Người dân lo ngại chuyện “cò” đất ở Vĩnh Hằng

Thứ Hai, 02/08/2010, 10:07
Không thể phủ nhận một thực tế là sau khi có thông báo ngừng hung táng ở nghĩa trang Văn Điển, nhân dân Hà Nội băn khoăn về vấn đề chỗ an táng cho các cụ nhiều hơn. "Hậu Văn Điển", dư luận về cò đất nghĩa trang xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí, còn có tin đồn khu đất dịch vụ tại Vĩnh Hằng lên tới 5 đến 7 triệu đồng/m2, mặc dù trên thực tế là nghĩa trang này không hề còn đất bán.

Từ 15/7, Hà Nội đã chính thức ngừng hung táng tại nghĩa trang Văn Điển. Việc chuyển hung táng lên Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (xã Vật Lại, Ba Vì) tính đến nay cũng được 1 tuần. UBND TP Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị 8 ha đất tại đây để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Quãng đường xa thêm hàng chục lần (cách Hà Nội khoảng 70 km), mức phí cao gần gấp đôi, lại là một nơi không quen thuộc, đã khiến cho rất nhiều người dân Thủ đô băn khoăn.

Thêm vào đó, nhân sự kiện này, rất nhiều dư luận về việc "sốt" đất tại các nghĩa trang khác dấy lên, càng khiến người dân lo lắng. Vậy lựa chọn phương án an táng như thế nào cho các cụ là hợp lý? Có hay không chuyện "cò" đất gây khó khăn cho thân nhân những người đã khuất. 

Bối rối với phương án hậu Văn Điển?

4 ngày kể từ ngày chính thức ngừng hung táng tại Văn Điển, nhà tang lễ số 125 Phùng Hưng mới tiếp nhận 2 trường hợp hung táng tại Vĩnh Hằng. Trao đổi với PV ngày 19/7, ông Hoàng Thành Thái - Trưởng ban Lễ tang TP cho biết: "Những ngày đầu, chúng tôi đều cử công nhân của nhà tang lễ lên hỗ trợ, do công nhân tại Vĩnh Hằng mới chỉ quen với cát táng, chưa quen hung táng. Chúng tôi rất cố gắng để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Nhìn chung dư luận khá tốt, tin rằng người dân sẽ sớm quen với việc này".

Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng sau khi được UBND TP cho phép mở rộng có tổng diện tích 37,1 ha, tọa lạc trên một khu đồi rộng rãi, sạch đẹp, vốn là một khu nghĩa trang "cao cấp" với nhiều khu mộ được xây hoành tráng như lâu đài, rộng hàng vài trăm mét. Thực chất, công tác chuẩn bị cho "hậu Văn Điển" mới chỉ được triển khai tại Vĩnh Hằng từ cách đây vài tháng như một phương án cấp bách. Sau khi phương án chuyển sang nghĩa trang Yên Kỳ II, Bắc Sơn, mở rộng nghĩa trang Bất Bạt… đều bị đình hoãn vì nhiều lý do, UBND TP Hà Nội đã phải khẩn cấp thực hiện dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng bằng Thông báo số 97/TB-UBND ngày 6/4/2010.

Việc phải gấp rút cho thực hiện dự án này đã cho thấy sự bối rối của UBND TP trước tình thế dừng hung táng ở Văn Điển từ ngày 15/7. Chỉ có 3 tháng chuẩn bị, nên dù đại diện Vĩnh Hằng cho biết đơn vị đã triển khai rất nhanh, huy động tối đa phương tiện, máy móc san ủi, được TP đánh giá cao về tiến độ thì hiện Vĩnh Hằng vẫn đang như một công trường ngổn ngang.

Khu mộ được xây hoành tráng như những lâu đài trên phần đất cũ của Công viên Vĩnh Hằng.

Nguyên việc giải phóng mặt bằng, xây kè chống sạt đất, san ủi cũng đã tốn rất nhiều thời gian. Hạ tầng hầu như mới chỉ có đường đi là được hoàn thành. Dù được khẳng định sẽ phục vụ nhu cầu của nhân dân chu đáo, trên tinh thần "nghĩa tử là nghĩa tận", tuy nhiên khi nhìn khu đất được chuẩn bị, nhiều người cũng không tránh khỏi chạnh lòng.

Trái ngược với khu mộ cũ sạch đẹp, cây cối xanh tươi, xây dựng hoành tráng; khu mới vẫn hầu như chỉ là bãi đất trống. Cây xanh vừa được trồng bổ sung hiện còn nhỏ xíu, cao chừng hơn mét, khẳng khiu, chưa mọc được lớp lá non mới. Các hố mộ mới cũng đang được khẩn trương xây dựng thêm, nhiều hố chưa kịp khô xi măng. Một vài khu đất vẫn đang phải san ủi. Các công trình đi kèm như nhà tang lễ, nhà để xe… đều chưa xây dựng kịp. Ban điều hành Vĩnh Hằng cho rằng khoảng 2, 3 tháng nữa khu vực này sẽ được khang trang gọn gàng hơn. Tuy nhiên, để có được một khuôn viên xanh, sạch, đẹp với cây cối thì sẽ cần nhiều năm nữa.

