Nghề dựng tiếng nói của người chết

Thứ Bảy, 23/10/2010, 14:43
Giám định pháp y được ví như việc tìm tiếng nói cuối cùng của người đã chết trong các vụ án hình sự. Nhưng đây là công việc gian nan và người gắn bó với nghề này lấy sự yêu nghề để giữ mình không lung lay…

"Nghề giám định pháp y hình sự chúng tôi có lẽ ít người yêu thích, thậm chí nhiều người xa lánh vì ngại những phức tạp, độc hại "dính" vào người trong quá trình làm nhiệm vụ" - Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa, Đội trưởng Đội Giám định pháp y, Công an Nghệ An trải lòng.

Trong một báo cáo tại hội nghị điển hình do Công an Nghệ An tháng 9/2009, anh chia sẻ: Như tỉnh Nghệ An, mỗi năm xảy ra khoảng 2.000 vụ hình sự thì có khoảng 250 vụ có người chết chưa rõ nguyên nhân, trong đó số vụ giết người do nguyên nhân xã hội khoảng 40-50 vụ. Nhiều vụ đối tượng gây án sau khi giết chết nạn nhân đã tìm cách thủ tiêu hoặc tạo hiện trường giả, xóa dấu vết hòng đánh lạc hướng CQĐT. Giám định pháp y là một việc quan trọng trong điều tra hình sự, thường tiến hành ngay sau khi phát hiện vụ án, phát hiện tử thi, kết hợp với khám nghiệm hiện trường để tìm ra dấu vết, chứng cứ khoa học.

Trong nhiều vụ án, cán bộ giám định đứng trước tình huống khó khăn trước khi đưa ra kết luận bởi kết luận giám định giữ vai trò quan trọng góp phần xác lập chứng cứ, mở hướng điều tra, làm cơ sở xử lý sau này, không thể kết luận khi thiếu căn cứ.

Vụ án xảy ra tại xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An là ví dụ, nạn nhân chết nằm giữa vùng rừng núi rậm rạp, ít người lại qua nên rất khó để xác định di biến động của nạn nhân trước khi chết. Khi vụ án được phát hiện, hiện trường đã bị xáo trộn nên rất khó để xác định đâu là hiện trường chính, đâu là hiện trường phụ, số đối tượng gây án, hung khí gây án.

Việc giám định pháp y được tiến hành ngay tại hiện trường, tại nơi xảy ra án mạng. Quá trình giám định, các giám định viên khai thác tối đa thông tin từ dấu vết để lại trên tử thi như các vết va đập ở vùng đầu, ngực. Những dấu vết để lại này cho thấy, nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân là do xương hộp sọ, màng cứng và tổ chức não. Hung khí gây ra cái chết là vật sắc, nạn nhân bị chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 3-4 giờ. Nơi phát hiện ra tử thi chính là hiện trường gây án. Hung thủ gây án thuận tay phải và chỉ có một đối tượng gây án, không có đồng phạm.

Gian nan nghề giám định pháp y.

Với những cơ sở như vậy, CQĐT nhanh chóng khoanh vùng và ít ngày sau đã xác định hung thủ gây án, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi, phù hợp đánh giá kết luận của giám định pháp y.

Có vụ, chính kết quả giám định là tiếng nói khách quan đánh bật sự gian dối trong khai báo nhận tội của bị can. Hung thủ gây án giết người nhưng khi triệu tập lên CQĐT lại vòng vo, cho rằng nạn nhân chết do tai nạn vì cả hai không may bị ngã. Vụ việc diễn ra trong đêm hay nơi vắng người, không có ai chứng kiến nên không thể thu thập thêm lời khai của người biết việc nào.

Vụ án xảy ra tại Nam Đàn, Nghệ An là ví dụ: sau khi dự đám cưới về, anh Nguyễn Kim Nam, sinh năm 1956, trú tại Nam Đàn vào nhà Nguyễn Kim Thiều uống rượu. Đến 12h cùng ngày, Nguyễn Kim Thiều hốt hoảng chở Nguyễn Kim Nam tới bệnh xá cấp cứu. Theo trình bày của Thiều thì do khi dự đám cưới, anh Nam uống quá nhiều rượu nên bị say và ngã đập đầu vào cửa, thấy bạn bị vậy nên Thiều chở đi cấp cứu. Sơ cứu tại bệnh xá không có tiến triển, anh Nam được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sỹ xác định bị chấn thương sọ não và một thời gian sau, anh Nam tử vong. Quá trình này, Nguyễn Kim Thiều một mực khai Nam chấn thương sọ não do uống rượu say, tự ngã, nhiều người thân trong gia đình anh Nam cũng có suy nghĩ tương tự.

