Trương Thị Bích Hà lừa đảo nhiều trí thức và văn nghệ sỹ:

Nữ tiến sỹ lừa thầy, đoạt tiền…

Thứ Năm, 10/06/2010, 17:57
Thông tin Tiến sỹ tâm lý Trương Thị Bích Hà bị Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT &CV Công an Hà Nội bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào ngày 19/5 gây ngỡ ngàng trong giới nghiên cứu và cả những khán giả truyền hình. Bởi đây là một người thường xuyên xuất hiện trước công chúng với khả năng thuyết phục cao.

Theo các tài liệu điều tra, Hà đang bị truy nã về hành vi làm giả giấy tờ thế chấp để bán căn hộ tại khu Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, chiếm đoạt tới 126 ngàn USD. Hà cũng đã chiếm đoạt của ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội hơn 2 tỷ đồng…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong vụ lừa đảo này. Rất nhiều nghệ sỹ, nhà khoa học, các cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh cũng vừa chính thức lên tiếng với tư cách người bị hại, là nạn nhân của Hà, trong đó có những người là thầy và cũng có người là đồng nghiệp.

Trong số các nạn nhân của Hà, có cả gia đình nhạc sỹ Phạm Tuyên, tuy nhiên gia đình ông chưa muốn công khai vì ngại dư luận. PV Cảnh sát toàn cầu đã gặp các nạn nhân và dường như những "chủ nợ" của Hà không bất ngờ khi nghe tin Hà bị bắt mà chỉ tức giận và có phần chua xót…

Giáo sư Nguyễn Quang Uẩn (Nguyên Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Tôi là thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của Hà, cũng là người đã chính thức giới thiệu Hà vào Đảng. Tuy nhiên, ở đời, không ai học được chữ ngờ.

Đó là khi, có một chút vốn liếng, Hà bắt đầu đi kinh doanh bất động sản, vay mượn tiền bạc của bạn bè, anh chị em trong khoa, trong trường để kinh doanh. Hà vay tôi một khoản tiền từ năm 2001. Thực ra đó cũng là tiền tôi đi vay mượn của bạn bè giúp Hà đầu tư vào dự án làm cầu, làm cáp treo mà Hà rất thành khẩn muốn giúp đỡ thầy giáo có thêm chi phí (nếu đầu tư hiệu quả) để trang trải cuộc sống. Hà cũng có những giấy tờ chứng thực chi tiết các hồ sơ dự án có con dấu, chữ ký đàng hoàng… nên tôi đặt niềm tin và vay cho Hà một khoản.

Bẵng đi một thời gian, một tháng, vài tháng, rồi một vài năm cứ thấy tiền mình "một đi không trở lại". Tôi thì làm được bao nhiêu lại cò công trả nợ khoản đã vay bạn bè hộ Hà. Các con tôi khi biết chuyện, trách cha ghê lắm, nhưng biết làm sao được, lúc đó đành cúi đầu mà nhận lỗi với vợ, với con thôi. Khi mọi chuyện vỡ lở, anh em trong Khoa mới biết rằng, có cô giáo ở khoa Tiểu học còn vay nợ hộ Hà đến 120 nghìn USD mà cũng không hy vọng có thể đòi nợ.

Hay như cô Phương ở khoa Hóa cũng đã cho Hà vay một số tiền rất lớn, nhưng cô Phương đã rất nhanh nhạy, khi không đòi được tiền, cô đã đến tận nhà Hà ở Mai Dịch siết nợ bằng chính cái nhà Hà đang ở. Chuyện bi hài là Hà còn xoay xở lừa bán lại cho anh trai ruột (làm thợ kim hoàn) với số tiền rất lớn bằng chính cái nhà đã siết nợ ấy. Khi anh trai đến nhận nhà thì mới tá hỏa vì bị cô em gái lừa đảo.

Có lẽ, câu chuyện lừa đảo của Hà thì rõ ràng rồi, tôi chỉ không nghĩ rằng, một con người có học hàm, học vị, có một đầu óc thông minh lại phải dồn mình đến chân tường nhà tù như thế. Có thể lý giải bằng lòng tham, bằng sự xuống cấp của đạo đức vì lừa thầy, phản bạn, nhưng cũng nên để Hà nhận được một bài học đích đáng từ cuộc sống.

PGS - TS Vũ Hoàng Anh (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Tôi làm việc tại Khoa Tâm lý giáo dục với Hà ngay từ những ngày Hà mới tốt nghiệp ra trường và xin vào làm trợ giảng ở Khoa tôi. Thực tình mà nói, Hà cũng là người năng động. Chính bởi vậy, việc Hà làm thêm bên ngoài để cải thiện đời sống cũng là lẽ đương nhiên.

