Ngày hội lớn, niềm vui lớn

Thứ Năm, 19/08/2010, 12:25
Tối 19/8, công diễn chương trình nghệ thuật "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" chào mừng 65 năm ngày truyền thống CAND Việt Nam, 5 năm ngày Hội "Toàn dân bảo vệ ANTQ".

Đông đủ các ca sỹ, nhạc công và hàng trăm học viên Học viện An ninh nhân dân, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tề tựu tại địa chỉ khôn nguôi gợi nhớ: Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, giữa vùng đất ATK đầy hào khí Cách mạng. Cuộc tổng duyệt cuối cùng, chuẩn bị tỉ mẩn, hoàn hảo đến từng chi tiết, sẵn sàng cho giây phút mở màn chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" chào mừng 65 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2010, 5 năm ngày Hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (19/8/2005 - 19/8/2010).

Tối 18/8, đông đủ các ca sỹ, nhạc công và hàng trăm học viên Học viện An ninh nhân dân, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tề tựu tại địa chỉ khôn nguôi gợi nhớ: Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, giữa vùng đất ATK đầy hào khí Cách mạng. Cuộc tổng duyệt cuối cùng, chuẩn bị tỉ mẩn, hoàn hảo đến từng chi tiết, sẵn sàng cho giây phút mở màn chương trình nghệ thuật đặc biệt "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2010), 5 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (19/8/2005 - 19/8/2010).

Chương trình do Tổng cục XDLL - CAND và Đài Truyền hình TP HCM tổ chức, diễn ra tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được truyền hình trực tiếp lúc 20h trên các kênh VTV1, HTV9, VTC9, kênh Thuần Việt (TP HCM) và Đài Truyền hình Tuyên Quang.

Không khí lễ hội ngập tràn vùng rừng núi Sơn Dương từ nhiều ngày nay, khi các cán bộ, chiến sỹ Tổng cục XDLL - CAND, các phóng viên, kỹ thuật viên Đài Truyền hình TP HCM dồn về, dàn quân dựng sân khấu, làm những phần việc hậu cần cẩn trọng, chu toàn nhất phục vụ chương trình nghệ thuật được ngóng đợi bấy lâu. Đã rất lâu, mới có một sự kiện văn hóa, một công trình nghệ thuật hoành tráng, quy mô đến thế diễn ra tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, tiền thân của cơ quan Bộ Công an. Trên mảnh đất này, những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cán bộ tiền bối của ngành Công an đã sống, chiến đấu, lãnh đạo, kịp thời đưa ra những Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến 9 năm với kỳ tích Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" lưu danh sử sách.

Ảnh: Trang Dũng.

Đêm nay 19/8, những bài hát hay nhất, hào hùng nhất thay nhau vang lên giữa không gian bao la của đất trời Tân Trào mênh mang, lưu nhiều dấu tích xưa, ngay trong thời khắc lịch sử 19-8, chào mừng 65 năm Cách mạng Tháng 8 thành công, hòa cùng âm hưởng bất diệt của kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND. Khúc tráng ca "Đường chúng ta đi" (Thơ: Xuân Sách, nhạc: Huy Du) được hợp giọng bởi các nghệ sỹ nhiều thế hệ, những người đã song hành cùng "một thời đạn bom" gian khó, hào hùng, và cả những ca sỹ lớn lên giữa thời hòa bình đã lặng ngơi tiếng súng: NSND Quang Thọ, NSƯT Quang Huy, NSƯT Dương Minh Đức và những tên tuổi trẻ hơn, thanh xuân hơn: NSƯT Việt Hoàn, ca sỹ Đăng Dương cùng hợp lực, làm nên những phút giây chứa chan cảm xúc.

Không ít lần trình bày "Đường chúng ta đi", ca khúc vạm vỡ, mê hoặc lòng người mà nhạc sỹ Huy Du, được khơi gợi cảm hứng từ những vần thơ đắm đuối, thúc giục của nhà thơ Xuân Sách, đã viết ra giữa những ngày cả nước lên đường đánh Mỹ, nhưng đêm nay, tại Nha Công an Trung ương, tâm trạng của Đăng Dương, Việt Hoàn và những nghệ sỹ lớp trước như Quang Thọ, Quang Huy, Dương Minh Đức đều xao động khác ngày thường.

