Người xử lý vi phạm giao thông phải hết sức kiềm chế

Thứ Tư, 07/07/2010, 08:21
Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ việc các đối tượng điều khiển ô tô, xe máy chống người thi hành công vụ, đòi hỏi người xử lý vi phạm giao thông phải hết sức kiên quyết, nghiêm khắc nhưng cũng cần khéo léo, mềm dẻo…

Thời gian qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, các vi phạm về TTATGT đô thị, đặc biệt là hành vi của người vi phạm Luật Giao thông đường bộ không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra của lực lượng Cảnh sát trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thương tích hoặc tử vong cho cán bộ, chiến sĩ và người vi phạm. Tình trạng CSGT bị lái xe hất lên nóc capo dạo phố hàng kilomet đã trở thành chuyện không mới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính người có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông lại có thái độ thiếu kiềm chế. Vụ việc "chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 27/5 vừa qua trên địa bàn huyện Thường Tín là một ví dụ cụ thể.

Khoảng 10h15’ ngày 27/5, tổ công tác liên ngành số 2 (gồm 5 cán bộ Thanh tra giao thông và 3 CBCS Công an TP Hà Nội) do đồng chí Vũ Mạnh Huề, cán bộ Thanh tra giao thông là tổ trưởng lập chốt tại khu vực km13 đường 427 địa phận xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội để kiểm tra các xe ôtô vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Khi tổ công tác đã dừng kiểm tra được 2 xe ôtô chở cát từ hướng Hồng Vân về thị trấn Thường Tín thì xe ôtô BKS 33M-3978 do anh Lê Minh Chuẩn, ở thôn Triều Đông, xã Tân Minh, Thường Tín điều khiển đi đến. Thấy xe vi phạm chở cát cao quá thành xe, bạt che không phủ kín, đồng chí Thượng sỹ Nguyễn Duy Tuấn (CSGT) đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Anh Chuẩn điều khiển ôtô đi vào lề đường bên phải và đỗ lại, xuống xe gặp đồng chí Trần Nam Trung (CSGT) trong tổ công tác, trình bày không mang theo giấy tờ bởi giấy tờ do chủ xe cầm và gọi điện cho Phạm Xuân Quân, 37 tuổi ở thị trấn Thường Tín là chủ xe ôtô. Khoảng 15 phút sau, Phạm Xuân Quân đi xe máy ra gặp đồng chí Huề xin cho xe đi nhưng đồng chí Huề không đồng ý.

Thấy không xin được, Quân đi ra đứng trước xe ôtô 33M- 3978 đang đỗ, bảo lái xe Chuẩn cứ lên xe nổ máy đi, không phải xuất trình giấy tờ nữa. Khi Chuẩn lên xe nổ máy thì đồng chí Trung đứng trước đầu xe ôtô ngăn lại. Quân dùng tay đẩy vào người đồng chí Trung ra xa đầu xe ôtô để xe ôtô lăn bánh. Thấy vậy, đồng chí Trương Tuấn Anh (CSTT) từ sau xe chạy lên, một tay nắm cần gạt nước, tay kia cầm chiếc vợt bằng gang của Thanh tra giao thông có chữ Stop văng đập vào kính chắn gió phía trước xe ôtô làm thủng 1 lỗ nhỏ và rạn vỡ kính xe.

Ngay lúc đó, Phạm Xuân Quân xông vào túm cổ áo đồng chí Trương Tuấn Anh và chửi bậy. Hai bên xô đẩy giằng co nhau. Thấy vậy, các đồng chí trong tổ công tác chạy tới bắt giữ Quân đẩy lên xe ôtô của tổ công tác. Quân vùng vẫy không chịu lên thì đồng chí Tuấn Anh dùng khóa số 8 khóa tay Quân lại đẩy lên xe đưa về trụ sở cơ sở 2 của Công an huyện Thường Tín. Trong lúc tổ công tác và Quân giằng co nhau, Chuẩn đánh xe ôtô tiến lên phía trước khoảng 20m thì đỗ lại sát lề đường, sau đó anh này đánh xe vào Công an huyện Thường Tín để làm việc.