Tuy nhiên, Công an huyện Nam Đàn qua kiểm tra các dấu vết, cho rằng có tính chất một vụ án mạng. Quyết định trưng cầu giám định pháp y được thực hiện. Đội Giám định pháp y Công an tỉnh kiểm tra, giám định các dấu vết tử thi, xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh Nam là do chấn thương gây vỡ hộp sọ và xuất huyết não. Việc vỡ hộp sọ là do một vật tày tác động mạnh chứ không phải do tự ngã, không phù hợp với sự va đập do say rượu tự ngã.

Từ kết luận giám định, CQĐT tiếp tục đấu tranh với Nguyễn Kim Thiều, cuối cùng Thiều phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đã gây ra cái chết của anh Nam. Trong quá trình dự đám cưới, hai bên uống rượu và xảy ra mâu thuẫn, quá trình xô xát, Thiều đã tấn công, xô Nguyễn Kim Nam đập mạnh đầu vào cửa, sau đó đi cấp cứu thì tử vong.

Trong kỹ thuật giám định pháp y thì việc giám định gen là hình thức giám định hiện đại và cần thiết trong các trường hợp không thể xác định danh tính nạn nhân do thi thể bị biến dạng, hoặc để xác định bộ phận cơ thể với phần còn lại có đúng là của một người, giám định để xác định huyết thống… Trong nhiều trường hợp, kết luận giám định gen không có nhiều ý nghĩa trong khám phá vụ án, nhưng nó vẫn rất quan trọng giúp CQĐT hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt giúp gia đình nạn nhân tìm được đủ các bộ phận thi thể sau khi nạn nhân bị sát hại.

Trong vụ án "xác chết không đầu" ở Nam Trung Yên, Hà Nội, hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã vứt phần đầu của nạn nhân tại sông Cấm, Quảng Ninh. Mặc dù trong trường hợp không tìm thấy phần thi thể này cũng không ảnh hưởng đến tiến độ và sự chính xác trong điều tra vụ án, nhưng CQĐT vẫn coi việc truy tìm phần còn lại để củng cố lời khai bị can và là trách nhiệm của mình với gia đình nạn nhân.

Sáng ngày 7/6, một người đi bắt cáy đã phát hiện túi nilon bên trong có chứa một hộp sọ người cùng váy áo tại cánh đồng xã Hưng Đạo (huyện Đông Triều, Quảng Ninh), nghi là của nạn nhân Nguyễn Phương Linh trong vụ án tại G4 Trung Yên. Lập tức, phần thi thể này được đưa đi giám định nhằm có kết luận khoa học: có đúng là phần thi thể của nạn nhân Nguyễn Phương Linh. Bằng kết quả giám định gen, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã gửi kết quả giám định đến CQĐT và  nạn nhân, khẳng định hộp sọ được tìm thấy sáng 7/6 đúng là của Nguyễn Phương Linh. Việc có kết quả giám định cũng củng cố lời khai của bị can về việc phi tang phần cơ thể nạn nhân như đã khai trước đó tại CQĐT.--PageBreak--

Nói về nghề giám định pháp y, có bác sỹ pháp y ví công việc này giống như việc áp dụng kỹ thuật làm cho người đã chết nói lên tiếng nói khách quan, trung thực cuối cùng để giúp người đang sống nắm được sự thật. Đó là cả một quá trình vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật của nền y học hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn để xác định nguyên nhân tác động gây ra cái chết của nạn  nhân. Từ đó tìm ra chứng cứ, giải quyết vụ án, buộc các hung thủ gây án phải đền tội. Cũng không chỉ các vụ án giết người mới trưng cầu giám định pháp y, ngay cả những cái chết trong vụ việc đã rõ nguyên nhân cũng phải giám định để xác định danh tính nạn nhân.

Còn nhớ, vụ cháy kinh hoàng tại kho hàng ga Giáp Bát năm 2009 khiến 5 người bị thiêu cháy. Ngoài nạn nhân nữ được xác định danh tính, 4 tử thi nam khác bị cháy đen, không thể nhận dạng, buộc phải dùng đến biện pháp giám định ADN. Thi thể tất cả các nạn nhân sau vụ cháy đều trong tình trạng than hóa, giám định AND là phương pháp duy nhất để xác định danh tính từng nạn nhân.