Trước đó, 4 tác phẩm hợp xướng được dàn dựng công phu, đã đến với nhân dân khắp dọc dài đất nước qua làn sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp trong sáng 17/8, mở đầu cho Lễ mít tinh cấp Nhà nước chào mừng 65 năm Ngày truyền thống CAND, 5 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), giờ đây lại tiếp tục trở về với đồng bào các dân tộc giữa chiến khu Tân Trào lịch sử. 4 màn hợp xướng đồ sộ, như tiếng lòng của các cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng Công an dâng lên Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc với lời thề sắt son: Sẵn sàng hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân, vì an ninh quốc gia.

Dàn hợp xướng 300 người, gồm sinh viên Học viện An ninh nhân dân, sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nâng đỡ  tiếng hát của các nghệ sỹ Quốc Hưng, Phương Thảo - Đăng Thuật, Ngọc Khang - Hồng Nhung, tạo thành những làn sóng âm thanh dạt dào, bề thế giữa không gian mênh mang của vùng đất thiêng, kết nối quá khứ với hiện tại.

Bài hát "Giai điệu Tổ quốc" (Nhạc và lời: nhạc sỹ Trần Tiến), "Lời Bác - lời của non sông" (Nhạc và lời: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước", "Người Hà Nội" (Nhạc và lời: nhà văn Nguyễn Đình Thi), "Giữ trọn lời thề" (Lời thơ: Đại tá - Nhà viết kịch Phan Gia Liên, nhạc: Nhạc sỹ Trương Hùng" một lần nữa, sẽ lan tỏa niềm xúc động dâng tràn giữa vùng ATK thời kháng chiến 9 năm, như đã tạo nên hiệu ứng tình cảm với những người có mặt trên sân Mỹ Đình trong buổi sớm mai tinh khiết, dịu dàng. Có tác phẩm được tuyển chọn tham gia chương trình, những tác giả trong lực lượng CAND, mang trên mình bộ sắc phục CAND cao quý, hơn ai hết ghi lòng tạc dạ, thấu hiểu lời nguyện thề mà lực lượng CAND Việt Nam đã dành cho Đảng, cho nhân dân: "Công an nhân dân Việt Nam: Trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Đấy cũng chính là dòng chữ trên bức trướng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng lực lượng CAND trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống. Bức trướng đã được đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trao cho đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ trưởng Bộ Công an tại Lễ mít tinh, sáng 17/8. 

Diễu hành qua lễ đài.

Suốt dặm dài 65 năm qua, song hành cùng những biến chuyển không ngừng của lịch sử đất nước, những thăng trầm của dân tộc, Công an nhân dân Việt Nam kiên cường gìn giữ, vun xới, đắp bồi cho truyền thống của mình: Sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho bình yên của đất nước, cho từng giây phút an lành trong cuộc sống của nhân dân. Cũng ngần ấy thời gian, hơn 6 thập niên qua, lực lượng Công an luôn khắc ghi những lời dạy của Bác Hồ, thực thi 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Tinh thần ấy âm ỉ cháy, rạo rực trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Khoác trên người bộ sắc phục, mang trên vai trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ chiến sỹ luôn nguyện ghi từng lời: Làm người Công an cách mạng là phải biết đặt mình dưới hạnh phúc của nhân dân, phải: "Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm tin, lẽ sống của mình". Bởi thế, những bài hát được tuyển chọn đầy nhiệt tâm, trách nhiệm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt, cất lên giữa Khu di tích Nha Công an Trung ương, lại tiếp tục góp phần khơi gợi tinh thần kiên trung, xả thân được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và luôn thường trực trong các cán bộ, chiến sỹ CAND.        

Ra đời ngay trong những giây phút nước sôi lửa bỏng, những thời khắc oai hùng nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi toàn dân nổi dậy, xuống đường, bằng giáo mác, tầm vông, gậy gộc, đã cướp chính quyền từ tay ngoại bang, thành lập nên Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân làm chủ, 65 năm qua, lực lượng CAND luôn hòa mình vào sứ mệnh của cả dân tộc. Thuở ban đầu còn trứng nước, sự thiếu thốn về trang thiết bị, về kinh nghiệm chiến đấu đã không thể ngăn được nguồn sức mạnh lớn lao từ trái tim yêu nước và quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà lịch sử giao phó của những bậc tiền bối trong lực lượng CAND.

