Nghi án Tổng thống Pháp nhận hối lộ?

Thứ Năm, 02/12/2010, 08:18
"Ngồi trên chiếc ghế Tổng thống Pháp không dễ chút nào", đó là tâm sự thật lòng của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy khi ông liên tục phải hứng chịu "cơn mưa" scandal và hàng loạt những khó khăn trong quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế, ổn định hệ thống tài chính trong nước để thúc đẩy nền kinh tế Pháp vốn đã ì ạch, nay lại càng "chậm chân" sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tin từ tờ Le Monde của Pháp thì scandal mới nhất này bắt nguồn từ những cáo buộc nhận hối lộ trong các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Pháp và Pakistan vào năm 1994, khi ông Nicolas Sarkozy còn là Bộ trưởng Ngân khố.

Theo các tài liệu điều tra của thẩm phán Renaud Van Ruymbeke, vào năm 1994, chính quyền của Thủ tướng Edouard Balladur đã hứa bán 3 chiếc tàu ngầm Agosta 90 cho Pakistan với tổng giá trị là 950 triệu USD và hứa chi trả hoa hồng cho chính phủ Pakistan.

Tuy nhiên, vụ việc thay đổi do các quan chức tranh cử Tổng thống Pháp lúc bấy giờ xảy ra mâu thuẫn và chính quyền đã đình chỉ chi khoản hoa hồng này. Cụ thể, vào năm 1995, ông Edouard Balladur bị thua trong cuộc tranh cử Tổng thống trước đối thủ Jacques Chirac. Ngay sau khi bước chân vào điện Élysée, ông Jacques Chirac đã giải tán cơ quan thực hiện các dự án bí mật của ông Edouard Balladur, đồng thời không cho phép chi khoản hoa hồng cho Pakistan như cam kết trước đó.

Đến năm 2002, tức là sau đó 8 năm, một vụ đánh bom xe buýt đã xảy ra ở xưởng chế tạo tàu ngầm tại thành phố Karachi làm ít nhất 11 kỹ sư người Pháp và 4 người Pakistan thiệt mạng. 4 năm sau, chính phủ Pakistan và chính phủ Pháp cáo buộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đứng đằng sau vụ việc này. Tuy nhiên, một số người khác trong đó có thẩm phán chống khủng bố Marc Trevedic lại cho rằng, vụ việc là một âm mưu trả thù nhằm vào Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Jacques Chirac vì quyết định tạm ngừng trả tiền hoa hồng cho Pakistan.

Từ giả thuyết này, gia đình các nạn nhân đã đâm đơn kiện lên tòa án Pháp và yêu cầu mời Tổng thống Nicolas Sarkozy ra tòa làm chứng cùng cựu Tổng thống Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Olivoer Morice, luật sư của nhóm gia đình nạn nhân nói: "Chúng tôi muốn ông Nicolas Sarkozy giải thích rõ ràng về hợp đồng bán tàu ngầm cũng như kết quả cuộc điều tra về vụ đánh bom năm 2002".

Đương nhiên, đảng Xã hội ở Pháp rất ủng hộ vụ kiện này của các gia đình nạn nhân và họ yêu cầu Tổng thống phải chấp hành đúng yêu cầu của tòa án. Tuy nhiên, theo Hiến pháp, ông Nicolas Sarkozy vẫn được miễn trừ quyền truy tố trong thời gian giữ cương vị Tổng thống.

Chính phủ Pháp và Pakistan vẫn cáo buộc Al-Qaeda đứng đằng sau vụ đánh bom ở Karachi năm 2002 làm 11 người Pháp và 4 người Pakistan thiệt mạng. Tuy nhiên, thẩm phán chống khủng bố Marc Trevedic lại cho rằng, vụ việc là một âm mưu trả thù nhằm vào Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Jacques Chirac vì quyết định tạm ngừng trả tiền hoa hồng trong thương vụ bán vũ khí cho Pakistan.

Là một trong những thẩm phán điều tra độc lập nổi tiếng ở Pháp, ông Renaud Van Ruymbeke mới đây đã quyết định tham gia điều tra vụ bê bối liên quan đến hợp đồng buôn bán vũ khí Pháp-Pakistan.

Trả lời phỏng vấn Hãng Mediapart, ông Renaud Van Ruymbeke cho biết, cảnh sát Luxembourg đã phát hiện ra ông Nicolas Sarkozy từng thành lập 2 công ty ở Luxembourg trong thời gian Pháp thực hiện hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Pakistan.

Trên thực tế, các công ty này đã làm nhiệm vụ chuyển tiền hoa hồng từ thương vụ bán vũ khí sang tài trợ cho các hoạt động chính trị của Pháp. Cụ thể là có khoảng hơn 2 triệu USD tiền bất hợp pháp đã được cung cấp cho quỹ tranh cử Tổng thống của ông Edouard Balladur trong năm 1995.

Đáng chú ý là thời điểm đó, ông Nicolas Sarkozy vừa là Bộ trưởng Ngân khố, vừa là người phụ trách tài chính và phát ngôn viên cho chiến dịch của ông Edouard Balladur. Thêm vào đó, hồi tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac là Charles Millon cũng đã trả lời thẩm vấn xung quanh thương vụ này.

Ông Charles Millon cho biết, các cơ quan tình báo Pakistan đã trực tiếp làm hợp đồng với chính phủ Pháp thời bấy giờ. Còn ông Edouard Balladur trong một bức thư gửi tờ Le Monde lại nói rằng, ông không hề hay biết về thỏa thuận trả hoa hồng cho chính phủ Pakistan cũng như chi tiêu trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 1995.

Hiện Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đã công khai bác bỏ cáo buộc này và khẳng định không có bất cứ mối liên hệ nào giữa vụ tấn công và tệ tham nhũng chính trị. Được biết, ngoài bê bối này, ông Nicolas Sarkozy vừa bị cáo buộc từng nhận hơn 200.000 USD trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007 và chi tiêu quá tay tiền công quỹ

Huyền Chi
.
.
.