Mẹ mù hành khất đêm thâu nuôi con nghiện

Thứ Bảy, 18/12/2010, 09:49
Khi người người nhà nhà vui vẻ quây quần bên mâm cơm, chờ đón người thân trở về mái ấm, vẫn có một người đàn bà dò dẫm trong đêm, cất tiếng hát nỉ non, run rẩy, đứt quãng, mong nhận được những tờ tiền lẻ của mọi người để mua đồng quà, tấm bánh gửi vào cho đứa con tù tội. Ai chẳng ao ước có cuộc sống bình thường như bao người khác, nhưng số phận người đàn bà có tên Mai Thị Lan Hương (Bỉm Sơn - Thanh Hóa) dường như đã bị "trời đày".

Tiếng hát ái oan nơi góc chùa

Khuơ cây gậy về phía trước, bà Hương nhỏ bé dò dẫm từng bước trong đêm đông rét mướt. Hành trang của bà vẫn là cây gậy cũ kĩ, chiếc nón rách rưới và cái túi đã ngả màu. Trời lất phất mưa, tấm thân gầy guộc sau làn áo mỏng thi thoảng lại run lên bần bật. Những câu hát xẩm cất lên như ai oán, như trách than cứa sâu vào tâm trí người đi đường.

Chẳng ai để ý đến giọng hát của bà, có lẽ chỉ vài người đi đường thấy thương cảm bèn rút trong ví những đồng lẻ vứt xoạch vào cái nón mê rách bươn kia. Bà nhìn chăm chăm vào chiếc nón đựng những đồng tiền bố thí, nước mắt bà cứ ứa ra. Lời hát tắt ngấm, bà đưa tay lên quệt đôi mắt nhèm ướt lệ và bà khóc. Tiếng khóc cứ trải dài trên cung đường đi vào một ngôi chùa ở thị xã Bỉm Sơn.

Bước thấp bước cao trên con đường lởm chởm đá, có lúc vấp ngã, người đàn bà lại vội vàng đứng dậy. Xung quanh bà là cảnh quây quần của các gia đình, là niềm hạnh phúc của các đôi bạn trẻ ngồi tâm sự. Bà ngồi thu lu một góc đường, trước mặt bà là những rác là rác. Toàn là xương gà, bim bim, vỏ chuối, vỏ lon bia của người vô ý thức xả ra. Cuộc đời bà chỉ nhìn thấy chúng rơi vãi dưới đất chứ chưa hề được uống một ngụm bia hay ăn hẳn một cái đùi gà bao giờ.

Mỗi ngày bà lom khom đi 2 - 3 cửa chùa cũng được 20 ngàn bèo bọt. Bà dùng một ít mua cơm, canh, chút thịt ăn cho qua ngày. Còn lại bà gói ghém chặt chẽ vào bọc kín để cuối tháng bà đem mua những thứ nhu yếu phẩm cho đứa con trai bất hiếu, nghiện ngập ở trại cai nghiện.

Bà đưa tiền lên mũi để ngửi mùi đoán mệnh giá. Mệnh giá cao nhất là 10 ngàn đồng. Bà bảo sẽ tích lũy đủ 200 ngàn để nhờ người ra chợ mua tấm áo khoác gửi vào cho con. Đôi bàn tay bà run run vuốt nhẹ những đồng tiền lẻ, đặt khẽ khàng vào khay nhựa.

Chiếc áo lạnh đã cũ mèm giờ đã rách ống tay và có vài mảnh vá sau lưng. Bà đã mặc chiếc áo ấy hơn 20 năm rồi. Ngày lạnh hay ngày mát trời, bà đều mang nó trên mình để giữ ấm. Có nhiều người bảo bà hâm rồi, trời mát mẻ mà mặc áo dày cộm nhưng bà lại có lý lẽ riêng: "Nếu tôi ốm, ai đi xin tiền mua đồ cho con trai tôi. Đời tôi chỉ còn mình nó mà bấu víu. Nó cũng cần có tôi chứ".

Đương nói chuyện bà quay sang hát một bài xẩm ca não nề. Dòng người cứ đi qua, đi lại trước mặt bà và chỉ vài người nhớ đến sự tồn tại của bà ở một góc tối nên đã cho ít tiền. Rồi bà hát những bài vui nhộn hơn như Đất nước trọn niềm vui, Đi cấy (dân ca Thanh Hóa)… để khách vãn cảnh chùa không bị nhàm chán.

