Những câu chuyện của người trinh sát tiêu biểu của Thủ đô

Thứ Sáu, 30/07/2010, 14:39
Hành trình tuổi 30 của Trung úy Đàm Văn Liêm, trinh sát trẻ thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Gia Lâm - Hà Nội là những đêm dài triền miên trong những cuộc phá án. Đó là cuộc hành trình thầm lặng mà kiên cường của anh và các chiến sĩ trinh sát nhằm tìm ra, bảo vệ và hướng tới công lí.

Mấy ai biết được rằng, bản tính "xấu" nhất của người trinh sát tài giỏi này là tự ái cá nhân khi chưa khám phá ra vụ án. Phần thưởng 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2009 ghi nhận phần nào công lao của lực lượng Cảnh sát huyện Gia Lâm và cá nhân Trung úy Đàm Văn Liêm.

Người duy nhất có thể thắp hương cho chị gái

Ngồi một mình nơi phòng giam, ánh mắt Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi, trú tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) không còn vằn lên những tia nhìn dữ dằn như trước. Vẫn mái tóc nhuộm vàng, khuôn mặt gớm ghiếc của kẻ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã "vào tù ra tội", có lẽ đây là lần duy nhất Tuấn Anh cúi đầu thành khẩn khai báo.

Một lát sau, Tuấn Anh xin phép tổ trinh sát cho gặp riêng Trung úy Đàm Văn Liêm. Lúc ấy đã 3 giờ kém 10, không gian buổi đêm tĩnh mịch. Căn phòng thẩm tra đối tượng ở biệt lập một nơi nên càng thêm lạnh lẽo. Tuấn Anh khóc to hơn, mí mắt dường như đã sưng húp. Trung úy Liêm không biết xử sự ra sao trước tình cảnh này.

Vừa khóc, đối tượng vừa sụp xuống và nói: "Anh ơi, cứu em với. Em thật sự rất cô đơn. Em biết tội của em rồi. Nhưng em không muốn đi tù nữa. Em muốn được hàng ngày nhang khói cho chị gái". Người trinh sát trẻ động viên Tuấn Anh: "Sao khi thực hiện hành vi em không nghĩ đến hậu quả mình phải gánh chịu?".

Chạng vạng tối ngày 12/2/2010, chọn thời điểm gia đình nhà ông Chỉnh (ngõ 2, phố Phan Đăng Lưu, Gia Lâm, Hà Nội) đang ngồi ăn cơm cùng lúc còi tàu inh tai và tiếng rít đường ray kéo gần nhất, Tuấn Anh nhanh nhẹn dùng búa phá khóa càng rồi dùng chiếc chìa khóa khác bật ổ khóa điện, phi thẳng lên chiếc xe Dream phóng vào khoảng trời nhập nhoạng tối.

Phát hiện mất xe, chủ nhà kêu to "cướp, cướp" nhưng chẳng ai còn thấy bóng của tên trộm đã "nhẵn" ba tiền án về tội trộm cướp tài sản. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Công an huyện Gia Lâm, trực tiếp là Trung úy Đàm Văn Liêm cùng Trung úy Lê Xuân Hiệp phóng xe lần tìm dấu vết đối tượng.

Qua rà soát hiện trường và lần theo manh mối, hai Trung úy trẻ đã phóng xe bám đối tượng từ địa bàn Yên Viên về ga Gia Lâm. Tại đây, Tuấn Anh bị phát hiện đang cùng bạn gái tên Vui vào quán Internet sau cổng ga chát chít và chơi game. Phối hợp cùng Công an thị trấn Yên Viên, trinh sát Liêm đã dẫn giải đối tượng về Đồn Công an Bắc Đuống, Gia Lâm.

Tuấn Anh đã chối cãi và phủ nhận hành vi trộm cắp. Y thừa nhận có về nhà trọ thắp hương cho chị gái. Nhưng sau đó, y đưa ra chứng cứ ngoại phạm là trong khoảng thời gian xảy ra vụ trộm, y còn ngồi uống nước với một anh bạn cùng xóm. Vì là thành phần "vào tù ra tội" nên Tuấn Anh không hề tỏ vẻ hoảng sợ trước các câu hỏi của cơ quan Công an.

Biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng: bố mất sớm, mẹ đang ngồi tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy, anh trai vừa bị Công an quận Long Biên bắt về tội trộm cắp xe máy, chị gái vừa mất hồi cuối tháng 11/2009 và bản thân Tuấn Anh đã bị chủ trọ đuổi khỏi nơi ở nên sống vạ vật, nay đây mai đó.

Lúc này, theo cảm nhận riêng của Trung úy Liêm, sử dụng biện pháp tra hỏi với một đối tượng đã ba tiền án trộm cướp chắc chắn không hiệu quả vì thời điểm xảy ra vụ trộm không có nhân chứng cụ thể. Ngay bản thân Tuấn Anh lại thực hiện hành vi trộm cắp "độc lập" không hề có đồng bọn đi cùng.

Trung úy Liêm quyết dùng đòn tâm lí. Anh đã tâm sự với Tuấn Anh về tình cảnh gia đình, hỏi han sức khỏe của người thân và "đánh thẳng" vào tâm lí đối tượng hiện tại. Khi này, anh không còn là người hỏi cung đối tượng nữa mà như người anh trai muốn kéo gần khoảng cách giúp Tuấn Anh tự nhận thức hành vi sai trái.

Sau một hồi lặng tâm, Nguyễn Tuấn Anh đã cúi đầu nhận tội và dẫn các trinh sát đến địa điểm giấu xe máy tại km 6 thuộc địa phận huyện Đông Anh. Trước khi tra tay vào còng số 8, Tuấn Anh còn ngoái đầu lại cảm ơn trinh sát Liêm: "Giờ em là người duy nhất trong gia đình có thể thắp hương cho chị gái. Em biết, em là thành phần "vào tù ra tội" nhưng em sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để về với người yêu, sửa sang mộ phần của chị và còn chờ ngày mẹ ra tù".

Hồi kết sau vụ án giết người yêu rồi tự vẫn

Trinh sát Liêm không sao quên được vụ án mạng xảy ra vào hồi tháng 8/2009. Mới đó mà đã được gần một năm. Vụ án mà báo chí đã đưa tin rầm rộ. Vụ án mà sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 nhiều ngày sau đó không dám đi qua phố Đào Nguyên. Cả người gây án và nạn nhân còn quá trẻ: cùng thuộc thế hệ 8X như người trinh sát ấy. Tiếc rằng, chỉ một phút bồng bột của tuổi trẻ và tình yêu mù quáng đã gây nên cái chết oan nghiệt.--PageBreak--

Đêm 25/8, tại thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), Nguyễn Thị Phương (24 tuổi, quê Phú Xuyên, Hà Nội) đã bị người tình cũ là Trần Minh Đức (24 tuổi, trú tại Vị Xuyên, Hà Giang) khi đó đã ra trường và làm nhân viên cho một công ty tại Hà Nội dùng dao chọc tiết lợn cắt đứt cuống họng cho đến chết. Người con gái ấy, theo như lời nhiều người kể còn quá trẻ, nước da trắng hồng, dáng dong dỏng cao.

Phương yêu Đức qua giới thiệu của người anh rể từ năm 2007. Nhưng sau hai năm, cảm thấy không hợp nhau, tháng 4/2009, Phương đã chia tay với Đức. Vì quá yêu Phương, Đức không thể để người yêu ra đi dễ dàng như vậy. Đã mấy lần Đức sang phòng trọ của Phương và dùng dao gọt hoa quả tự đâm vào bụng mình. Đức còn dọa: "Nếu em bỏ anh, anh sẽ tự tử". Nhưng tình nghĩa đã hết, Phương không muốn níu kéo.

Một thời gian bặt liên lạc cho đến một hôm, hắn hẹn gặp người yêu tại phòng trọ và rủ ra ngoài cột điện (cách nhà 500m) nói chuyện rồi dùng dao cắt cổ người yêu. Sau khi gây án, Đức vứt lại con dao rồi bỏ trốn. Hôm sau, Đức thuê xe ôm sang nội thành.

