Lửa ấm tình yêu vẩn ở cuối con đường

Thứ Sáu, 06/08/2010, 16:22
Người tù già sống những ngày bi quan chán chường vì gánh nặng tuổi tác. Người đàn bà ở nhà vẫn giữ nếp nhà và một lòng chờ trông và động viên người chồng đã từng lầm lỡ. Một câu chuyện qua thư giản dị nhưng nồng ấm yêu thương và lạc quan.

Gửi ông,
Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi ông ạ. Nghĩ kỹ rồi tôi mới viết thư này cho ông. Ông đừng bi quan thế chứ. Chỉ còn 5 năm nữa thôi là ông hết án rồi. Cái việc lầm lỡ của ông, ông sẽ tự mình trả đủ, lúc ông về, mọi thứ của nhà ta tôi đang gắng sức giữ gìn sẽ vẫn là cơ ngơi của ông.

Nhiều đêm nằm tôi thao thức mãi, tôi đoan chắc những đêm ấy ông cũng không ngủ được, ông và tôi đều có tuổi rồi, cứ trở trời là khó ngủ, tôi hiểu lắm. Tôi cứ hay nghĩ chuyện thời xưa ông ạ, cái thời chúng mình còn rau cháo nuôi nhau dù vất vả ngược xuôi đấy nhưng sao mà yên bình thế. Tôi nhớ cái đận mình vừa nấu rượu, làm đậu phụ, cuốn thuốc lá vừa nuôi lợn nái. Việc gì ông cũng quần quật làm chẳng nề hà từ sáng tới đêm.

Chắc mọi thứ sẽ tốt đẹp như thế nếu như đàn lợn nái không bị ốm lăn đùng ra chết hết ông nhỉ. Lúc đó sao mà khốn khổ thế, tôi đã âm thầm khóc hết nước mắt vì bao nhiêu tiền của đổ hết vào lứa lợn ấy rồi. Còn ông thì chỉ ngồi im lặng nhìn trừng trừng trần nhà. Tôi vừa buồn vừa sợ mà không nói năng gì. Con bé Hơn khi đó mới 7 tuổi cứ ngơ ngác hết nhìn bố rồi nhìn mẹ, chạy từ người nọ sang người kia nắn tay, ngó mặt.

Ông ơi, nếu lúc đó mà ông không suy sụp quá rồi đâm ra chán nản, không thiết làm lụng mà đi theo mấy ông bạn vạ vật rồi đâm đầu vào bàn đèn thuốc phiện thì cơ sự đã chẳng ra nông nỗi này. Mà nếu ông biết dừng lại, không túng đường đến mức đi xách ma túy thuê thì cuộc đời ông đã khác, cuộc đời tôi cũng không lầm lũi một mình một bóng như bây giờ. Mà thôi, tôi đã giận ông mãi rồi, bây giờ tôi không giận nữa, tôi kể cho ông chuyện vui nhé.

Vợ chồng con Hơn đã cất được cái nhà rồi ông ạ. Tôi cũng mừng cho chúng nó. Thằng Hùng chồng nó chịu khó làm lụng, lại hiền lành tốt tính, tôi thấy rất yên tâm. Con Hơn đang có thai rồi, thế là tết này ông sẽ có cháu ngoại đấy ông ạ. Chúng nó cứ bảo tôi dọn về ở cùng nhưng tôi muốn ở lại căn nhà cũ mà chính tay ông đã dựng nên. Tôi không có lòng dạ nào rời bỏ nó. Ở đây tôi vẫn thấy yên bình hơn ông ạ. Vả lại, nếu tôi mà không ở nữa thì cái nhà này thành nhà hoang mất, tôi vẫn muốn giữ nó còn có hơi người để đợi ông về.

Tôi ở đây nói là một mình nhưng ngày ngày vẫn có mấy bà sang chơi. Tôi bây giờ già rồi không còn sức làm việc gì nặng nhọc nữa, nhưng tôi vẫn có công có việc hẳn hoi đấy ông ạ. Ông biết không, tôi bây giờ có nghề làm đèn hoa đăng để bỏ mối. Công việc cũng nhẹ nhàng, mà mấy bà bạn lại có cớ sang chơi ngồi lâu để giúp tôi gấp giấy dán giấy, gắn nến.

Vừa làm việc vừa trò chuyện cũng không có lúc nào buồn đâu ông ạ. Mấy năm nữa ông được ra trại về nhà thì cũng đã ngấp nghé 70 rồi đấy. 70 tuổi trước đây là cổ lai hy nhưng bây giờ 70 vẫn trẻ trung lắm. Ông Ngọc gần nhà mình năm nay 82 tuổi rồi mà vẫn khỏe đấy ông. Ngày nào hai vợ chồng ông ấy cũng đi bộ thể dục qua lại trước nhà mình. Bà Ngọc còn hay ghé vào chơi với tôi, bà ấy vẫn nhớ hết chuyện ngày còn trẻ ông ạ. Bà ấy bảo tôi, bao giờ ông về thì tôi với ông cùng làm đèn, bà ấy sẽ bảo ông Ngọc sang lập nhóm người cao tuổi đấy.

Cái vườn nhỏ trước nhà bây giờ tôi làm thành vườn thuốc nam rồi ông ạ. Tôi hỏi xin cái Liên những cây thuốc giống ở vườn nhà nó. Cây nào chữa được bệnh gì, tôi ghi lại hết. Có đủ các loại cây trồng trên luống như me đất, nha đam, cỏ mực, lẻ bạn, ngải cứu…; cây thân leo thì trồng trên giàn; thân mộc như dâu tằm ăn thì trồng dọc bờ rào; gừng, nghệ thì trồng vào trong chậu... Tôi tính cũng đến hơn 50 loài cây thuốc nam khác nhau. Có bị đau bụng, chảy máu, táo bón, cảm ho… tôi chỉ cần ra vườn ngắt vài vị thuốc về làm theo hướng dẫn của quyển sách bài thuốc nam cái Liên cho là được.

