Nỗi tuyệt vọng của người mẹ có bảy đứa con vướng vòng lao lý

Thứ Sáu, 17/09/2010, 09:27
Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ sáng sớm cho đến đêm khuya, ở một góc nhỏ phố Lò Lợn, có một bà mẹ già năm nay đã 75 tuổi hằng ngày bà lẩn mẩn vào ra cùng với một góc quán nước chè bé nhỏ. Nhưng số phận của người mẹ già ấy có lẽ cũng như số phận của bao người phụ nữ Việt Nam khốn khó khác lam lũ nuôi con nuôi chồng, nếu như bảy trong tám đứa con của bà không dính vào cái nghiệp oan nghiệt ma túy.

"Đời tôi khổ nhất ngõ Lò Lợn này, nỗi khổ của tôi không thể kể ra và cũng không thể đo đếm được", bà lặng lẽ trút tâm sự vào những người khách lạ như chúng tôi, có lẽ có những điều, dù đã đi hết gần một cuộc đời, bà cũng chưa bao giờ biết nói cùng ai. Bà là Ngô Thị Đảo, khi xưa đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp.

Con phố nhỏ ngõ 459 Hồng Mai, xưa nổi danh với cái tên phố Lò Lợn từng bị cơn bão ma túy tràn qua, làm ngả nghiêng bao thế hệ những gia đình bé nhỏ trong con phố chật hẹp này. Nhiều gia đình đã trở thành đối tượng điểm của Công an phường Bạch Mai, thậm chí nổi danh lên cả quận bởi "truyền thống" buôn bán ma túy. Gia đình ông Bưởng, bà Đảo, bà Liệt. Thậm chí có những gia đình vì ma túy mà diệt vong. Nhưng ẩn đằng sau những hiểm họa đáng lên án của xã hội ấy, là những giọt nước mắt đau khổ của người làm cha, làm mẹ, là những hệ lụy nghiệt ngã mà không biết đến bao giờ họ mới có thể thoát ra.

Nhà bà Đảo cũng là một cái tên "oanh liệt" một thời như thế ở con phố Lò Lợn. Bà có 8 người con, thì có đến 7 đứa có tiền án tiền sự vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Và cái nghiệp ma túy không hiểu sao lại gắn với tên của bà khi hằng ngày người mẹ già ấy vẫn oằn lưng bên gánh nước chè kiếm đồng rau đồng cháo, nuôi chồng, nuôi con và bây giờ là nuôi cháu. Chứ chưa bao giờ tơ hào đến những đồng tiền bẩn của đám con cái.

Căn nhà hơn 20 mét vuông là chỗ ở của 3 thế hệ gia đình bà Đảo, từ năm 1959 đến nay vẫn không có gì thay đổi. Một Nguyễn Đình Thuấn, sinh năm 1962 bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy cùng cô vợ và cậu con trai cũng không thoát khỏi ma lực của nàng tiên nâu. Rồi Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Đình Hường, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thiên Nga, Nguyễn Thị Lan đều có ít nhất một tiền án vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong gia đình chỉ có duy nhất anh Huấn chưa từng dính vào nàng tiên nâu.

Bước vào căn nhà nhỏ của gia đình bà, tôi chỉ thấy một nỗi u ám bao trùm lên đó, giờ là chỗ tá túc của 5 gia đình và gần 10 đứa cháu. Khi chúng tôi vào, bé Hiền Trang, con gái Nguyễn Đình Thuấn vừa đi học về. Trông bé gầy nhỏ đến tội nghiệp. Chị Lê Thị Hải - vợ của Thuấn bỏ gia đình đi từ lúc bé Trang mới chỉ 11 tháng tuổi, nên bây mẹ trở thành một khái niệm mờ xa trong ký ức của cô bé. Từ lâu, gánh nặng nuôi bé Trang ăn học lại đổ dồn lên đôi vai gầy của bà Đảo.

"Nó học giỏi và lành lắm, nhưng rồi mai đây không biết lấy đâu ra tiền để đóng học phí cho nó, thằng con trai tôi 6 tháng nữa mới được ra tù…". Dù mang tiếng là mẹ của 7 đứa con có tiền án tiền sự về ma túy nhưng bà Đảo được nhiều người dân xóm Lò Lợn yêu quý. Ai cũng biết đời bà khổ, khổ đến mức, bà bảo có lẽ tôi không bao giờ cất đầu lên được.

