Người tử tù viết tiếp những dự án táo bạo

Thứ Sáu, 03/12/2010, 14:57
Được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, ngay từ những ngày còn ngồi bóc lịch ở Trại giam Xuân Lộc, Lê Minh Hải đã nghĩ ngay đến những việc phải làm. Trở về với cuộc sống đầy sôi động, với tính cách dám nghĩ dám làm, Lê Minh Hải lại viết thành công những dự án mới đầy táo bạo.

Năm 1995, cùng với Phạm Huy Phước, Lê Đức Cảnh và Trần Quang Vinh (Công ty Tamexco), Lê Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Dolphin bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản XHCN và cố ý làm trái. Cậu học sinh giỏi toán năm xưa từng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tạ Quang Bửu chiêu đãi và gợi ý một số ngành nghề chắc không lường được hậu quả việc cố ý làm trái của mình. Sau khi xem xét lại vụ án, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ân xá cho Lê Minh Hải.

Được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, ngay từ những ngày còn ngồi bóc lịch ở Trại giam Xuân Lộc, Lê Minh Hải đã nghĩ ngay đến những việc phải làm. Trở về với cuộc sống đầy sôi động, với tính cách dám nghĩ dám làm, Lê Minh Hải lại viết thành công những dự án mới đầy táo bạo.

Người bị kết án tử hình

Ngày 13/10/1995, Lê Minh Hải bị bắt vì có liên quan đến vụ án Tamexco gây xôn xao dư luận. Ra tòa, Hải bị kết án tử hình về tội tham ô, cố ý làm trái, cụ thể là do cần vốn đầu tư vào Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu, Lê Minh Hải ký hợp đồng bán cho Phạm Huy Phước, Giám đốc Công ty Tamexco 14ha đất tại Phước Cơ, phường 11, TP Vũng Tàu. Tuy nhiên Tamexco lại cần đến 200ha đất để xây dựng khu dân cư, du lịch nên Lê Minh Hải làm phụ lục hợp đồng bán cho Phước 30ha thay vì 14ha như đã ký, đồng thời chịu trách nhiệm về các thủ tục như đóng thuế chuyển quyền sử dụng, thiết kế quy hoạch khu dân cư.

Ngày 13/7/1995, Lê Minh Hải chuyển cho Tamexco quyền sử dụng 50,7ha đất, lại cho Phạm Huy Phước mượn thêm 21ha nữa cũng do Lê Minh Hải đứng tên chủ quyền. Số đất ấy Phước không dùng vào mục đích như thỏa thuận mà mang thế chấp cho Vietcombank, First Vinabank lấy tiền ăn chơi trác táng.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định: "… Việc ký kết các hợp đồng sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất chỉ là những thủ đoạn nhằm phục vụ cho ý đồ phạm tội của mỗi bên. Thực chất các lô đất đó không có giá trị và cũng không đủ thủ tục pháp lý để đầu tư hiệu quả…". Ngày 31/1/1997, Lê Minh Hải bị kết án tử hình vì đã tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái, móc ngoặc với Phạm Huy Phước để chiếm đoạt 64 tỷ đồng. Lê Minh Hải kháng án. Ngày 31/3/1997, tòa phúc thẩm tuyên y án.

Ngày 9/9/1997, Lê Minh Hải được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký lệnh ân xá tử hình xuống chung thân. Được sống, được sinh ra lần thứ hai, Lê Minh Hải nghĩ ngay đến việc phải cải tạo tốt để sớm được trở về, được tiếp tục làm những gì mình say mê, được đóng góp công sức chuộc lại sai lầm, góp sức xây dựng đất nước.

Tháng 1/1998, Lê Minh Hải được chuyển lên Trại cải tạo Xuân Lộc, Đồng Nai. 6 năm ở Trại Xuân Lộc, Lê Minh Hải đã đóng góp với Ban Giám thị trại những dự án nuôi đà điểu, nuôi cá, ủi đất rừng không hiệu quả cải tạo lại thành đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế. Tính đến ngày được đặc xá, 2/9/2005, Lê Minh Hải ở tù 9 năm 11 tháng 20 ngày.

