Người đàn ông trầm lặng

Thứ Bảy, 17/07/2010, 10:36
...Đắn đo bao lần, tôi đành buông bút. Năm nay trong không khí tưng bừng - chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 65 năm truyền thống lực lượng Công an nhân dân, tôi mạnh dạn viết bài này để tỏ nỗi lòng mình với người anh, người đồng chí, đồng nghiệp thân thương mà tôi vô cùng kính trọng. Ông là tấm gương cho chúng tôi soi; là mẫu mực của đức tính thật thà, giản dị, khiêm tốn, tận tụy với công việc, vượt qua mọi khó khăn - gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó...

Chẳng hiểu dun dủi thế nào khiến tôi và ông có nhiều nét tương đồng đến thế - cùng công tác trong lực lượng Công an, cùng ở khu tập thể Hoàng Cầu, cùng ở dãy chung cư 3 tầng, cùng tọa lạc trên căn hộ tầng 2. Mà lạ thay, cả hai cùng ở đầu hồi - ông đầu hồi phía tây, căn hộ C10, tôi đầu hồi phía đông - căn hộ C3. Chưa hết, còn một cái kỳ lạ nữa, ấy là vợ tôi dạy học phổ thông ở miền núi Hoàng Liên Sơn (tỉnh cũ), vợ ông cũng làm nghề giáo ở Lào Cai, Phú Thọ. Có chăng khác là bà dạy học trong một số trường giáo dưỡng (trường thiếu niên hư) do Bộ Công an quản lý.

Hai người đàn bà ấy cùng cuốn gói theo chồng nhờ chủ trương hợp lý hóa gia đình nên họ đều trở thành thị dân, vẫn còn một cái cũng hơi khó nói ấy là từ khi trở thành cư dân khu tập thể (1989) và kéo dài nhiều năm sau, tôi và ông cùng trở thành con nợ, xuất phát từ chủ trương xóa chế độ cấp nhà. Bởi thời đó, lương thấp tè phải vo véo nuôi nhau, lấy đâu ra tiền để trả một phần hai kinh phí xây dựng cho một căn hộ tập thể, trị giá bằng 3,5 cây vàng (ba cây rưỡi). Vàng thời đó chỉ có hai trăm ngàn đồng 1 chỉ. Với chừng đó thì khi nhập cư khu tập thể này, hẳn tôi và ông sẽ là những người đến với nhau sớm nhất và rất dễ trở thành tri âm tri kỷ…

Thực ra lại không như vậy. Hình như phải gần một năm sau mà tôi vẫn chưa tỏ mặt ông. Nhiều lần bách bộ trên con đường nội bộ trong khu tập thể, ngó lên căn hộ C10 tôi cũng chỉ trông thấy một người đàn bà nhỏ thó, gầy nhom cùng 3 đứa con trai sàn sàn như trứng gà trứng vịt.

Sở dĩ chưa từng gặp nhưng đã biết sơ sơ về ông, ấy là thông qua bà xã tôi. Thì ra hai người đàn bà đồng cảnh, đồng hương miền núi, họ đã "thăm nghèo hỏi khổ" nhau từ lâu rồi.

- Anh này, nên bớt công việc đi mà quan tâm tới việc học hành của thằng Hà nhà mình, ba đứa con nhà bà Chỉnh đứa nào cũng học rất giỏi. Không chơi bời lêu lổng, lúc nào cũng chúi mũi vào học.

- Bà Chỉnh nào nhỉ?

- Thì… nhà C10 cùng về 1 đợt với mình.

- Ờ… nhà có 4 mẹ con. Không biết ông chồng ở đơn vị nào mà chưa bao giờ trông thấy.

