Ngoại giao nhân dân và những nhà tài trợ "Con đường của cái đẹp"

Thứ Sáu, 30/07/2010, 08:11
Từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6, ở Hà Nội và V Resort, Kim Bôi, Hòa Bình đã diễn ra một hội thảo đặc biệt và những hoạt động văn hóa xung quanh hội thảo ấy. Đó là Hội thảo giữa các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Mỹ.

Hoạt động và hội thảo của họ đã gửi đi một thông điệp giản đơn mà sâu sắc: chỉ có văn hóa mới có thể xây dựng một thế giới hòa bình đích thực. Với ý nghĩa quan trọng của hội thảo, chiều ngày 1 tháng 6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp đoàn nhà văn, nhà thơ Mỹ tại Phủ Chủ tịch.

Mảnh đất đẹp của thiên nhiên và lòng người

Trong một ngày đẹp trời đầu năm 2010, các nhà văn, nhà thơ Mỹ đến dự Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cùng với Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nơi có Khoa sáng tác và Lý luận - Phê bình (tiền thân của Trường Viết văn Nguyễn Du) đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này. Những người tổ chức hội thảo muốn lần đầu tiên chính thức phác họa những nét cơ bản con đường của văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ sau 35 năm chiến tranh.

Khi những người tổ chức nhận được quyết định cho phép tổ chức hội thảo thì thời gian chính thức hội thảo chỉ còn gần một tháng. Một khoảng thời gian quá ít. Lúc đó, mọi tham luận cho hội thảo chưa hề có một bản nào và tiền tổ chức cho hội thảo chưa có một đồng trong túi. Trong khi đó, toàn bộ chi phí cho hội thảo phải tìm từ nguồn tài trợ chứ không có một đồng nào lấy của Nhà nước như chi phí chỗ ăn ở và hỗ trợ vé máy bay cho các nhà văn, nhà thơ Mỹ và các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ở một số địa phương về, chi phí in một cuốn sách bao gồm tham luận hội thảo và trả nhuận bút, chi phí tiền xe đi lại cho khách và hàng chục các chi phí khác cho hội thảo và các hoạt động từ một bữa ăn cho tới in một cái giấy mời.

Nhiều người khi biết như vậy đã vô cùng lo lắng. Và với những người tổ chức, khó khăn lớn nhất đối với họ lúc đó là làm sao có được kinh phí để tổ chức hội thảo. Đồng thời, thời điểm này là thời điểm nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn những khó khăn bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hơn nữa, việc xin tài trợ cho những hoạt động văn hóa ở nước ta vốn rất khó khăn, đặc biệt là tài trợ cho những hoạt động trong lĩnh vực văn học.

Nhưng với một lòng tin tuy rất mơ hồ nhưng lạ lùng, những người tổ chức bắt đầu "lên đường" kiếm tìm nguồn tài trợ cho hội thảo và các hoạt động xung quanh hội thảo. Địa chỉ đầu tiên họ tìm đến là Công ty TNHH Vinh Hạnh ở 202 phố Bà Triệu, Hà Nội.

Chủ nhân của Công ty này là chị Trần Lan Hương. Chúng tôi bước vào trụ sở Công ty với một nỗi lo lắng không ít. Tuy chúng tôi biết rằng; Công ty Vinh Hạnh trong nhiều năm nay đã luôn luôn tìm cách để giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người và đang tiếp tục mở rộng các dự án để tiếp nhận nhiều hơn nữa những thanh niên còn đang thất nghiệp cũng như tài trợ cho những trại trẻ mồ côi hay bị nhiễm HIV. Biết vậy, tin vậy, nhưng đến để xin tài trợ cho một hoạt động văn học, văn hóa có lẽ là một việc khác. Bởi không ít những doanh nghiệp khi được đặt vấn đề tài trợ cho lĩnh vực này đều tế nhị hoặc thẳng thắn chối từ.

