Ngày trở về của người đàn bà dùng ma túy trả thù chồng

Thứ Sáu, 30/07/2010, 15:45
Nghịch lý trớ trêu của cuộc đời đã khiến cô từ một cô thợ may xinh đẹp thành một cô gái bán hoa nghiện ngập. Một bên là mơ ước của cả cuộc đời và khao khát được hạnh phúc, một bên là sự cám dỗ của cái chết trắng. Ai cũng biết con đường phải đi, nhưng không dễ để bước được trên con đường đó.

Giang xinh xắn, và thật sự rất duyên dáng. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, trìu mến dễ gây thiện cảm với người ngồi đối diện mà chính tôi cũng bị mê hoặc bởi giọng nói ấm áp ấy lúc nào không hay. Giang sinh ra và lớn lên tại trung tâm thành phố Nam Định trong một gia đình không phải đến nỗi quá nghèo khó nhưng thiếu thốn tình yêu thương đầy đủ. Bố mất khi cô mới được 10 tuổi đầu và hai em, đứa lên 2 và một đứa mới được hơn 5 tháng tuổi. Bao nhiêu nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai của mẹ.

Cho tới năm 19 tuổi, Giang lấy chồng - cũng là một người đàn ông ở thành phố Nam Định. Giang yêu người đàn ông ấy một cách mù quáng, dù bạn bè khuyên răn: "đừng nên lấy người đàn ông đó. Anh ta bị nghiện đấy". Giang biết, nhưng cô hi vọng tình yêu của mình có thể cảm hoá con người này, đưa anh ta trở về nẻo thiện. 19 tuổi còn nguyên sơ vụng dại, Giang bước chân về nhà chồng, làm vợ người đàn ông hơn cô 12 tuổi, mong rằng sự chín chắn của anh có thể là chỗ dựa cho cả cuộc đời mình. Tuổi 19 của Giang khi đó vẫn còn biết bao mộng mơ về tương lai, về bến bờ hạnh phúc.

Thế nhưng, bao nhiêu hi vọng tiêu tan, bao dự định vỡ vụn. Người chồng của Giang vẫn không thể bỏ được ma tuý, hắn tham gia vào đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma tuý. Giang đã nhiều lần khuyên can chồng, nhưng những đồng tiền đã làm mờ mắt hắn, hắn đâu dễ dàng nghe lời cô. Hơn thế, thấy Giang có chút nhan sắc, hắn còn bày tỏ ý định muốn đưa Giang tham gia giao hàng cùng mình.

Đau khổ nhận ra dã tâm của người chồng, Giang kiên quyết từ chối. Bao nhiêu lần cô khuyên can chồng, thoái thác lời đề nghị vô lương tâm của chồng là bấy nhiêu lần cô bị người chồng nhẫn tâm đánh đập không thương tiếc. Cho tới cuối năm 2006, chồng Giang bị Công an bắt vì tội vận chuyển trải phép chất ma tuý, Giang bàng hoàng nhận ra sự cô độc trong căn nhà vắng lặng hơi người. Nhà cao cửa rộng làm gì, khi chồng tù tội, khi quanh đi quẩn lại cũng chỉ một mình Giang đối diện với chính mình.

Giang rơi vào trạng thái chán nản và tuyệt vọng. Cô chỉ biết khóc và khóc. Lúc ấy, có người đàn ông, bạn của chồng Giang tới thăm, an ủi cô. Khi con người ta đau khổ nhất, yếu đuối nhất cũng là khi mất cảnh giác nhất. Hắn ta đã cho Giang hít heroin. Còn Giang, 20 tuổi lúc đó, nghĩ thấy sao ông trời quá bất công với mình, đau đớn, cô đã dùng thuốc theo sự mời mọc của người khách xấu xa. Giang nghĩ: "Không hiểu ma tuý là cái gì mà khiến chồng mình điên đảo, mờ mắt vì nó. Chồng dùng được thì mình cũng dùng được!". Một phút không tự chủ bản thân, Giang trở thành con nghiện. Đến khi nhận ra mình quá điên rồ, ngu ngốc thì đã quá muộn, cô không thể từ bỏ được chúng.

