NSƯT Trung Hiếu: Kẻ độc hành với thị phi

Thứ Hai, 16/08/2010, 11:02
Chỉn chu, rất khôn ngoan và chừng mực nhưng giữa núi công việc bộn bề, anh chàng độc thân sáng giá vẫn dành cho Cảnh sát toàn cầu một cuộc trò chuyện về những thị phi đeo đẳng chính mình bấy lâu nay.

Trung Hiếu, dường như trong hành trình nghệ thuật của mình, chưa bao giờ "hot" như thời gian này. Bật remote tivi lia các kênh, thấy gương mặt lành lạnh ít cười của Trưởng Đoàn 1 Nhà hát Kịch Hà Nội thay nhau xuất hiện trên các bộ phim chiếm sóng giờ vàng mà nổi bật là "Vệt nắng cuối trời" và "Cuồng phong". Trung Hiếu cũng vừa đảm đương một trọng trách không dễ có lần thứ hai, vào vai Thái úy Lý Thường Kiệt trong vở diễn đồ sộ kéo dài 3 giờ đồng hồ "Tình sử ngàn năm" chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Muộn vợ, cũng bị nghi ngờ đủ thứ

- Những tuần vừa qua, liên tục gặp anh vào các buổi tối trên truyền hình. Kênh này là một trùm ma túy máu lạnh nhưng si tình, chuyển kênh khác đã lại là một anh chàng khù khờ tốt bụng chỉ biết đến công việc làm vui. Anh chiếm thời gian của khán giả nhiều quá đấy?

- Do tình cờ bên VTV xếp lịch phát sóng cùng thời điểm, chứ thực ra phim "Cuồng phong" và "Vệt nắng cuối trời" tôi tham gia, quay cách nhau cả hai năm. Như thế cũng vui. Đợt này, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của người hâm mộ. Mọi người gọi nhiều đến độ, thấy số lạ là tôi không dám nghe nữa. Cũng chỉ vì công việc bận rộn quá, nghe mà không nói chuyện thì không được. Nhưng những cuộc nói chuyện như thế lại thường kéo dài, dễ ảnh hưởng đến công việc khác, nên nhiều lúc tôi đành phải cáo lỗi với khán giả.

- Xuất hiện đậm đặc thế, anh có thấy chán gương mặt mình?

- Không, không bao giờ. Nghệ sỹ phải luôn giữ cho mình sự thanh xuân, tươi mới. Mình mà chán mình thì công chúng còn khó chịu đến đâu nữa. Hai phim đang trình chiếu, tôi trở thành hai con người trái ngược nhau về cá tính, số phận. Cách chọn vai như thế cũng khiến cho mình hưng phấn, không bị nhàm chán. Hơn nữa, đấy là những bộ phim được thực hiện công phu, đầu tư kỹ lưỡng, thu âm đồng bộ nên cũng khiến diễn viên phải trau chuốt, cẩn trọng hơn để tạo hiệu ứng tích cực cho người xem.

- Vậy hiệu ứng từ khán giả với Trung Hiếu, chính là các cuộc điện thoại mà anh không bắt máy?

- (Cười). Sau khi phim "Việt nắng cuối trời" phát sóng, có một cô gọi cho tôi, rất ân cần: "Cháu đến cơ quan cô chơi đi, chỗ cô có rất nhiều các em trẻ đẹp sẽ đứng xếp hàng ra đây cho cháu chọn. Cháu đến nhé, lúc nào đến được cứ báo trước, bọn cô sẽ chuẩn bị".

- Nếu là các bậc phụ huynh có con gái đến tuổi lấy chồng, đương nhiên sẽ yên tâm khi con mình gặp được một anh chàng tử tế và cù lần như thầy giáo Trí Thức. Nhân vật ấy có mang chút dáng dấp nào của anh ngoài đời?

- Nhiều cô, bác theo dõi phim, rồi liên hệ đến cảnh tôi, gần 40 tuổi rồi chưa lấy vợ, lại nghĩ chắc Trung Hiếu cũng lận đận và kém may mắn như thế. Vậy nên mới có chuyện nhiều người muốn đứng ra làm mối cho tôi. Rồi cũng có những khán giả thấy tôi cứ mãi "độc thân vui vẻ", còn đưa đẩy tò mò với những câu hỏi buồn cười lắm.

- Chắc mọi người lại nghi ngờ vấn đề giới tính, điều mà nhiều nghệ sỹ biểu diễn bây giờ hay tự úp úp mở mở nhằm tạo sự chú ý từ một bộ phận công chúng?

- (Cười sảng khoái): Đúng thế, đủ các giả thuyết được đưa ra, nào là Trung Hiếu có "đồng tính" không, có tình yêu đơn phương nào quá lớn đến độ không dứt được không? Thực ra mọi người cũng chỉ là quý mến và quan tâm đến mình thôi.