Có hay không cò đất dịch vụ?

Không thể phủ nhận một thực tế là sau khi có thông báo ngừng hung táng ở nghĩa trang Văn Điển, nhân dân Hà Nội băn khoăn về vấn đề chỗ an táng cho các cụ nhiều hơn. "Hậu Văn Điển", dư luận về cò đất nghĩa trang xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí, còn có tin đồn khu đất dịch vụ tại Vĩnh Hằng lên tới 5 đến 7 triệu đồng/m2, mặc dù trên thực tế là nghĩa trang này không hề còn đất bán.

Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng ban điều hành Vĩnh Hằng cho biết: Diện tích cũ 20,6 ha của Vĩnh Hằng đã kín đặc với khoảng hơn 2.000 hợp đồng được ký, mỗi hợp đồng ít cũng khoảng 50, 60m2 mà nhiều thì 200m2. Khi tỉnh Hà Tây (cũ) còn quản lý thì hợp đồng theo diện tích, thời điểm thấp nhất là 700, 800 nghìn đồng/m2; đắt là hơn 2 đến 3 triệu đồng/m2.

Tính sơ sơ, trên địa phận Vĩnh Hằng có khá nhiều khu đất tiền tỷ. Đấy là chưa kể đến "cơ ngơi" hoành tráng được xây dựng bên trên. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng chuyện cò, dắt mối cũng có thể xảy ra, nhưng tương đối hiếm, và đều dưới dạng thỏa thuận ngầm với nhau.

Được biết, từ 2002 đến nay, Ban điều hành Vĩnh Hằng mới làm thủ tục sang tên cho khoảng 4, 5 hợp đồng, đều với lý do người mua chuyển đi nơi khác sinh sống. Mức giá trên hợp đồng không chênh so với giá gốc. Thời điểm hiện tại, khu đất mới của Vĩnh Hằng đang trong giai đoạn san ủi, mức giá chưa được thiết lập, phương án kinh doanh chưa trình thành phố phê duyệt, nên Vĩnh Hằng chưa có bất cứ một thông tin rao bán đất nào.

Ông Quang khẳng định, các giá rao bán trên thị trường nếu có đều không phải giá thực của công ty. Được biết, hiện những người lên tìm hiểu thông tin và "chờ" đăng ký mua đất tại đây cũng vào khoảng 300 trường hợp.

Phí hung táng cao gần gấp đôi, hỏa táng được hỗ trợ 100%

Tuy đường sá rất thuận tiện, nhưng khoảng cách vẫn là một mối băn khoăn với người dân, khi nó xa gấp 10 lần Văn Điển trước đây (tính từ trung tâm thành phố). Từ ngày 15/7, biểu giá mới tại Vĩnh Hằng cũng được niêm yết, với chi phí cao hơn khá nhiều so với tại Văn Điển. Hình thức mai táng 3 năm xây mộ tạm có mức phí là 5.141.000 đồng (so với 2.800.000 đồng tại Văn Điển). Mai táng một lần xây mức phí sẽ là 11.325.000 đồng và mai táng 1 lần ốp đá xẻ là 13.131.000 đồng.

Giải thích về mức phí cao này, ông Hoàng Thành Thái cho biết: Do vấn đề môi trường, Vĩnh Hằng tiến hành xây hố mộ đổ bê tông chứ không chôn trực tiếp xuống đất như tại Văn Điển. Thêm nữa mộ tạm tại Vĩnh Hằng cũng được xây to hơn. Biểu giá này đã được trình TP phê duyệt chứ không phải nâng tự tiện. Tuy vậy, mức phí gần như cao gấp đôi phí cũ, cộng với quãng đường xa sẽ khiến chi phí của các gia đình tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, dù Vĩnh Hằng được mở rộng thêm 16,5 ha để thay thế Văn Điển, nhưng khu đất thực chất dùng để phục vụ nhu cầu của nhân dân chỉ có 8 ha, số còn lại thuộc về Công ty CP Ao Vua để làm dịch vụ.--PageBreak--

Theo ông Nguyễn Văn Quang, trên diện tích 8 ha đó còn phải xây dựng đường đi lối lại, trồng cây xanh, hồ chứa nước mặt để tạo phong thủy, lấy độ ẩm và phục vụ nhu cầu kiểm tra ô nhiễm, bãi xe, nhà điều hành, nhà lễ tang… nên chỉ còn khoảng 4 ha cho việc hung táng và an táng.

Hiện mỗi ngôi mộ có diện tích khoảng 5m2, nên sức chứa tối đa của Vĩnh Hằng cũng chỉ là 8.000 ngôi mộ. Nếu theo ước tính số lượng của nghĩa trang Văn Điển trước đây, mỗi tháng có chừng hơn 100 trường hợp hung táng được đưa đến, thì Vĩnh Hằng chỉ đủ cho khoảng 5, 6 năm trước mắt. Trong khi những dự án nghĩa trang lớn như Yên Kỳ II, Bất Bạt, Thiên Đường… vẫn chưa được triển khai, gánh nặng chôn cất, hỏa táng, cát táng vẫn phải đặt lên những nghĩa trang "già".

