó ông Dũng và Dược Viễn Đông tiến hành thâu tóm Dược Hà Tây, giá cổ phiếu của cả 2 doanh nghiệp đều biến động mạnh. Trước đó ít ngày, Ủy ban Chứng khoán đưa ra mức phạt hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty Dược Viễn Đông do không thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với cổ phiếu DHT khi tiến hành kế hoạch thâu tóm Dược Hà Tây.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán (SSC), tại thời điểm ngày 21/6/2010, tổng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DHT của Dược Viễn Đông và ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của Dược Viễn Đông) là 18,74%. Nếu tính thêm cổ phần mà Công ty Đầu tư Y tế Medi (cổ đông lớn của DVD), thì lượng cổ phần tại Dược Hà Tây mà nhóm cổ đông này nắm giữ là 22,12%. Đến ngày 22/6, Dược Viễn Đông lại tiến hành mua thêm 270.700 cổ phiếu DHT. Sau vụ mua bán này, tổng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DVD và ông Lê Văn Dũng là 25,3% (tính cả Medi là 28,68%). Theo quy định hiện hành, đây là giao dịch phải thực hiện chào mua công khai (cổ phần nắm giữ của cổ đông vượt quá 25% vốn điều lệ), thế nhưng giao dịch lại được phía Dược Viễn Đông im lặng thực hiện thay vì tiến hành chào mua công khai.

Hiện, hành vi thao túng giá chứng khoán của ông Dũng đang được CQĐT làm rõ. Theo quy định tại Điều 181c BLHS, người phạm tội thao túng giá chứng khoán có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù đến 3 năm, trường hợp nghiêm trọng bị phạt tù đến 7 năm. Với khung hình phạt này, tội thao túng giá chứng khoán thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng (khung hình phạt cơ bản đến 3 năm tù).

Vấn đề ở chỗ, việc thao túng làm giá chứng khoán đang diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp và nhiều "cá mập" chứng khoán mặc nhiên coi hành vi làm giá của mình là bình thường, như một sự thừa nhận mặc nhiên vị thế của kẻ mạnh có quyền "thống trị" trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, mức độ ảnh hưởng của các "cá mập" không hề nhỏ, gây lũng đoạn và các hệ lụy tiêu cực khác vốn làm đau đầu cơ quan chức năng từ nhiều năm nay.

2. Khi quy định hành vi thao túng giá chứng khoán với tư cách là một điều luật trong BLHS, các nhà làm luật cũng đã nghiên cứu ở nhiều hướng khác nhau, đặc biệt về mặt khách quan: hành vi và hậu quả. Hiện chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều luật vừa được sửa đổi, bổ sung trong BLHS, song nếu hành vi thao túng diễn ra gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ thể phạm pháp sẽ bị khởi tố hình sự về tội danh này.

Tội phạm chứng khoán là khái niệm mới cả về góc độ pháp lý và thực tiễn khiến các nhà làm luật phải ngồi lại để nghiên cứu, đưa vào BLHS những tội danh chưa từng có tiền lệ. Trên thực tế, sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bằng sự vận hành của thị trường giao dịch chứng khoán tại TP HCM ngày 20/7/2000. Phải mất nhiều năm thăm dò, chuẩn bị, tới ngày 8/3/2005, trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Hà Nội được khai trương. Thị trường chứng khoán là một thị trường đặc biệt, lưu hành một loại hàng hoá đặc biệt.

Các nhà phân tích cho rằng, chứng khoán và thị trường chứng khoán lại là một phạm trù kinh tế hết sức nhạy cảm, tính rủi ro cao và dễ phát sinh tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - xã hội, thậm chí được ví như con dao hai lưỡi. Những người điều tra vi phạm pháp luật và tội phạm về chứng khoán nhập cuộc bằng hàng loạt thứ không: không giáo trình, không kinh nghiệm. Mọi thứ đều quá mới mẻ. Nhưng không thể viện dẫn khó khăn do tội phạm mới mà không hoàn thành trách nhiệm, vấn đề là phải bám thực tiễn với quan điểm "tội phạm càng mới càng phải quyết tâm khám phá, đấu tranh". Khi thị trường còn non trẻ, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thường nghĩ ra nhiều cách "lách" luật.

Tuy nhiên, trấn áp bất kỳ loại tội phạm nào trong buổi sơ khai của nó đều là bài toán khó, đặc biệt lĩnh vực kinh tế, tài chính. Vi phạm về chứng khoán diễn ra đa dạng trong điều kiện hành lang pháp lý chưa rõ ràng, việc xử lý hình sự đến đâu và mức độ nào cũng là vấn đề phải tính toán chặt chẽ.--PageBreak--

Trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực thi hành, suốt thời gian dài, các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiếm khi được khởi tố hình sự hoặc nếu khởi tố thì đó là việc áp dụng hành vi khách quan vào tội danh tương ứng như lừa đảo, cố ý làm trái… Trước năm 2009 có 4 vụ được coi điển hình này xử lý bằng cách vận dụng điều luật tương ứng trong BLHS như tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội đầu cơ, thậm chí quy về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Chẳng hạn, vụ Lý Thị Trúc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội, CQĐT xác định Quỳnh phạm 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Lý Thị Trúc Quỳnh bị phạt tù chung thân hành vi lừa đảo về chứng khoán.

