Nỗi niềm quái xế... xộ khám

Thứ Hai, 19/07/2010, 16:32
"Thương bố mẹ, nhớ người yêu", một trong 4 quái xế khi bị bắt về số 7 Thiền Quang, Hà Nội đã nói thế với chúng tôi. Chẳng biết trong câu nói này có bao nhiêu phần trăm sự thật song tôi vẫn tin rằng, hơn 10 tiếng bị tạm giữ ở cơ quan Công an trong tình thế của kẻ phạm pháp thì dù có yêng hùng đến mấy thì những gã trai vừa bước qua tuổi thành niên không lâu, vừa mới thoát khỏi những cơn phê tốc độ đều thèm muốn đến quay quắt cảm giác được tự do.

Và chúng rũ ra như tàu lá héo, dù chỉ vài tiếng trước đây, chúng vừa đóng vai diễn viên, vừa đóng vai khán giả cổ vũ nhiệt tình cho đoàn đua tình cờ bắt gặp trên phố.

Buồn như yêng hùng lúc "sa cơ"

Khác với vẻ yêng hùng khi kéo cả đoàn rồi cùng rú ga, đánh võng, "đánh lửa" trên đường phố, 4 quái xế chúng tôi gặp ở số 7 Thiền Quang vào ngày hè nóng bỏng tháng 6 đang rũ ra như tàu lá héo. Những mái đầu chơm chởm xanh đỏ luôn cúi gằm. Những ánh mắt lấm lét nhìn khi nghe hỏi đến tên. Những câu trả lời lí nhí... đấy chính là vẻ ngoài của quái xế khi "sa cơ".

Thiếu tự tin đến mức không thể tin, vậy mà khi cưỡi trên những con Dream "chiến", Wave "độ", chúng hò reo inh ỏi. Tay ga, tay phanh bị những cái đầu đang bừng bừng lửa tốc độ làm cho nóng giẫy. Mà nào chỉ có mình chúng, hàng mấy chục con người cùng độ tuổi mười tám đôi mươi, những kẻ ưa thích tốc độ, thích oai, thích oách cứ thế hò hét nhau, cứ thế cùng nhau diễu qua những cung đường để khoe đội ngũ.

Chỉ đến khi miệng khô, cổ khát chúng mới dừng xe. Mới lao vào những quán nước chuyên phục vụ thượng khách sau 24h để uống, để hút. Bên khói thuốc, bên cốc trà đá giá 2.000đ, chúng thi nhau "chém gió". Nào đêm nay thằng A "xòe", thằng B bay đâu mất ngón chân cái. Và những nhân vật "hot" một thời trong làng đua đất Hà thành như T "quý", T "quỳ" lại là "món nhậu" của đám quái xế này, dù có thằng chỉ nghe tên chứ đời chưa một lần được giáp mặt các đàn anh này.

Khắc họa một chân dung quái xế Hà thành mà gắn với quán nước chè vỉa hè giá đồng hạng 2.000đ có vẻ như không hợp với tạng của anh hùng xa lộ? Nhưng xin thưa rằng, quái xế thời nay bình dân lắm. Không phải cứ có xe đẹp, ví dày mới dám tham gia đoàn đua đâu. Chỉ cần con Wave ghẻ không bỗng nhiên kêu ằng ặc rồi chết máy giữa đường là đua được. Đã từng có thời kỳ, dân ưa tốc độ tụ nhau ở ngã năm Cửa Nam để xem các tay anh chị khoe hàng.

Thời đấy, mốt tóc xanh, tóc đỏ mới xuất hiện mà trên mái đầu của các tay đua thứ hạng đều mang bảy sắc cầu vồng. Cũng thời kỳ đó, sau lưng "anh hùng" bao giờ cũng có mỹ nhân. Mỹ nhân mặc áo hai dây khoe đôi vai gầy mỏng cùng vòng một nóng bỏng. Mỗi khi "anh hùng" biểu diễn, vòng tay của mỹ nhân lại siết chặt eo người lái.