- Ông ấy là Cục phó Cảnh sát. Đi công tác Campuchia từ 4 năm trước…

Phải tới cái tết năm 1991 tôi mới chính thức được tiếp kiến ông. Tuy chỉ là một mẩu thời gian ngắn ngủi gọi là đi thăm và chúc tết lân bang hàng xóm theo phong tục, song ông đã để lại trong tôi bao ấn tượng - đó là một người có trình độ, đức độ giản dị, khiêm tốn… và phải đến khi ông kết thúc 2 nhiệm kỳ (6 năm) công tác ở Campuchia trở về, ít năm sau nghỉ chế độ hưu trí, tôi mới có dịp tiếp xúc với ông nhiều hơn, mới có điều kiện hiểu sâu về cuộc đời ông. Ngoài nhận xét ban đầu nêu trên, trong ông còn ẩn chứa những ưu tư phiền muộn khiến ông trở thành một người trầm lặng, sống bằng nội tâm và tôi đã đặt cái tít cho bài viết này như thế- "Người đàn ông trầm lặng".

Tập kết trước Hiệp định Geneva

Ông là Đại tá Trần Ngọc Thỏn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý và cải tạo phạm nhân (V26) - một đơn vị to đùng. Địa bàn trải khắp nước. Quân số đông gấp nhiều lần các đơn vị cấp Cục trong lực lượng Công an. Tuổi Canh Ngọ (1930). Quê quán xã Quảng Hiền, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Hoạt động cách mạng từ năm 1945.

Cuối thập niên 40 tham gia lực lượng Công an với chức vụ Trưởng Công an xã. Năm 1953, ông được cử ra miền Bắc đào tạo cán bộ địch hậu để trở về chiến đấu tại quê hương. Năm 1954 Hiệp định Geneva được ký kết ông được cấp trên quyết định ở lại miền Bắc và được điều về công tác tại Công an tỉnh Quảng Bình. Cuối năm 1954 và đầu năm 1955, nhiều đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc thì ông đã nghiễm nhiên trở thành "cựu binh tập kết". Năm 1956 ông được điều ra Hà Nội về công tác tại V26. Ông gắn bó với công việc này cho tới ngày nghỉ chế độ hưu trí vào giữa thập niên 90.

Là một cán bộ được rèn luyện nơi chiến trường máu lửa của cuộc chiến tranh chống Pháp, đã tạo cho Trần Ngọc Thỏn trở thành một cán bộ Công an kiên cường đầy bản lĩnh chiến đấu với bề dày kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Sống nghĩa tình với đồng bào, đồng chí… bản chất đó được thể hiện rất rõ trong những năm tháng sống trên đất Bắc. Nhất là khi được cử sang lĩnh vực công tác mới. Ông đã được lãnh đạo đơn vị và đồng đội tin yêu, tín nhiệm. Từ một cán bộ ở Phòng Tham mưu tổng hợp Cục V26, ông được đề bạt chức vụ phó phòng, rồi trưởng phòng và sau đó chuyển sang trưởng phòng giáo dục của Cục. Ít lâu sau được đề bạt chức vụ Phó Cục trưởng.

Mối tình miền sơn cước

Từ khi chuyển sang Phòng Giáo dục, Trần Ngọc Thỏn thường xuyên có mặt ở các trại cải tạo. Từ miền Nam, miền Trung, vùng đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc; Từ trại cải tạo phạm nhân tới các trường, các cơ sở giáo dưỡng số thiếu niên hư… Nhiệm vụ của đơn vị là phải thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp lãnh đạo trên lĩnh vực này. Vì vậy phải thường xuyên tiếp cận địa bàn, thường xuyên gắn bó với cơ sở.

Một vấn đề mang ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là công tác tổ chức, xây dựng và hoạt động của các trung tâm phục hồi nhân phẩm, các trường, các cơ sở giáo dưỡng số trẻ em hư mà Trần Ngọc Thỏn và đồng đội của ông vẫn đêm ngày day dứt, trăn trở. Vì vậy, mỗi lần về công tác ở các trại ông vẫn rất quan tâm tới mảng đề tài này. Một lần lên công tác tại một trại ở Lào Cai, ông đã bố trí thời gian khảo sát tại một trường giáo dưỡng do trại quản lý.