Hà cũng có vẻ là người có quan hệ rộng và chịu khó "tìm mối" để kiếm thêm công việc. Khi đã có một thời gian làm việc với nhau, lại cùng là những người đi lên dưới mái trường Sư phạm, có ai nghĩ rằng, đến một ngày, Hà mang chữ tín mà chúng tôi dành cho Hà để đáp lại bằng sự lừa đảo. Quãng năm 2004, Hà đến gặp tôi và khẩn thiết vay tiền để làm dự án cáp treo Chùa Hương.

Hà có mối quen biết và có thể đầu tư có hiệu quả nên muốn rủ các chị em trong khoa cùng tham gia để cải thiện đời sống. Hà bảo, Hà chỉ vay vài ngày sẽ trả. Tôi trả lời rằng, thực tế với đồng lương giáo viên thì tôi không có tiền dư dật để cho Hà vay. Sau nhiều lần gọi điện, gặp gỡ, mà cái cách Hà nói thì thú thật đến con kiến cũng phải chui trong lỗ ra mà thôi, tôi bèn hỏi đến các con mình và cả nhà tôi gom góp được một số tiền.

Hà đến lấy, thậm chí tôi cũng không nghĩ là sẽ phải bắt Hà ký vào một số giấy tờ nào đó. Sau một thời gian ngắn không thấy Hà đả động gì đến việc trả tiền, tôi hỏi, thì Hà bảo, hiện Hà đang kẹt mấy dự án gì đó nên chưa rút tiền ra trả tôi được. Hà hẹn cuối tháng 12/2008 sẽ hoàn trả tất cả số tiền, nhưng rồi, ngày lại ngày trôi đi, khi tôi gọi điện thoại cho Hà, thấy số quen, Hà cũng không bắt máy nữa, nhà thì thay đổi liên tục. Anh em trong khoa lúc đó mới vỡ lẽ ra rằng, Hà đi vay hầu hết tiền của tất cả mọi người và đều chống chế không trả.

Khi Hà vay, Hà đều khéo léo nói với mọi người "không nói ra ngoài" việc này, nên chúng tôi đều không biết mình chính là thủ phạm. Một lần, chúng tôi ập đến nhà và bắt Hà ký vào giấy nợ cũng như kỳ hạn phải trả, nếu không chúng tôi sẽ báo pháp luật, mặt Hà tỉnh queo bảo: "Các anh chị mà báo với pháp luật thì em bị bắt đi tù, mà đi tù thì ai xoay tiền mà trả cho các anh chị?".

Thú thật, đến lúc này, chúng tôi mới chua xót vỡ lẽ ra nhân cách một con người. Sau đó, chúng tôi đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" không phải vì sợ cô ta không trả nợ (vì với tình trạng này, chắc chắn cũng sẽ không thể có mà trả), nhưng nói ra, sợ thiên hạ lại chê cười vì cái dại của mình. Biết tin Hà bị bắt, chúng tôi chẳng có gì ngạc nhiên, vì điều đó chỉ sớm hay muộn mà thôi. Con người phải đổ mồ hôi, xương máu để mưu sinh thì mới vững bền, chứ lười lao động mà sống chụp giật thì hậu quả sẽ gặp bước đường cùng cũng là lẽ công bằng ở cuộc đời.

TS  Võ Kim Thanh (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Tôi và Trương Thị Bích Hà là những người bạn thân có thể gọi "một con chấy cắn đôi" cùng công tác ở một tổ bộ môn trong Khoa Tâm lý - Giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự lừa đảo trắng trợn của Hà khiến tôi đau lòng. Chỉ vì tin tưởng bạn mà gần như toàn bộ tài sản của gia đình tôi đã đưa hết cho Hà. Câu chuyện này làm tôi khổ tâm đã nhiều năm nay, khi Hà viết hàng chục cái giấy hẹn trả tiền mà lần này lần khác vẫn không thấy tăm hơi cô ấy đâu. Bây giờ, nói điều gì về Hà cũng là không đáng. Sự mất mát và đổ vỡ cùng sự thất vọng ghê gớm đang chiếm lĩnh tâm trí tôi lúc này, tôi không thể nói gì hơn!

TS Đỗ Hạnh Phúc (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Trước khi Trương Thị Bích Hà bị bắt, chúng tôi vẫn gặp chồng cô ta cùng khoa chúng tôi. Khi tôi hỏi thông tin về Hà thì anh nói rằng, lâu nay, vợ chồng đã không sống với nhau nữa nên không biết gì về Hà, rồi anh tìm cớ đi thẳng.

Có lẽ nói về nhân cách của Hà là một điều không đáng, vì thực sự, khi đã trở thành chủ nợ của rất nhiều thầy cô, bạn bè, người thân, thậm chí, Hà còn vay tiền của học trò, số tiền mà cô học sinh đó gom góp bán đất, bán nhà để chữa bệnh cho bố, thế nhưng, Hà vẫn trắng trợn đi rao giảng về đạo đức, tư vấn về gia đình… trên các chương trình truyền hình thì thật là trơ tráo hết chỗ nói.