Tương tự, vụ Lê Quang Hưng, cán bộ văn phòng của ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, dùng giấy tờ nộp tiền góp vốn của mình để bán cho 3 người khác, chiếm đoạt 6 tỷ đồng. Hành vi của Hưng cũng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thực tế, việc áp dụng một tội danh khác để xử lý hành vi phạm pháp trong chứng khoán là đúng về mặt khách quan. Nhưng xét về tính chất, thủ đoạn lợi dụng hoạt động chứng khoán thì khi xử lý tội danh này, các yếu tố tội phạm mới không được thể hiện rõ. Lấy ví dụ, vụ Lý Hữu Hoàng, Lâm Thu Hương, Trần Thị Sen giả danh doanh nghiệp cổ phần Toàn Cầu (Nam Định) lại bằng thủ đoạn khác: làm dấu giả, cổ phiếu phổ thông giả để tổ chức chào bán ra công chúng tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Số cổ phiếu đã ghi mệnh giá chào bán tổng cộng 95 tỷ đồng. Việc xử lý về tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là đủ căn cứ pháp lý, tuy nhiên tội danh này cũng không phản ánh đúng tính chất, mức độ hành vi nghiêm trọng của loại tội phạm chứng khoán.

3. Thượng tá Nguyễn Trọng Long, Trưởng Phòng 6, C15, "thủ lĩnh" điều tra tội phạm chứng khoán từng cho rằng, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và đầu tư tài chính thường sử dụng trình độ kiến thức và công nghệ cao để phạm tội. Hiện tại các chế tài pháp luật xử lý các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu, hơn nữa việc vận dụng các chế tài hiện có trên thực tiễn rất khó khăn cũng xuất phát vì thực tiễn pháp luật chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội.

Việc xác định giá trị thiệt hại của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán rất khó, thậm chí nhiều hành vi không thể xác định được vì giá trị chứng khoán thay đổi hàng ngày trên thị trường, ngoài ra tổn thất do một hành vi gây ra cho các nhà đầu tư trên thị trường cũng rất khó để xác định. Trước đây, việc áp dụng tội danh trong BLHS đối với các hành vi vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng rất khó khăn do không có sự tương đồng trong hành vi khách quan, mặt chủ quan... được mô tả trong BLHS.

Chẳng hạn, xét các yếu tố của hành vi lũng đoạn thị trường như: Thông đồng trong giao dịch chứng khoán để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức câu kết, lôi kéo người khác liên tục mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán… thì có thể xem xét "tội đầu cơ" để áp dụng.

Tuy nhiên, khi áp dụng cần phải đảm bảo các yếu tố như: Về mặt chủ quan là tạo ra sự khan hiếm giả tạo, mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lời bất chính. Về mặt khách quan là xảy ra trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và hậu quả gây ra phải nghiêm trọng. Như vậy khó có thể áp dụng loại tội danh này để xử lý. Chỉ khi 3 tội danh về chứng khoán được các nhà làm luật "nhập khẩu" vào BLHS, các nhà điều tra mới "dễ thở". Nhưng khi luật đã có hiệu lực, từ đầu năm 2010 tới nay, các vi phạm vẫn chỉ dừng ở mức hành chính khiến nhiều người ái ngại. Nạn làm giá chứng khoán trở nên nhức nhối với những thủ đoạn hết sức tinh vi, riêng năm 2010 đã có 7 vụ thao túng giá bị phát hiện và xử lý. Dẫu là chuyện hàng ngày nhưng để thu thập chứng cứ, phát hiện một vụ làm giá chứng khoán trên thị trường lại rất khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chậm trễ là do thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán hạn chế, cần giao cơ quan này những quyền năng đặc biệt, kể cả quyền điều tra. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán không phải là CQĐT, không thể có những quyền như cơ quan tố tụng, đó là nguyên tắc. Điều tra làm giá chứng khoán là công việc không đơn giản ngay cả với những thị trường phát triển, được trang bị công cụ hiện đại và hệ thống luật lệ chặt chẽ.

Theo quy định tại điều 28, Mục 6 về vi phạm quy định giao dịch chứng khoán của Nghị định 36/2007/NĐ-CP, hành vi thao túng giá cổ phiếu thị trường chứng khoán là hành vi của các nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các giao dịch để làm cho mọi nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, tạo ra cung cầu giả tạo, hay việc cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán để thao túng giá chứng khoán. Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, mà chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường. Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường; giao dịch nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó trên thị trường

Phan Đăng
.
.
.