Thời đó đất nước còn nhiều khó khăn - cơ sở vật chất quá sơ sài, thiếu thốn. Đường sá xa xôi. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe lửa. Hành khách chen lấn, xô đẩy nhau chật như nêm cối. Tàu bò đi từng ga, chậm giờ dăm bảy tiếng, có khi cả ngày là chuyện bình thường. Tới ga còn phải cuốc bộ cả chục cây số đường rừng. Càng đi, càng thông cảm với anh em, đồng đội, những người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với núi rừng. Cái điều bất ngờ, làm xao động trái tim Trần Ngọc Thỏn, đó là khi tới trường giáo dưỡng. Ở đó không phải chỉ có giáo viên nam mà có cả nữ giáo viên. Một cô giáo trẻ quê ở miền xuôi, tốt nghiệp trường sư phạm của tỉnh, đã xung phong đi công tác miền núi Tây Bắc và được V26 tiếp nhận về công tác tại trường. Cảm phục tinh thần tiên phong, vượt khó khăn gian khổ của cô gái, Trần Ngọc Thỏn có cuộc tiếp xúc nhằm bổ sung vào nội dung công tác khảo sát của mình.

Không ngờ cuộc gặp gỡ đã trở thành "Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy". Cô giáo trẻ miền sơn cước bỗng trở thành sợi dây vô hình níu gót chàng trai xứ Bình Trị Thiên khói lửa anh hùng. Họ đến với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ, vượt qua mọi đắn đo, suy nghĩ về không gian cách trở và sự chênh lệch về tuổi tác, bởi anh cán bộ phòng giáo dục hơn cô giáo trẻ gần hai mươi tuổi. Và họ đã nên vợ nên chồng. Cô giáo ấy là Đỗ Thị Chỉnh, quê ở xã Thanh Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, phu nhân của Đại tá Trần Ngọc Thỏn bây giờ.

Dẫu đã yên bề gia thất nhưng cuộc sống gia đình vẫn cách xa. Thông cảm với hoàn cảnh ấy, sau này đơn vị đã bố trí cho Đỗ Thị Chỉnh chuyển công tác về trại Tân Lập - Yên Lập - Phú Thọ để có điều kiện nương nhờ bên ngoại. Ba đứa con chào đời từ miền núi xa xôi ấy. Tới khi chị được chuyển về trại Thanh Xuân thuộc địa phận Hà Tây thì Trần Ngọc Thỏn lại lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trong đoàn chuyên gia của Bộ tại Campuchia.

Họ đã âm thầm bảo vệ non sông đất nước.

Những ngày xa xứ

Đại tá Trần Ngọc Thỏn xuất ngoại lần đầu vào giữa thập niên 60 của thế kỉ trước. Thời đó được đi đào tạo mấy năm ở Liên Xô. Đó là niềm tự hào của ông với quê hương. Người con đất Quảng Điền đã được tới quê hương Lênin, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, thành trì hòa bình thế giới. Niềm tự hào tạo hưng phấn để Trần Ngọc Thỏn lao vào học tập, say sưa nghiên cứu nhằm tiếp thu kiến thức với kết quả cao nhất để trở về phục vụ đất nước.

Nơi thứ hai mà Trần Ngọc Thỏn được tới, đó là xứ sở "Triệu Voi" - nước bạn Lào anh em. Từ quan hệ chiến lược giữa hai nước, nhiều cán bộ các cơ quan, đơn vị của Việt Nam, trong đó có lực lượng Công an tới Lào để trao đổi kinh nghiệm, bàn phối hợp công tác góp phần đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững an ninh hai nước. Trần Ngọc Thỏn coi đó là những chuyến đi thực tế rất bổ ích, tạo điều kiện tiếp xúc, học tập kinh nghiệm của bạn và tìm hiểu sâu tâm lí các loại tội phạm ở Lào, nó đã trở thành kinh nghiệm thực tế giúp cho công tác quản lí, đấu tranh cảm hóa số đối tượng người Lào vi phạm pháp luật Việt Nam mà những năm tháng gần đây đã và đang nổi lên, đặc biệt là tội phạm ma túy đạt kết quả tốt hơn.

