Nhà ở cho người có thu nhập thấp: Những nghi ngại của người thực nghèo

Thứ Bảy, 09/10/2010, 08:37
Nhanh nhất là vào đầu tháng 10, danh sách những "người nghèo đô thị" ở Hà Nội lần đầu tiên được mua nhà ở xã hội sẽ được công bố. Nhìn lại cuộc "chạy sô" của gần 1.900 đại diện hộ gia đình khi nộp hồ sơ vào dự án 328 căn hộ tại phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông do Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, nhiều người vẫn có những nghi ngại của riêng mình.

1. Chỉ giới hạn trong 10 ngày nhưng Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Công ty Bê tông Xuân Mai) đã tiếp cận 1.890 hồ sơ mua nhà ở cho người thu nhập thấp. Con số 328 căn hộ được bán ra lần này quá ít ỏi so với số lượng người mua gần 2.000. Chị Nguyễn Thu Hằng, tạm trú dài hạn ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho biết: "Sau khi nhận hồ sơ của tôi, anh nhân viên hài hước dặn, chị về đợi kết quả thi đại học nhé. Nghe cậu ta nói vậy, tất cả mọi người đang chờ đến lượt nộp hồ sơ cùng cười".

Ngày 9/9, ngày gần chót nhận hồ sơ (ngày 10/9 là hạn cuối cùng), tại trụ sở Công ty Bê tông Xuân Mai, chúng tôi ghi nhận được sức nóng của "thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp". Hàng trăm người, đủ các lứa tuổi, thành phần xã hội ngồi kín tầng hầm rộng cả trăm mét vuông.

Anh Nguyễn Việt Thành, quê ở huyện Chương Mỹ, nhận xét: "Nhà ở, ở thành phố là vấn đề vô cùng bức bách. Hai chị em tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại Hà Nội. Thu nhập của chị gái tôi 8.000.000đ/tháng, của tôi là 5.000.000đ/tháng. Mặc dù cả hai đều thuộc diện phải đóng thuế thu nhập nhưng gần chục năm qua vẫn chưa mua nổi một túp lều".

Căn cứ theo quy định hiện hành, cả hai chị em anh Thành đều không thuộc diện được mua nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, anh Thành lý giải: "Chị gái mình là người độc thân, mức thu nhập 8.000.000đ/tháng thuộc diện đóng thuế thu nhập. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ đóng thuế thu nhập thì được chiết trừ gia cảnh vì bố mẹ ở quê không có lương hưu. Đây là căn cứ để chị tôi đứng tên nộp hồ sơ mua nhà lần này". Nói rồi, anh Thành tính, căn cứ vào mức thang điểm hiện hành, chị gái anh cũng được trên 80 điểm.

"Nộp thì cứ nộp chứ biết ra sao mà tính", chị Hạnh, một người phụ nữ có vẻ bề ngoài đặc trưng của cư dân đô thị nghèo nói. Chị bảo: "Tôi mang tiếng sống ở trên phố nhưng cả nhà chui trong 10m2. Tôi bán nước ở vỉa hè, mỗi ngày kiếm vài chục nghìn đủ mua gạo, mua rau". Đúng là chị thuộc đối tượng xét duyệt mua nhà thật nhưng chị lại không ý thức được mình thuộc diện "có nhà ở dưới 5m2/người". Thế nên chị cứ đôn đáo làm hồ sơ, bỏ cả ngày bán hàng đi nộp dù tổng số điểm chỉ có 70. Số điểm này thấp so với thang điểm 100 theo quy định, nhất là trong đợt này, khi số hồ sơ trên 80 điểm chiếm tỷ lệ lớn.

Trong khi câu chuyện về nhà ở bên ngoài nơi tiếp nhận hồ sơ đang sôi nổi thì một chiếc xe ôtô 4 chỗ, loại Matiz đời mới nhập nguyên chiếc từ từ tiến vào. Bất ngờ hơn khi tôi nhận ra, đó là người quen. Thấy tôi, anh vui vẻ chào hỏi:"Cô lên tận đây tác nghiệp à". Tôi cười và hỏi: "Anh đi nộp hồ sơ cho ai vậy?". "Cho anh", anh Nguyễn Nhất Q. nói. Thấy tôi nhíu mày, anh Q. giải thích: "Thì cứ nộp, được mua thì tốt, không được cũng không tiếc". Anh công tác tại một huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng có nhà và đang sống tại quận Hà Đông. Vợ chồng anh đều là công chức nhà nước. Mới đây, anh mua trả góp chiếc xe Matiz. Thế là thành người đi "xế hộp". Nếu xếp loại, anh thuộc hàng trung lưu chứ đâu có thuộc diện "thu nhập thấp", sao đi mua nhà giá thấp nhỉ?