Đúng thời điểm ấy, người chú ruột của Giang ở Tiệp Khắc về, thương cháu gái rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, lại biết cháu là người vốn đam mê thiết kế may mặc, ông đã giúp Giang mở cửa hàng thời trang ngay gần nhà. Giang sống như hai con người hoàn toàn khác. Khi tỉnh táo, cô nhanh nhẹn, hoạt bát từng đường kim mũi chỉ. Giang còn tư vấn cho khách đến may những kiểu trang phục phù hợp với vóc dáng từng người. Nhưng khi lên cơn vật, Giang lờ đờ, mệt mỏi, chui rúc vào một chỗ tối nơi xó nhà để dùng thuốc. "Mỗi lần dùng thuốc xong, nước mắt tôi lại chảy. Nhìn vào gương, thấy mình héo mòn, xơ xác, vừa đau đớn vừa nhục nhã".

Giang cũng muốn lao đầu vào công việc để quên đi con ma áo trắng đang ẩn giấu trong người, nhưng những mệt mỏi của thời gian qua khiến Giang như nghẹt thở. Nam Định chưa đủ náo nhiệt, sầm uất để cô vợi bớt nỗi chán chường. Cô quyết định đóng cửa hàng thời trang, lên Hà Nội để "đổi gió".

Không hiểu duyên phận thế nào với con đường thời trang, bước chân Giang đưa cô bước tới một tiệm may ở phố Trương Định. Cô xin được một công việc ở đó với mức thu nhập đủ sống. Nhưng "ngựa quen đường cũ", Giang không thể chịu đựng được những bứt rứt trong người mỗi khi cơn nghiện lên. Không đủ tiền trang trải, ngày cô vẫn hăng say làm ở tiệm may, còn tối đến lại làm gái ở một quán cà phê gần đó.

Giang nói rất thẳng thắn: "Làm ở quán như thế cũng có cái thoải mái. Tôi muốn đi với khách qua đêm thì đi, nếu không thì thôi. Hoàn toàn không bị bắt ép gì cả". Công việc Giang thường làm là ngồi hát với khách. Mỗi lần như thế cũng được khách "bồi dưỡng" cho 100 đến 200 nghìn. Giang chợt ngân lên nho nhỏ một câu hát quen thuộc từ một bài hát cũ: "Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống". Giọng hát nhẹ tựa gió thổi, mây bay. "Bài hát đó tôi yêu thích nhất đấy. Cũng chẳng hiểu sao, mỗi lần hát bài hát này, đều khóc". Giang không ít lần khóc khi đang hát với khách, cô thường quay mặt đi, những sợi tóc tơ mềm mại rủ xuống khuôn mặt đầy đặn, che đi những giọt nước mắt đang trực rơi trên má.

Những vị khách vô tâm làm sao đủ nhạy cảm để cảm nhận sự khác lạ của gái làng chơi như Giang. Nhưng chính Giang cũng có lần bất ngờ khi có lần, cũng hát bài hát này, Giang khóc và có một người đàn ông đã đưa cho cô chiếc khăn tay để lau những giọt nước mắt. Mặc những người bạn khác đang cuồng đắm trong cơn hoan lạc, người đàn ông đó ngồi lặng yên, để Giang bình tĩnh và hỏi chuyện cô. Trái với những gái làng chơi khác, khi được người giàu sức cảm thông, họ sẽ xúc động mà kể về những sóng gió cuộc đời mình. Còn Giang thì không. Cô chỉ ngồi im lặng, mặc những giọt nước mắt cứ tuôn trào trên má.

Đến khi thấy có lẽ mình đang làm mất hứng của khách, Giang xin phép ra ngoài và xin thay một cô gái khác lên tiếp khách tiếp. Giang luôn nghĩ rằng, có tìm được người cảm thông với mình nơi này cũng sẽ chỉ như nước chảy bèo trôi. Giang khó có thể tin rằng, một ngày nào đó, có người đàn ông biết rõ quá khứ của cô mà đủ bao dung để đón nhận cô. Có lẽ vì thế, mọi chuyện, Giang chỉ âm thầm cắn răng chịu đựng một mình.  Ở nhà, mẹ và họ hàng chỉ biết Giang đi làm thợ may cho một hiệu may tư nhân ở Hà Nội, còn đâu ai ngờ rằng, cái Giang hiền lành ấy lại đang sa chân vào con đường nhơ nhớp, bị cả xã hội lên án như thế này.