Nhưng chúng tôi "choáng" vì hạnh phúc bất ngờ khi chị Trần Lan Hương tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể cho hội thảo này. Chị đưa ra một ý tưởng tuyệt vời. Đó là hội thảo sẽ tổ chức tại khu du lịch sinh thái V Resort ở xã Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Những khách tham dự hội thảo, theo cách nhìn của chị Hương, là những người đã và đang phấn đấu cho hòa bình của thế giới. Vì thế, những vị khách sẽ gặp nhau trong một không gian ngập tràn cây lá, hoa cỏ, chim nuông và bầu trời yên bình cùng với những phong vị văn hóa của người Mường Hòa Bình để nói về thơ văn và hòa bình giữa các dân tộc.

Chị Hương nói V Resort  sẽ làm để cho những người khách nước ngoài thấy người Việt Nam như thế nào. Lúc này, tôi lại nghĩ đến chiến lược Ngoại giao nhân dân của Nhà nước ta. Mà theo cách nhìn của các nhà văn hóa, thì ngoại giao nhân dân có hiệu quả hơn cả là chúng ta làm ngoại giao trong chính ngôi nhà Tổ quốc của mình. Bởi ở đó, những người nước ngoài thấy rõ nhất và chính xác nhất người Việt Nam đang hành xử ra sao với lịch sử, với văn hóa, với con người và thiên nhiên của họ. Và mỗi lời ăn tiếng nói của bất cứ công dân Việt Nam nào trên xứ sở của mình trước những người bạn ngoại quốc cũng sẽ trở thành ứng xử của một "nhà ngoại giao" không chuyên nhưng lại có sự lan toả khôn lường.

Chúng tôi "choáng" hơn khi V Resort sẵn sàng đón 150 khách mời đến V Resort tham dự hội thảo. V Resort sẽ lo mọi chuyện trong 3 ngày 2 đêm cho 150 khách mời từ xe đưa đón từ Hà Nội đến V Resort và ngược lại, lo phòng ở, lo ăn uống, lo nơi tổ chức đêm thơ, lo hội trường hội thảo với nước uống, giấy bút tiêu chuẩn quốc tế, lo tiệc chiêu đãi, lo quà tặng cho các nhà văn, nhà thơ Mỹ và quà tặng cho 150 khách mời Việt Nam, lo từ cái ô che mưa nắng cho khách, lo hoa tươi, lo cả bác sỹ túc trực, lo mỗi lời ăn tiếng nói cho các nhân viên của V Resort cho đến an ninh khu vực hội thảo  để không làm gì phiền lòng khách. Nhưng không phải là 150 khách mời đến V Resort mà tăng vụt lên gần 190 khách. Vì rất nhiều khách đến ngoài dự kiến. Sự tham gia của họ thật tuyệt vời cho hội thảo nhưng lãnh đạo và nhân viên V Resort vô cùng vất vả. Những người tổ chức tưởng "chết ngất". Nhưng V Resort đã làm tất cả cho hội thảo một cách ngoạn mục.

Lúc đầu chúng tôi nghe chị Hương trình bày sẽ làm gì cho những ngày hội thảo ở V Resort, quả thực chúng tôi run cầm cập trong lòng. Nếu làm như thế, chúng tôi biết chi phí sẽ "khổng lồ" như thế nào và chỉ còn cách bán nhà đi mà làm hội thảo. Nhưng khi chị Hương tuyên bố, V Resort - Công ty TNHH Vinh Hạnh tài trợ 100% và không đòi hỏi chúng tôi bất cứ điều gì mà chỉ mong hội thảo thành công và làm cho những người Mỹ một lần nữa hiểu đúng con người Việt Nam thì chúng tôi lặng người đi vì xúc động.

Thú thực, khi đã ra về, chúng tôi vẫn chưa dám tin đó là sự thật. Chúng tôi nhớ lại những cuộc xin tài trợ trước đó. Có những doanh nghiệp bắt chúng tôi phải cam đoan có đồng chí lãnh đạo này hay đồng chí lãnh đạo kia đến dự thì mới xem xét tài trợ. Hoặc có doanh nghiệp đòi hỏi quyền lợi của họ một cách quá đáng như muốn biến chúng tôi thành nô lệ của đồng tiền cho dù đó là quyền của họ thì chúng tôi mới hiểu sự hy sinh vì lợi ích chung của đất nước mà Công ty Vinh Hạnh và V Resort của họ đã làm. Và chiều ngày 1 tháng 6, gần 190 khách lên đường rời Hà Nội đến V Resort. Sau một chặng đường ngập tràn màu xanh và những vẻ đẹp của những ngọn núi, chúng tôi đã đến V Resort và hòa vào một thiên nhiên trong lành và lộng lẫy, hòa vào tình cảm, sự chu đáo và những ứng xử đầy văn hóa của lãnh đạo và nhân viên V Resort.

