Người quen nép mình ngõ nhỏ

Thứ Hai, 06/12/2010, 08:19
Con hẻm ngoằn ngoèo vừa đủ để sâu. Căn phòng vừa đủ nhỏ để bừa bộn và ẩm thấp. Dáng người vừa đủ gầy gò, tóc bạc phơ, đôi mắt trắng đục thủy tinh thể vừa đủ để khắc họa nên sự già nua. Bàng Sĩ Nguyên trong tôi là như vậy, vừa vặn và đầy đủ.

Những khi cảm thấy mình hắt hiu, bèn tạt ngang nhà ông ngồi nhìn ông hút thuốc lào, nói vài câu chuyện dang dở… bắt tay nhau thật chặt rồi ra về. Tất cả nhẹ trôi qua tự nhiên và nhẹ như không…

1. Bàng Sĩ Nguyên là một tên tuổi. Thế nên, trong bài viết này tôi không nhắc về tranh, về thơ hay về tác phẩm văn học của ông. Dẫu rằng, đã có rất nhiều người tôn ông là họa sư, nhiều người khác đang được ông chỉ thêm về triết học, về văn chương… Nhiều năm biết Bàng Sĩ Nguyên, có những lát cắt trong đời sống thường nhật của ông đủ khắc vào tâm trí mình một cách vĩnh viễn và không hề có sự lựa chọn.

Ở cái tuổi gần 90, Bàng Sĩ Nguyên vẫn cứ cô độc trong căn phòng nhỏ tại quận 10, TP HCM. Thi thoảng, ông lại gọi điện thoại bảo tôi sang chơi. Những buổi nói chuyện vừa đủ dài để ông là người độc thoại. Ông nói nhiều, rất nhiều. Nói từ thời còn là thiếu gia trong gia đình đại tư sản ở Bắc Giang, rồi bỏ hết lên chiến khu tham gia cách mạng, nói cả về những trúc trắc trong sự vụ Nhân văn Giai phẩm, nói cả về truyện "Con khỉ tìm hầm", rồi về người anh Bàng Bá Lân của ông, về người em mất do đói, rồi nói vệ triết, về tôn giáo, về nghệ thuật… Nói mãi, để rồi chép miệng: "Chắc cái số tôi nó vậy, ông ạ".

 

Có người vừa phụ ông sửa nhà, bức tranh "Đấu bò tót ở Madrid" do họa sĩ Tây Ban Nha Baulestar gửi tặng không còn thấy ở vị trí cũ. Ông họa sĩ Tây Ban Nha là một trong những người rất uy tín tại xứ sở đấu bò này, ở mỗi mùa giải mới, ông đều xuất hiện để vẽ trước khi khai mạc. Tranh của mình, Baulestar muốn tặng ai thì tặng. Lúc là một tổng thống, khi là một minh tinh và ở Việt Nam thì là Bàng Sĩ Nguyên. Tính hỏi ông mấy lần về bức tranh ấy nhưng lại thôi. Bởi tôi biết, ông sẽ chẳng quan tâm chuyện nó đang nằm lạc ở đâu.

Hôm sang chơi, trên cái bàn gỗ xiêu vẹo để chung với những ống màu dang dở, bộ ấm trà cáu bẩn, vài gói thuốc lá xỉn màu, bịch nilon đựng thuốc lào… là những quyển sách đủ thể loại mà ông đang đọc dở. Có cả một chai rượu vang đỏ Đà Lạt chưa khui nắp để trên bàn. Ông rủ "Hay khui nốt chai rượu uống với nhau cho vui, ông nhỉ".

Không có đồ khui chuyên dụng, tôi dùng chiếc bút bi đẩy cật lực vào nắp chai. Không hiểu thế quái nào cái nắp bằng gỗ thông ấy chui tọt cả vào trong chai. Thì chuyện đó với Bàng Sĩ Nguyên cũng chẳng là gì, cứ rót rượu và uống thôi. Của phải tội, ông uống áng chừng được hai ly cỡ chung uống trà thì mặt đỏ gay, âm điệu của giọng nói đã lớn hơn. Còn về phần mình, tôi uống được 3 ly thì chỉ muốn.. đi ngủ. Buổi nói chuyện cứ dang dang dở dở, không đâu ra đâu. Chỉ có khói thuốc lá bay mờ như sương trong căn phòng nhỏ ấy. Xong, lại bắt tay chào nhau ra về.

Lần khác, khi trời đang nắng như dội lửa xuống thành phố thì tôi sang. Lại cũng nói chuyện về triết học, ông bảo ông tính viết một quyển sách để trao đổi với triết gia Trần Đức Thảo. Cứ băn khoăn mãi mà không biết có nên viết hay không. Vì có người đã lui về miền khói sương. Rồi ông khoe là biên tập viên của một nhà xuất bản nổi tiếng vừa thông báo với ông là bản thảo làm tuyển tập về các tác phẩm thơ họa của ông đã được hoàn tất.