- Đợt này, anh lại vừa vào vai Thái úy Lý Thường Kiệt, một dũng tướng đã tự nguyện "tịnh thân" để vào cung. Sự hóa thân hiệu quả của anh trong vai diễn để đời ấy liệu có tạo thêm những râm ran kiểu như thế không?

- Buồn cười nhỉ? Sao khán giả bây giờ cứ thích gán ghép cho nghệ sỹ nhiều chuyện đời tư mang đậm tính chất éo le, bất bình thường. Vai diễn là vai diễn, diễn viên là diễn viên chứ. Làm gì có chuyện diễn viên vào vai "đồng tính" thật quá, hấp dẫn quá lại có thiên hướng đồng tính được. Tôi đóng Thái úy Lý Thường Kiệt, tập luyện quần quật hàng tháng trời. Khi lên biểu diễn, chân tay còn thâm tím, trầy xước, đau đớn… Có những màn đấu võ, bạn diễn là các võ sinh chuyên nghiệp. Nhưng các bạn ấy chưa quen với ánh đèn sân khấu, phải diễn giả như thật thì họ diễn thật như thật luôn. Lúc ấy, tôi phải chịu trận cả một cú đá hay miếng đấm trọn gói đến xây xẩm mặt mày. Sao những hy sinh thầm lặng như thế của các nghệ sỹ, công chúng ít để ý, mà chỉ nhắm vào chuyện quan hệ cá nhân giật gân thôi nhỉ?

- Công chúng phân biệt được đấy nhé, một nghệ sỹ tài hoa, lao động nghệ thuật nghiêm túc như anh với những người chỉ thích tạo xì căng đan để nổi tiếng. Nhưng sự bày tỏ từ người hâm mộ đôi khi thái quá, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của một người vốn ít điều tiếng như anh?

 - Nói chung là không, trừ việc thời gian của mình cũng eo hẹp. Với lại có sự mâu thuẫn rất thú vị, tôi là nghệ sỹ của Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng khán giả chủ yếu của Kịch Hà Nội lại ở phía Nam, nhất là TP HCM. Năm nào Nhà hát tôi cũng "hành phương Nam", và công chúng trong đó coi kịch Hà Nội là một "đặc sản" của Thủ đô, nên họ luôn nhiệt tình đón nhận, ủng hộ. Vì thế, kịch Hà Nội vào TP HCM, lúc nào cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ chất lượng vở diễn đến gương mặt diễn viên. Anh chị em nghệ sỹ luôn mang tâm trạng rạo rực, hạnh phúc khi được lưu diễn ở phía Nam.--PageBreak--

- Anh có nhiều fans hâm mộ trong TP HCM chứ?

- Khán giả TP HCM đã mang đến cho tôi những trạng thái tình cảm rất lạ lùng. Họ bày tỏ tình cảm với nghệ sỹ cũng nhiệt thành, cởi mở, ít rào đón hơn. Có lần ở trong đó, đêm diễn vừa kết thúc, chúng tôi đứng chào khán giả. Bỗng nhiên có một cô gái trẻ từ dưới đi lên, đến trước tôi, quỳ xuống rồi nâng trên hai tay, tặng một bó hoa rất đẹp. Lúc ấy, tôi cũng ngạc nhiên, mất một vài giây choáng váng. Sau đó, tôi đỡ cô ấy dậy, nhận hoa. Khán giả ở dưới vỗ tay rầm rầm mãi không thôi.

- Khoảnh khắc lãng mạn đó chỉ kết thúc ở đấy thôi sao? Anh, một người trẻ độc thân không bao giờ có những cuộc phiêu lưu đáng nhớ hơn với những "fans" nữ nhiệt tình của mình?

- Tôi nghĩ công chúng phía Nam hâm mộ kịch Hà Nội, không đơn thuần ở những vở diễn mang đặc trưng văn hóa Đông Đô - Thăng Long mà còn ở chính những nghệ sỹ như chúng tôi, luôn đàng hoàng, biết điểm dừng trong mọi tình huống. Đơn giản, nghệ thuật là nghệ thuật, cuộc đời là cuộc đời mà. Nghệ sỹ Nhà hát Kịch Hà Nội vào TP HCM, lúc nào cũng vương vấn cảm giác như trở về nhà, trở về với những người thân xa cách lâu ngày.

Diễn với các chị, cũng bị xầm xì

- Thực ra chuyện hôn nhân của anh là thông tin mà công chúng ái mộ luôn muốn làm rõ. Anh lại có vẻ hay đùa, năm nào cũng lên báo tuyên bố, cuối năm nay sẽ lấy vợ? Thực ra là cuối năm nào vậy?

