Trẻ vị thành niên và những nẻo đường lầm lỡ

Lang thang từ thuở lên 10

Thứ Hai, 20/12/2010, 16:27
Hỏi sao bị đưa vào trường Giáo dưỡng số 2, Phạm Thị Thương 14 tuổi, trả lời rất thật thà bằng một vẻ ngây thơ đến tội nghiệp: "Vì cháu mất dạy quá..." khiến người nghe nửa muốn cười, nửa lại muốn khóc.

>> Trẻ vị thành niên và những nẻo đường lầm lạc

Phạm Thị Thương 14 tuổi, nhà ở Cát Hải, Hải Phòng. Nó cũng giống như những cô bé đang học ở Trường Giáo dưỡng số 2, nghĩa là có một hoàn cảnh đặc biệt: bố mất vì căn bệnh AIDS, mẹ bỏ hai chị em nó đi lấy chồng từ lúc nó mới 3 tuổi. Đầu tiên, mẹ nó lấy một người ở Hải Dương, sau đó lại lấy một người ở Quảng Ninh, còn hiện tại mẹ nó ở với ai và ở đâu thì nó không hề biết. Em gái nó được ông bà ngoại nuôi, còn nó ở với bà nội. Thỉnh thoảng nhớ nhau, hai chị em vẫn thường đạp xe ra đầu con dốc đứng trò chuyện.

Bây giờ thì nó biết là em nó đang học lớp 6, nhưng hỏi em nó sinh năm bao nhiêu, Thương bảo không nhớ. Hỏi sao bị đưa vào đây, nó trả lời rất thật thà bằng một vẻ ngây thơ đến tội nghiệp: "Vì cháu mất dạy quá..." khiến người nghe nửa muốn cười, nửa lại muốn khóc.

1. Thương ở với bà nội từ nhỏ. Nhưng bà cũng không thể thay thế được cha mẹ. Bà dạy Thương nhiều lắm, uốn nắn nó cũng nhiều nhưng một phần vì chán cảnh nhà, phần nữa vì hận người mẹ không thèm đoái hoài gì đến chị em nó, Thương mải chơi hơn học. Hơn 10 tuổi nó đã bắt đầu lang thang chơi bời và đến năm 12 tuổi thì nó chính thức đồng ý để một "chị" hơn nó vài tuổi đưa đi... bán trinh.

Vụ mua bán không thành, nhưng cũng từ đó nó có nhiều người bạn mới hư hỏng, ăn diện và luôn cấy vào đầu óc nó những tư tưởng kiếm tiền quái dị. Một đứa trẻ hơn 10 tuổi đầu như Thương, không thể tưởng tượng được vô số các cạm bẫy đang đợi chờ nó phía trước trên đường đời gập ghềnh. Nó hồn nhiên đi chơi cùng các chị, các anh - những kẻ ma cô hơn nó về tuổi đời và cũng từng trải hơn nó.

Lớp học ở trường Giáo dưỡng số 2- Ninh Bình.

Những cuộc chơi của những anh chị mà nó được chứng kiến, vô tình đã khiến đầu óc Thương rất tò mò, bắt nó luôn tưởng tượng về một thế giới khác lạ, một vùng đất nhộn nhịp chứ không phải là cái xã đảo xa xôi, quanh năm suốt đời bao quanh là biển, muốn ra đến thành phố Hải Phòng phải mất mấy tiếng đi phà. Bà nội nó buồn quá vì không níu được nó lại đã phát ốm, sau đó xuống Hải Phòng ở với một người con trai (chú của Thương). Còn lại một mình, nó càng miệt mài đi lang thang, tìm kiếm những điều mới mẻ và giao du với những kẻ giang hồ. Dường như đọc được sự tò mò trong mắt nó, hai "chị" mà nó vẫn ngây thơ tin rằng đối xử rất tốt với nó rủ đi bán cà phê ở thành phố Hải Phòng.

Một gã đàn ông xăm trổ đầy người đợi Thương ở bến phà và chở nó đến quán cà phê trên phố Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng). Gã chủ quán nhìn Thương từ đầu đến chân rồi hỏi han nó vài câu. Gã gật gật đầu ra vẻ hài lòng và bắt nó viết giấy ghi nợ 25 triệu đồng. Sau đó, chúng gọi taxi đưa Thương ra Đồ Sơn. "Đó là khu 2 xây dựng (bãi tắm 2), cháu bị bán vào nhà nghỉ của ông bà chủ tên là Tâm, Tứ. Ở đó toàn cave. Ông bà ấy dẫn cháu đi mua quần áo, cho cháu nghỉ ngơi mấy hôm. Mấy chị cave nói chuyện cháu mới biết là cháu bị bán với giá 8 triệu đồng".