Các nhà văn Mỹ và Việt Nam giao lưu tại Trung tâm sáng tạo Trung Nguyên.

Sự ủng hộ vô điều kiện trong lần đi xin tài trợ cho hội thảo của V Resort - Công ty TNHH Vinh Hạnh đã phá tan nỗi lo lắng khá nặng nề trong lòng những người tổ chức hội thảo. Hành động của V Resort chính là một bước đi thật đẹp của văn hóa. Hành động đó mang lại một niềm vui thật lớn cho chúng tôi không chỉ vấn đề tài chính cho hội thảo mà là niềm tin về những doanh nhân đã thấu hiểu sứ mệnh của mình đối với văn hóa nói riêng và đối với đất nước nói chung. Riêng về chi phí vật chất mà V Resort đã dành cho hội thảo đã gần 300 triệu đồng. Nhưng điều lớn hơn cả số tiền đó là thái độ văn hóa vô cùng đáng trân trọng mà những người làm công tác văn hóa phải suy ngẫm. Và với V Resort, những người khách đến dự hội thảo đã thống nhất với nhau rằng: đó là mảnh đất đẹp của thiên nhiên và lòng người.

Bữa tiệc của hòa bình

Ngoài những ngày đêm ở V Resort, các nhà văn, nhà thơ Mỹ và Việt Nam ở xa về có khoảng 10 ngày ở Hà Nội để tham gia các hoạt động giao lưu với bạn đọc và công chúng Việt Nam. Bởi thế việc lo ăn ở cho họ là một vấn đề không nhỏ. Chúng tôi đã tìm đến Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Khi vừa nhìn thấy gương mặt của ông Nguyễn Đức Hùng, Tổng Giám đốc, chúng tôi tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Một gương mặt đẹp trai, cởi mở với nụ cười thật gần gũi làm cho mọi e ngại của bạn sẽ tan biến. Khi nhận ra sự lo lắng của chúng tôi, ông cười nói với chúng tôi đừng quá lo lắng. Ông bảo chẳng có việc gì khó, ông và các đồng nghiệp sẽ tìm cách giải quyết. Bởi trong trái tim mình, ông là một người yêu nghệ thuật và thực sự ủng hộ công việc mà các nhà văn, nhà thơ Mỹ và Việt Nam đã làm cho mối quan hệ hai nước và cho những Cái đẹp của con người.

Sau cuộc họp của ông với các đồng nghiệp, chúng tôi đến gặp ông Lê Hồng Hải, Giám đốc khách sạn Thăng Long Opera ở 1C phố Tôn Đản. Ông Hải đã tiếp chúng tôi chu đáo và chân tình. Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hùng đã trao đổi với Giám đốc Thăng Long Opera và họ đã đi đến thống nhất ủng hộ hội thảo của chúng tôi với tất cả những gì có thể. Thế là, trong lúc khách nước ngoài đang bắt đầu ồ ạt đến Việt Nam vì năm nay Hà Nội tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long, khách sạn Thăng Long Opera vẫn dành những phòng thật đẹp miễn phí cho các nhà văn, nhà thơ Mỹ và Việt Nam từ xa về.

Và tối ngày 30 tháng 5, Giám đốc khách sạn Thăng Long Opera đã mở tiệc chiêu đãi các nhà văn, nhà thơ Mỹ và Việt Nam đang trú ngụ tại khách sạn. Bên chiếc bàn trải khăn trắng sang trọng, những người làm nghề kinh doanh du lịch như Giám đốc Lê Hồng Hải và Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ Hành, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội không nói chuyện về kinh doanh mà đã trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ về nghệ thuật và về sự chia sẻ của con người trên thế gian này.