Viết tiếp những dự án táo bạo

Lê Minh Hải sinh năm 1953 tại xã Quách Văn Phẩm, huyện Ngọc Hiển, trong một căn chòi lá giữa rừng U Minh, là con trai duy nhất của Anh hùng Lao động Lê Minh Đức, một trong những người đầu tiên được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ngay từ những năm tiểu học, Lê Minh Hải đã bộc lộ năng khiếu về toán. Tốt nghiệp THPT, Hải là một trong 20 học sinh giỏi toàn miền Bắc, được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu chiêu đãi và gợi ý ngành nghề.

Thoạt đầu Lê Minh Hải định chọn ngành vật lý nguyên tử là ngành rất thời thượng lúc bấy giờ, trên thế giới mới chỉ có Liên Xô và Mỹ có vũ khí nguyên tử. Nhưng giấc mơ lênh đênh sóng nước, phiêu lưu khắp bốn phương trời đã thắng nên Lê Minh Hải chọn ngành cơ khí tàu biển, một ngành vừa có điều kiện ứng dụng kiến thức toán học của mình, lại vừa thỏa chí vẫy vùng bốn biển.

Suốt 6 năm du học trời Nga, Lê Minh Hải yêu nước Nga tha thiết, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tính cách Nga đôn hậu, chân thành, mạnh mẽ. Năm 1993, Lê Minh Hải thành lập Công ty Dolphin chuyên ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác san hô đỏ. Anh là người đầu tiên ở Việt Nam mua tàu ngầm mini Tinro2 về phục vụ cho việc khai thác san hô đỏ ở quần đảo Trường Sa mà sau khi chế tác nó đắt chẳng kém gì rubi (hồng ngọc). Lê Minh Hải là người đầu tiên thử nghiệm vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm từ TP HCM ra Vũng Tàu và ngược lại. Nói chuyện với tôi, Lê Minh Hải không giấu sự tự tin của một người đàn ông dám nghĩ, dám làm và dám chịu "Phương thức sử dụng tàu cánh ngầm hiện nay chính là con đẻ của tôi - Công ty Dolphin".

Những ngày đầu tiên trở về với cuộc đời đối với Lê Minh Hải là những ngày khó khăn, vui nhiều và buồn cũng nhiều. Một số người gặp anh thì tránh né vì sợ anh vay mượn, nhờ vả. Nhưng nhiều người vẫn tin tưởng anh, như Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo hiểm AAA không ngần ngại giao cho anh làm Tổng Giám đốc Công ty CP Tàu thủy Vũng Tàu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sửa chữa và Dịch vụ tàu biển Vũng Tàu với lời nhắn nhủ và cả niềm tin "Anh phải đứng dậy, phải vươn lên phía trước, anh phải là chủ cảng biển, chủ đội tàu vì anh là người của biển".

Nhưng ngay từ trong tù Lê Minh Hải đã ấp ủ một dự án cho riêng mình, nuôi cá tầm, dự án nhiều người cho là "không tưởng". Nghĩ là làm, cùng với một số bạn bè ở Viện hàn lâm Ucraina, được sự bảo trợ và hợp tác về tài chính của Công ty Bảo hiểm AAA, Lê Minh Hải đưa con cá tầm, loại nuôi để lấy trứng, một thứ thực phẩm cao cấp, rất đắt tiền trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng, vốn chỉ sống ở vùng cực Bắc nước Nga về nuôi nhân giống thành công ở Lâm Đồng, Kon Tum, Tam Đảo… đến nay đã phát triển lên hơn 1.000 con loại 5 năm có trứng và loại 2 năm có trứng.