Thôi thì các màn bốc đầu, đánh lửa làm cho dân tình đứng xem cứ gọi là lác mắt. Tiếng cổ vũ làm cho những "diễn viên đường phố" càng kích động. Người viết bài này từng chứng kiến cảnh cả đám cổ vũ đang trong cao trào bỗng nhiên chạy tán loạn. Đó là lúc Công an xuất hiện. Mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy chuồn. Chúng chạy nháo, chạy nhào để thoát thân, bỏ lại hiện trường "diễn viên" đang xanh mét vì buộc phải ca bài "lạy mẹ, con đi".

Bây giờ, dân tốc độ khác xưa nhiều lắm, chí ít là họ không chọn ngã năm Cửa Nam để tụ như trước kia. Thứ nữa là sự phân chia đẳng cấp không phụ thuộc vào hàng họ. Sau những đợt truy lùng, đuổi bắt gắt gao của các lực lượng Cảnh sát tuần tra đêm như CSCĐ, CS 113, CSĐT tội phạm về trật tự xã hội..., chúng cũng ít dám biểu dương lực lượng. Có kẻ còn nuối tiếc, "bao giờ cho đến ngày xưa".

Nghĩa là trước đấy, chúng có thể đi thành đoàn lên đến hàng trăm xe nhưng bây giờ chỉ vài chục con đã là ngon trớn rồi. Mà cũng tuỳ tình hình, có hôm tụ được hơn chục xe ở vườn hoa bốt Hàng Đậu nhưng thoáng thấy bóng cơ động (CSCĐ) lượn qua, lượn lại chúng đành nằm im. Thế là mất một đêm uống nước trà vặt mà chẳng được thể hiện để khoe những con xe mới vừa đưa đi độ ở Phủ Doãn.

Cách đây một tháng, chúng tôi có dịp thực tế tại điểm mà chúng hay tụ tập gần cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo để bắt đầu cuộc chơi tốc độ trong đêm. Chẳng phải để cá cược tiền bạc như ngày xưa đám yêng hùng vẫn thách đấu nhau, đơn giản chỉ là để một đêm trôi đi nhanh hơn, khi chúng đã phê pha với nhạc mạnh ở một vũ trường nào đó, hoặc cũng có thể chỉ là đã mòn ghế ở một quán trà đá vỉa hè nên bị chủ quán đuổi khéo. Nghĩa là dân đua bây giờ không phân biệt đẳng cấp. Cứ vác xe ra đường, thích thì lao theo một đám nào đó. Rồi gặp Công an lại tan tác chạy mỗi thằng mỗi ngả, để rồi vài phút sau tình cờ gặp nhau ở một điểm nào đấy, chúng lại thi nhau "chém", rằng vừa cho mấy anh cơ động "ăn khói". Nhiều thanh niên mới lớn thích cảm giác này, chúng bảo, đấy là một cảm giác mạo hiểm, rất thú vị. Nhưng đó là khi chưa bị bắt.

Chân dung quái xế

Trở lại với 4 quái xế mà chúng tôi gặp ở số 7 Thiền Quang để bạn đọc nhìn thấy rõ chân dung của họ. Cả 4 đều là 8X đời chót, 9X đời đầu (sinh vào các năm 1989, 1990, 1991...). Nhìn bộ dạng bên ngoài, cả 4 kẻ cũng chẳng phải là con nhà khá giả, có máu mặt gì cả. Cả 4 đều nhất mực cho biết, mình không có xe máy. Khi hỏi thế xe ở đâu ra, kẻ nói của nhà, kẻ nói "em chỉ ngồi sau".

Cũng có một đặc điểm chung nữa là chúng đều chưa có giấy phép lái xe. Tuy tuổi trẻ nhưng 2 trong 4 quái xế này có nhiều tiền án, tiền sự. Ví như Dương Văn Hưng, trú tại phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội có tới 4 tiền sự.

