Những người anh hùng quên mình vì bình yên của nhân dân

Thứ Năm, 02/12/2010, 09:45
Năm 2010, bên cạnh những chiến công, những thành tích vang dội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thì lực lượng công an cũng phải chịu đựng những hi sinh, mất mát khi chứng kiến những cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu, đã hi sinh lúc vây bắt tội phạm.

Mỗi ngày mở báo ra, đọc những tin về việc tội phạm ở tỉnh này, thành phố kia dùng súng hay các loại vũ khí nóng chống trả quyết liệt lực lượng công an, tôi vừa thấy buồn, vừa thấy sợ sự manh động của tội phạm bây giờ, vừa thấy lo lắng cho những người đang làm nhiệm vụ giữ bình yên cho xã hội, thấy thương và lo thay cho những người vợ, người mẹ của họ, những người phụ nữ phía sau những người chiến sĩ ấy và hàng đêm lo lắng, thắc thỏm cho sự an nguy của chồng con mình.

Cái tết buồn nơi cửa ngõ Tây Bắc

Tết Canh Dần năm 2010 là cái tết vô cùng đau buồn đối với tập thể lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ của Công an tỉnh Hòa Bình. Bởi những ngày giáp Tết Canh Dần, Công an Hòa Bình đã mất đi ba người chiến sĩ anh hùng trong một cuộc vây bắt tên tội phạm truy nã nguy hiểm Vàng A Khua.

Tên trùm ma túy bị truy nã đã bị bắn hạ. Nhưng có ba người chiến sĩ mãi mãi không trở về cùng sát cánh bên đồng đội, mãi mãi không thể đoàn tụ với gia đình để ăn bữa cơm thân mật chiều cuối năm.

Thượng tá Hứa Văn Tấn hi sinh ngày 25 tháng 9 năm 2010 và ba cán bộ chiến sĩ của Công an TP Hòa Bình: Đại tá Hà Thái Yềm, Trung úy Sùng A Trư, Thượng úy Bùi Quốc Đại đã anh dũng hy sinh.

Tết Canh Dần vừa qua, 100% cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình đã gạt niềm vui riêng, hi sinh cơ hội được đón tết đoàn tụ bên gia đình để trực 100%, với quyết tâm đảm bảo an ninh, trật tự cho mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc này. Nhiều người trong số các anh, những người ở lại đã vừa trực Tết để sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, vừa rơi nước mắt tiếc thương cho những người đồng đội của mình đã mãi mãi không trở về.

Chiều 5/2/2010, chiếc xe cứu thương chạy từ xã Hang Kia về thành phố Hòa Bình kéo còi hụ ầm ĩ cả một đoạn đường núi vắng vẻ, báo hiệu những điềm dữ trong những ngày cuối năm.

Chiều hôm đó, một cuộc đấu súng quyết liệt đã xảy ra tại bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Tên trùm ma túy Vàng A Khua - đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm bị công an tỉnh Hòa Bình phát lệnh truy nã từ năm 2006, trong cơn điên cuồng đã dùng súng AK bắn chết người con trai của hắn và bắn chết cả ba cán bộ chiến sĩ công an.

Vàng A Khua sinh năm 1952, là một tên trùm ma túy khét tiếng ở vùng đất Hang Kia - Pà Cò, nơi vẫn được mệnh danh là "cửa ngõ" của thế giới ma túy miền Tây Bắc. Nhờ buôn ma túy, hắn giàu lên nhanh chóng và xây được một ngôi nhà khang trang trong một khu đất rộng 5.000m2, có tường bao quanh, với các dãy nhà san sát nhau.  

Là một tên tội phạm đã từng bị Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy và Công an Hòa Bình phối hợp với nhau vây bắt nhiều năm trước, nhưng lần đó, sau một cuộc chiến đấu quyết liệt ở vùng núi Hang Kia, tên Vàng A Khua vẫn may mắn trốn thoát. Sau vụ đó, hắn đã mạnh miệng tuyên bố là, công an muốn bắt được hắn thì chỉ còn cách mạng đổi mạng.

Ngày 5/2/2010, nhận được tin Vàng A Khua đang trốn tại ngôi nhà kiên cố của hắn ở bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an huyện Mai Châu đã tập hợp một lực lượng đông cán bộ chiến sĩ, quyết tâm vây bắt đối tượng này.