Nói thêm nhiều câu chuyện khác, có cả chuyện ngày xưa căn nhà ông được Thành ủy cấp có diện tích rộng lắm, nhưng càng ngày càng nhỏ lại dần vì… đất của những căn nhà hàng xóm kế bên cần phải tự nhiên được "nở" ra. Nói là để không khí đỡ trầm lắng đi thôi, chứ tôi biết, bản thân ông chẳng có ý định gì cả. Kiểu như, hôm rồi tranh tôi treo ở triển lãm bán cũng có giá hay người ta có nhờ viết bài bình luận để khai mạc triển lãm tranh… Mà theo trí nhớ của tôi, thì cái hồi bộ tranh về Kiều của ông được tạp chí hàng đầu thế giới là Time giới thiệu trân trọng, ông cũng kể bằng cái giọng nhẹ nhàng như khi người ta thở ra một hơi thuốc lào.

2. Có tối, tôi sang chơi. Ông ngồi hút thuốc lào vặt, tiếng nước rít lên sòng sọc. Căn phòng được chiếu sáng bởi cái đèn tuýp dài cứ váng vất nỗi buồn. Chẳng có chuyện gì mới, ông kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa có danh tướng phát hiện ra điểm yếu của đối thủ mình là ngựa đông, nên nhất thiết cần thật nhiều cỏ khô tích trữ. Vậy là chỉ cần bất ngờ tập kích đốt cháy sạch những kho cỏ khô, là cuộc chiến xem như ngã ngũ. "Người ngày xưa giỏi thế, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết toàn cục", ông bảo vậy.

Câu chuyện không ăn nhập gì với không khí trong phòng, nhưng ông vẫn kể. Bởi đơn giản ông ngại tôi ngồi nghe mãi về triết, về sử sẽ dễ buồn chán. Mà điều ông  sợ nhất chính là "Ông cứ sang tôi thường xuyên hơn, nhé. Tôi sợ cảm giác người ta quên mình lắm. Tự dưng sợ như vậy". Ông có cái tật rất lạ. Biết ai rồi, mà bẵng đi thời gian lâu lâu không thấy khách ghé nhà, là lại đâm ra sợ. Sợ rồi tự hỏi, tự dằn vặt là không biết mình có gây ra lỗi lầm gì khiến người khác giận hay không. Cứ day dứt mãi cho đến khi khách xuất hiện mới thở phào nhẹ nhõm. Thói quen gì mà khổ sở thế(!).--PageBreak--

Hay là cái hồi bỗng dưng mắt ông tối sầm, 3 tháng trời vạ vật với chuyện không ánh sáng. Rồi đột ngột mắt sáng lại khiến ông đâm ra mắc phải chứng bệnh sợ người khác quên mình, nhỉ(!?). Là phỏng đoán thế, chứ cũng chẳng biết thế nào. Mỗi nghệ sĩ luôn có một nỗi sợ hãi riêng, chắc thế.

Trong góc phòng, con mèo con hoang được ông nuôi từ bé giờ rất béo tốt. "Nó hay lắm, nhé. Cứ khuya tôi trở mình dậy hút thuốc lào, nghe tiếng kêu sòng sọc nó lại chạy ra cọ cọ vào chân. Thú lắm", ông nói. Con mèo của danh họa, nên mình mẩy đều lem toàn màu những màu. Ông cưng con mèo ấy lắm. 

Ngày trước, ông cũng nhặt đâu đó được con mèo con. Con mèo mà ông coi như của gia bảo. Vậy mà lớn lên chút xíu, chẳng biết nó đi đứng thế quái nào mà bị người ta bắt mất. "Chắc nó thành món tiểu hổ rồi. Mình buồn ghê thế", ông trầm ngâm. Rồi thoắt chốc mà lạc vào quan niệm sống "tự di triết mệnh" mà ông đã chọn. "Tự di triết mệnh" cũng dễ sống thôi, nếu cứ nghĩ là thuận dòng mà trôi. "Cứ thuận dòng mà trôi đi, đừng chán nản hay quá ưu phiền. Tôi có ông bạn chí cốt, thân nhau bao nhiêu năm. Con cái vừa tệ bạc chốc lát là lại buồn, lăn đùng ra bệnh rồi đi mất. Khiến mình cứ tấm tức khóc mấy hôm liền", ông kể.