Ngồi khá lâu, Giang vẫn ngâm nga giai điệu "mẹ yêu", mắt hướng một chốn xa xăm, vô định nào đó. Tôi hiểu, cô đang nhớ về người mẹ của mình. Giang không muốn nhắc nhiều tới mẹ, bởi theo cô "Những gì mẹ gánh chịu từ khi bố mất đã quá khổ, giờ mang thêm cái tiếng có đứa con rể tù tội, đứa con gái nghiện ngập thật quá sức chịu đựng"

Cô say sưa kể về cái hiệu may mặc nhỏ của mình ở quê nhà. Đó là một cái quán được Giang chăm chút từng ly từng tí. Từ màu sắc gạch ốp tường, tới cách bài trí không gian cũng do đích thân Giang lựa chọn. Đặc biệt, hiệu may của cô được phủ lên bởi giàn hoa ti gôn hồng rất đẹp. Cái quán ấy như một nàng công chúa khoác lên mình chiếc khăn voan màu hồng dịu dàng, đằm thắm. Đó cũng là nguồn vui duy nhất của cô trong thời kỳ khủng hoảng tinh thần khi chồng mới bị bắt đi cải tạo. Được đích thân nghĩ ra những mẫu thiết kế váy, áo cho những người khách tới đặt may là niềm hạnh phúc vô bờ của cô gái tên Giang. Cái ước mong từ thuở nhỏ, được làm đẹp cho chính mình và cho bao người xung quanh đã thành hiện thực. Có lần, được tự tay may cho một bé gái chiếc váy trắng xinh xắn, Giang hạnh phúc. Nhưng, hồi sau, khi bé gái đó vui mừng khi có váy đẹp được mẹ dắt tay ra về, Giang ngồi bất động hồi lâu. Niềm ước ao về một gia đình với một cô công chúa nhỏ xinh như thế đã bao lần Giang mơ thấy, nhưng khi tỉnh dậy, chỉ thấy mình đơn lẻ trong căn nhà cô quạnh.

Sau những đêm ngồi hát với khách, Giang thường uống rượu một mình. Cô kể, tửu lượng của cô không khá, nhưng những giây phút trong hơi men chếnh choáng, Giang có thể quên đi thân phận hiện tại của mình.

Đã không dưới 3 lần Giang xách đồ ra Bến xe Giáp Bát để về với mẹ, về với cái hiệu may bé nhỏ nhưng có niềm vui sống của mình, nhưng chưa khi nào Giang đủ can đảm bước lên xe. Trái tim khao khát trở về, nhưng lý trí mông muội gào thét: "Mày là con nghiện, con đĩ. Không có đường về cho hạng người như mày đâu!".

Bấy nhiêu lần cô xách đồ quay trở lại. Giang kể, có lẽ chỉ ban ngày cô được sống đúng với chính mình, còn khi màn đêm buông xuống, cô như người đã chết. Bởi ban ngày, Giang vẫn được làm công việc mình đam mê, yêu thích, vẫn được ngồi bên chiếc máy may để tạo ra những sản phẩm ưng ý cho khách hàng. Còn đêm xuống, Giang sống bằng bản năng của con nghiện, vật vã đi tìm thuốc và sống chới với trong hoan lạc để bấu víu, tồn tại.

Giang cứ sống chới với trên sợi chỉ cuộc đời vừa mảnh, vừa mủn như thế nếu như không có ngày định mệnh ấy. Là ngày 7/10/2008, Hương Giang bị Công an phường Giáp Bát bắt khi đang sử dụng ma tuý. Giang thật thà, khi bị bắt cô không hề hoảng sợ, ngược lại, khi ngồi trên xe ô tô Công an áp tải đi về Trại Lộc Hà tập trung, Giang chợt thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản hơn rất nhiều, như trút được gánh nặng mà bao lâu nay cô không đủ can đảm vứt bỏ.

Khi về cải tạo tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 - Ba Vì, Hương Giang có đủ thời gian để bình tâm trở lại. Nhìn lại những gì đã xảy ra với cô trong suốt thời gian qua, Giang không khỏi xót xa. Nhưng cái lạ, người đàn bà trẻ này lại cảm thấy mình là người may mắn, khi ông trời cho cơ hội làm lại cuộc đời. Hương Giang bày tỏ ước mơ sẽ trở lại thành phố Nam Định, mở lại cửa hiệu thời trang, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và việc đầu tiên về nhà, Giang sẽ quỳ xuống, tạ tội với mẹ, xin tha thứ cho đứa con gái ngu muội, nông cạn này. Đôi mắt ấy đầy sự lạc quan và tin tưởng vào một tương lai sẽ khác

Vân Trang
.
.
.