Lời thú tội của kẻ giết người để "bênh" con gái

Chủ Nhật, 25/07/2010, 09:10
Dáng người nhỏ thó, thái độ rụt rè khiến ít ai có thể ngờ rằng phạm nhân Nguyệt Văn Hưng lại là kẻ giết chết chính bà nội của mình. Trong suốt một cuộc chuyện trò dài với tôi, Hưng luôn nói rằng mình không bao giờ có ý định giết bà. Đấy chỉ là một sự cố ngoài ý muốn.

Nhưng dù Hưng có nói gì đi nữa thì mọi thứ vẫn cứ là như thế. Bà nội đã chết dưới nhát búa oan nghiệt của Hưng. Và án chung thân cũng là cái giá mà Hưng phải trả cho hành động dã man của mình. Mọi lời bao biện lúc này chỉ để ru ngủ lương tâm con người tội lỗi ấy mà thôi…

Có con được gần ba tuổi thì vợ bỏ. Cho đến bây giờ Hưng cũng không hiểu vì sao mà cô ấy lại bỏ đi. Thường ngày vợ chồng chả mấy khi cãi nhau, nếu có thì cũng chỉ là những chuyện rất đỗi bình thường như hầu hết các cặp vợ chồng khác mà thôi. Thế mà đùng một cái, cô ấy bỏ đi. Bỏ chồng đã đành, đằng này cô ấy còn nhẫn tâm bỏ luôn cả đứa con gái xinh xắn, đáng yêu mà mình dứt ruột đẻ ra.

Hưng cứ nghĩ mãi không hiểu mình đã gây ra lỗi gì để đến mức người vợ phải dứt áo ra đi. Anh ta không rượu chè, hút hít, trai gái. Cuối cùng thì Hưng cũng láng máng hiểu ra rằng, có lẽ vì mình đã dành quá nhiều thời gian vào cho công việc đi thuyền đánh cá để nuôi sống gia đình nên không có nhiều những phút giây bên vợ. Điều đó có thể đã khiến người vợ trẻ cảm thấy chán nản. Và biết đâu đấy có khi cô ấy đã tìm được cho mình một người nào đó thực sự dành nhiều thời gian cho cô ấy hơn.

Dù sao đó cũng chỉ là suy luận của một kẻ bị bỏ rơi đang lần tìm nguyên do để giải thích cho những hậu quả mà mình phải gánh chịu. Vợ bỏ đi, hai bố con Hưng bỗng thành côi cút. Không còn ai trông nom bé Ngà, hai bố con Hưng đành lếch thếch bế nhau về ở cùng nhà với bố mẹ đẻ và ông bà nội ở Móng Cái.

Trước đó gia đình riêng của Hưng ở Vân Đồn, Quảng Ninh. Cuộc sống dù còn nhiều vất vả nhưng mọi người luôn yêu thương và đùm bọc nhau sống chan hòa.

Vậy mà… Con ma men trong phút chốc đã biến Hưng thành một kẻ tàn ác. Ra tay giết chính người bà nội mà hằng ngày vẫn chăm chút cho Hưng và cho con gái Hưng từng chút từng chút một.

Kể lại sự việc cho tôi nghe mà nước mắt Hưng tuôn rơi lã chã. Tôi thực sự không tin đó là những giọt nước mắt cá sấu và cũng không có ý định bao biện cho tội lỗi của Hưng. Có điều tôi cảm nhận rất rõ sự ân hận sâu sắc từ trong sâu thẳm tâm can con người này. Đến giờ phút này, dù đã ngồi tù được 13 năm nhưng Hưng vẫn không lý giải nổi sao khi ấy mình lại hành động như một con thú.