"Cháu có hiểu từ "cave" là gì không?" - tôi hỏi Thương. "Có ạ. Là gái mại dâm, là phải chiều khách theo lệnh của ông bà chủ" - Thương lại hồn nhiên trả lời. Tới hôm thứ năm ở nhà nghỉ Tâm - Tứ thì nó bị ông bà chủ dỗ dành: "Hôm nay con đi khách nhé!". "Cháu run như cầy sấy vì biết rằng đi khách là như thế nào. Ông bà Tâm Tứ dạy, đi khách là phải thế này, thế này... (Thương vừa nói vừa diễn tả bằng các động tác) và quan trọng là phải vâng lời khách" - đôi lông mày nó nhíu lại và ánh mắt lộ vẻ sợ hãi thực sự, dường như những ngày tháng kinh khủng ấy vẫn ám ảnh nó khôn nguôi.

2. Khách của nó là một người đàn ông ở Hà Nội. Nó run rẩy van xin ông khách to béo đáng tuổi ông ngoại nó: "Ông ơi, cháu mới 14 tuổi, ông gọi về cho cô cháu để cứu cháu ra". Ông khách thấy con bé nhỏ dại, cơ thể nó còn chưa phát triển hết nên động lòng thương tình, bấm máy gọi về cho cô nó. Không ngờ, ở phòng nghỉ ấy đặt máy camera theo dõi, vợ chồng chủ chứa Tâm - Tứ nhìn thấy nó không chịu tiếp khách mà lại còn "văn vở" nên đã lôi  xềnh xệch về nhà đánh cho một trận nên thân và còn điện cho gã chủ quán cà phê ở phố Nguyễn Văn Linh (Hải Phòng) - kẻ đã bán Thương, đòi trả lại "hàng" và lấy lại tiền.  

Khi Thương bị đưa về lại quán cà phê, nó bị 8-9 đứa cả trai lẫn gái xông vào đánh đập. Chúng dùng gậy đập túi bụi vào lưng, vào ngực không thương tiếc. Thương khóc lóc, van xin, một thằng hỏi: "Mày có chịu đi khách không, để tao gọi cho bạn tao". Một gã đàn ông lại mò đến, Thương vẫn nhất quyết chống cự quyết liệt. Bực tức trước cô bé cứng đầu, "chị Dung mama" và một đứa nữa lột quần áo Thương ra, chúng tiếp tục đánh đập và đạp vào mặt đến thâm tím.

Đêm hôm đó, Thương lại bị "tập đoàn ma cô" ấy tống lên taxi chở lên Hà Nội. Lòng vòng ở khắp các nhà nghỉ và các động mại dâm, nơi nào Thương cũng bị mặc cả với giá rẻ mạt nên chúng đã không bán. Chúng tiếp tục đưa cô bé về Hải Phòng, nhét giấy vào mồm và nhốt vào phòng karaoke, gọi taxi chuẩn bị chở sang Trung Quốc thì Thương được các chú Công an ập vào cứu thoát. Nó được đưa lên Công an quận Đống Đa, Hà Nội để cung cấp thông tin vì cơ quan điều tra nơi đây đã bắt giữ được một đường dây chuyên lừa bán các thiếu nữ vào động mại dâm hoặc bán sang Trung Quốc.--PageBreak--

Tháng 7/2010, chúng tôi đã gặp Thương ở Công an quận Đống Đa, Hà Nội, nó ngồi rúm ró và ánh mắt hoảng loạn sợ sệt mỗi khi thấy người lạ. Nó khi ấy trông còn ngơ ngác và tội nghiệp hơn bây giờ. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, đôi lông mày nó lại nhíu lại, căng thẳng. "Lúc cháu bị bọn ma cô đưa về quán cà phê ở đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân, Hải Phòng, cháu bị chúng nhốt trong một phòng karaoke và bị bỏ đói. Khi cháu nghe thấy tiếng gọi: Thương ơi, các chú Công an đây, cháu ở đâu, cháu mừng rỡ quá, biết là có các chú Công an đến cứu, cháu đập cửa và kêu rất to. Chúng khóa trái cửa nhốt cháu bên trong, đèn đóm tối om. Khi nhìn thấy các chú Công an, cháu đã khóc òa. Các chú cho cháu ăn bánh mỳ. Cháu đói quá nên ăn một mạch hết veo, bởi vì cháu bị bỏ đói mấy bữa rồi..." - nó xúc động, run rẩy kể lại.

3. Chỉ khi được đưa về Công an quận Đống Đa, Hà Nội, nó mới biết rằng, nó chỉ là một trong rất nhiều bé gái bị bọn ma cô lừa, bắt ép bán vào các động mại dâm. Gần chục đứa như nó ngồi xếp hàng đợi cha mẹ đến đón về. Trong số ấy, cũng có nhiều đứa đi lang thang rồi bị lừa như nó, có đứa bị lừa qua chat, có đứa lại là nạn nhân của một vụ "cứu nét". Nó thấy đa phần là những đứa con gái mải chơi như mình. Nhưng lần lượt những đứa kia được bố mẹ đến đón về.