Nhưng việc vận động với Vàng A Khua chẳng có ý nghĩa gì. Hắn vẫn gan lì cố thủ trong ngôi nhà kiên cố của hắn, với khẩu súng đã lên đạn sẵn và sẵn sàng tấn công vào lực lượng công an bất cứ lúc nào. Và rồi điều đáng tiếc đã xảy ra.

Chiều hôm đó, con trai Vàng A Khua, sau khi vận động bố không thành công đã quyết định ra khỏi nhà để đến tìm lực lượng công an. Khi thấy con trai đang tiến về phía các chiến sĩ công an, từ nơi ẩn nấp, Vàng A Khua đã xả súng bắn không thương tiếc vào chính con trai mình và các chiến sĩ công an. Con trai Vàng A Khua đã chết dưới làn đạn của chính bố mình, và ba cán bộ chiến sĩ của lực lượng công an cũng mãi mãi ra đi.

Trong ba cán bộ chiến sĩ hi sinh chiều hôm đó, ngoài Thượng tá Hà Thái Yềm đã có con và cháu nội, thì hai chiến sĩ còn lại là Thiếu úy Sùng A Trư và Trung úy Bùi Quốc Đại đã vĩnh viễn ra đi khi còn rất trẻ. Thiếu úy Sùng A Trư còn chưa có con. Trung úy Bùi Quốc Đại thì đang rục rịch chuẩn bị làm đám cưới với người bạn gái lâu năm của mình.

Bi kịch xảy ra quá bất ngờ, khiến chính những người thân yêu của các anh cũng không sao có thể tưởng tượng được. Sau khi hi sinh, cả ba liệt sĩ này đều được thăng vượt cấp và được an táng trọng thể theo đúng nghi thức nhà nước trong sự tiếc thương của đồng chí, đồng đội, của gia đình, người thân và nhân dân.

Vợ của Liệt sĩ - Đại tá Hà Thái Yềm đến giờ vẫn không thể quên được sự ra đi bất ngờ của chồng mình. Vì chỉ trước đó vài ngày, anh vẫn còn dặn dò con trai đang học dưới Hà Nội cố gắng về sớm để kịp đón Tết ông Công, ông Táo với gia đình. Đến ngày tết ông Công, ông Táo, con trai của anh từ Hà Nội đã trở về, nhưng anh thì vĩnh viễn không bao giờ còn có thể ăn với gia đình bữa cơm đoàn viên những ngày cuối năm nữa.

Chiều hôm đó, khi nghe tin Đại tá Hà Thái Yềm bị bắn trọng thương trong một cuộc vây bắt tội phạm ở Hang Kia, vợ anh đang đi chợ đã hốt hoảng vứt tất cả để chạy về. Đến lúc nhìn thấy người chồng yêu thương của mình nằm trong vòng tay và những giọt nước mắt của đồng đội, trái tim chị như vỡ òa ra. Mấy tháng trước, anh chị còn mua áo quan để phòng lo hậu sự cho người mẹ già. Vậy mà mấy tháng sau, chiếc áo quan đó, Đại tá Hà Thái Yềm lại là người nằm vào đó, để người mẹ già của anh phải chịu cảnh kẻ đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.

Những ngày sau khi Liệt sĩ - Trung úy Sùng A Trư hi sinh, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh ở xã Pà Cò vẫn nghi nghút khói hương và những giọt nước mắt tiếc thương anh. Sùng A Trư là người con ưu tú của xã bản Chà Đáy, xã Pà Cò. Là con trai cả trong một gia đình người Mông điển hình tiên tiến, anh đã được hưởng một nền giáo dục tốt và được tuyển vào ngành công an.

Lấy vợ được 3 năm, nhưng khi thì vợ đi học, khi thì chồng đi công tác, vợ chồng anh cứ khất lần khất lữa mãi mà vẫn chưa có cơ hội để sinh đứa con đầu lòng. Năm Canh Dần này, hai vợ chồng anh vẫn hẹn nhau sẽ sinh con, để mái ấm gia đình thêm trọn vẹn.

