Những thiên thần bị chối bỏ

Thứ Ba, 21/12/2010, 08:51
Vừa chào đời, các em không có diễm phúc đón nhận hơi ấm, ánh nhìn âu yếm của mẹ cha mà trái lại phải gánh ngay bi kịch đau đớn nhất của phận người, bị chính người mẹ mang nặng đẻ đau ra mình thẳng tay vứt bỏ không chút thương xót.

Đó là lý do một sáng mai ra, người ta phát hiện những bé sơ sinh nằm lăn lóc trong bụi rậm với hơi thở yếu ớt và toàn thân tím tái, có bé bị kiến bâu đầy cắn xé đôi mắt đến mù lòa… Giữa xã hội văn minh, mặc dư luận phẫn nộ, lên án nhưng câu chuyện về những người mẹ bất nhẫn vứt bỏ con vẫn ngày ngày được viết tiếp bởi số phận bất hạnh, đau đớn của nhiều bé sơ sinh bị bỏ rơi. Đâu là căn nguyên của vấn nạn nhức nhối ấy?

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Trong cái nắng gay gắt của những ngày cuối năm, chúng tôi đến Mái ấm Thiện Duyên ở ấp 6, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi do má Mười (74 tuổi, tên thật là Trần Thị Cẩm Giang), một cán bộ hưu trí thành lập vào năm 1998 nhằm cưu mang, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật.

Hôm chúng tôi đến má Mười đang ôm chặt bé gái bị bại não khoảng 6 tháng tuổi được người đi chợ tình cờ nhặt được trong một bụi cây ven đường. Lúc những người tốt bụng mang tới cơ sở thì bé tím tái, được gói sơ sài trong miếng vải cũ mèm, hơi thở thoi thóp tưởng không qua khỏi. "Cơ sở có 102 trẻ tật nguyền với trên 80% số cháu bị mẹ bỏ rơi. Biết má làm từ thiện, khi lỡ lầm hay khi sinh con bị bệnh tật…, vậy là họ mang con trẻ vứt bỏ trước cổng cơ sở hoặc ném đại ven đường. Tháng rồi má tiếp nhận 2 bé bị bỏ rơi. Đó là bé Hùng bị sốt bại liệt với toàn thân co quắp và bé Loan không có hậu môn và bị kiến đục hỏng một con mắt".

Các xơ ở mái ấm Thiên Phước đang chăm sóc cho các bé khuyết tật bị mẹ bỏ rơi trước mái ấm.

Sau những tâm tình đầy nước mắt, má Mười dừng trước chiếc nôi của một bé gái gần 2 tuổi, người tím tái mà má đặt tên Tim, trĩu giọng: "Sáng hôm đó, một phụ nữ hớt hải ôm chiếc thùng giấy đựng mì tôm đến dúi vào tay má bảo đang đi trên đường thấy con chó chúi đầu vào chiếc thùng giấy phát ra tiếng khóc trẻ con, chị ấy dừng lại xem sự tình và điếng người khi phát hiện con bé với cuống rốn vẫn còn bê bết máu bầm đen… Lúc nhận cháu, thấy lồng ngực cháu đập mạnh, các cô nuôi mới đặt tên cháu là Tim. Tim không biết cười, không nhìn thấy ánh sáng do bị kiến đục thủng 2 mắt".

Tại Mái ấm Thiên Phước (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), nơi đang nuôi dưỡng hơn 70 trẻ em bại não, câm điếc, não úng thủy…, xơ Marie Dương Thị Sướng, 1 trong 7 nữ tu nguyện dâng trọn đời mình cưu mang, chăm bẵm cho các bé cho biết phần lớn các bé ở mái ấm bị cha mẹ bỏ rơi khi mới chào đời. "Mỗi cháu bé là mỗi câu chuyện đẫm nước mắt và bi kịch nhưng tựu trung chất chứa nỗi buồn đau về những thân phận côi cút bị bỏ rơi khát khao tình mẫu tử".