15 tuổi, thoát ly gia đình từ vùng quê chiêm trũng huyện Bình Lục, Hà Nam ra Hà Nội rồi đi theo kháng chiến, đi học, và làm hộ lý ở Viện Quân y 108. Năm 1954, sau giải phóng, bà Đảo trở lại Hà Nội, và chuyển sang Đoàn Văn công của Tổng cục Hậu cần. Ở đó, bà đã gặp ông, cũng quê Hà Nam tình nguyện đi lính. Ông bà chuyển về làm công nhân ở Nhà máy Dệt mồng 8-3. Lương công nhân thời đó chỉ đủ một cuộc sống tằn tiện, và lần lượt các con của ông bà ra đời trong giai đoạn khốn khó. Hai vợ chồng bà Đảo với đồng lương còm cõi không đủ để trang trải nên ông bà xin về hưu sớm, ra làm ngoài.

Nhưng ra ngoài đời, công việc làm ăn buôn bán gặp nhiều khó khăn, bà Đảo trở về làm một quán nước chè nhỏ ở góc chợ Mơ. Quán nước chè của bà Đảo, 20 năm ở chợ Mơ đã trở thành hình ảnh quen thuộc hằng ngày của người dân nơi đây. Tần tảo khuya sớm, không lương hưu, không chế độ (trong câu chuyện bà kể, những giấy tờ thời bà tham gia kháng chiến chống Pháp đã bị thất lạc sau nhiều năm ly tán), một mình bà gồng gánh cái gia đình có đến gần 10 miệng ăn.

Vất vả đấy, gian khổ đấy, nhưng rồi cũng qua. Nếu như, không có cái ngày nghiệt ngã đó, khi Công an vào nhà bà, bắt những đứa con của bà vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Cả đời bà sống lương thiện, lại từng tham gia cách mạng, dù không được học hành nhưng bà luôn răn dạy con cháu những điều hay lẽ phải ở đời. Vậy mà, nỗi đau ấy đã chảy ngược vào trong lòng người mẹ già, có lẽ không bao giờ có thể hóa giải được. Đó là sự bất lực với những đứa con.

Nhà nghèo, đông con, bà Đảo không thể quán xuyến được chuyện học hành cho chúng nó, và khi cơn bão ma túy tràn qua, những đứa con của bà, vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khổ nhưng đã sớm học đòi thói ăn chơi của đám thị thành, đều bị cuốn vào cơn cuồng phong nghiệt ngã đó. Mặc dù hàng ngày, bà mẹ vẫn tần tảo đi bán nước chè, còn những đứa con của bà chúng đã vượt ra khỏi vòng kiểm soát của mẹ, lấy vợ lấy chồng, nhưng có một điều là chúng chưa bao giờ lo được cho chính gia đình mình.

Bà mẹ già khắc khổ đã từng phải oằn lưng đeo ba lô và đứa con gái đầu hành quân theo chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp ấy, giờ đây lại phải chứng kiến lần lượt, từng đứa con bà dứt ruột sinh ra vướng vào vòng lao lý. Những cái tin liên tục giáng xuống đầu bà, và khốn khổ thay, bà đã phải sống để chứng kiến từng đứa con của mình lần lượt bị bắt vào tù.

Năm 2000, ông Đảo bị mất trong một tai nạn. Đến tiền làm ma cho ông, bà cũng phải chạy đôn chạy đáo đi vay. Từ đó, cuộc đời bà Đảo càng bơ vơ: "Cả đời tôi chưa bao giờ được nhờ cậy một đứa con nào. Không biết kiếp trước tôi ăn ở có gì thất đức mà ông trời lại trừng phạt tôi nặng nề như vậy?". Bà Đảo cố giấu những giọt nước mắt, nước mắt của một đời làm mẹ dường như đã khô cạn bởi những đứa con bất hiếu.

Lần theo ký ức mờ xa, bà kể lại câu chuyện đời, mang theo cả một nỗi chua chát: "Vợ chồng tôi đều là lính chống Pháp, huy chương, đến giờ tôi vẫn còn giữ ở đó, 15 tuổi, tôi đã sống xa nhà, lang thang rồi đi theo cách mạng. Hồi đó có ai quản mình đâu. Vậy mà làm được bao nhiêu việc có ích cho đời. Nhưng các con tôi, tôi đã bất lực rồi".

