Lao xe ôtô vào Cảnh sát, Kiểm lâm, Thanh tra giao thông: Phạm tội gì?

Thứ Bảy, 09/10/2010, 10:06
Ngày càng xảy ra nhiều vụ tài xế lao ôtô vào người thi hành công vụ (Cảnh sát, Thanh tra giao thông, Kiểm lâm) và gây chết người. 3 vụ án cùng tính chất, hậu quả nhưng một bị tử hình, một chung thân, còn một bị án 5 năm tù. Cảnh sát toàn cầu mong nhận được ý kiến của các luật sư, chuyên gia luật học về vấn đề này.

Cùng hành vi nhưng khác biệt tội danh, bản án

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tài xế trong quá trình điều khiển ôtô, bị Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông hoặc Kiểm lâm ra tín hiệu dừng xe nhưng không chấp hành, mà lao thẳng xe vào người thi hành công vụ, làm chết người. Các vụ án dạng này đều gây rúng động dư luận, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ, thế nhưng việc áp dụng luật và tuyên các bản án dành cho bị cáo rất khác nhau, gây nhiều phản ứng trái chiều. 

Lái xe Ngô Hồng Sơn bị tuyên tử hình và lái xe Lê Hoàng Việt bị tuyên 5 năm tù.

Chúng tôi xin viện dẫn 3 vụ án điển hình sau đây:

Vụ tài xế lao xe container đâm chết CSGT: Sáng 15/1/2010, Lê Hoàng Việt điều khiển xe container kéo theo rơmooc của Công ty cổ phần Vận tải Thương mại Hai Pha chạy theo hướng Hải Phòng - Hà Nội. Đến km 86+400 quốc lộ 5, Thiếu tá CSGT Đỗ Tiến Đức ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng Việt không chấp hành, tiếp tục điều khiển xe container đâm thẳng vào người Thiếu tá Đức khiến anh Đức bị chấn thương nặng vùng sọ não. Mặc dù được cấp cứu nhưng 4 ngày sau đó, Thiếu tá Đỗ Tiến Đức tử vong.      

Vụ tài xế xe tải lao xe đâm chết Thanh tra giao thông: Ngày 7/7/2009, anh Phùng Tuấn Anh là đội viên Đội Thanh tra giao thông huyện Thanh Trì, Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại khu vực Cầu Tó, quốc lộ 70, Hà Nội phát hiện xe ôtô mang BKS 99K-7360 chở gạch do Trần Danh Tuyên (29 tuổi, trú tại Quế Võ, Bắc Ninh) điều khiển có dấu hiệu vi phạm. Khi thanh tra viên Phùng Tuấn Anh ra tín hiệu dừng xe nhưng  Tuyên không chấp hành, tiếp tục lái xe bỏ chạy.

Thanh tra Phùng Tuấn Anh dùng xe máy đuổi theo, vượt lên trước xe ôtô của Tuyên rồi chặn phía trước yêu cầu dừng xe. Tuyên vẫn không dừng xe, cho ôtô đâm thẳng vào người anh Tuấn Anh. Mặc dù thanh tra viên đã nhảy sang một bên để tránh nhưng bị kẹp giữa xe của Tuyên và một xe chở container khác đi cùng chiều từ phía sau. Anh Tuấn Anh được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Vụ lái xe lao ôtô cán chết Kiểm lâm: Đêm ngày 15/12/2009, Ngô Hồng Sơn điều khiển xe tải loại nhỏ mang BKS 20L-4912, trên xe chở 1/2 thùng gỗ nghiến xẻ trái phép. Khi đang lưu hành thì gặp tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, Ngô Hồng Sơn không chấp hành lệnh dừng xe mà tiếp tục điều khiển ôtô lao thẳng vào một cán bộ kiểm lâm làm anh Lê Văn Phượng, cán bộ kiểm lâm huyện Đại Từ tử vong.

Cả 3 vụ án lao xe ôtô làm chết người nói trên từng gây rúng động dư luận, cả 3 tài xế đều bị khởi tố, bắt giam ngay sau khi gây án. Tuy nhiên, tội danh mà các cấp tố tụng áp dụng đối với các tài xế là khác nhau: Tài xế Lê Hoàng Việt lái xe container đâm chết Thiếu tá CSGT Đỗ Tiến Đức bị buộc tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" (Điều 202 - BLHS). Còn lái xe Trần Danh Tuyên lao xe đâm chết thanh tra viên Phùng Tuấn Anh bị buộc tội "Giết người" (Điều 93 - BLHS). Tài xế Ngô Hồng Sơn lao xe đâm chết Kiểm lâm viên Lê Văn Phượng cũng bị buộc tội "Giết người".

Trần Danh Tuyên án chung thân.

3 bị cáo lần lượt ra tòa lĩnh án. Kết quả, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt bị cáo Ngô Hồng Sơn mức án cao nhất: tử hình về tội giết người; TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Danh Tuyên mức án tù chung thân tội giết người. Còn bị cáo Lê Hoàng Việt lái xe đâm chết CSGT Đỗ Tiến Đức chỉ bị phạt 5 năm tù về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Cùng một hành vi, tính chất, vì sao có sự khác biệt như trên?