Nhờ có cái vườn thuốc nam này mà các bà bạn của tôi cũng năng đến chơi hơn đấy. Thỉnh thoảng mà cây nào tươi tốt quá, tôi vẫn hái tỉa bớt đem ra chợ giao cho mấy bà bán lá thuốc bán. Tôi cũng chịu khó chăm sóc lắm, bên ngoài tôi ken thanh tre cho đẹp mắt, rồi giăng cả lưới bốn chung quanh nữa. Các khu tôi cắt đặt ngăn nắp lắm, lúc nào cũng sạch sẽ. Bao giờ ông về, tôi sẽ giao cho ông quản lý cái vườn đấy nhé.

Dạo này quê mình có nhiều cái mới lắm. Chợ vừa xây lại, vừa to vừa đẹp. Bốn mặt chợ có vỉa hè to như sân chơi, đèn cao áp cắm bao quanh, ban đêm đi qua sáng trưng, trẻ con người lớn đi hóng mát đông vui lắm. Nhà con Hơn cũng ở ngay gần phố chợ mà, sau này nó có con rồi, ông với tôi sẽ đưa cháu đi chơi nhé.

À, Tết thanh minh vừa rồi bác Bái ở Pháp có về thăm quê xây lại mộ các cụ ông ạ. Bác ấy đến nhà mình chơi, cứ hỏi thăm ông mãi. Bác ấy đem tặng nhà mình một cái lò vi sóng. Tiện lắm ông ạ. Bây giờ mỗi ngày tôi nấu một lần cơm rau, những bữa sau chỉ cần cho vào lò 30 giây là cơm canh lại nóng sốt. Lúc đầu tôi sợ tốn điện cứ cất vào hộp, bảo bao giờ ông về hãy đem ra dùng, nhưng vợ chồng con Hơn biết chuyện, nhất định bắt tôi nếu không sang nhà chúng nó ở thì phải đem ra dùng, vì chúng nó bảo là chúng nó không giúp được thì máy móc sẽ đỡ đần tôi. Hàng tháng chúng nó cứ nhất quyết đi nộp tiền điện cho nhà mình, bảo tôi không phải lo lắng gì cả. Thời bây giờ tôi thấy cái gì cũng dễ dàng hơn xưa nhiều ông ạ.

Ông ở trong đó cứ yên tâm cải tạo, đừng lo lắng gì cho tôi và các con. Bây giờ việc của ông là giữ gìn sức khỏe. Nếu có trái gió trở giời đau ốm gì thì ông nhớ uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ nhé. Ông phải khỏe mạnh thì tôi mới an lòng.

Thư trước ông viết về, tôi thấy ông bi quan quá. Ông cứ bảo ông sẽ chết rục xương trong tù là sao? Ông cứ suy nghĩ kiểu thế tôi thấy không nên đâu ông à. Ông phải có lòng tin vào tương lai. Dù tuổi tác đã có, nhưng bây giờ càng ngày tuổi thọ con người càng cao. Tôi hay đọc mấy tờ báo cho người cao tuổi với phụ nữ mà bà Ngọc đem cho mượn, tôi thấy họ bảo tinh thần thoải mái là quan trọng nhất đấy.

Nên lâu nay tôi có buồn bã tức giận gì ai nữa đâu. Khi trong lòng không còn oán hận, tôi thấy dễ chịu lắm. Mình già rồi, vui sống thì cũng là cách thương con. Bởi vì nếu mình cứ sống trong đau khổ thì đương nhiên con cái cũng khốn khổ theo. Chúng nó còn phải sống cuộc đời của chúng nó chứ. Tôi cứ nghĩ thế đấy ông ạ, tôi nghĩ có khi vì mình ít làm liên lụy tới nó cho nên chúng nó mới có thể tập trung tinh thần mà làm ăn tốt được. Bây giờ đời sống vật chất của chúng nó đã đảm bảo, nhà cửa xe cộ đã có, mà chúng nó vẫn không bỏ quên tôi bao giờ, tôi nghĩ thế là hạnh phúc lắm rồi.

Lần này gửi thư cho ông, tôi bảo chúng nó gửi cho ông mấy cuốn sách nữa. Mấy cuốn sách này tôi nhớ thời trẻ ông vẫn thích đọc, nhưng mấy lần mưa lụt hỏng hết. Bây giờ sách thời xưa người ta lại in lại nhiều lắm đấy ông ạ. Sách Thủy Hử, Tam Quốc in mới đẹp lắm, hôm nọ tôi đi ngang qua cửa hàng sách thấy mấy cuốn nên mua cho ông. Không biết tôi có vô duyên lắm không nhỉ? Không biết bây giờ ông còn thích đọc nữa không? Tôi cứ gửi ông đọc cho vui nhé. À, tôi gửi cả một cuốn sách nói về cách rèn luyện sức khỏe cho người cao tuổi nữa. "Cao tuổi" chứ không phải "già" ông nhé. Tôi muốn ông trở về mà không xa lạ với cuộc sống bây giờ. Bây giờ ai cũng học cách sống vui sống khỏe cả ông ạ, chẳng ai lo già lo chết nữa.

Thôi thư tôi viết cũng đã dài rồi đấy. Lần này tôi kể lể nhiều chuyện quá ông nhỉ. Nếu ông cần gì ông cứ viết thư cho tôi nhé. Tôi mong ông vui khỏe!

Dương Thị Na
.
.
.