Bà còn nhớ như in, cái ngày anh Thuấn, cậu con trai thông minh lanh lợi nhất của ông bà bị bắt vì tội buôn bán ma túy, bà sững sờ cả người. Chúng đều sống trong ngôi nhà nhỏ của bà, nhưng những việc làm của chúng đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người mẹ đau khổ. Thằng Thuấn hai lần bị bắt, mà vẫn không chừa. Đến con vợ nó cũng theo chồng nốt, và đau đớn hơn khi đứa cháu nội khỏe mạnh đẹp trai của bà cũng bị chúng lợi dụng đưa hàng. Tháng 6 vừa rồi, nó lại bị bắt. Đôi mắt người mẹ già nhìn về một cõi xa xăm. Nếu ông còn sống, có lẽ ông không thể chịu đựng được cái cảnh đau lòng này đâu, hay ông sợ ngày đó phải chứng kiến những hệ lụy nghiệt ngã của cuộc sống mà đã bỏ bà ra đi. Khu chợ Mơ đang được xây sửa lại.

Quán nước chè hơn 20 năm qua của bà trở nên thừa thãi, lạc lõng. Dù bà có một ngôi nhà để đi về, nhưng không có quán nước chè, không còn niềm vui mà hằng ngày bà đã bấu víu vào đó để sống, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ nuôi con nuôi cháu, nhặt những niềm vui và nỗi buồn của mọi người để thấy mình được chia sẻ.

Một chị hàng xóm thương tình cho bà tá túc quán nước chè cạnh quán phở của chị. Và bà Đảo lại tiếp tục hành trình không mệt mỏi của mình, ngày nắng cũng như ngày mưa. Dù quán nước chè mỗi ngày bà chỉ thu lãi được 30 đến 40 ngàn đồng, nhưng vẻn vẹn số tiền ít ỏi ấy, bà Đảo phải  nuôi đến 7 đứa cháu, cả nội và ngoại.

Cơn bão ma túy quét xuống gia đình bà để lại những hệ lụy đau đớn không biết đến bao giờ mới có thể gột bỏ được, và hệ lụy đau lòng nhất, là một bà mẹ già, năm nay đã ở vào tuổi ngoại thất thập, hằng ngày vẫn còng lưng kiếm từng đồng rau cháo nuôi các cháu của mình ăn học…"Bố mẹ chúng nó, đứa đi tù, đứa bỏ đi làm ăn xa, đứa không có đủ tiền nuôi con, chúng đều về bấu víu lấy cái thân già này. Đều là con cháu của mình cả, tôi không cưu mang chúng sao đành".

Mấy hôm nay trở trời, căn bệnh viêm khớp của bà lại trở chứng, nhưng bà Đảo cũng không có một đồng nào để đi khám chứ nói gì đến thuốc men chữa trị. Bà nín chịu đựng, để còn dành tiền đóng học phí cho cái Trang, mẹ nó bỏ đi rồi, bà không lo được nó lại bỏ học, rồi lại dính vào ma túy không chừng. Người dân ở khu phố Lò Lợn bây giờ đã lành hơn ngày xưa, những người cùng thế hệ với bà Đảo, ái ngại với gia cảnh nhà bà, nhưng cũng không ít người, xót xa, thương cảm. Bà bất lực trong việc nuôi dạy con,  để rồi giờ đây khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi vẫn phải oằn lưng kiếm kế sinh nhai. Tấm thân già này chưa một giây phút nào trong đời được nghỉ ngơi, phụng dưỡng lại phải gánh thêm cái gánh nặng từ những hệ lụy đau đớn mà con cái bà gây ra. Nỗi đau ấy, nghe mới đắng cay.

"Cái nghiệp ma túy nó bạc lắm cô ạ, vận vào đời ai thì người đó khổ cả đời, khổ cả con cái, khổ cả dòng giống nhà họ… Tôi đã sống gần hết một đời rồi, chỉ thương đám cháu, rồi mai đây, không biết ai sẽ lo cho chúng, ai sẽ chỉ cho chúng tránh xa con đường nguy hiểm, tàn nhẫn kia… hay chính chúng lại phải trả giá cho những kiếp nạn mà bố mẹ chúng gây nên". Bà nén tiếng thở dài, mắt nhìn về một cõi xa xăm, nỗi lo của bà không phải vô căn cớ, khi những đứa con không thực sự hiểu được điều đó.  Đời bà coi như đã hết rồi, nhưng còn đời con, đời cháu chúng nó… sẽ đi về đâu?

Hà Mai
.
.
.