Chính ông Hoàng Thành Thái cũng phải công nhận là hầu hết các nghĩa trang hiện nay trên địa bàn thành phố đều ở trong tình trạng quá tải. Được biết, các dự án nghĩa trang lớn vẫn đang được UBND TP khẩn trương tiếp tục triển khai để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng: Hỏa táng sẽ là một thay thế thích hợp, vừa văn minh, hiện đại, vừa đỡ tốn kém và phiền phức cho các gia đình. Ngoài nâng cao khả năng phục vụ của Hoàn Vũ, TP cũng đã đầu tư thêm 4 lò điện táng ở Thụy Lâm, Đông Anh. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, lượng các gia đình lựa chọn hỏa táng đã tăng đáng kể so với trước, khoảng 500, 600 trường hợp/tháng; gấp 5, 6 hung táng. Nhằm khuyến khích nhân dân lựa chọn hình thức này, từ 1-7, UBND thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ người dân có hộ khẩu Hà Nội khi hỏa táng, thi hài người lớn là 3 triệu đồng (trong khi phí điện táng là 2,95 triệu đồng), trẻ em dưới 6 tuổi là 1,5 triệu đồng.

Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ chi phí vận chuyển thi hài là 500.000 đồng cho mỗi trường hợp trong nội thành; một triệu đồng cho người ở ngoại thành. Thời gian hỗ trợ các trường hợp áp dụng trong 3 năm, từ 2010 đến hết 2012.

Hỏa táng là một hình thức văn minh

Bác Phan Đăng Tường (60 tuổi, trú tại 14 chợ Ngọc Hà, Hà Nội): Về công tác tại Ban lễ tang từ năm 1977, cho đến thời điểm này bác vẫn thấy nhiều người có nguyện vọng được an táng ở Văn Điển. Đây có thể là một thói quen, vì  quãng đường đi xuống Văn Điển đúng là gần hơn và thuận tiện hơn so với nhiều nơi khác. Song từ khi thành phố ngừng hung táng tại nghĩa trang Văn Điển, mọi trường hợp hung táng sẽ được chuyển lên Công viên Vĩnh Hằng thì người dân đến Ban tang lễ ký hợp đồng hỏa táng lại có chiều hướng gia tăng.

Bác cũng thổ lộ: Nhiều người cứ câu nệ chuyện hỏa táng hay hung táng, chứ quan điểm của tôi thì thấy hình thức hỏa táng là văn minh hơn cả, vừa đảm bảo được trong sạch môi trường, vừa đỡ tốn kém, vừa không làm vất vả người thân.

Chuyển hung táng lên Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng là hợp lý

Bác Phạm Thị Lan, nguyên cán bộ đội, sống tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội cho rằng: Chủ trương dừng hung táng ở nghĩa trang Văn Điển của thành phố là vô cùng đúng đắn. Mặc dù đã có nguồn nước máy, nhưng việc để nghĩa trang lớn tồn tại lâu năm gần khu dân cư đông như ở Văn Điển là điều không nên, vì ít nhiều môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn việc chuyển các trường hợp hung táng lên Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng là hợp lý. Vì tôi từng công tác ở trên Ba Vì gần khu vực nghĩa trang này, thấy rằng không gian và quang cảnh trên đó có thể nói là lý tưởng, dù người dân có phải đi xa hơn một chút nhưng đường đi rất thuận tiện. Mặt khác, nếu an táng, hay hung táng tại nơi có quy hoạch cụ thể, rõ ràng như vậy, người dân sẽ yên tâm hơn vì không nơm nớp đến thời điểm nào đó sẽ phải di dời hay chuyển mộ.

Nhiều gia đình sẽ thích về quê vì Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng xa

Bác Nguyễn Thị Tập, nhà ở số 5 ngõ Dã Tượng: Gia đình tôi  chuyển lên sống ở nội thành Hà Nội cũng đã lâu nhưng mỗi khi có người thân qua đời, gia đình đều đưa về quê ở Thường Tín để an táng. Bản thân tôi sau này cũng có nguyện vọng về quê dù ở đây mua đất an táng cũng không rẻ, chứ không thích lên Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, vì trên đó xa quá, sau này người thân đi lại thăm nom sẽ thấy bất tiện.

Tôi cũng thấy, bạn bè xung quanh nhiều người sống ở Hà Nội lâu rồi, nay thấy nghĩa trang chuyển lên xa hơn, cũng tỏ ra ái ngại và có thiên hướng về quê mua đất. Cũng có người quê ở quá xa thì chọn phương án hỏa táng vì họ cho rằng đấy là phương án vừa đỡ tốn kém, vừa tiện lợi. Sau đó một thời gian có thể mang tro về quê an táng hoặc có thể ký gửi ngay tại nghĩa trang Văn Điển, người thân có muốn xuống thắp nén nhang cũng dễ dàng hơn.

Vũ Hân - Thanh Huyền
.
.
.