Trung tâm nhân đạo Quê Hương (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hiện đang nuôi dưỡng hơn 300 trẻ em bị mẹ bỏ rơi. Số phận của những đứa trẻ tại nơi này cũng chồng chất nhiều đớn đau, buồn tủi. "Tuy còn cha còn mẹ nhưng nói các cháu là trẻ mồ côi cũng không sai bởi phần đông các cháu lúc mới cất tiếng khóc chào đời, chưa kịp hưởng hơi ấm từ mẹ đã bị đấng sinh thành gói ghém sơ sài rồi vội vã mang đi vứt bỏ ở ngã 3 đường, tại bãi rác, cạnh nhà vệ sinh công cộng, trước hiên nhà người ta. Có cháu bị mẹ ém chặt vào lùm cây, bụi cỏ. Khi được phát hiện thì kiến bâu đầy đục mắt, bị chuột gặm chân tay" - ông Phan Văn Bảy, Phó giám đốc trung tâm, liên tục thở dài khi nói về số phận các bé.

Chỉ vào chiếc nôi có 2 bé sơ sinh mắt nhắm nghiền vừa được trung tâm tiếp nhận với hình hài dị dạng, bé đầu to gấp đôi trẻ bình thường, bé hơi thở khò khè với cơ thể èo uột chỉ có da với xương, cô bảo mẫu tên Hà nói hai bé này "may mắn" vì tuy bị mẹ bỏ rơi nhưng dù sao mẹ của 2 bé cũng còn lương tri hơn những bà mẹ khác khi gói ghém các bé cẩn thận với nhiều lớp khăn vải quấn chặt, đặt trước nhà người với những mong họ sẽ sớm nhặt và chăm dưỡng con. Thế nên các cháu được phát hiện sớm trong điều kiện sức khỏe tương đối ổn, hồng hào: "Phần đông các cháu bị mẹ vứt bỏ vội vã nên chỉ được quấn vải sơ sài, có cháu không một mảnh vải che thân, hay bị túm vào bọc nilông rồi vứt thẳng ra nghĩa trang, chẳng màng quan tâm đến sự sống chết, đớn đau của bé”.

Tình cảnh đáng thương của cháu bé sơ sinh bị mẹ vừa vượt cạn đã vứt bỏ tại khu gò mả cạnh một mương nước ở phường Phước Long B (quận 9) được phát hiện vào trung tuần tháng 11 vừa qua là minh chứng điển hình.--PageBreak--

Sáng 16/11, lúc ra sau vườn cắt rau thì bà Nguyễn Thị Bé (ngụ đường Tăng Nhơn Phú, khu phố 4, phường Phước Long B) thấy túi ni-lông đen nằm lăn lóc giữa lùm bụi cạnh gò mả "động đậy". Tưởng chuột chui vào túi rác nên bà Bé bước tới nhặt định ném xuống mương nước nhưng khi tay vừa chạm vào bọc ni-lông, bà Bé cảm giác bên trong có vật cựa quậy nên dùng dao rạch chiếc túi và điếng hồn khi vết rạch lòi ra cánh tay bé xíu. Nghe bà Bé tri hô, bà con hàng xóm xúm lại mở chiếc bao và thấy trong ấy là bé gái sơ sinh còn nguyên dây rốn với toàn thân tím tái, hơi thở yếu ớt. Được đưa đến trạm xá phường sơ cứu, cháu bé qua cơn nguy kịch và được một phụ nữ người địa phương nhận chăm dưỡng…

Nạn nhân của bi kịch... sống thử

Chưa có con số thống kê cụ thể mỗi năm có bao nhiêu trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận vốn nổi tiếng về thực trạng mẹ vứt bỏ con như Bình Dương, Đồng Nai. Nhưng điều mà ai cũng biết là trẻ bị đấng sinh thành chối từ được tìm thấy phần lớn tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngày càng nhiều trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ở các trung tâm - cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên địa bàn TP HCM.

Má Mười khẳng định: "Đa số các cháu được nuôi dưỡng tại trung tâm là nhúm ruột bị những người mẹ là công nhân ở Khu công nghiệp Tây Bắc-Củ Chi, ruồng bỏ". Ông Bảy cho biết Trung tâm nhân đạo Quê Hương nằm giữa "vòng vây" của nhiều khu công nghiệp như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Chuẩn, Đồng An… nên "gánh" nhiều giọt máu đào bị những người mẹ công nhân vứt đi. Trong một trả lời gần đây, ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết 24 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện thu hút khoảng 200.000 công nhân với trên 60% là nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 18-25 tuổi. Số nữ công nhân này là căn nguyên của hiện tượng mẹ trót lỡ rồi vứt bỏ con vốn gây nhiều bức xúc, phẫn nộ trong xã hội.