Hôm đó, sẵn buồn nhiều chuyện, Hưng đã đến rủ một người bạn cùng mình đến một quán cóc uống rượu. Càng uống nỗi buồn trong lòng càng đầy lên. Tối đó, Hưng uống đến say mềm rồi ngất ngưởng chân nam đá chân chiêu lần về nhà. Vừa mới vào tới cửa, chợt Hưng nhìn thấy bà nội phát vào mông đứa con gái. Máu trong người như sôi lên. Hưng loạng quạng đi vào trong buồng và lấy ra chiếc búa mà thường ngày Hưng dùng để đập chì lưới. Hưng đập vào thành giường để hù dọa bà. Đứa con từ trong giường người cố nội chui ra. Hưng dẫn đứa con vào buồng và hai bố con cùng đi ngủ. Sáng hôm sau bừng tỉnh dậy, Hưng thấy lạ vì đáng lẽ giờ này bà nội đã sang giường thúc Hưng dậy đi làm và trông bé Ngà cho anh ta rồi. Vậy mà sáng nay vẫn chưa thấy bà đâu.

Ngay lập tức, Hưng chạy sang giường bà nội, định bụng sẽ gọi bà dậy trông con cho mình. Gọi mãi, gọi mãi vẫn không thấy bà thưa. Chợt, Hưng láng máng nhớ lại hành động của mình tối qua. Sờ vào người bà, Hưng thấy toàn thân bà lạnh toát. Hưng ôm chầm lấy bà và khóc: "Trời ơi, con giết bà thật rồi". Hai chân Hưng run chẹo vào nhau, Hưng cũng không hiểu bằng cách nào mà mình có thể bò được xuống quán và nói với bố: "Bố ơi, con giết bà nội rồi". Nghe Hưng nói thế, bố anh ta như chết lặng. Phải mất khá lâu ông mới hét lên: "Sao lại ra nông nỗi này hả con?". Nói rồi hai bố con Hưng ôm nhau khóc.

Ngay lúc đó, bố Hưng đã cho người đi báo Công an. Biết chỉ lát nữa thôi là mình sẽ bị bắt, Hưng hết loanh quanh bên linh cữu cả bà, lại bế đứa con gái nhỏ chưa đầy bốn tuổi ra sân giếng để mà nhìn nó, ngắm nó, ôm hôn nó cho thỏa. Kẻo lát nữa thôi anh ta sẽ bị đưa lên xe cảnh sát và cơ hội gặp con thì không biết đến ngày nào.

Trong lúc đang làm ma cho bà thì Công an đến nhà và bắt Hưng đi. Dù bố Hưng đã nài nỉ xin cho Hưng được lo chu toàn ma chay cho bà, nhưng các anh Công an đã không chấp nhận. Lúc Hưng ra xe, bố Hưng còn bế cháu nội chạy theo. Thấy bố bỏ đi đột ngột thế, con bé Ngà gào lên khóc rồi lại ngoan ngoãn hỏi: "Bố đi bao giờ bố về?". Bố nó bảo rằng: "Con ở nhà ngoan, bố đi mấy hôm là về liền".

Chứng kiến cảnh bố con Hưng tạm biệt nhau, ai nấy có mặt trong đám tang đều không cầm được nước mắt. Ai cũng thương cho đứa trẻ vô tội, nó không hiểu rằng, nó không còn mẹ giờ lại mất nốt cả bố. Nó vẫn tin chỉ vài ngày thôi là bố nó lại về bên nó, lại cõng nó đi chơi và mua kẹo cho nó ăn. Khi còn ở nhà, lúc nào hai bố con cũng quấn quýt lấy nhau. Có lẽ vì thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm bẵm của mẹ nên bé Ngà yêu bố lắm. Cứ gần bố là nó hôn hít và nói những lời yêu thương. 

