Những khuất tất phía sau thần dược

Thứ Bảy, 12/06/2010, 08:01
Thuốc cai nghiện ma tuý có tên Thiên Thanh Hoàn gây ra cơn sốt cách đây không lâu và hiện vẫn đang là đối tượng săn lùng của một số người nghiện ma tuý, thế nên việc Thanh tra Bộ Y tế mới đây yêu cầu, Tiến sỹ Dư Đình Động "rút kinh nghiệm và ngừng ngay việc sản xuất, sử dụng thuốc Thiên Thanh Hoàn. Đề nghị TS Dư Đình Động ngừng ngay việc thông tin về thuốc Thiên Thanh Hoàn trên mạng Internet trước ngày 16/4/2010" lập tức gây sự chú ý của công luận.

Thực hư bài thuốc cai nghiện này thế nào? Tại sao Thanh tra Y tế lại yêu cầu ngừng sản xuất và sử dụng? Ngoài chuyện lùm xùm về bản quyền, còn rất nhiều những yếu tố khuất tất từ việc kinh doanh và hiệu quả sử dụng của loại thuốc được coi là thần dược này.

Tháng 9/2009, Báo CAND nhận được đơn thư của ông Ngô Minh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình về việc, "Thiên Thanh Hoàn bản coppy mờ của đề tài nghiên cứu tạo chế phẩm BAHUDO trong cai nghiện ma tuý chưa được công bố". Đây là thời điểm thuốc Thiên Thanh Hoàn đang tạo nên cơn "dư chấn" trong dư luận, là thứ mà người nghiện ma tuý và gia đình họ đang săn lùng. Bởi tất thảy đều biết đến Thiên Thanh Hoàn như một thứ thần dược, vị cứu tinh của người nghiện ma tuý bởi đặc tính giúp người cai nghiện không phải vật vã khi cắt cơn và quên hẳn được ma tuý. Thế nên, khi đọc những nội dung trong đơn thư tố cáo, Ban biên tập Báo CAND đã giao phóng viên tìm hiểu, đồng thời có văn bản yêu cầu TS Dư Đình Động trả lời những nội dung nêu trong đơn.

Sau đó không lâu, toà soạn đã nhận được phúc đáp của TS Dư Đình Động với những lý lẽ phản bác lại lời tố cáo trong đơn. Để làm rõ thực hư, nhóm phóng viên điều tra tiếp tục tìm hiểu, xác minh. Bước đầu, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc loạt bài viết này.

Kỳ 1: Mối lương duyên của 3 nhà khoa học

BAHUDO là gì?

Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là PGS.TS Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Trước đây tôi đã biết đến ông khi viết bài giám định gen hài cốt liệt sỹ. Câu đầu tiên tôi hỏi:

- Sao các ông không lên tiếng khi thuốc Thiên Thanh Hoàn mới bắt đầu được giới truyền thông quan tâm?

- Ngay sau bài báo đầu tiên đăng tải, chúng tôi định có đơn phản hồi gửi đến toà soạn nhưng rồi lại thôi.

- Sao các ông không gửi?

- Lãnh đạo Viện (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) yêu cầu chúng tôi cứ tiếp tục công việc nghiên cứu của mình, không nên đôi co. Và đến giờ, chúng tôi vẫn giữ quan điểm này.

- Nhưng tôi nghĩ, các ông cũng nên có tiếng nói để làm rõ thực hư, đừng để dư luận cứ mãi nghi nghi hoặc hoặc.

- Thực hư thế nào thì khi kết quả nghiên cứu của chúng tôi công bố, mọi người sẽ biết.

- Nếu vậy, mọi người sẽ phải đợi.

- Đúng là phải đợi, bởi chúng tôi phải làm đúng quy trình, không thể đốt cháy giai đoạn được. Thuốc thì chúng tôi đã có rồi đây (ông đưa tôi xem hộp thuốc, với những viên thuốc hình con nhộng) nhưng do chưa thử nghiệm lâm sàng trên người nên không thể công bố.

- Bao giờ mới thử nghiệm lâm sàng ạ?

- Hiện nay, đề tài "Nghiên cứu tạo chế phẩm BAHUDO trong cai nghiện ma tuý" đang nghiên cứu đúng tiến độ trong giai đoạn 2008-2010 đã đăng ký với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang xin phép Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người. Bộ Y tế sẽ cho phép thử nghiệm ở một bệnh viện chuyên khoa tâm thần hoặc đông y. Việc thử nghiệm này sẽ hoàn toàn độc lập, chúng tôi chỉ là người cung cấp thuốc, hướng dẫn cách sử dụng...

- Thời gian thử nghiệm lâm sàng sẽ là bao lâu, thưa ông?