Bà cho biết, ngày lễ Tết kiếm được nhiều hơn nhưng cũng bị mắng chửi nhiều. Có nhiều ánh mắt của người đi đường nặng trịch một nỗi bực tức như muốn "ném" thẳng vào bà. Họ cứ tuôn ra những lời khó nghe: "Bà có câm đi không. Bà này dở hơi thật, hát chẳng ai nghe…".

Đằng xa có tiếng léo nhéo của người hành lễ, bà xua tay: "Cháu nhìn xem hình như đằng xa có người, để ta ra đó hát". Bà lại lật đật nhấc tấm thân gầy còm đi nhấp nhô tới đám đông kia. Đi được vài bước, bà đã cất tiếng xẩm ca. Chẳng ai để ý đến sự hiện diện của người đàn bà mù. Họ đang sắm đồ để vào chùa làm lễ. Cứ có đám đông là bà đến hát nhưng đám đông chẳng ai để ý đến tiếng hát của bà. Điệp khúc xin tiền của bà Hương là thế. Vẫn thế, mãi thế và mãi mãi thế đến khi khuất núi thì thôi.

Ngày nào cũng vậy, bà châm nén nhang thắp tạ ơn cửa chùa đã cưu mang thân già mù này để kiếm chút tiền nuôi con nghiện. Rồi khi trời vẫn còn nhọ mặt người, bà lại cất bước đi dọc đường ven quốc lộ 1A để đi xin các quán xá đang nhậu nhẹt. Tiếng cười nói, "rô, rô", "uống, uống" lấn át tiếng hát xẩm yếu ớt của bà Hương. Họ nhanh chóng rút ví cho bà 1.000 - 2.000 đồng rồi mong bà đi nhanh cho. Gương mặt khắc khổ của người mẹ mù vẫn cúi gằm mặt tạ ơn người cho tiền.

Đêm xuống, tiếng chân của bà mới cất lên bậc thềm nhà. Trước khi rũ mình xuống cái giường ọp ẹp ngủ vùi trong giấc ngủ chập chờn, bà Hương lại giở túi nilon tiền ra đếm. Những đồng mệnh giá cao bà xếp vào một tệp dành gửi cho đứa con trai đang ở trại cai nghiện. Còn những đồng lẻ bà để sang một bên dùng chi tiêu cho chính bà. Bà chỉ mong sáng thật nhanh để ngày mới lại tới và bước chân bà lại đi xin những đồng tiền lẻ nuôi con nghiện.

Đời xám xịt vết thương lòng

Sinh ra vốn lành lặn, chỉ vì chịu hơi bốc mả người bác mà Lan Hương đã vĩnh viễn mất đi quyền được nhìn thấy mặt trời. Đứa bé vùng chiếu cói Nga Sơn - Thanh Hóa ấy đã có tuổi thơ mò mẫm trong bóng tối, đau khổ và tủi cực. Gia cảnh nghèo khó, nhà đông anh em, Hương lại không thể làm ruộng, cày cuốc, cũng không thể bán hàng, chạy chợ được nên đành bỏ nhà tha hương cầu thực.

Sau những ngày lang thang xin ăn, Hương được người ta mách nước nên vào Vinh học hát, sẽ xin được dễ dàng hơn. Thế là Hương khăn gói vào Nghệ An xin vào học hát xẩm tại một lớp học tạm bợ. Ngày lang thang ở ga Vinh xin ăn, có khi lọ mọ lên những chuyến tàu vào thành phố Đồng Hới, Quảng Bình rồi lại bắt chuyến ngược lại về Vinh cho kịp giờ học buổi tối.

"Mỗi tháng tôi phải dành dụm, chắt bóp đủ 250 nghìn đồng để đóng tiền học phí. Các thầy dạy nghiêm khắc lắm, ai hát sai thì bị đánh bàn tay, không học cũng bị đánh", người đàn bà nhớ lại. Người thường học hát đã khó, người mù học còn vướng bận nhiều thứ. Hương phải nghe đi nghe lại những nốt nhấn, nốt luyến nhiều lần trước khi uốn lưỡi cất tiếng hát theo thầy.

Ngày ấy, nhìn cô gái mù hăng say tập hát, những thầy giáo cũng cảm mến tấm lòng ấy. Tâm sự với các thầy, Hương dịu giọng: "Em chỉ muốn có một chút nghề để sau này đi ăn mày xin cơm sống cho qua ngày. Đời mù sức không, ánh sáng không, chỉ còn cái miệng có thể hát vui tai cho thiên hạ thôi thầy ạ".