Niềm vui được làm mẹ ngắn chẳng tày gang, vợ của đồng chí Sùng A Trư đã phải đau đớn chịu cảnh góa bụa khi còn quá trẻ.

Vợ anh, Hà Thị Thủy, trong giờ phút bàng hoàng nhận ra mình đã trở thành góa phụ đã khóc nghẹn ngào, bởi trước khi anh đi, hai vợ chồng hờn dỗi nhau nên chẳng nói chuyện với nhau câu nào. Chỉ đến trước lúc Sùng A Trư hi sinh, dường như là định mệnh, qua tin nhắn của vợ, anh mới biết vợ mình đã mang thai.

Trong niềm hạnh phúc được chờ đón đứa con đầu lòng, hôm đó anh đã vào trận với một tinh thần vô cùng hăng hái, quyết tâm để sớm trở về chăm sóc vợ và chăm sóc đứa con nhỏ đang thành hình của mình. Nhưng ngày đó đã không bao giờ đến. Anh đã hi sinh và vĩnh viễn chẳng còn cơ hội chờ đón đứa con đầu lòng của mình.

Vợ anh thành góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ. Con anh thành đứa trẻ mồ côi cha ngay từ trong bụng mẹ. Gia đình anh mất đi một người con ngoan hiếu thảo. Bản làng Pà Cò mất đi một người con ưu tú được vinh dự đứng trong lực lượng công an nhân dân. Lần đầu tiên người Mông ở Pà Cò có một người con là liệt sĩ, được cử hành lễ tang theo nghi thức trọng thể. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi đau không dễ nguôi ngoai được.

Nỗi lòng người ở lại

Trong 3 liệt sĩ của Công an Hòa Bình đã hi sinh trong buổi chiều định mệnh ngày 5/2/2010, Thượng úy Bùi Quốc Đại có lẽ là người để lại nhiều luyến tiếc nhất, bởi anh còn quá trẻ, tương lai còn đầy hứa hẹn và đau lòng nhất là anh đang chuẩn bị làm đám cưới với người bạn gái lâu năm của mình.

Liệt sĩ Bùi Quốc Đại chụp ảnh với bố mẹ và em gái khi còn sống.

Ngày Bùi Quốc Đại hi sinh, tất cả người dân trong khu phố nơi gia đình anh sinh sống đều bàng hoàng, ngỡ ngàng, bởi không ai có thể tin được người thanh niên hiền lành có nụ cười dễ mến được tất cả mọi người yêu quý ấy lại vĩnh viễn ra đi.

Thượng úy Bùi Quốc Đại đẹp trai, học giỏi, từng là học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, nên anh luôn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Những ngày sau khi anh hi sinh, bà Nguyễn Thu Hà, mẹ anh vẫn chưa hết ngẩn ngơ, bàng hoàng bởi nỗi đau quá lớn.--PageBreak--

Ông bà sinh được hai người con, một trai một gái. Bùi Quốc Đại là cậu con trai lớn trong gia đình và cũng là niềm tự hào của gia đình bà. Đại ngoan ngoãn, học hành giỏi giang từ nhỏ, là học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào đại học. Tương lai đang rộng mở của anh đã sớm đứt đoạn bởi ngày định mệnh đen tối ở "huyệt tử ma túy" Hang Kia - Pà Cò.

Như nhiều người mẹ có con theo ngành công an, bà Nguyễn Thu Hà vô cùng hạnh phúc với những chiến công mà con đạt được, những bằng khen, giấy chứng nhận mà con trai nhận được từ đơn vị. Nhưng hơn ai hết, bà cũng hiểu con trai bà đang làm một nghề vô cùng nguy hiểm. Vì thế mỗi lần Bùi Quốc Đại thông báo đi công tác, bà ở nhà lại đi ra đi vào lo lắng  cho sự an nguy của con.

Không thể theo con trên từng bước đi, bà chỉ biết cầu cho con chân cứng đá mềm, vượt qua nguy hiểm để trở về nhà với gia đình sau mỗi nhiệm vụ khó khăn. Với người mẹ này, hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy con trai trở về nhà, cùng bố mẹ ăn bữa cơm chiều và hào hứng kể về chiến công mà anh mới đạt được cùng đồng đội.