Góc nhìn pháp lý

Để nhìn nhận đầy đủ các vụ án, cần xem xét 4 yếu tố cấu thành tội phạm trong các vụ án lao xe ôtô làm chết người thi hành công vụ nói trên.

Về mặt khách quan, hành vi lao xe ôtô có đủ dấu hiệu của hành vi cố ý giết người. Việc đối tượng ngang nhiên đạp ga, đâm thẳng xe vào Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông hay Kiểm lâm khi người thừa hành nhiệm vụ đang đứng trước mũi xe, nhiều cơ quan tố tụng coi là hành vi chống người thi hành công vụ hay vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Thực tế, đây là hành vi rất nguy hiểm, không thuần tuý như hành vi trong mặt khách quan cấu thành 2 tội danh này.--PageBreak--

Cần phân biệt hai nhóm: người điều khiển xe máy và người điều khiển xe ôtô. Trong trường hợp người điều khiển xe máy lao vào CSGT, thường không xảy ra nhiều nguy hiểm và tính chất, mức độ của hành vi cũng ít nghiêm trọng hơn. Nhưng việc lái xe lao thẳng ôtô vào người thừa hành nhiệm vụ khi họ đang đứng trước mũi xe, cần phải nhìn nhận đây là hành vi rất nguy hiểm, xác suất gây chết người rất cao.

Thời gian qua, xảy ra hai dạng lao xe ôtô vào người thi hành công vụ, một là lao xe hất ngã, sau đó dừng lại hoặc bỏ chạy và dạng thứ hai: lao xe, kéo lê CSGT trên capô hoặc thành xe rồi phóng chạy với tốc độ kinh hoàng, lạng lách cố tình hất CSGT xuống mặt đường. Trong cả hai trường hợp, người lái xe biết rõ tính nguy hiểm chết người khi thực hiện hành vi này nhưng vẫn cố tình thực hiện. Lái xe phải biết được hậu quả chết người khi thực hiện hành vi lao xe, phóng xe bỏ chạy.

Trong 3 vụ án nêu trên, đều có chung hành vi: đạp ga, lao thẳng xe ôtô vào người thi hành công vụ. Tính nguy hiểm của hành vi còn liên quan trực tiếp tới phương tiện gây án, ở đây là xe ôtô. Trong vụ lái xe Lê Hoàng Việt, phương tiện gây án là xe container, loại xe tải trọng lớn, đồng nghĩa xác suất nguy hiểm cao, lại thực hiện hành vi lao container khi xe đang chạy tốc độ cao trên quốc lộ 5.

Còn với lái xe Trần Danh Tuyên điều khiển xe tải nhỏ chở gạch, tuy mức độ nguy hiểm không bằng xe container nhưng khi lưu hành, đâm xe cũng đều có xác suất gây tử vong cao. Lái xe Ngô Hồng Sơn điều khiển xe tải chở gỗ với tốc độ cao cũng thể hiện rõ tính nguy hiểm chết người ở mức cao như hai trường hợp lái xe Tuyên và Việt. Như vậy, các hành vi lao xe ôtô nói trên đều là hành vi nguy hiểm, thể hiện mặt khách quan của tội giết người.

Về hậu quả, chết người là dấu hiệu để cơ quan tố tụng xem xét khi cáo buộc tội danh. Cả ba vụ án, hậu quả chết người đều đã xảy ra do nguyên nhân trực tiếp từ hành vi lao xe của tài xế, có mối liên quan nguyên nhân - hậu quả rất rõ ràng.

Về chủ quan, tài xế lao xe gây chết người đều thể hiện rõ lỗi cố ý. Tuy nhiên, cần phân biệt lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp. Ở đây cần thấy, đối với lái xe, mục đích việc phóng xe, lao thẳng vào Cảnh sát, Kiểm lâm hay Thanh tra giao thông (người thi hành công vụ) là nhằm bỏ trốn, thoát khỏi sự kiểm tra chứ không phải mục đích để giết người. Lái xe hoàn toàn biết việc lao xe là gây nguy hiểm tới tính mạng của họ nhưng vì mục đích chạy trốn nên vẫn cố ý thực hiện, có ý thức chấp nhận và để mặc hậu quả chết người xảy ra.

Do đó, theo chúng tôi, đây là hành vi cố ý giết người trong trường hợp lỗi gián tiếp: Người phạm tội (lái xe) nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác (người thi hành công vụ), thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình (chạy trốn) nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra và chấp nhận hậu quả đó (chết người). Chẳng hạn, lái xe Ngô Hồng Sơn lao xe làm chết kiểm lâm Lê Văn Phượng, mục đích việc lao xe là nhằm bỏ chạy, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của kiểm lâm do trên xe chở gỗ vi phạm, hành vi của Sơn là cố ý gián tiếp tội giết người.