Một ngày không xa, sau bao tháng học hát xẩm, Hương đã "đủ lông đủ cánh", cô xin phép thầy cho về quê đã bắt đầu cuộc đời hành khất ăn xin của mình. Dáng người nhỏ thó, lầm lũi, chiếc gậy gỗ quơ quơ trước mặt khiến người đi đường lắc đầu ái ngại cho đời của một cô gái trẻ. Nhưng vía Hương cũng lớn nên không bao giờ bị trai phố bắt nạt bao giờ.

Như sự sắp đặt của số phận, trong những ngày lang thang xin ăn trên tàu, Hương gặp Nguyễn Xuân Định cũng là một hành khất mù. Nhưng khác với Hương, Xuân Định vốn là một văn công quân đội, giờ là thương binh mù hai mắt. Trở về sau chiến tranh, không thể lao động để tồn tại nên anh đành tha hương cầu thực, sống bằng sự thương xót của người đời.

Hai con người khốn khổ ấy đã dựa vào nhau để sống, ngày dắt nhau đi xin ăn, đêm về Hương lại dạy Định hát. Một năm sau, hai người nên nghĩa vợ chồng. Đám cưới diễn ra chẳng có gì, chỉ có họ hàng đôi bên với mấy mâm cơm rau dưa, rượu nhạt. Lèo tèo vài vị khách xa đến chúc tụng cho đôi vợ chồng mù. Họ vừa ăn vừa ái ngại cho cuộc đời sau này, không biết họ sẽ sống ra sao khi đã mất đi những đôi mắt.

Hai đứa con lần lượt ra đời, cô chị tên Nguyễn Thị Trâm, còn cậu em tên Nguyễn Xuân Bình. Cả hai cũng nhanh chóng gia nhập vào đoàn hành khất kiếm ăn như cha, mẹ chúng. Cũng may, những đứa trẻ này đều có đôi mắt sáng, nên hàng ngày, đứa ngồi trên cổ bố, đứa trên lưng mẹ, cùng nhau lang thang khắp phố Bỉm Sơn xin ăn. Tối đến, các vỉa hè, sân ga trở thành nhà, thành giường cho "gia đình hành khất" này.

Bà chị gái Hương, Mai Thị Giàng (ở phường Bắc Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã dựng lều ở góc vườn nhà mình cho gia đình em gái ở. "Dù cả chiều rộng và dài chỉ độ 10 bước chân nhưng gia đình tôi cũng đã có chỗ để mà đi ra đi vào", bà Hương cho biết. Ngôi nhà ọp ẹp như sắp đổ là nơi đầm ấm của 4 người cũng đủ để họ sống hạnh phúc trong hơn 10 năm.

Ông Định qua đời do bị ngã tàu trong một chuyến đi hát rong. Khóc đến cạn khô dòng nước mắt, hai đứa con nhỏ cũng ẹo mình đi khi nghe tin sét đánh bố qua đời.

Con gái đầu lòng đi lấy chồng, nhưng nhà nghèo quá, không giúp được gì cho mẹ và em. Bình mới lớn, đi làm thuê cho nhà người ta, rồi sau bỏ về nhà mở hiệu sửa xe. Bình cưới vợ, rồi có con. Nhưng mẹ mù, cha mất, thiếu người dạy dỗ, Bình nhanh chóng bị đám thanh niên hư hỏng lôi kéo, dụ dỗ vào con đường hút chích.

Bao nhiêu đồ đạc đi làm thuê sắm được Bình mang bán sạch, lấy tiền thỏa mãn những cơn đói thuốc. Nhà hết đồ bán, Bình cùng chúng bạn đi trộm cắp. Mẹ khuyên bảo thì Bình vục vặc, vợ cằn nhằn thì Bình thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cái nhà quá nhỏ để hai thế hệ không hiểu nhau cùng chung sống. Bình đâm chán đời, suốt ngày lêu lổng, hít chích với đám bạn. Và cơn "giã gạo" đói thuốc cũng lên tới đỉnh điểm, Bình được đưa đi cai nghiện.

Thế là, cuộc đời cô đơn của người mẹ mù lại hoàn cô đơn sau 10 năm có chồng con. Người thì sang thế giới bên kia, người thì đi lấy chồng, còn đứa con hư thì theo nàng tiên nâu mà phải vào trại. Nước mắt mẹ Hương đã bao đêm khóc cạn cho cuộc đời mình nay lại khô khốc trước sóng gió gia đình

Hoàng Phong Thùy Châu
.
.
.