Sự xuất hiện của anh Q. khiến tôi để ý ra xung quanh, quả thực không chỉ anh đi xe ô tô. Có không ít người đến đây bằng taxi, bằng ôtô. Thế nên, việc báo chí phản ánh, "đại gia đi "xế hộp" mua nhà ở giá thấp hoàn toàn có cơ sở. Hôm sau, tôi gọi điện cho anh hỏi bí quyết để được xác nhận chưa có nhà ở (trong hồ sơ, có phần chính quyền địa phương xác nhận "chưa có nhà ở" hoặc "nhà ở dưới 5m2/người"). Anh Q. bảo: "Đơn giản ấy mà". Cái sự "đơn giản" như anh nói chính là việc, người đại diện chính quyền địa phương đã làm sai quy định và bản thân anh cũng phải đối diện với việc bị xử phạt. Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Quyết định 34 của UBND thành phố Hà Nội, "tổ chức cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được mua, thuê và thuê mua nhà ở thu nhập thấp, ngoài việc bị xử lý theo quy định (cao nhất là xử lý hình sự), buộc phải trả lại nhà đã mua hoặc thuê". Quy định xử lý vi phạm đã rõ, tại sao anh Q. và một số người thi hành công vụ vẫn làm?

Cảnh bên ngoài phòng nhận hồ sơ của Công ty Bê tông Xuân Mai.

Là công chức nhà nước, anh Q. nhận thức rõ cái "được" (được mua nhà với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường) và "mất" (bị xử phạt, tịch thu nhà). Tuy nhiên, từ bị phát hiện, xử lý đến bị tịch thu nhà là rất xa. "Trong đợt này, tôi nghĩ quan trọng là để có thang điểm cao chứ việc bị phát hiện làm hồ sơ gian dối rất khó vì số lượng hồ sơ lớn", anh Q. nói.

Theo cách tính của anh, hồ sơ của anh được 90 điểm. Với số điểm này, anh tin chắc sẽ lọt được vào vòng bốc thăm (việc xét duyệt sẽ căn cứ vào mức điểm từ cao xuống thấp. Những hồ sơ đạt điểm 90 trong lần bán nhà này lớn hơn số căn hộ được bán ra nên chủ đầu tư đưa ra phương án những người cùng thang điểm này bốc thăm). Nếu lọt qua phần hậu kiểm của cơ quan quản lý Nhà nước, anh Q. chỉ cần cầu mong vào sự mát tay của mình là được mua căn hộ 70m2 với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.--PageBreak--

Để hạn chế thấp nhất bán, cho thuê nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội sai đối tượng, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sẽ thực hiện chặt phần hậu kiểm và nhờ quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác. Thực tế, nếu việc làm hồ sơ làm chặt ngay từ đầu sẽ tránh được tình huống, "nhà giàu" thành "nhà nghèo".

Tại phòng tiếp nhận hồ sơ của Công ty Bê tông Xuân Mai, anh Nguyễn Hồng Quân, trú tại quận Đống Đa cho biết: "UBND phường căn cứ vào xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố về việc chưa có nhà ở, hiện đang thuê nhà tạm trú. Tuy nhiên, nếu tôi đang có nhà ở chỗ khác, Tổ trưởng Tổ dân phố cũng không kiểm chứng được việc này. Quy trình tưởng chặt nhưng thực ra, nếu ai đó muốn gian dối thì vẫn có thể qua mặt được". Thế mới biết, tính tự trọng của mỗi công dân rất quan trọng trong việc giúp Nhà nước thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội.

2. Ngày 22/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 67 về một số cơ chế, chính sách ưu đãi về xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội cũng có quy định cụ thể hơn về việc này. Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trên toàn quốc hiện có khoảng 190 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng số 170.000 căn hộ. Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 25.000 căn hộ đã và đang xây dựng. Mặc dù, số lượng căn hộ dành cho đối tượng tạm gọi là người nghèo đô thị đang được xây dựng lớn như vậy nhưng so với nhu cầu thực tế thì chưa đáp ứng được.