Những chiến công của lực lượng CAND từ những ngày đầu thành lập, còn vang vọng đến bây giờ và mãi về sau. Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương đang lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu nhắc nhớ về những chiến công rạng rỡ đó. Mỗi hiện vật, mỗi tài liệu trưng bày, còn lại qua các sự kiện lịch sử, chính là giáo cụ trực quan sinh động, thuyết phục nhất, giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu lịch sử, làm động lực dấy lên niềm tự hào để gắn kết và tiếp nối truyền thống trung dũng, kiên cường của CAND Việt Nam.

Chính vì truyền thống ấy, tinh thần xả thân ấy, chỉ tính riêng hơn 20 năm đổi mới, đã có gần 200 cán bộ, chiến sỹ Công an ngã xuống, gần 900 cán bộ, chiến sỹ bị thương trong khi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ yên bình cuộc sống của nhân dân. Khi cái ác còn hiện hữu, rình rập, công việc của người chiến sỹ Công an càng hiểm nguy, bất an hơn nhiều. Và để chế ngự cái ác, tiêu diệt các ác, vì cuộc sống bình yên, máu của các chiến sỹ Công an vẫn đổ, ngay giữa hòa bình.

Trời Tân Trào những ngày chớm thu xao xác gió và hanh hao nắng. Muôn người đã tề tựu về đây, tụ hội. Không chỉ các nghệ sỹ, những nhà tổ chức của chương trình nghệ thuật: "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" mới nôn nao, mà khán giả, những người dân Tuyên Quang lành hiền chân chất, và cả những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND đang có mặt tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương cũng như công chúng truyền hình cả nước, đang ngóng từng giây phút, cho thời gian qua nhanh, để thời khắc đặc biệt, 20h ngày 19/8 đến thật gần.

Chỉ đạo chương trình: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an

Chỉ đạo thực hiện: Huỳnh Văn Nam

Chỉ đạo nội dung: Mã Diệu Cương

Kịch bản và Tổng đạo diễn: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước

Phó Tổng đạo diễn: Xuân Quang

Trợ lý Tổng đạo diễn: Lê Tâm

Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Quang Vinh

Phối khí, dàn dựng, chỉ huy: Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, NSƯT Phạm Ngọc Khôi, NSƯT Quang Vinh, NSƯT Đức Long

Dẫn chương trình: Quỳnh Hương - Anh Tuấn

Viết lời bình: Nguyễn Thị Quý Phương

Mỹ thuật: Lê Tâm - Đạt Tăng

Âm thanh, ánh sáng: Fantasy.

Các tác phẩm được trình bày trong chương trình:

Tình đất đỏ miền Đông (nhạc và lời: Trần Long Ẩn), Đường chúng ta đi (thơ: Xuân Sách, nhạc: Huy Du), Người Hà Nội (nhạc và lời: Nhà văn Nguyễn Đình Thi), Giai điệu Tổ Quốc (nhạc và lời: Trần Tiến), Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam (thơ: Hoàng Trung Thông, nhạc: Chu Minh), Lời Bác - lời của non sông (nhạc và lời: Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước), Thăm bến Nhà Rồng (nhạc và lời: Trần Hoàn), Tiếng hát giữa rừng Pác Pó (nhạc và lời: Nguyễn Tài Tuệ), Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (nhạc và lời: Lê Lôi), Lời ca dâng Bác (nhạc và lời: Trọng Loan), Bài ca Hồ Chí Minh (nhạc và lời: Ewan MacColl), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), Dòng sông linh thiêng (lời thơ: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - nhạc: Đức Tuyết), Từ một ngã tư đường phố (nhạc và lời: Phạm Tuyên), Chúng ta là chiến sỹ Công an (nhạc và lời: Trọng Bằng), Giữ trọn lời thề (lời: Đại tá - Nhà viết kịch Phan Gia Liên, nhạc: Trương Hùng), Rạng rỡ Việt Nam (nhạc và lời: Quang Vinh).

Ngô Hương Sen
.
.
.