Còn nó, nó đợi mãi, đợi mãi, cuối cùng thì một người bác ở Cát Hải cũng đến đón nó. Nó không nói ra nhưng ai cũng hiểu, nó mong chờ được mẹ đến đón biết bao. Giá như có mẹ ở bên, hẳn cuộc đời nó đã không sớm phải đi lang thang để rồi gặp toàn những kẻ xấu như vậy. Người đàn bà ấy hẳn là có lý do để rời bỏ hai chị em Thương, nhưng dù với nguyên nhân nào thì việc bỏ con để đi tìm hạnh phúc riêng cho mình cũng là một điều khó chấp nhận đối với một người phụ nữ. Mỗi lần nhắc đến mẹ, Thương bảo, là một lần tâm hồn nó như bị ai dùng dao cứa.

Thực ra, nó không có khái niệm về mẹ, cũng chưa từng nhận được sự quan tâm, yêu thương của mẹ, và đối với nó, tình yêu của mẹ không tồn tại. Đó là khi nó đã bắt đầu làm quen với bạn bè xã hội, đã biết thế nào là sự chai lỳ. Nhưng, một đứa con gái mới lớn như Thương, rất cần bàn tay chăm sóc và sự chỉ bảo của người mẹ. Bà nội nó, dù có yêu thương nó bao nhiêu thì cũng không thể thay thế được người mẹ. Khi Thương bắt đầu ý thức được sự có mặt của nó trên cõi đời này, nó cũng cảm nhận được sự cay đắng và tủi hận khi bị mẹ bỏ rơi. Người đời thường chỉ trỏ mách nhau: "Con của thằng AIDS đấy. Bé thế mà mẹ bỏ đi lấy chồng rồi". Nhà có hai chị em, nhưng chị em Thương lại không được ở cùng nhau. Ông bà nội ngoại chia nhau nuôi hai chị em nó. Nhớ nhau, chúng thường hẹn ở đầu con dốc và đạp xe đến đó nói chuyện.

Nhưng cuộc đoàn viên của nó với người thân không trọn vẹn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nó bị chính quyền địa phương lập hồ sơ đưa đi Trường Giáo dưỡng, bây giờ nó đang học lớp 8 ở trường. Hỏi sao bị đưa vào đây, nó thật thà: "Tại cháu mất dạy quá". "Mất dạy quá là như thế nào?" - tôi hỏi. Nó cúi gằm mặt không trả lời. Tìm hiểu mới biết, cuộc sống chơi bời đã tiêm nhiễm cho nó những thói xấu khó sửa. Nó thích ăn trộm, ăn cắp và đã rất nhiều lần nó ăn cắp thành công, có lần lấy được hơn chục triệu đồng để ăn chơi. Người nhà nó chứng kiến nhiều phi vụ của cô cháu gái cũng phát nản, đành phải đưa nó đi trường Giáo dưỡng.

Ngồi nghe tôi trò chuyện cùng Thương, Đại uý Nguyễn Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh nữ thỉnh thoảng lại lắc đầu thở dài. Một cô giáo dạy ở ngôi trường đặc biệt như chị, đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ lầm lạc trên bước đường đời bỡ ngỡ ban đầu, và với một đứa trẻ như Phạm Thị Thương, luôn khiến trái tim người mẹ của chị xót xa. Cuộc đời nó cũng như những đứa trẻ ở đây, lẽ ra đã có một cuộc sống tốt hơn rất nhiều, nếu như chúng được sinh ra trong những gia đình hoàn thiện. Mỗi lần đón học sinh mới, là một lần các thầy cô nơi đây cảm thấy buồn hơn bao giờ hết...

Hơn 10 tuổi, Phạm Thị Thương bắt đầu làm quen với những "chị" thích ăn chơi đua đòi. 12 tuổi, nó được một "chị" rủ đi... bán trinh. Nó chưa tưởng tượng được hậu quả của việc ấy, chỉ biết rằng làm thế sẽ được tiền. Số tiền 2 triệu mà cái chị nọ đưa ra quả là hấp dẫn đối với một đứa trẻ như nó. Nhưng vụ mua bán không thành. Đúng hơn là nó gặp một ông khách còn có lương tri. Ông ta không nỡ quyết tâm thực hiện đến cùng cái hành vi vô đạo đức ấy, bởi thấy Thương còn bé nhỏ quá. Nhưng cũng từ lần ấy, nó vô cùng sợ đàn ông, nỗi sợ ấy ám ảnh đến nỗi sau này, dù bị bọn ma cô, chủ chứa đánh đập thâm tím người bắt ép bán dâm, nó vẫn cương quyết chống cự đến cùng.

Đinh Hiền - Ngọc Anh
.
.
.