Ông lý giải nguồn gốc mình thuộc dòng Lý Hùng Tích, tức thuộc dòng Nghĩa Nam Vương, con thứ ba của Lý Thánh Tông. Triều Lý hưng vong, một chi của dòng họ hoàng tộc này vượt biển sang Triều Tiên (thuộc dòng Lý Huệ Tông), chi khác đổi sang họ Bàng… Bàng theo lối viết mà các cụ trong họ ông tự nghĩ ra là "trong chữ Nhân có chữ Long, thêm chấm Chủ". Ám chỉ một dòng hoàng tộc bị suy vong. Không biết ông đã lý giải chuyện này với tôi bao nhiêu lần. Nhiều đến mức, thuộc nằm lòng.

Tôi nói ông là bác xem thế nào, chứ phải biết giữ gìn sức khỏe. Tuổi ngày mỗi lớn, lại cứ ăn vận phong phanh chẳng may có chuyện gì đêm hôm, biết làm thế nào. Ông nghe cứ cười móm mém "Không phải lo, tôi khỏe lắm nhá. Thi thoảng có sổ mũi hắt hơi vài cái, nhưng chẳng bao giờ có chuyện nằm viện. Ông cứ yên tâm".

Thảng, ngồi nhìn ông hút thuốc vặt mãi, hỏi khẽ "Thế dạo này, bác ăn uống thế nào?". "Ông sang thì tôi mừng. Hỏi thì cảm ơn chứ thật ra… cái chuyện ấy không quan trọng. Ăn uống thế nào mà chẳng được, quan trọng là tư duy", trăm lần hỏi trăm lần trả lời vậy, đố sai lấy một lần. Thường, mỗi sáng ông sẽ ra cái chợ phường gần nhà. Ăn quáng quàng gì đấy, rồi mua thêm vài nghìn khoai lang nấu hoặc nửa ký bánh ướt chấm với nước mắm không pha. Khẩu phần ấy dành cho buổi chiều. Vậy là xong một ngày.

Thời gian còn lại, không có khách ghé thăm. Ông sẽ nằm trên chiếc ghế bố cũ, đọc lặt vặt gì đấy. Hoặc hứng lên thì pha màu dầu, vẽ thiếu nữ, thiền sư hay tranh phong cảnh theo cái cách của riêng ông, tức vẽ bằng ngón tay. Chấm chỗ này một chút, quệt chỗ kia một ít… màu sắc cứ hiển hiện lên như ma thuật. Bàng Sĩ Nguyên hãnh diện vì trường phái riêng này của chính mình lắm.

3. Ông gấp nhiều lần số tuổi tôi đang sở hữu, nên tôi hay gọi ông là bác xưng cháu. Ông quen kiểu người Tây, thường gọi ông xưng tôi. Với phụ nữ thì là tôi và bà. Nói chuyện bặt thiệp và lịch lãm đến mức lạ lẫm. Những chi tiết nhỏ hoặc lớn gì trong đời sống từ ngày ông còn bé cho đến giờ, ông vẫn nhớ như in. Ông có thói quen đúng hẹn và nhớ giờ giấc đến không tưởng. Rất nhiều chuyện liên quan đến giai thoại của giới văn nghệ sĩ vẫn được ông cẩn thận lưu giữ trong trí nhớ của mình. Nghe những chuyện ấy rất thú vị, tiếc là ông ít khi kể bởi ông thích nói về triết học, hội họa và tôn giáo hơn.

Ông còn muốn viết nhiều, tiếc là không có thư ký riêng. Mấy lâu, cũng có nhiều người đến giúp, nhưng được dăm hôm ba bữa rồi lại thôi. Vì ai cũng có những công việc của riêng mình.

Có chuyện về ông cũng ngộ. Bàng Sĩ Nguyên bốc quẻ dịch rất hay. Với tôi, hầu như ông gieo lần nào để phán chuyện tương lai đều đúng như kiểu bài toán cần có đáp số toàn diện. Ngày mới biết nhau, ông bốc dịch cho tôi suốt. Đến khi đã thân thiết thì ông thôi bốc hẳn, bởi "Nói chuyện vui hơn. Còn mấy cái khác không tính". Tuần trước, ông có tặng tôi bức họa nhỏ, vẽ ngay trên cái ghế bố ông đang nằm. Không có khung ảnh, ông cẩn thận dán giấy kiếng trước khi cuộn tròn, dặn tôi về mua khung lồng lên ngay. Bởi "sẽ có ngày nó là vô giá".

Vậy thôi, với Bàng Sĩ Nguyên hạnh phúc lớn nhất là được trò chuyện. Và người nghệ sĩ lớn ấy, vẫn giữ thói quen nép mình vào căn phòng nhỏ chờ nghe tiếng phố xá ồn ào.

Mà có khi trong những buổi trò chuyện riêng ấy, vẫn cần có những bí mật nhất thiết phải giữ cho nhau (!)

Phan Gia
.
.
.