Không những thế, từ tháng 4/2010, Lê Minh Hải còn triển khai nuôi cá tầm ở Myanmar. Khi được hỏi tại sao lại chọn nuôi cá tầm, một loại cá xa lạ với người Việt Nam, Lê Minh Hải cho biết: "Thịt và trứng cá tầm có giá trị dinh dưỡng rất cao, 1kg cá tầm chưa chế biến có giá khoảng 1.000 USD, sau khi chế biến sẽ lên đến 2.000 - 2.500 USD. Mỗi năm thế giới chỉ khai thác được khoảng 3.816 tấn cá tầm tương đương 33 triệu USD, chủ yếu khai thác từ tự nhiên, vì vậy tôi muốn một ngày thế giới phải đánh dấu thương hiệu cá tầm Việt Nam trên bản đồ thủy hải sản".

Dự án nuôi cá nóc để chế tinh chất Tetrodotoxin (TTX) và xuất khẩu các chế phẩm, sản phẩm từ cá nóc của anh còn táo bạo hơn nữa. TTX là độc chất cực mạnh, tập trung trong gan, trứng cá nóc, khi vào cơ thể người, chỉ cần 1 phần nghìn gram, TTX sẽ bịt kín các ống natri của màng các sợi thần kinh, dẫn đến liệt cơ và ngừng thở, hiện nay chưa có thuốc giải độc, biện pháp duy nhất để cứu nạn nhân là duy trì ôxy và tuần hoàn máu cho đến khi TTX hết tác dụng. Ở nước ta, nhiều người đã chết vì ăn trứng và gan cá nóc. Ấy vậy mà Lê Minh Hải đã cùng một số chuyên gia Việt Nam, chuyên gia Nga thuê mặt nước một số tỉnh duyên hải miền Trung để nuôi cá nóc lấy nọc độc xuất khẩu cho một số công ty Nga.

Theo nghiên cứu của y học, khi được sử dụng với một liều lượng hợp lý tùy theo bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân, TTX có thể cắt cơn đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cắt hẳn cơn nghiện cho người nghiện ma túy và có thể thay thế được Viagra hoặc Cialis mà không hề có tác dụng phụ như Viagra và Cialis. Theo tính toán, cứ 4.000 tấn cá nóc mới chiết xuất được 1kg TTX tinh chất, sẽ bán được 1 tỷ USD.

Trong khi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc rất ưa chuộng thịt cá nóc, mỗi kg có giá đến 1.000 USD, các nước này phải rất khó khăn mới nuôi được một số lượng ít ỏi cá nóc để cung cấp cho thị trường trong nước thì Việt Nam lại có nguồn cá nóc vô cùng phong phú, mỗi năm ngư dân đánh bắt được cỡ 10-12 nghìn tấn từ nguồn lợi tự nhiên.

Nhưng nguồn lợi tự nhiên khai thác rồi sẽ cạn, nghĩ vậy nên Lê Minh Hải đầu tư nuôi cá nóc. Hiện anh đang liên kết với một số đơn vị để xây dựng một "nhà máy nổi" ở một tỉnh duyên hải miền Trung, chi phí khoảng 950 tỷ đồng, gồm nhà máy chế biến cá nóc, nhà máy tinh chế TTX, đội tàu đánh bắt và khu vực nuôi cá.

Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, Lê Minh Hải còn tham gia nhiệt tình xây dựng các dự án xã hội, trong đó có Quỹ hoàn lương xuất phát từ ý tưởng của luật sư Trần Văn Tạo, được UBND TP HCM ký Quyết định thành lập số 3019/QĐ-UBND, ngày 8/7/2010.

Đây là quỹ xã hội từ thiện được thành lập nhằm mục đích góp phần hỗ trợ cho những người đã chấp hành xong hình phạt tù có cơ hội tái hòa nhập với đời sống cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, ổn định tâm lý và có điều kiện tập trung tham gia lao động, sản xuất để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, đồng thời đóng góp công sức, trí tuệ để cùng chung sức xây dựng đất nước

Minh Đức
.
.
.