Lái xe Lê Hoàng Việt lao xe container vào Thiếu tá CSGT cũng nhằm mục đích bỏ chạy dù biết hành vi của mình là nguy hiểm, gây chết người, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc và chấp nhận hậu quả xảy ra. Tương tự, hành vi của lái xe Trần Danh Tuyên cũng thể hiện lỗi cố ý giết người trường hợp gián tiếp khi điều khiển xe tải chở gạch bỏ chạy, lao vào thanh tra viên. Việc xác định lỗi cố ý gián tiếp có ý nghĩa giảm nhẹ khi lượng hình, vì tính nguy hiểm không như lỗi cố ý trực tiếp (cố ý giết chết người thi hành công vụ và mong muốn hậu quả chết người xảy ra).

Mặt khách thể, dạng tội phạm này vi phạm khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, đó là cơ quan bảo vệ pháp luật mà trực tiếp là người được giao thừa hành công vụ. Tính quan trọng của khách thể ở các vụ án bị xâm phạm là như nhau, đều là người bảo vệ pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của họ: Cảnh sát, Kiểm lâm, Thanh tra giao thông. Khách thể bị xâm phạm còn ở sự tôn nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng tôi cho rằng, chính các vụ lao xe làm chết CSGT, Kiểm lâm, Thanh tra còn gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần.

Điều này thể hiện ở chỗ: Khi một CSGT, Kiểm lâm, Thanh tra giao thông bị tấn công, mức độ ảnh hưởng không chỉ đối với chiến sỹ đó mà quan trọng là ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm hại khách thể là sự tôn nghiêm của luật pháp. Họ là lực lượng bảo vệ pháp luật, hành vi xâm phạm diễn ra nơi đông người (đường phố) nên rất nhiều người chứng kiến. Không chỉ các vụ lao xe ôtô làm chết người như đã nêu mà gần đây, xảy ra nhiều vụ tài xế cố tình lao xe, hất CSGT, Thanh tra giao thông lên nắp capô và phóng chạy.

Lấy ví dụ trường hợp Thượng sỹ Trương Tuấn Anh bị lái xe Nguyễn Khắc Cương ngày 21/6/2009 húc thẳng vào người, khi Thượng sỹ Anh bám trên capô thì chiếc xe "diễn xiếc" qua hàng loạt phố đông người. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù Thượng sỹ Anh chỉ bị xây xước nhẹ, thương tích không quá 11% nhưng nếu căn cứ vào đó để khẳng định hành vi của Nguyễn Khắc Cương chưa gây hậu quả nghiêm trọng là thiếu thuyết phục. Hành vi này phải được xác định rõ hậu quả tinh thần, xâm phạm khách thể ở đây là lực lượng bảo vệ pháp luật.

Chủ thể tội phạm đều là lái xe, người chịu trách nhiệm trực tiếp khi điều khiển phương tiện vận hành trên đường bộ.

Từ 4 mặt cấu thành nói trên, hành vi lao xe ôtô vào lực lượng làm nhiệm vụ hội đủ các yếu tố của tội "giết người" theo Điều 93 - BLHS. Việc cơ quan tố tụng áp dụng tội danh này đối với các bị cáo Trần Danh Tuyên và Ngô Hồng Sơn là đủ căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, đối với trường hợp lái xe Lê Hoàng Việt, việc tòa áp dụng tội danh "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 202 - BLHS là không chính xác. Tội danh này chỉ áp dụng trong trường hợp lái xe vì vi phạm quy định giao thông đường bộ (như chạy quá tốc độ, đi trái phần đường, không giấy phép lái xe…) và gây chết người. Hậu quả chết người ở tội danh này là lỗi vô ý.

Việc cùng tính chất phạm tội nhưng lại áp dụng pháp luật khác nhau gây hậu quả pháp lý không tích cực. Theo chúng tôi, trong vụ án lái xe Lê Hoàng Việt lái container lao xe làm chết CSGT Đỗ Tiến Đức cần được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại. Đây là vụ án gây bất bình dư luận từ đầu năm 2010, báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng việc xử lý vụ án với tội danh nói trên là không đúng về pháp lý. Bản án cũng chỉ có 5 năm tù về tội danh không đúng với hành vi phạm pháp, một hình phạt quá nhẹ, do tòa cấp huyện thụ lý, trong khi đó hai bị cáo có cùng tính chất nguy hiểm "lao xe", một lĩnh tử hình, một chung thân. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần xem xét, kháng nghị bản án theo đúng tội danh, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, nhất là trong tình trạng lái xe bất chấp luật pháp, chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.

Trong phần sau, CSTC sẽ có các ý kiến trao đổi, phỏng vấn với chuyên gia luật học, luật sư về vấn đề này. CSTC mong nhận được các chính kiến dựa trên góc độ luật pháp của các chuyên gia. Bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về hộp thư: truongcand@gmail.com

Đăng Trường
.
.
.