Buổi tối đó là buổi tối của rượu vang và những câu chuyện giản dị về những điều tốt đẹp. Các nhà văn, nhà thơ Mỹ đã nhận ra khách sạn Thăng Long Opera không phải là một khách sạn thông thường mà là ngôi nhà của họ ở Boston, ở Cleveland, ở Chicago… Họ đã uống cho tới tận khuya với bao câu chuyện ấn tượng. Họ nói với tôi rằng họ đã từng ở biết bao khách sạn trên thế giới, trong đó có những khách sạn 5 sao thượng thặng, nhưng chưa một khách sạn nào mang đến cho họ cảm giác rằng chiếc bàn ăn kia họ đã ngồi ăn từ lâu lắm rồi trong bếp nhà họ, chiếc giường ngủ kia họ đã ngủ biết bao đêm rồi và những nhân viên khách sạn họ đã quen thân từ nhiều năm trước. Và bữa tiệc tối hôm đó mọi người gọi là bữa tiệc của hòa bình. Điều đó hoàn toàn đúng với nhiều nghĩa của nó.

Phút xúc động của nhà văn Lê Lựu.

Về cuốn sách Con đường của Cái đẹp

Những người tổ chức hội thảo khát khao in được cuốn sách bao gồm một số tham luận hội thảo. Nhưng điều đó thật vô cùng khó khăn. Bởi từ lúc có giấy phép xuất bản cho tới ngày khai mạc hội thảo chỉ còn một khoảng thời gian rất ít nhưng lại có biết bao công việc phải làm cho cuốn sách đó. Trước đó, việc thu thập tham luận cũng vô cùng vất vả. Mỗi khi có một bản tham luận của một nhà văn, nhà thơ Mỹ gửi đến là chúng tôi chuyển cho nhà báo Ngân Phương dịch ngay. Có lúc gấp quá, chúng tôi nhờ thêm nhà báo Thủy Chung dịch giúp. --PageBreak--

Để có giấy phép xuất bản, Giáo sư Chu Hảo, Nhà xuất bản Trí Thức và các nhân viên của ông đã làm như một sứ mệnh. Rồi Cục Xuất bản đã tìm cách xét duyệt và cho phép xuất bản một cách nhanh nhất có thể. Họ coi việc này như là một trường hợp được ưu tiên. Rồi nhà thơ Quang Hoài cùng những người thực hiện in cuốn sách đã làm ngày làm đêm. Họa sỹ Lê Thiết Cương đã cống hiến bức tranh Cầu Long Biên nổi tiếng của ông để họa sỹ Asáng trình bày mỹ thuật bìa sách. Rồi các phóng viên của Báo Cảnh sát Toàn cầu thức đêm đọc morat và đủ thứ đầu việc khác. Tất cả đều làm việc với một tinh thần cao nhất.

Khâu cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng để cuốn sách được ra đời là chi phí cho việc làm cuốn sách này. Đến bây giờ, tôi cứ nghĩ có lẽ vì tên cuốn sách là Con đường của Cái đẹp mà những người liên quan đến sự ra đời của cuốn sách đã làm những điều đẹp nhất cho cuốn sách mà không đòi hỏi một điều gì cho cá nhân họ. Chúng tôi gọi điện cho Giám đốc Công ty Đông dược Phúc Hưng với nhiều sản phẩm danh tiếng của mình với thương hiệu P/H có trụ sở ở tận Hà Đông và nói về mục đích của hội thảo và nội dung cuốn sách. Không một câu hỏi, không một sự xem xét, không một yêu cầu về lợi ích của nhà tài trợ, Giám đốc Đông dược Phúc Hưng nói: "Các anh in cuốn sách hết bao nhiêu tiền thì Đông dược Phúc Hưng ủng hộ từng đó. Đây là việc nên làm, đáng làm và phải làm".

Nếu bạn là người đi xin tiền để làm một việc cho dù đó là việc chung và đáng làm thì bạn cũng sẽ không hình dung hết được cảm giác hạnh phúc như thế nào khi những nhà tài trợ nói với bạn như thế. Đối với những doanh nghiệp chân chính thì việc kiếm ra một đồng tiền không hề dễ và càng không hề dễ khi quyết định chi tiêu những đồng tiền đó. Nhưng họ luôn biết làm cho những đồng tiền của họ có văn hoá.