Sau khi một số báo đăng tải nội dung vụ việc, chúng tôi đã làm việc với Công an huyện Thường Tín và được biết, sau khi tiếp nhận sự việc, cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Phạm Xuân Quân, ghi lời khai người làm chứng, người liên quan, thu thập các tài liệu để làm rõ sự việc và lập hồ sơ ban đầu; mời VKSND huyện Thường Tín tham gia khám nghiệm hiện trường, xác định vị trí xe ô tô dừng đỗ, kiểm tra giấy tờ xe, kiểm tra dấu vết và hàng hóa trên xe ô tô; kiểm tra dấu vết trên thân thể và đưa đồng chí Trương Tuấn Anh đến Bệnh viện huyện Thường Tín khám thương tích, kết quả ghi: "15h ngày 27/5/2010. Bệnh nhân khai bị người khác dùng tay bóp vào cổ, sau thấy tấy đỏ vùng cổ. Hiện tại vùng cổ không còn tấy đỏ, không có xây xước; không có tổn thương gì khác".

CA TP Quy Nhơn thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng chống người thi hành công vụ (Ảnh:Thu Huyền).

Theo phương án phối hợp liên ngành số 484/PALN/CATP-GTVT ngày 12/5/2010 của Công an TP và Sở GTVT Hà Nội và lịch phối hợp liên ngành từ ngày 24 đến 30/5/2010 thì ngày 27/5/2010, tổ công tác liên ngành số 2 làm việc tại địa bàn huyện Thanh Trì, tuyến đường Quốc lộ 1 và tuyến Quốc lộ 70.

Khi cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín yêu cầu tổ công tác liên ngành số 2 cho kiểm tra giấy tờ có liên quan đến công tác tuần tra kiểm soát giao thông ngày 27/5, tổ công tác chỉ có một văn bản Phương án phối hợp số 484 ngày 12/5/2010, biên bản kiểm tra xe ô tô 33M-3978 vi phạm cũng chưa lập dù trước khi xảy ra sự việc xô xát đã phát hiện, dừng xe vi phạm 15 phút.

Sau khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã báo cho VKSND huyện Thường Tín kiểm sát ngay từ đầu. Căn cứ hồ sơ ban đầu, hai ngành thống nhất đánh giá chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản nên không tạm giữ trường hợp nào.

Qua việc này cho thấy, đối với Lê Minh Chuẩn, lái xe ô tô BKS 33M-3978 khi điều khiển xe ô tô chở cát để rơi vãi gây mất vệ sinh môi trường, lưu thông trên đường không mang theo giấy tờ xe và giấy phép lái xe, là vi phạm Luật GTĐB và Nghị định số 34/2009/NĐ-CP, khi tổ công tác kiểm tra chưa cho phép đi đã đánh xe đi là không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ cần phải xử phạt hành chính theo quy định.

Còn chủ xe Phạm Xuân Quân, khi đến gặp đồng chí Huề để xin xe không được đã bảo Chuẩn cứ nổ máy đánh xe đi là xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ dẫn đến việc đồng chí Trương Tuấn Anh (CSTT) phải chặn xe lại và làm vỡ kính xe. Việc Quân xô đẩy đồng chí Trung (TTGT) và chửi bới, túm cổ, lôi kéo, giằng co với đồng chí Trương Tuấn Anh là hành vi lăng mạ, chống người thi hành công vụ, cần phải tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua đây cũng có thể thấy, công việc tuần tra kiểm soát giao thông rất phức tạp, nhạy cảm bởi tiếp xúc trực tiếp với người dân, vì vậy, đòi hỏi thái độ của người thực thi nhiệm vụ phải đúng mực, lễ phép với nhân dân, thực hiện tác phong đúng điều lệnh. Đồng chí Trương Tuấn Anh khi làm nhiệm vụ đã thiếu bình tĩnh, làm vỡ kính xe ôtô gây bức xúc cho chủ xe...

Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ việc các đối tượng điều khiển ô tô, xe máy chống người thi hành công vụ, đòi hỏi người xử lý vi phạm giao thông phải hết sức kiên quyết, nghiêm khắc nhưng cũng cần khéo léo, mềm dẻo. Điều đáng nói là vụ việc này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh có văn bản gửi các đồng chí lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị này quán triệt và thực hiện 4 nội dung khi thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, trong đó có nội dung: "Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh CAND, quy trình, quy định công tác, tư thế, tác phong và hết sức kiềm chế khi bị các đối tượng quá khích trêu chọc hoặc có hành vi khiêu khích người thi hành công vụ"

Nhóm PVĐT
.
.
.