Có người nghĩ, bác sĩ, giám định viên pháp y chỉ phải đợi ở phòng làm việc, có mẫu đưa đến thì đưa vào máy cho giám định. Nếu hình dung như vậy, nghề giám định pháp y đã có công nghệ hiện đại "ôm" hết phần việc, bác sĩ, giám định viên nhàn hạ quá. Thực tế, việc giám định tại trung tâm, trong phòng kính chỉ là một phần công việc của họ, trong điều kiện đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Còn các vụ án hình sự, án mạng xảy ra ở đâu, tử thi tìm thấy nơi nào thì giám định viên cũng đi cùng ra chỗ đó. Họ cùng với CQĐT, bộ phận khám nghiệm hiện trường, sẽ triển khai giám định ngay tại nơi phát hiện tử thi, chỉ một số trường hợp mới lấy mẫu đưa về phòng giám định.

Các giám định viên và CQĐT khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết giám định một vụ trọng án.

Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa kể, trong lực lượng pháp y, có rất ít cán bộ nhưng lại đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, thường xuyên tiếp xúc trong môi trường độc hại. Có những lúc, anh em phải đi suốt đêm, vượt qua địa bàn hẻo lánh để đến nơi phát hiện tử thi. Lúc tới nơi, tử thi đang trong thời kỳ phân huỷ, bốc mùi rất khó chịu. Chỉ có khẩu trang, găng tay, anh  em vẫn phải loay hoay bên xác chết tiến hành các công việc khám nghiệm, giám định bởi họ hiểu, công việc này không thể chậm trễ hơn và việc khám phá vụ án đang phụ thuộc vào chìa khoá giám định. Chưa kể, nhiều vụ tử thi chết do mắc bệnh AIDS, tiếp xúc với tử thi rất nguy hiểm, nhưng việc giám định vẫn phải thực hiện theo luật định.

Những cán bộ trẻ, chưa quen việc, theo nghề một thời gian cũng bị ám ảnh. Những tâm lý này ám ảnh cả trong sinh hoạt đời thường, trong bữa ăn… Có bác sĩ kể, vì biết rõ ông là bác sĩ giám định pháp y, họ mời tới dự đám cưới. Nhưng vì biết ngay trước đó ông vừa tham gia giám định tử thi một vụ nạn nhân chết cháy nên khi tới nơi, nhiều vị khách đã tìm cách giả vờ cáo bận rồi lảng tránh sang mâm khác "né", không dám ngồi chung với mâm cỗ có sự hiện diện của bác sĩ pháp y nữa. Trong thâm tâm, vị bác sĩ biết ý nhưng có lẽ ông cũng đã quen với quan niệm, suy nghĩ nhạy cảm của một số người. 

Một bác sĩ chia sẻ trên công luận rằng: Hễ cứ nói đến pháp y, người ta thường liên tưởng đến những người cầm dao để mổ xác chết. Thế nhưng, mấy ai hiểu được sự thật là các cán bộ pháp y còn phải gánh trên vai một trọng trách nặng nề, đó là đi tìm công bằng, đi tìm sự thật trong các vụ án hình sự. Người đã chết bất thường, về nguyên tắc đều phải giám định để tìm nguyên nhân. Tử thi không thể nói lên tiếng nói của họ, nhưng dấu vết bất thường dẫn tới cái chết có thể giúp nói lên nhiều điều. Những giám định viên pháp y góp phần giúp các cơ quan pháp luật nhà nước điều tra phá án, xét xử đúng người, đúng tội. Có những vụ án, tử thi khi bị phát hiện đã chết trôi nhiều ngày, bị phân hủy, mùi khó chịu. Người thường đứng xa còn kinh hãi, thế nhưng, các cán bộ pháp y vẫn phải vào cuộc truy tìm.

Gian khổ thế này, nên nhân lực cho ngành pháp y luôn là vấn đề cấp bách, hiện tại cả nước có 20 trường đại học y và y dược, nhiều trường cao đẳng nhưng chỉ duy nhất có trường Đại học Y Hà Nội là có Bộ môn y pháp nhưng sinh viên cũng rất ít. Theo PGS, TS Đinh Gia Đức, Trưởng bộ môn pháp y Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân chính của vấn đề ở chỗ, công việc này chưa được xã hội coi trọng.

Chẳng hạn như khi bác sĩ phẫu thuật thành công một ca bệnh hiểm nghèo, cứu sống bệnh nhân thì gia đình bệnh nhân vô cùng cảm kích, bày tỏ lòng thành với bác sĩ như một vị cứu tinh. Còn mổ xác để xác định nguyên nhân cái chết lại thường không giành được thiện cảm từ phía người nhà, chưa kể đến nhiều trường hợp họ còn ngăn cản không cho làm. Mỗi nghề đều cần những kinh nghiệm, sự nỗ lực, nhưng rõ ràng ở hai phần việc của cùng một lĩnh vực y học đã khác hẳn nhau về quan niệm, sự trọng dụng

Đăng Trường
.
.
.