Cũng như Đông dược Phúc Hưng, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Giao thông ở thành phố HCM cũng chỉ nghe một cách gián tiếp về hội thảo thông qua một người bạn của chúng tôi và không hề đắn đo nửa giây gọi điện cho chúng tôi. Cú điện thoại này chỉ hỏi về số tài khoản mà họ có thể gửi tiền tài trợ cho hội thảo. Nhưng người của Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Giao thông nói qua điện thoại với chúng tôi rằng đây không phải là tài trợ, đây là sự đóng góp để cùng nhau làm một công việc rất đáng làm. Tôi đã hỏi lại người của Công ty rằng chúng tôi phải làm gì để trả ơn sự giúp đỡ của họ. Người đại diện của Công ty nói: "Chỉ mong các anh làm thật tốt hội thảo". Ông cha ta đã nói "của cho không bằng cách cho". Đấy chính là văn hóa tiền. Và lớn hơn, đó chính là hành xử của con người đối với văn hóa, đối với con người và sự phát triển của xã hội.

Có một bạn đọc đã làm cho những người tổ chức vô cùng xúc động. Anh chỉ là một người yêu văn học. Thi thoảng tôi có gặp anh ngồi uống cà phê ở phố Đỗ Hạnh. Anh tên là Đỗ Hồng Lam. Một lần uống cà phê, anh nghe được câu chuyện chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức hội thảo đang đi tìm nguồn tài trợ. Và thế là, một buổi sáng, anh đã đưa cho tôi một phong bì và nói: "Cho em bầy tỏ lòng yêu văn học và sự ủng hộ việc làm của các anh cho hội thảo". Cho đến lúc đó, chúng tôi biết hội thảo đã thành công trong ý nghĩa sâu thẳm của nó cho dù nó chưa diễn ra hoặc có thể hội thảo diễn ra với những thiếu sót nào đấy về mặt tổ chức.

Người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng và sự xóa bỏ một biên giới trong bóng tối

Đấy là họa sỹ Lê Thiết Cương. Tôi không phải là người đầu tiên nói về ông như vậy. Đã bao năm nay rồi, với Gallary 39A, phố Lý Quốc Sư, ông đã âm thầm bỏ công sức, bỏ tiền của, bỏ trí tuệ ra để làm những điều ý nghĩa cho đời sống văn hóa ở mảnh đất Thăng Long ngàn năm nay. Ông tổ chức các triển lãm cho các họa sỹ, ông bỏ tiền ra in sách cho một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam, ông chăm chút từng cái giấy mời cho mỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật mà ông tổ chức hoặc được nhờ giúp đỡ...

Và một trong những hoạt động đặc biệt của hội thảo diễn ra tối ngày 29 tháng 5 tại 52, Hai Bà Trưng, Hà Nội là do họa sỹ Lê Thiết Cương và Không gian Sáng tạo Trung Nguyên tổ chức và tài trợ.

Đó là đêm của hội họa, của âm nhạc, của thơ ca và những cảm xúc kỳ lạ. Tối hôm đó, các nhà văn, nhà thơ, hoạ sỹ, nhà nghiên cứu… Việt Nam và Mỹ đã gặp nhau. Họ đã cất lên tiếng nói của tình hữu nghị và hòa bình. Đêm đó, biên giới của những gì đó còn ẩn trong bóng tối giữa những con người của hai đất nước một thời thù hận đã được xóa bỏ hoàn toàn. Đêm đó, mọi nghi lễ đầy tính hình thức được vứt bỏ và chỉ có sự thật của cái đẹp và lòng người mới có quyền hiện hữu.