Hỏi Hưng, sao lại nhiều "thành tích" thế thì anh chàng kể ra một lèo. Nào là tội gây thương tích, tội cưỡng đoạt tài sản... Thì ra, Hưng tham gia đánh người từ khi còn là cậu học trò 12, 13 tuổi. Cái tuổi đấy, nhiều cậu bé còn được bố mẹ đưa rước đi học, chưa biết một mình ra phố là gì nhưng Hưng cùng đám bạn của mình đã xử sự với bạn bè theo kiểu côn đồ. Đánh người đã đành, Hưng lại cùng lũ bạn cưỡng đoạt tài sản của học sinh khác để tiêu xài. Những đứa trẻ ngoan, gặp phải học sinh cá biệt như Hưng dọa bắt đưa xe đạp nếu không sẽ đánh chết chỉ biết mặt xanh, mày xám mà đưa xe thôi chứ nào có kháng cự được.--PageBreak--

Cũng bởi "thành tích" này mà Hưng "được" đi trường Giáo dưỡng Ninh Bình 18 tháng. 18 tháng học tập ở ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em hư, Hưng trở về nhà với niềm mong mỏi của gia đình là sẽ "nhớ đời" mà ngoan ngoãn trở lại. Gia đình Hưng không chỉ hy vọng suông mà họ đã nỗ lực để giúp cậu con trai nên người.

Theo lời Hưng thì người anh rể làm bên xây dựng đã tạo điều kiện để cậu ta có công việc với thu nhập 2 triệu đồng tháng. Ngoài ra, người anh này còn định hướng giúp Hưng học tập để trở thành một kỹ thuật viên trong thiết kế xây dựng. Hưng khoe, cậu ta vừa học xong khoá học về Autocat tại một trung tâm tin học ở phố Thợ Nhuộm.

Tôi hỏi nguyên cớ Hưng có mặt trong đoàn đua rạng sáng 6-6 mà các chiến sĩ Đội 8 Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Hà Nội bắt giữ. Hưng bảo rằng, buổi tối ở nhà thấy buồn nên đến rủ Khởi "già" (tên thật là Nguyễn Văn Cương) đi chơi. Đêm khuya, phố phường dường như đã đi ngủ nhưng bọn Hưng vẫn tìm ra nơi mà người ta chưa ngủ. Ở đó, chúng tìm được đồng đảng và gia nhập cuộc chơi lúc nửa đêm.

Ngồi trà đá ở bốt Hàng Đậu một lúc, bọn chúng nhập vào đoàn xe vài chục chiếc đang rú ga inh ỏi. Theo Hưng, lộ trình của chúng là bốt Hàng Đậu - Quán Thánh - Cửa Bắc - Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - quay lại phố Hàng Đậu để nghỉ giữa hiệp. Trong khi dừng chân ở đây, chúng bị Công an phường đuổi. Cả bọn lại lên xe lao về quảng trường Nhà hát Lớn.

Hình ảnh rầu rĩ của quái xế Hưng.

Lại trà đá, lại thuốc lào vặt và cùng chém gió trong cơn phê tốc độ. Đúng là cầu được, ước thấy, chỉ một lúc sau là lại gặp một đoàn đua mấy chục "con" đi qua. Chúng lập tức nhập cuộc. Lần này, chúng lượn qua các phố: Phan Chu Trinh - Hàm Long - Bà Triệu - Nguyễn Du - Trần Bình Trọng. Khi cả bọn đến phố Trần Bình Trọng thì gặp CSCĐ và các chiến sĩ Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Hà Nội.

Đội hình như ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy. Giữa lúc cố tìm đường thoát thân, Hưng đâm vào đít xe của đồng bọn, thế là ngã. Chưa kịp định thần thì bị tóm, còn Khởi ngồi sau đã nhanh chân vọt mất. Hưng bị đưa về trụ sở cơ quan Công an ở 54 Trần Hưng Đạo. Cậu ta ở đây cả đêm, trước khi được đưa đến số 7 Thiền Quang. Tại cơ quan Công an, chính Hưng đã khai ra đồng bọn là Khởi. Nhắc đến điều này, Hưng một hai khẳng định, "cả hai đứa ngày trước cùng học một trường, cùng chơi chung một nhóm", thế nên "đôi bạn cùng tiến" này giờ bị bắt cùng nhau cũng là lẽ đương nhiên.