- Có thể là một năm, hai năm hoặc lâu hơn!

- Như vậy thì người nghiện ma tuý sẽ phải đợi?

- Buộc phải như vậy thôi bởi vì lý do an toàn, để cho ra đời một loại thuốc có khi mất cả chục năm. Thực tế, đã có loại thuốc đã lưu hành trên thị trường vẫn bị thu hồi do không an toàn đấy thôi.

- Nếu được phép lưu hành trên thị trường, loại thuốc mà các ông đang nghiên cứu có tên là gì?

- BAHUDO.

- Tại sao lại là BAHUDO ạ?

- Đó là ba chữ cái đầu và chữ thứ hai ghép lại theo tên của các nhà khoa học:  Ban, Huấn, Động.

Và TS Lê Quang Huấn bắt đầu câu chuyện:

GS.TSKH Đái Duy Ban là một nhà khoa học, từng là người của Viện Công nghệ sinh học, hiện đã về hưu nhưng vẫn cộng tác thường xuyên với Viện; Ủy viên Hội đồng khoa học Quốc tế điều khiển sinh học; Chủ tịch Hội Hoá sinh Việt Nam và đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Ông là người chuyên nghiên cứu, tạo thuốc chống HIV, chống ung thư, giảm đau trong ung thư. GS Ban đã cho ra đời một số thuốc phòng chống ung thư bằng thảo dược và thuốc tăng cường đáp ứng miễn dịch trong phòng chống bệnh ung thư hiện đang lưu hành trên thị trường.

Còn TS Lê Quang Huấn lại là người đầu tiên ở nước ta làm nghiên cứu sinh về độc tố cá nóc. Tại sao TS Huấn lại chọn đề tài nghiên cứu này? Lý do rất đơn giản vì khoa học thế giới chứng minh, độc tố cá nóc TETRODOTOXIN (gọi tắt là TTX) có tác dụng giảm đau, tan huyết trong nhồi máu cơ tim, giảm đau cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tiến sỹ Huấn nghiên cứu đề tài này với mục đích để biết ở Việt Nam vùng nào có cá nóc độc, cá nóc ở vùng nào có độc tố cao nhất và tìm cách tách chiết TTX từ cá nóc độc.--PageBreak--

Hợp...

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như giữa GS Ban và TS Dư Đình Động không có cuộc gặp mặt tại một cuộc hội thảo liên quan đến ma tuý. Từ cuộc gặp gỡ này, giữa GS Ban và TS Động có sự thoả thuận cùng nghiên cứu thuốc cai nghiện ma tuý từ thảo dược. Ngay sau đó, hai người cùng đến một huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hoá để tìm một thầy lang có bài thuốc cai nghiện ma tuý bằng thảo dược. Tiếc rằng, chuyến đi đã không có kết quả.

Thế nhưng, cũng từ chuyến đi này, hai người đã có một biên bản thỏa thuận: "Hai bên cùng nghiên cứu 2 bài thuốc: Chống nghiện (cai nghiện) và chống tái nghiện; cùng nhau tìm thuốc, trao đổi, xây dựng bài thuốc và phác đồ điều trị; tiến hành thực nghiệm trên động vật (thỏ) để sớm có cơ sở đề xuất thực nghiệm trên người; hai bên sở hữu ngang nhau và hoàn toàn giữ bí mật tuyệt đối. Nếu ai sai phạm thì người kia có quyền khiếu nại với pháp luật". Biên bản được lập ngày 21/6/2006.

TS Dư Đình Động.
Ngày 8/10/2006, giữa hai người này lại có "Hợp đồng hợp tác nghiên cứu", trong đó nêu: "Trung tâm Giám định ma tuý - Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, gọi tắt là bên A, đại diện là TS Dư Đình Động và Viện Nghiên cứu đào tạo và Chuyển giao công nghệ Sinh học thuộc UIA, gọi tắt là bên B, đại diện là GS.TSKH Đái Duy Ban. Hai bên cùng thực hiện thí nghiệm các bài thuốc cai nghiện và chống tái nghiện ma tuý do GS Ban và TS Động đề xuất từ các nguồn dược liệu trong nước. Bên B chuẩn bị các dược liệu và tạo ra các sản phẩm thuốc để đưa vào thí nghiệm trên động vật; bên A bố trí động vật thí nghiệm, đặt kế hoạch và thực hiện nghiên cứu trong suốt thời gian thử nghiệm các bài thuốc tại cơ quan và nhà riêng để tiện theo dõi, ghi chép, tổng kết các kết quả nghiên cứu làm cơ sở báo cáo với hai cơ quan.