Có mặt tại dãy phòng trọ thuộc làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi thấy điều kiện sống của người thuê trọ rất kém. Phòng trọ ẩm thấp, diện tích 15m2/phòng mà giá 1.300.000đ/tháng. Ngoài ra, chi phí về điện, nước lại cao gấp 3 lần so với hộ gia đình có hợp đồng với công ty điện, công ty kinh doanh nước sạch. Nói về việc thuê nhà ở xã hội, chị Trần Thị Loan cho rằng: "Em chẳng bao giờ mơ vì mình là người lao động phổ thông. Mặc dù sống ở Hà Nội gần chục năm rồi nhưng nay trọ khu này, mai trọ khu khác nên chẳng ai xác nhận mình là người tạm trú dài hạn cả". Thế nên, với nhiều người ngoại tỉnh nhập cư về Hà Nội, việc được mua, thuê nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội là điều xa xỉ.

Cơ chế chính sách về ưu đãi để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội có hấp dẫn nhà đầu tư? Khác với nhà ở xã hội (được xây dựng bằng vốn ngân sách, dùng để cho thuê), nhà ở cho người có thu nhập thấp là loại hình nhà ở thương mại có sự điều tiết của nhà nước về diện tích (tối đa 70m2), giá cả, điều kiện, đối tượng được mua, bán. Nhà nước đang ưu đãi cho các chủ đầu tư các quyền: miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm một số loại thuế (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp), tỷ lệ lợi nhuận 10%...

Hiện nay, Tổng công ty Vinaconex đang là doanh nghiệp dẫn đầu về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trước mối quan tâm của nhiều người về chất lượng xây dựng các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Vinaconex cam kết: "Xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp mà chất lượng không thấp".

Trong khi giá căn hộ chung cư tại Hà Nội hiện nay có mức trung bình trên dưới 20 triệu/m2 thì giá 8,8 triệu/m2 được bán tại chung cư CT 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông thực sự hấp dẫn. Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Bê tông Xuân Mai và Công ty Vinaconex Xuân Mai khởi công xây dựng 5 khối nhà cao 19 tầng, tổng số 1.512 căn hộ tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông với giá dự kiến ban đầu là 8 triệu đ/m2 lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người. Hiện nay, việc định giá bán nhà ở thu nhập thấp do chủ đầu tư đưa ra chứ chưa có sự can thiệp của UBND các tỉnh, thành. Mặc dù như vậy song với mức giá này, nhiều người hy vọng sẽ làm hạ nhiệt giá căn hộ chung cư chỉ tăng theo thời gian chứ không giảm trên thị trường bất động sản tại Hà Nội.

3. "Vạn sự khởi đầu nan", việc Công ty Bê tông Xuân Mai lần đầu tiên cung ứng ra thị trường 328 căn hộ cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội là bước khởi đầu trong việc thực hiện chính sách nhà ở cho các thành phần khó khăn về nhà ở, ở các đô thị. Việc thực hiện quy trình: chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng kiểm duyệt đã thực sự chặt chẽ hay cần có sự điều chỉnh qua lần này sẽ được đánh giá lại. Hy vọng rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở của Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung sẽ công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Có như vậy, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta mới phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Công ty Bê tông Xuân Mai: Chúng tôi đang gấp rút hoàn tất các thủ tục kiểm kê gần 2.000 bộ hồ sơ để trình lên Sở Xây dựng kiểm duyệt. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi trên website của doanh nghiệp, Sở Xây dựng. Những hồ sơ không được mua nhà ở cho người có thu nhập thấp lần này, chúng tôi sẽ trả lại và kèm theo biên bản xác nhận "chưa được mua" để người dân nộp hồ sơ đăng ký mua nhà vào dự án khác. Nhanh nhất vào đầu tháng 10, chúng tôi sẽ có thông báo đến người mua.

Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp là việc làm lâu dài của thành phố. Hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều dự án cho các thành phần khó khăn về nhà ở như khu Xa La, Bắc An Khánh... Những lo ngại về chất lượng công trình, tính công bằng, minh bạch trong việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê nhà sẽ  được thực hiện và duy trì.

Anh Trần Văn Tuấn, quận Hà Đông: Trong thang điểm quy định của Bộ Xây dựng, hộ gia đình có hai người hưởng lương ngân sách trở lên được tính 10 điểm. Việc này không công bằng đối với đơn thân nuôi con. Tôi ví dụ, cùng hoàn cảnh chưa có nhà ở, thuộc lực lượng vũ trang, mức thu nhập dưới 3 triệu/tháng nhưng hộ gia đình có hai vợ chồng được 90 điểm, trong khi hộ đơn thân nuôi con chỉ được 88 điểm. Tôi đề nghị xem xét lại điểm này.

Vĩnh Nghi
.
.
.