Đường "quan ngoại" của Đại tá Trần Ngọc Thỏn đã khắc ghi trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là những năm tháng dài lê thê công tác trên nước bạn Campuchia vào thập niên 80 của thế kỉ trước. Thời đó, tình hình Campuchia rất căng thẳng sau thảm họa diệt chủng của bọn tội phạm Pôn Pốt. Đất nước chùa Tháp trở thành địa bàn nóng bỏng nhất khu vực Đông Nam Á.

Khó khăn về đời sống, căng thẳng về tinh thần, phải đối phó với hoạt động ám sát, phá hoại của bọn tàn quân Pôn Pốt và các loại tội phạm khác. Cán bộ các cơ quan, đơn vị được cử đi công tác giúp bạn phải là những cán bộ có năng lực nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành mà bố trí thời gian công tác của cán bộ. Ít thì dăm ba tháng, nhiều thì một vài năm.

Dài hơn là một nhiệm kỳ 3 năm. Đại tá Trần Ngọc Thỏn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với trọn vẹn một nhiệm kỳ. Bởi là một cán bộ mẫu mực, được Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam lúc đó là Thứ trưởng Viễn Chi tín nhiệm, giữ ông ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa cho trọn vẹn 6 năm trên đất bạn trong lúc hoàn cảnh gia đình đầy khó khăn - vợ yếu, ba đứa con đi học. Sau này trở thành thân thiết, có lúc ông tâm sự với tôi - "Công việc thì chẳng ngại chi. Cái lo nhất là nhà tôi sức khỏe yếu, 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bao nhiêu cạm bẫy rình rập. Cũng may là ngày trở về, các cháu đều là những học sinh ngoan, học giỏi. Tôi vô cùng biết ơn người vợ hiền thục của tôi, bao năm thay tôi gánh vác chuyện gia đình, chăm lo cho các cháu ăn học".--PageBreak--

Nhà quanh năm nuôi thợ

Nhiều tháng liên tục, thi thoảng tôi lại nghe có tiếng bào gỗ, tiếng cưa, đục trên căn hộ C10. Một hôm tôi hỏi phu nhân Đại tá Trần Ngọc Thỏn - "Chị Chỉnh ơi! Cửa giả bên nhà tôi xộc xệch quá. Nhờ chị nói anh em thợ bên đó dứt ra ít buổi giúp tôi được không?" - "Không được đâu! Công việc bên nhà còn nhiều lắm. Nuôi thợ quanh năm cũng không hết việc. Ông anh thông cảm cho…".

Hôm sau, nhân ngày nghỉ, tôi sang nhà có ý định thuyết phục gia chủ và cánh thợ, mới ớ người ra - thợ cả, thợ phụ chỉ nhõn một người, còm nhom trong chiếc quần đùi và chiếc áo may ô rộng thùng thình. Tôi thốt lên - "Trời ơi! Chào bác phó!.. Sao giỏi thế! Cứ tưởng là thợ ở đâu…". Ông dừng tay, rót nước mời khách, phân trần: "Thôi thì chẳng có trâu đành bắt ngựa đi cày. Cũng may, nhờ nhiều lần về các trại mà học mót nghề của phạm nhân. Nhiều anh em tay nghề cao lắm! Bàn ghế, giường tủ, cửa giả xộc xệch hết. Biền biệt đi xa, ngày trở về cái gì cũng thiếu. Tính kêu thợ nhưng tốn kém lắm! thôi đành…".

Thời đó người ta làm nhà, đóng đồ thật đơn giản. Gỗ xẻ ép khi chưa khô. Mấy tháng mùa hanh nó vênh váo, nứt nẻ là nhẽ đương nhiên. Mỗi lần đóng hoặc mở cửa là đinh tai nhức óc cả xóm. Tôi ngắm bộ bàn ghế do chính tay "phó cả" chủ nhà ghép bằng những tấm ván thùng, dẫu khéo mấy mà vẫn thấy mủi lòng. Tôi hỏi nhỏ bà Chỉnh: "Tôi nhớ… từ lâu, Bộ đã có mấy lần cấp giường, tủ, bàn ghế cho cán bộ. Vậy sao?..." - "Có đấy anh ạ! Nhưng nhà này đề nghị và được hậu cần chấp thuận cho nhận bằng tiền. Nói thật với ông anh… tích góp để trả tiền nhà. Anh em mỗi người cho vay một ít. Nợ lâu, ngại lắm!...". Cám cảnh nỗi đời tôi chẳng dám hỏi gì thêm.