Rồi sau đêm đó, họa sỹ Lê Thiết Cương lại cùng nhóm thiết kế và nhóm quay phim tư liệu lao lên V Resort ở Kim Bôi, Hòa Bình để trang hoàng địa điểm đêm thơ "Chơi bóng rổ với Việt Cộng" và hội trường hội thảo. Một lần nữa, hình ảnh cây cầu bắc qua đôi bờ của sự ngăn cách của Lê Thiết Cương lại hiện ra đầy tính biểu tượng và kiêu hãnh. Tất cả công thiết kế, băng đĩa ghi hình, nguyên vật liệu, in ấn… và công sức nhiều ngày đều được họa sỹ Lê Thiết Cương và nhóm làm việc của ông trao tặng cho hội thảo. Họ đã làm việc như một sự dâng hiến cho những gì đẹp đẽ mà họ nhận thấy mà không đòi hỏi điều gì. Hành động ấy của họ làm cho những người tổ chức hội thảo nhận thấy rằng: khi ai đó làm điều gì đó vì lợi ích chung và vì cái đẹp thì người đó nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ vô điều kiện của xã hội.

Nhà thơ Matha Collins đọc thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức “dịch vo”.

Một người bạn, một người bạn khác và một người bạn nữa…

Những người tổ chức hội thảo thật sự may mắn có được các nhà tài trợ mà tôi vừa nói đôi dòng vụng về về họ. Còn có những người khác nữa mà tôi chẳng thể nào nói đủ về họ. Nhưng tôi muốn nói đôi lời về ông Duy Tập, một người bạn, một người luôn luôn ủng hộ cho những hoạt động văn học, văn hóa. Ông chính là người kết nối chúng tôi với một số nhà tài trợ. Ông nhiệt tình và trách nhiệm đến mức tôi nghĩ ông mới là người đứng ra tổ chức hội thảo. Chính ông là một trong những người làm cho chúng tôi cảm thấy yên tâm chuẩn bị hội thảo.

Và có một người bạn nữa mà tôi phải nói đến cho dù tôi không nhắc tên cụ thể của anh. Anh là một nhà thơ trẻ, Giám đốc Công ty Lối sống Việt vừa mới thành lập. Công ty làm ăn mới được mươi tháng, lãi chưa có một đồng, nhưng anh đã bỏ ra khoảng 170 triệu đồng để tài trợ hội thảo.

Và những người bạn nữa mà tôi phải nói đến. Đó chính là các nhà báo. Họ đã ủng hộ một cách chân thành hội thảo dù biết rằng hội thảo còn không ít thiếu sót. Nhưng phải nói chính xác là họ ủng hộ cho Con đường của Cái đẹp. Họ ủng hộ vì họ nhận ra rằng: những người tổ chức hội thảo, những người tài trợ dù ít hay nhiều và những người tham gia hội thảo đã làm vì lợi ích chung và vì hình ảnh của đất nước Việt Nam. Bởi toàn bộ chi phí cho hội thảo và nhiều hoạt động của hội thảo là do các cá nhân đóng góp.

Các nhà báo cũng nhận ra rằng; những người tổ chức hội thảo cũng như những nhà tài trợ cố gắng giấu tên mình nếu có thể. Họ không phải là những kẻ mua danh. Họ đã hành động thực sự vì cái đẹp.

Nhà nước đã vạch ra và đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao nhân dân. Thì đây, chính những nhà tài trợ "không đòi hỏi lợi ích" kia là những nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc với ý thức và trách nhiệm cao nhất đối với tổ quốc của mình.

Những người Tổ chức sẽ không bao giờ quên được lời của chị Trần Lan Hương, Giám đốc Công ty Vinh Hạnh: "Công ty Vinh Hạnh chỉ biết làm thế nào để hai tiếng Việt Nam vang lên một cách tự hào trước những người nước ngoài". Và lời của chị Trần Thị Nga, Giám đốc V Resort (Công ty Vinh Hạnh) trong đêm tiệc chiêu đãi gần 200 khách tham dự hội thảo: "Chúng tôi chỉ muốn làm tất cả những gì để con đường của văn hóa rộng hơn nữa, xa hơn nữa kết nối các dân tộc với nhau".

Và tôi kết thúc những dòng viết tại đây vì tất cả những người ủng hộ hội thảo này bằng hành động của mình đã nói lên tất cả

Hạnh Nguyên
.
.
.