Buổi tối 4/2 trước khi lên Hang Kia, Bùi Quốc Đại trở về nhà, chào bố mẹ trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ. Những lần đi công tác trước, anh thường lẳng lặng đi, tránh khiến bố mẹ lo. Lời chào xin phép bố mẹ trước ngày định mệnh đó dường như là lời chào vĩnh biệt của anh với những người thân của mình.

Gia đình Bùi Quốc Đại (mẹ Đại thứ 2 từ trái sang) đang nhận lời chia buồn của lãnh đạo Bộ Công an.

Ngày 5/2, linh tính của người mẹ khiến bà Hà đã sớm cảm nhận được chuyện không lành. Cả ngày hôm đó, bà cứ trông ngóng một cuộc điện thoại báo tin đã hoàn thành nhiệm vụ của con trai như mọi lần mà không thấy. Chỉ đến chiều, khi người chị gái gọi điện đến nói một câu ngập ngừng: "Gọi điện cho Đại đi", bà bấm số của con trai và thấy điện thoại kêu những tiếng tút tút dài vô nghĩa.

Đó là lúc bà đã cảm nhận được bất hạnh đang đến gần mình hơn bao giờ hết. Bà chạy như lao về nhà, hoảng loạn khi thấy quá đông người xuất hiện quanh nhà mình. Tin dữ đến với bà trong nước mắt nghẹn ngào. Con trai bà đã vĩnh viễn hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Con trai bà đã vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa. Anh hi sinh ở tuổi 28, khi tương lai đang rộng mở, khi đang chuẩn bị làm lễ ăn hỏi với người bạn gái lâu năm của mình.

Không gì có thể diễn tả được nỗi đau của người mẹ ấy khi mất đi người con trai ngoan ngoãn, giỏi giang của mình. Thế nên suốt nhiều tháng sau khi anh hi sinh, bà vẫn ra vào thẩn thơ. Có những lúc nhìn dòng người qua lại, bà chỉ mong tất cả những sự việc đã qua chỉ là một cơn ác mộng, và con trai bà sẽ từ trong đám đông xuất hiện và đi về phía mẹ. Nhưng cơn ác mộng đó là thật. Nỗi đau đó là thật. Sự mất mát đó là thật. Nó thật như tấm di ảnh của con trai bà đang đặt trên bàn thờ. Trong tấm di ảnh đó, con trai bà đang nhìn bà với đôi mắt hiền lành, trong sáng và ánh nhìn yêu thương.

Mất đi người con trai duy nhất, cha mẹ của liệt sĩ Bùi Quốc Đại như mất đi nửa cuộc đời. Bữa cơm nào ông bà cũng dọn thừa ra một cái bát, một cái đũa, vì nghĩ có thể linh hồn Đại ở nơi chín suối sẽ về ăn cơm với cha mẹ.

Trên bàn thờ con trai, cha mẹ Đại đặt đủ các vật dụng mà khi còn sống, Đại vẫn thường dùng. Sáng nào trước khi đi làm, ông Đạo, bố của Đại cũng chạy ra bưu điện mua bằng được tờ báo bóng đá về đặt lên bàn thờ con trai. Bởi lúc Đại còn sống, anh không bỏ sót bất cứ số báo thể thao nào. Bình luận về thể thao, về những trận đấu bóng trong và ngoài nước vẫn là sở thích chung và là thú vui của hai cha con. Vì thế những ngày sau khi anh đi, chứng kiến World Cup diễn ra sục sôi ở châu Phi xa xôi, ông vừa xem World cup vừa ứa nước mắt vì nhớ con. Những trận bóng đó, mắt ông dõi theo trận bóng trên màn ảnh nhỏ, nhưng tay ông đang nắm chặt bức ảnh của người con liệt sĩ của mình.

Bùi Quốc Đại hi sinh khi cô em gái vừa làm lễ dạm ngõ và chuẩn bị về nhà chồng. Bản thân anh cũng đang chuẩn bị rục rịch cho mái ấm riêng của mình. Nhưng dự định về một người vợ và những đứa con xinh xắn, một ngôi nhà ấm cúng đã vĩnh viễn không bao giờ trở thành sự thật. Bởi anh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 28.