Khi tiến hành thí nghiệm, bên A phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện thử tác dụng dược lý trên động vật; khi có kết quả nghiên cứu, hai bên cùng báo cáo bằng văn bản với hai cơ quan, tổ chức hội thảo khoa học để xác nhận và trình lên cấp trên xin đề tài để được cấp kinh phí nghiên cứu chính thức; các thành quả từ nghiên cứu này là tài sản chung của các tác giả, hai bên sẽ cùng công bố, cùng hưởng quyền lợi như nhau. Có gì thắc mắc, hai bên cùng nhau thảo luận, bàn bạc giải quyết...". Tại bản hợp đồng này, ngoài sự ký kết của hai bên, còn có xác nhận của lãnh đạo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an là PGS.TS Ngô Tiến Quý và GS.TSKH Đái Duy Ban (thừa lệnh Tổng Giám đốc UIA).

Đến đây thì thấy rõ, sự hợp tác này chỉ có GS Ban và TS Động. Tuy nhiên, ngay sau đó chính GS Ban đã mời TS Lê Quang Huấn tham gia bởi ông nhận thấy, trong cắt cơn khi cai nghiện ma tuý, vai trò của độc tố trong cá nóc có tác dụng nhất định. Sau đó, 3 người gồm GS Ban, TS Động và TS Huấn cùng vào Nha Trang tìm kiếm gan cá nóc và họ cũng kiếm được mấy chục kilogam.

Ngày 12/1/2007, tại Nha Trang, cả ba đã có một bản cam kết "Hợp tác khoa học và kinh tế" với nội dung: "Cùng hợp tác nghiên cứu, tách chiết hoạt chất TTX từ cá nóc độc Việt Nam và nghiên cứu, ứng dụng nó trong các lĩnh vực cai nghiện ma tuý và điều trị một số bệnh hiểm nghèo; các tư liệu về khoa học và kinh tế mà ba người trao đổi, bàn bạc và thực hiện cùng nhau đều được giữ kín để đến khi thành công thì cùng nhau công bố; khi có kết quả, cả ba đều được hưởng quyền lợi ngang nhau cả về mặt khoa học lẫn kinh tế. Và cả ba đều có trách nhiệm chăm lo cho công việc để được tiến triển tốt... Cả ba nhất trí ký vào văn bản này làm bằng để có cơ sở pháp lý thực hiện hợp tác đến cùng".

Sau khi trở về Hà Nội, GS Ban đề nghị TS Động lấy giấy của cơ quan để được phép nghiên cứu về ma tuý. Ngay sau đó, Tổng cục Cảnh sát có Công văn số 356/C11 (C21) gửi đồng chí Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam với nội dung: Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức nghiên cứu đề tài "Chống tái nghiện ma tuý" bằng TETRODOXIN (TTX) chiết tách từ cá nóc độc, đây là đề tài khoa học rất lớn và có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng đối với cộng đồng. Do vậy, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học, các nhà khoa học. Tổng cục Cảnh sát đánh giá cao tinh thần hợp tác khoa học từ trước tới nay giữa Viện Công nghệ Sinh học với Viện Khoa học hình sự trên lĩnh vực giám định gen ty thể, nghiên cứu các bài thuốc đông y cai nghiện ma tuý. Để thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, Tổng cục Cảnh sát trân trọng mời hai nhà khoa học: TSKH Đái Duy Ban và TS Lê Quang Huấn.

Theo TS Lê Quang Huấn, văn bản này là cơ sở để hai ông (Ban, Huấn) cùng Viện Khoa học hình sự tham gia nghiên cứu đề tài này một cách chính thống. Ông Huấn giải thích rằng, các ông không có nguồn ma tuý và không được phép sử dụng ma tuý (cho dù với mục đích nghiên cứu) nên lời mời hợp tác này của Tổng cục Cảnh sát là vô cùng cần thiết.

Sau khi có văn bản này, ba ông đã tiến hành chiết tách TTX từ cá nóc, chế tác thuốc tại một căn phòng trên tầng 4 nhà TS Động ở khu Định Công, quận Hoàng Mai. Sau đó, đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên chuột, thỏ (tại phòng thí nghiệm của Viện Khoa học hình sự). Tiến trình nghiên cứu sẽ rất tốt đẹp nếu như không nảy sinh vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, kinh phí không phải là tất cả, đó chỉ là một lý do để sau này dẫn đến cuộc "tình tan" giữa các nhà khoa học. Và liệu rằng Thiên Thanh Hoàn và BAHUDO có phải là hai sản phẩm độc lập, hay thực chất nó chỉ là sản phẩm "3 trong 1", chúng tôi sẽ có bài viết ở kỳ sau

Kỳ 2: "Khi thuốc con nhộng thử nghiệm vào hàng xóm
Cao Hồng - Anh Phương
.
.
.