Bây giờ thì đã khác xưa, từ năm 2003 bộ bàn ghế tự tạo ấy đã được thay thế bằng một bộ tử tế, có khảm trai đàng hoàng. Đó là món quà mà người con trai thứ hai đã tích cóp mua tặng bố mẹ.

Từ trong sâu thẳm cõi lòng

Bây giờ thì gia đình Đại tá Trần Ngọc Thỏn đã khá hơn xưa rất nhiều, dẫu rằng nơi ở vẫn thế. Các con đều đã phương trưởng. Người con thứ hai làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Vợ công tác ở Công an thành phố Hà Nội. Người con trai út thì theo nghề cha mẹ, đã lên cấp hàm Đại úy, công tác tại Cục V26.

Tôi lại hỏi bà Chỉnh:  - “Thằng út chắc cũng ba mấy rồi! Sao không ép nó lấy vợ đi”. Thoáng buồn trên gương mặt người đàn bà lam lũ - “Vẫn mong cháu sớm kiếm được một cô vợ hiền lành, tử tế... nhưng rồi lại lo, nó cưới vợ rồi thì ở đâu? Nhà chỉ có từng này mét vuông...”. Gia đình Đại tá Trần Ngọc Thỏn có 4 người đã và đang công tác trong lực lượng Công an. Có 4 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên kỳ cựu. Đại tá Trần Ngọc Thỏn vừa tròn 60 năm tuổi Đảng. Phu nhân của ông - bà Chỉnh vừa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cách đây mấy năm, hiện nay đang gánh vác trách nhiệm tổ trưởng dân phố.

Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải tạm xa người đàn ông trầm lặng ấy rất lâu mới gặp lại. Ở tuổi 80, nom ông vẫn còn rắn giỏi, minh mẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra trong ông vẫn còn ẩn chứa bao nỗi niềm khiến ông trầm lặng hơn. Một tai họa giáng xuống gia đình ông - người con  trai cả, niềm tự hào của cả gia đình, cái đầu tàu để kéo các em vươn lên trong học tập. Một học sinh luôn luôn đạt học sinh giỏi từ thời phổ thông. Tốt nghiệp Đại học Giao thông, được về công tác tại một đơn vị cơ sở của Bộ mới được mấy năm, sau một trận ốm nặng đã để lại di chứng trầm cảm. Trí nhớ quên dần theo thời gian. Vợ chồng ông đã dồn sức chạy chữa nhưng đành bất lực.

Ông là người hết sức nhạy cảm. Một lần, qua tìm hiểu của tôi về quê hương, quá trình hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của ông, đang trút bầu tâm sự, bỗng ông buông một câu đầy ý ngăn chặn "Tôi trao đổi để anh biết vậy. Tôi không chịu để ai viết về mình. Bởi có gì đâu mà viết. Nếu anh viết thì tôi trách đấy…".

Đắn đo bao lần, tôi đành buông bút. Năm nay, trong không khí tưng bừng - chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 65 năm truyền thống lực lượng Công an nhân dân, tôi mạnh dạn viết bài này để tỏ nỗi lòng mình với người anh, người đồng chí, đồng nghiệp thân thương mà tôi vô cùng kính trọng. Ông là tấm gương cho chúng tôi soi; là mẫu mực của đức tính thật thà, giản dị, khiêm tốn, tận tụy với công việc, vượt qua mọi khó khăn - gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Những dòng cuối của bài viết này tôi có lời xin lỗi Đại tá Trần Ngọc Thỏn, vì đã không nghe lời ngăn của ông. Kính mong huynh trưởng lượng thứ.

Hà Nội, tháng 6 năm 2010

Khổng Minh Dụ
.
.
.