Ngày anh mất, có những người ứa nước mắt khi nhìn bạn gái anh thẫn thờ đứng khép mình sau những vòng hoa, ánh mắt vô hồn, trống rỗng, không dám tin người yêu mình đã vĩnh viễn ra đi. Người ra đi đã đi rồi và sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng người ở lại thì mãi chẳng thể nguôi ngoai với những đau đớn và mất mát quá lớn này.

Trận tuyến nguy hiểm của những người chiến sĩ trong thời bình

Đất nước đã độc lập 35 năm. Nhưng trong thời bình, có những người chiến sĩ vẫn phải chiến đấu trên mặt trận ác liệt trong một cuộc chiến chưa có hồi kết với bọn tội phạm. Tội phạm đang ngày càng manh động. Chúng trang bị đầy đủ vũ khí nóng, súng ống hiện đại để sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an nếu cần.

Những cung đường ma túy trọng điểm như Điện Biên - Sơn La, Hòa Bình, những vùng ma túy nóng bỏng ở Tây Bắc cũng như Tây Nghệ An luôn là nơi tập trung những đối tượng manh động và nguy hiểm nhất, sẵn sàng "mạng đổi mạng" với lực lượng công an. Chiến đấu trên mặt trận khốc liệt đó, những cán bộ, chiến sĩ của lực lượng CAND đã không ít lần phải đổ máu, không ít lần đối mặt với chấn thương, với hiểm họa rình rập và đôi khi là cả cái chết không được báo trước.

Ngày 25/9/2010, lại có một chuyên án phá đường dây ma túy từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn được triệt phá. Nhưng cũng đã có một người chiến sĩ công an đã vĩnh viễn ngã xuống. Anh là liệt sĩ - Trung tá Hứa Văn Tấn. Ngay sau khi anh hi sinh, Bộ Công an đã ra quyết định phong vượt cấp cho anh từ Trung tá lên Thượng tá.

Công an Lạng Sơn tổ chức truy điệu liệt sĩ Hứa Văn Tấn theo nghi lễ CAND.


Ngày 25/9 đáng lẽ là một ngày nghỉ của người cán bộ Công an thành phố Lạng Sơn, là ngày đáng lẽ ra anh sẽ được ở nhà đoàn tụ với gia đình, vợ con. Thế nhưng sáng sớm hôm đó, nhận được nguồn tin quan trọng về một đường dây ma túy có nhiều đối tượng nguy hiểm, vận chuyển ma túy từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn, anh đã cùng hơn 20 đồng đội của mình thực hiện cuộc vây bắt nhà trùm ma túy Đào Minh Huệ.

Nhưng trong cuộc vây bắt đó, anh đã trúng đạn và hi sinh. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé mà anh sống cùng gia đình, vợ con vốn giản dị giờ càng thêm tiêu điều, xơ xác vì nỗi đau đột ngột. Hứa Văn Tấn ra đi khi con cái vẫn còn học hành dang dở, mẹ anh đã tuổi cao, sức yếu đã gục ngã trước nỗi đau quá lớn ấy.

Buổi trưa ngày hôm đó, anh vẫn còn gọi điện thoại dặn hai con trưa nay sẽ không về ăn cơm. Chiều hôm đó, các con anh đã vĩnh viễn không còn cơ hội nói chuyện với bố nữa. Những đứa con nhỏ bé của anh đã không thể nào tin được rằng cha mình đã hi sinh. Bởi cuộc chia ly đó đột ngột quá, bất ngờ quá, đau đớn quá.

Sau khi anh mất, những tên tội phạm, kẻ đã chết, kẻ đã bị bắt, kẻ sau một thời gian lẩn trốn đã ra đầu thú. Bọn chúng nhất định sẽ nhận được sự trừng phạt đích đáng của pháp luật. Nhưng điều đó cũng không thể làm nguôi ngoai nỗi đau của gia đình những cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì nhân dân.

Những người chiến sĩ công an vẫn đang ngày ngày căng mình cho những chuyên án đấu tranh với tội phạm, vẫn đang phải đối mặt với nguy hiểm cận kề. Xin chỉ còn biết cầu mong cho các anh chân cứng đá mềm, vượt qua được nguy hiểm, vượt qua sự manh động của tội phạm, để trở về bình yên cùng gia đình, đồng đội

Vũ Trọng
.
.
.