Sau hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau, ngay khi sinh hạ, theo bản năng làm mẹ, sản phụ sẽ dồn tất cả tình yêu thương, sự che chở cho đứa con bé bỏng. Vậy nhưng tại sao ngay khi con thơ vừa chào đời, ngày càng nhiều người mẹ công nhân lại nhẫn tâm mang sinh linh bé bỏng chưa kịp hưởng hơi ấm của mẹ, chưa một lần bú mẹ… đem vứt bỏ?! Đâu là động lực khiến người mẹ trong họ trở nên lạnh lùng đến vô cảm?

"Có rất nhiều lý do để giải thích căn nguyên của vấn nạn nữ công nhân vứt bỏ con thơ nhưng cái chính là do những đứa trẻ chào đời ngoài ý muốn của người mẹ" - bác sỹ Trương Thế Dũng, hiện đang làm việc tại Phòng khám nhân đạo Xóm Mới (quận Gò Vấp), người có nhiều tâm huyết trong việc giúp đỡ, cưu mang trẻ sơ sinh bị mẹ ruồng rẫy, khẳng định: "Sống xa nhà thiếu thốn tình cảm nên nhiều nam nữ công nhân cặp bồ, sống chung với nhau như vợ chồng dù rằng chưa cưới hỏi, dư luận gọi là "sống thử".

Do không biết cách tránh thai hoặc xem nhẹ các biện pháp tránh thai nên chẳng bao lâu sau người vợ không hôn thú mang thai ngoài ý muốn. Khi nữ công nhân biết mình mang thai thì thai đã lớn không thể phá bỏ, vậy là họ đành chờ đến ngày sinh rồi mang vứt bỏ để tránh bị bạn bè, gia đình biết chuyện "chửa hoang".

Minh chứng điều này bằng câu chuyện cháu bé bị vứt bỏ ở phường Phước Long B. Theo đó, sau khi chị Bé phát hiện cháu bé, Công an địa phương vào cuộc và 3 ngày sau tìm ra được người mẹ bất nhẫn, đó là nữ công nhân dệt 19 tuổi tên Bùi Thị Lan, người Quảng Trị. Khi Công an đến xác minh vụ việc, Lan thừa nhận là mẹ cháu bé. Do lỡ có thai với bạn trai, sợ gia đình biết chuyện nên ngay khi tự vượt cạn đã gói vội cháu bé rồi vứt ra cửa sổ…

Bên cạnh chuyện sợ người thân biết chuyện "lỡ lầm", nhiều bà mẹ công nhân vứt con vì sợ đứa trẻ trở thành gánh nặng. "Lương công nhân bèo bọt, để tìm vui và để tiết kiệm chi phí, các em nó cặp bồ góp gạo thổi cơm. Cuộc tình đến nhanh kết thúc nhanh bằng bi kịch khi biết cô gái mang thai, anh "chồng" công nhân bỏ chạy. Không thể tự nuôi mình, nuôi con bằng đồng lương còm cõi, khi đứa con là gánh nặng, vậy là những người mẹ bất đắc dĩ chọn giải pháp loại trừ gánh nặng bằng việc mang con vứt bỏ" - chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty H.S. ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), lưu ý: "Cũng có những nữ công nhân khi sinh con phát hiện bé bị dị dạng đã hoảng sợ nên chối bỏ con. Nhưng đây chỉ là con số khiêm tốn so với số lượng mẹ vứt con để thoái thác trách nhiệm làm mẹ".

Ngay tại thời điểm này, làm gì để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nạo phá thai, đặc biệt là vứt bỏ con vẫn là dấu chấm hỏi lớn với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Và giữa lúc những người có trách nhiệm còn đang loay hoay tìm giải pháp thì số trẻ bị mẹ vứt bỏ vẫn tiếp tục gia tăng. Tương lai của những đứa trẻ đáng thương này sẽ ra sao cũng là vấn đề để mỗi người trong chúng ta suy ngẫm, trăn trở!

Thành Dũng
.
.
.