Thời gian đầu, khi chúng tôi đến hỏi Hà về số tiền nợ, Hà lần lữa bảo rằng, Hà cũng mang tiền đi đầu tư, cho vay rồi bị "xù" nên bây giờ cũng trắng tay, thậm chí, cô ta còn mạnh mồm bảo: "Có mỗi các xác tôi đây, các bà có đến mà xẻo thì đến!", nhưng một mặt, Hà vẫn tiếp tục đi cầm cố nhà, lừa đảo sổ đỏ của nhiều người khác…

Thú thật, nói về một người từng là đồng nghiệp, từng như chị em trong nhà như thế này, chúng tôi thấy buồn lắm, bản thân mình là người bị hại nhưng cũng tự trách mình, bao nhiêu năm sống gần một con người có những việc làm trái pháp luật mà vẫn vô tình không biết, đến giờ lại phải hứng chịu những hậu quả khôn lường!

Thạc sĩ Phùng Thị Việt Hương (Trưởng phòng Tổ chức - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh): Khi chị Hà về làm việc ở Trường Sân khấu - Điện ảnh, chị cũng được coi là người ít nhiều được công chúng biết đến. Phải nói rằng, chị có tài thuyết phục khiến người ta tin rằng, chị là một con người biết cách xoay xở và khiến người ta tin tưởng.

Nói ra điều này, tôi thấy mình dại thì có lẽ đã quá muộn, vì trước tôi, ở cơ quan cũ của chị là Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm đã nhiều người bị lừa theo kiểu đó. Sự khẩn thiết của Hà với những lời hứa hẹn sẽ làm bất cứ ai mủi lòng. Tôi đã tin tưởng chị ta đến mức mượn cả sổ tiết kiệm của bố mẹ mình đưa chị ta vay. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không dám nói với các cụ thân sinh của mình rằng, số tiền mà các cụ tiết kiệm được trong cả đời làm công chức đã bị lừa đảo.

Ông Lê Cẩm Lượng (Hiệu phó Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh): Tôi không phải là người bị hại, nhưng biết thông tin về Trương Thị Bích Hà qua báo chí. Nếu xét về khía cạnh con người, có thể nói Hà dường như bị hỏng hoàn toàn. Mặc dù được coi là người có học hàm, học vị nhưng không ai lại lừa thầy phản bạn kiểu như thế. Cô ta như một "con sâu làm rầu nồi canh" là một tiếng buồn đối với ngành Sư phạm. Cần có cách xử phạt nghiêm minh để làm gương cho những người khác!

Thượng úy Lê Kiên Cường, cán bộ điều tra vụ án Trương Thị Bích Hà lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Một thủ đoạn, nhiều nạn nhân

 

Từ khi được giao nhiệm vụ điều tra vụ Tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tôi đã nhận thêm được rất nhiều đơn thư tố cáo Trương Thị Bích Hà với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

 

Chẳng hạn: Vợ chồng ông B. (Hà Nội) bị Hà không trả khoản nợ 30.000 USD; ông LĐT nhờ bà Hà vay ngân hàng SHB 700 triệu đồng bằng việc thế chấp sổ đỏ, nhưng Hà không đưa tiền, cũng không trả lại sổ đỏ cho ông T; ông NĐN, Đan Phượng, Hà Nội bị Hà lừa chiếm đoạt sổ đỏ (thế chấp ngân hàng 200 triệu đồng); ông NĐC, Thạch Thất, Hà Nội cũng bị Hà lừa chiếm đoạt sổ đỏ (thế chấp vay ngân hàng 1 tỉ đồng) v.v...

 

Bây giờ, trong hồ sơ của chúng tôi, đã có một khối lượng lớn các đơn thư tố cáo Tiến sĩ Trương Thị Bích Hà với thủ đoạn gần giống nhau, chủ yếu bà lợi dụng mối quan hệ quen biết, thân tình cũng như lợi dụng chức danh Tiến sĩ tâm lý, với tư cách là "người của công chúng" khi lên hình ở Đài Truyền hình Việt Nam...

 

Theo điều tra ban đầu, Trương Thị Bích Hà khai nhận bà vay tiền để đầu tư làm dự án nhưng đều bị thua lỗ vì các dự án đó đều nằm trong vùng giải tỏa? Đâm lao thì phải theo lao, bà cứ thế đi theo vết xe đổ? Hiện nay, chúng tôi đang thu thập thông tin, xác minh lời khai để biết chính xác bà Hà lợi dụng tín nhiệm để vay vốn, làm ăn thua lỗ hay mục đích chính của bà là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Chúng tôi vẫn đang trong quá trình điều tra, chính vì thế ai có thông tin cũng như đơn thư tố cáo Trương Thị Bích Hà xin báo về cho tôi với số điện thoại 0915812222 để chúng tôi sớm đưa vụ án này ra ánh sáng...

Trần Hoàng
.
.
.