- Tôi thú thật là mong có gia đình riêng, có tổ ấm riêng của mình lắm rồi. Bố mẹ tôi trước đây suốt ngày giục giã, nhưng đến năm nay lại chả nói gì nữa. Các cụ có lẽ chán rồi, còn quay ra an ủi động viên tôi: Cái số nó vậy, phải chịu thôi con ạ. Chắc tại tôi chưa đứng số, chứ mình cũng có kén chọn khó tính gì đâu. Tôi mười mấy năm nay lâm cảnh, lắm mối tối nằm viết thư pháp. Tôi có học thư pháp, tập tành viết chữ chơi chữ nên hay được bạn bè gọi điện xin chữ lắm. Chắc đến Tết Nguyên đán, nếu không vướng bận lịch diễn, tôi phải thu xếp khăn đóng áo dài ra Văn Miếu ngồi cùng các ông đồ cho chữ du khách lấy may.

Năm nay, tôi hứa với mình phải cố gắng dứt điểm chuyện vợ con. Mình cũng cập kề tuổi 40, già đến nơi rồi. Bây giờ đi đóng phim với một số bạn nữ, cứ thấy các bạn ấy cười cười. Hỏi sao thế, có bạn nói: Em xem phim của anh từ hồi còn học lớp 1, giờ lại đóng cặp với anh, thấy kỳ kỳ. Ra đường, các thiếu nữ toàn gọi là chú là bác hết cả.

- Anh may mắn vì ngay lần xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh rộng đã được tham gia vào một dự án lớn của điện ảnh, phim "Hoa ban đỏ". Nhân vật anh chiến sỹ trẻ có nụ cười duyên lập tức tạo được thiện cảm với người xem? Thời gian đúng là lâu quá, xấp xỉ 20 năm rồi còn gì?

- Phim "Hoa ban đỏ" ra mắt đầu thập niên 90, thế kỷ XX, hồi chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong phim ấy, tôi đóng vai em trai của chị Thu Hà, lính của anh Trần Lực. Lúc đó, đang còn sinh viên, vẫn đầy nhiệt huyết và hoài bão. Lớp đại học của tôi ở Trường Sân khấu Điện ảnh, giờ này nhiều người bỏ nghề lắm. Theo được đến bây giờ, còn tôi và Công Lý, thêm một vài bạn nữa thôi.

- Anh thường xuyên đóng cặp với NSƯT Thu Hà, cả trên màn ảnh nhỏ và nhất là trên sân khấu. Trung Hiếu - Thu Hà chính là một trong những lý do khiến kịch Hà Nội hút khách ở phía Nam đấy chứ?

- Trong vở diễn lớn vừa ra mắt "Tình sử ngàn năm", tôi cũng đóng đôi với Thu Hà. Chị ấy diễn quá hay vai người yêu Thái úy Lý Thường Kiệt, một cung nữ trong quá trình dài từ khi là một cô gái 16 đến năm 40 tuổi.

- Sự nhập tâm mùi mẫn trong các màn tình cảm giữa hai NSƯT Trung Hiếu và Thu Hà nhiều năm qua cũng từng dấy lên mối nghi ngờ trong khán giả Hà Nội về những chuyện có thật ngoài đời.

- Có những đồn thổi như thế đấy. Tôi đóng đôi với Thu Hà, người ta đồn tôi với Thu Hà có chuyện yêu đương. Tôi còn đóng đôi với chị Minh Hòa và nhiều chị khác nữa. Nói chung những chuyện mà khán giả cứ truyền tụng rỉ tai nhau như thế thì nhiều lắm.

- Trung Hiếu là một nghệ sỹ đa tài và ít điều tiếng. Nhưng dù vậy, anh cũng là người của công chúng, và tất nhiên, khó tránh khỏi thị phi. Bạn gái trong thì hiện tại của anh đối diện với những lao xao rầm rì mà công chúng bàn luận về anh như thế nào?

- Có lần tôi nói, mỗi khi người yêu cũ đi lấy chồng, lại thấy buồn thẫn thờ. Có bạn gái cũ điện thoại hỏi tôi, anh đang nhớ đến em à. Còn người yêu tôi lúc đó thì chỉ cười mà bảo rằng: Anh khôn thế, trả lời như vậy thì ai cũng tưởng anh đang nói đến mình, mà lại chả ảnh hưởng gì đến hiện tại cả. Tôi sống với hiện tại, nên phải gắng giữ gìn. Mình mà bốc đồng, nói chuyện này nọ, đến tai người ta, họ lại buồn. Thật lòng, có ai hỏi chuyện riêng tư, chi tiết quá là tôi ngại lắm. Chẳng may lỡ lời, về "người ta" lại buồn, lại vặn vẹo. Thôi nhé, đám cưới, năm nay sẽ có. Nhưng như thế nào, với ai và ở đâu, tôi xin phép đến lúc sắp sửa sẽ công bố. Nói trước lại sinh chuyện.

- Vâng, anh đúng là một nghệ sỹ Hà Nội, kín kẽ và cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Cảm ơn anh, cũng như chúc cho những điều may mắn sẽ sớm đến với anh

Hương Sen - Hà Việt
.
.
.