Tôi chợt bất ngờ khi Hưng thở dài than, "thương bố mẹ, nhớ người yêu quá chị à". Hưng bảo bố mẹ thì biết cậu ta bị bắt rồi, còn người yêu thì chưa. Nói rồi, cậu ta lại khoe người yêu rất tháo vát, cô làm nghề bán hàng quần áo trên mạng. Hàng của cô có kiểu dáng đẹp, giá lại bình dân nên khách mua rất đông.

Nói rồi, Hưng còn cho tôi cả địa chỉ trên mạng để nếu ưng, cứ gọi điện là bạn gái cậu ta sẽ đem hàng đến bán. Yêu nhau 2 năm, cô bạn gái 9X này cũng rất hiểu Hưng. Hưng thấy cô là người hiền lành, lại chịu khó làm ăn nên cũng tính đến chuyện cưới xin. Cưới vợ để cho ngoan hơn, Hưng nói chắc như đinh đóng cột.

Còn Khởi "già", người bạn thân thiết của Hưng khi nghe bạn nhắc đến người yêu cũng ngậm ngùi. Khởi bảo, đáng ra cậu ta cưới cách đây 2 tháng nhưng vì chưa được ngày nên đành phải bỏ đi đứa con trong bụng cô người yêu. Cũng theo Khởi, cậu ta cưới vợ để cho ngoan hơn. Người yêu Khởi quê ở Nam Định rất ngoan và chăm chỉ.

Tôi hỏi, nếu biết Khởi lại bị bắt vì đua xe, liệu cô bạn gái có bỏ không. Khởi liền lắc đầu quầy quậy bảo, không bao giờ bỏ vì yêu thì phải có lòng tin vào nhau chứ. Chẳng biết giữa Khởi và cô người yêu hiểu nhau đến đâu nhưng theo cậu ta nói thì hai đứa mới quen nhau chưa đầy nửa năm.

Khởi bỏ học từ năm học lớp 7, cũng tiền án, tiền sự đầy mình. Trong hồ sơ, Khởi có 1 tiền án về tội cướp. Khởi kể về hành vi này của mình nghe cũng lạ tai, Khởi bảo cả bọn (trong đó có cả nạn nhân) cùng đem xe đạp của nạn nhân đi bán. Cả bọn cùng ăn, cùng tiêu vậy mà bố mẹ nạn nhân báo Công an, Khởi bị bắt và xử 18 tháng án treo. Nghe cái cách Khởi kể chuyện mới thấy nhận thức của cậu ta về pháp luật chẳng đâu vào đâu. Cơ quan Công an nếu không làm rõ được hành vi cướp tài sản đâu có đề nghị truy tố cậu ta về tội này. Bản thân Khởi cũng khẳng định, gia đình cậu ta có hiệu cầm đồ nhưng chẳng bao giờ mua cho cậu ta một chiếc xe máy. Lý do rất đơn giản vì sợ cậu ta đem đi cắm.

Và thực tế là Khởi đã nhiều lần mang xe nhà đi cắm, số tiền chuộc đã gấp nhiều lần giá trị của chiếc xe, vì vậy bố mẹ cậu không mua cho xe máy nữa. Không có xe máy nhưng vẫn phạm tội đua xe, thế mới biết để quản lý những đứa con như Khởi vô cùng khó khăn.

Và cả 4 gương mặt đều buồn đến tê tái. Đứa quay đi không cho chụp hình, đứa cố nặn ra nụ cười lấy lệ. Mới biết, yêng hùng khi "sa cơ" cũng nát lòng nát ruột lắm lắm. Nhưng người còn đau khổ, xót xa hơn gấp nhiều lần chúng là những bậc sinh thành, những cô gái đã trót trao tình yêu và gửi gắm niềm tin nơi chúng

Song Hát
.
.
.