Lần đầu tiên con gái của Hưng được lên thăm bố là khi nó đã bước qua 5 tuổi. Gặp bố nó chỉ khóc và hỏi mãi một câu: "Bố nói bố chỉ đi mấy ngày mà sao bố đi lâu thế? Lần này bố về với con luôn nhé. Con nhớ bố nhiều lắm". Nghe con trẻ hồn nhiên nói vậy lòng Hưng như có ai xát muối. Nó đâu biết rằng Hưng đang đếm từng ngày từng giờ để được về với nó, để bù đắp những thiệt thòi cho một đứa trẻ đang phải chịu cảnh khuyết cả cha lẫn mẹ.

Thời gian trôi qua đã lâu, con gái của Hưng giờ cũng đã học đến lớp 10. Nó học giỏi lắm. Mới đây khi được chú đưa lên thăm bố, bé Ngà cứ sờ mặt, sờ má bố mà khóc. Nó thương vì bố gầy quá. Mà Hưng nhận ra nó đã lớn thật rồi. Nó biết động viên bố cải tạo thật tốt để về với nó. Không được thường xuyên gặp con nên không biết con đã lớn đến thế này.

Trong hồi ức của Hưng cứ đeo đẳng về hình ảnh của đứa con gái lúc chưa tròn 4 tuổi, lũn cũn đeo ba lô, chạy một mạch ra đường đòi ba cho đi học như các bạn. Mỗi lần như thế Hưng lại phải dỗ dành con là, sau này lớn hơn nữa con sẽ cũng đi học như các bạn. Nó đâu hiểu rằng vì không có đủ tiền trang trải nên nó không được đi mẫu giáo như các bạn mà phải ở nhà chơi với cụ nội… 

Thời gian đầu khi mới lên trại, tinh thần Hưng suy sụp ghê lắm. Lúc nào Hưng cũng bị dằn vặt và ám ảnh bởi những câu hỏi: "Không biết linh hồn bà có siêu thoát được không? Nơi chín suốt chẳng biết bà có tha thứ cho mình không?". Hết nghĩ đến bà, Hưng lại nghĩ đến con. Hưng lo không có bố, bé Ngà sẽ sống ra sao? Sau này, khi nó lớn hơn, biết rõ hành động của bố, không biết nó có hận bố không?

Nhiều đêm Hưng chỉ ước, giá được ngủ một giấc thật dài để không bao giờ phải thức dậy đối mặt với sự thật đau đớn này. Dù cố ý hay không thì Hưng vẫn mang tội giết bà nội của mình. Từ nhỏ đến lớn, Hưng luôn là người được bà quan tâm nhiều nhất trong số 5 anh em. Bà luôn âu yếm gọi Hưng với cái biệt danh thân mật "thằng Hưng còi". Ai có ngờ đâu đến một ngày chính đứa cháu mà mình rất mực yêu thương lại cầm búa kết liễu đời mình. Hưng thấy mình không chỉ mắc tội với bà mà còn là một đứa con bất hiếu khi trút hết mọi gánh nặng lên đôi vai người cha già của mình. Tuổi cao sức yếu, tự chăm sóc mình đã khó vậy mà bố Hưng vẫn phải gồng lên để nuôi mẹ Hưng, người đã nằm liệt giường 15 năm có lẻ. Đâu chỉ thế, ông còn phải thay Hưng nuôi đứa cháu gái ăn học bằng người để nó đỡ tủi phận.

Tội ác phải trả giá. Dù có hối hận, xót xa thì cũng không thể làm gì thay đổi được. Cách chuộc lỗi chân thành và hiệu quả nhất đối với Hưng lúc này là cải tạo thật tốt để rút ngắn ngày về. Quãng đời còn lại của cuộc đời, Hưng luôn tự hứa sẽ sống thật có hiếu với cha mẹ và sống thật tốt để bù đắp thiệt thòi cho con. Riêng với bà nội, dù chủ ý hay không thì đó vẫn mãi là một tội lỗi tày trời mà Hưng đã gây nên. Chỉ dám hy vọng rằng ở bên kia thế giới, bà nội Hưng sẽ hiểu và tha thứ cho Hưng…

Ngô Anh
.
.
.