Công an huyện đang tiếp tục điều tra thì may mắn, chỉ ít giờ sau, một người chạy xe ôm tên V. (49 tuổi) đến trình báo việc một thanh niên thuê ông chạy xe khi đến giữa cầu Long Biên đã nhảy xuống tự tử. Trên yên xe của ông V. hôm ấy, là ví tiền của Đức trong có 12.000 đồng và bức thư tuyệt mệnh kẹp trong cuốn sổ.

Trinh sát Liêm còn nhớ như in dòng chữ nhòe nước mắt của Đức: "Con xin lỗi bố mẹ vì đã không nghe lời" kèm theo lời xin lỗi một người bạn vì mượn xe máy và đã mang cắm tại hiệu cầm đồ.

Khi điều tra, tìm hiểu vụ án, trinh sát Liêm cùng đồng đội được người nhà và bạn bè Đức cho biết: Cậu ta là một người tốt và sống tình cảm. Trước khi xảy ra vụ án mạng oan nghiệt, cậu ta có một vài biểu hiện không bình thường, tâm trạng u uất. Nhiều hôm uống rượu và tâm sự với bạn bè không ngớt về việc đã trót dành rất nhiều tình cảm cho Phương. Ngay trong đêm xảy ra án mạng, mẹ Phương đã cùng ba người thân chạy xe máy đến nơi trọ học của cô con út xấu số.

Trinh sát Liêm cũng là một người trẻ và anh đã phải suy nghĩ rất nhiều về hướng giải quyết sau án mạng. Người mất đã mất, nhưng làm sao xóa bỏ hận thù giữa hai gia đình. Đêm hôm đó, anh đã chạy xe lên Hà Giang nơi bố mẹ Đức sinh sống để thông tin tình hình và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Ngay khi biết con trai mình vừa gây án mạng giết người, mẹ của Đức đã đổ sụp xuống. Bà không thể tin được người con vốn hiền lành, ngoan ngoãn bỗng chốc trở thành kẻ phạm trọng tội. Bà muốn xuống tận nơi xảy ra án mạng để chối bỏ rằng người có thể đi làm chuyện "động trời" đó là một ai khác chứ không phải người con bà nhất mực yêu thương. Xuống đến nơi, một lần nữa bà lại gục ngã.

Người chết đã chết nhưng làm sao giúp những con người còn sống xóa bỏ hận thù và quên đi được vết thương lòng quá lớn. Đứng ở địa vị một người cùng trạc tuổi con trai bà, Trung úy Liêm khuyên gia đình nên về nói chuyện và gặp mặt cha mẹ người con gái xấu số đã bị lưỡi dao oan nghiệt cắt đứt phần đời phía trước.

Không khí của buổi gặp mặt thật nặng nề. Bố mẹ Đức cũng là cán bộ trên Hà Giang, nhưng đứng trước vong linh của Phương ông bà không thể cầm được nước mắt và lần thứ ba bà không còn trụ vững. Những giọt nước mắt như mong muốn cô gái trẻ dưới suối vàng tha thứ cho tội ác con trai bà gây ra. Gia đình nạn nhân, một mặt là người lương thiện, mặt khác cũng nhờ được trinh sát Liêm bên cạnh động viên, phân tích phải trái đã không thể hiện thái độ hung hãn trước người bố, người mẹ có đứa con giết người.

Đó là vụ án mà trinh sát Liêm mất ngủ nhiều đêm liền. Bởi cả đối tượng gây án và nạn nhân đều là những người trẻ có hiểu biết, có học vấn. Vụ án diễn ra và kết thúc quá trình điều tra nhanh chóng chỉ vẻn vẹn trong hai ngày. "Khôn ba năm dại một giờ" đó là câu nói anh thấy đúng khi áp dụng với những vụ án mạng anh từng điều tra phá án. Người trinh sát trẻ nhớ lại quãng thời gian 5 năm gắn bó với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm - 5 năm làm trinh sát là 5 năm anh va chạm và ngụp lặn với xã hội, thấu hiểu từng thân phận người. Và anh biết rằng cuộc chiến công lí giữa cái thiện - cái ác còn cần đến anh

Thu Thủy - CSTC 26
.
.
.