Phe Dân chủ thất bại, chính sách của Obama với châu Á có thay đổi?

Thứ Tư, 17/11/2010, 16:34
Thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của phe Dân chủ - chính quyền Tổng thống Obama sẽ ảnh hưởng đến chính sách châu Á của Mỹ như thế nào? Vấn đề đang được các nước châu Á quan tâm là liệu thất bại của chính quyền Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử vừa qua có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với châu Á? Và nếu xuất hiện sự thay đổi thì sẽ như thế nào?

Theo The Nation (Thái Lan), kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ không ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ đối với châu Á, mặc dù kết quả đó sẽ làm rung chuyển chính quyền Tổng thống Obama trên nhiều mặt.

Chính sách đối ngoại nói chung và chính sách của Mỹ đối với châu Á nói riêng sẽ không có sự thay đổi lớn vì thực tế cuộc chiến giành Quốc hội và Hạ viện trong cuộc bầu cử vừa qua chỉ diễn ra trên mặt trận là các vấn đề trong nước; bên cạnh đó, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, nếu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có sự đồng thuận về một lĩnh vực, thì đó phải là mối quan tâm về tăng cường can dự vào châu Á vì cả hai đảng đều muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực này. Như vậy, Mỹ sẽ tiếp tục chính sách can dự vào châu Á, can dự vào giải quyết tranh chấp biển Đông và ngăn chặn Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Mỹ đã có nhiều sự thích nghi nhằm tăng cường hợp tác với các nước châu Á, điển hình là việc Mỹ sẵn sàng "chơi theo luật chơi của khu vực", giống như những gì mà Trung Quốc đã làm để có được vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực như hiện nay. Sự thích nghi đó thể hiện tầm nhìn mới của chính quyền Mỹ, sự điều chỉnh chưa từng có trong quá khứ. Chính sách đó của Mỹ hiện đang tiến triển thuận lợi, do đó trong thời gian 2 năm còn lại, chính quyền của ông Obama sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách đó ở nhiều cấp độ khác nhau, và như vậy chính sách chung của Mỹ đối với châu Á sẽ không có điều chỉnh lớn.

Đồng nhất với quan điểm rằng sự thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua không có nghĩa là chính sách của Mỹ đối với châu Á sẽ hoàn toàn thay đổi,  - hiện đang công tác tại Ủy ban các mối quan hệ quốc tế (CFR) cho rằng bên cạnh một số yếu tố sẽ được giữ nguyên, một số thay đổi có thể dự báo được trước. Cụ thể trên các mặt như sau:

Về thương mại: Lĩnh vực này chưa bao giờ là vấn đề quan tâm rộng rãi của người dân Mỹ, và hiển nhiên cũng không phải là vấn đề quan tâm của đảng Tea (Tea Party). Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ mới của đảng Cộng hòa và một số đại biểu quốc hội lại có nền tảng kiến thức phong phú về thương mại, như Thượng nghị sỹ đến từ Ohio Rob Portman, người từng là đại diện thương mại dưới thời Tổng thống W. Bush. Tóm lại, sự chuyển dịch về quyền lực có thể sẽ cho phép Tổng thống Obama giành thêm sự ủng hộ tại Quốc hội trong các vấn đề như hoàn thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Hàn và thúc đẩy hình thành Đối tác xuyên Thái Bình Dương (IPP).

Về Trung Quốc và vấn đề nhân quyền: Với sự chuyển dịch quyền lực chi phối Quốc hội như vừa qua, thì lãnh đạo cao nhất của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ do người của đảng Cộng hòa (bà Ileana Ros-Lehtinen đến từ Florida) nắm giữ. Đây là nhân vật người Mỹ gốc Cuba, có quan điểm hết sức "diều hâu", cứng rắn đối với Cu Ba và Trung Quốc. Nhân vật này muốn Quốc hội thực hiện ngay từ bây giờ cách tiếp cận cứng rắn đối với mối quan hệ chiến lược Mỹ - Trung.

Hồi tháng 8 năm nay, chính Ros-Lehtinen đã kêu gọi thực hiện lệnh trừng phạt Trung Quốc khi nước này cho phép một số công ty có liên hệ với nhà nước thực hiện những khoản đầu tư lớn tại Iran, một chủ đề mà có lẽ bà ta sẽ tiếp tục khai thác. Bên cạnh đó, bà ta cũng sẽ gia tăng áp lực đối với Quốc hội trong vấn đề buộc Trung Quốc định giá lại đồng nhân dân tệ.

Trùng hợp với mối quan ngại ngày càng gia tăng của chính quyền Tổng thống Obama về tình trạng không thể hợp tác với phía Trung Quốc, và quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Trung Quốc, quan điểm diều hâu ngày càng lớn này sẽ gây ra nhiều phức tạp trong mối quan hệ Mỹ - Trung trong 2 năm tới.

Đối với khu vực Đông Nam Á: Nhiều khả năng cả Ros-Lehtinen và Thượng viện Mỹ (vẫn do phe Dân chủ kiểm soát) sẽ tiếp tục hối thúc chính quyền Tổng thống Obama "tái can dự" vào khu vực châu Á nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này. Đại biểu Quốc hội Dana Rohrabacher, một thành viên Cộng hòa diều hâu, người được biết đến như là một trong những nhân vật chống chính quyền Myanmar, Campuchia quyết liệt nhất, sẽ có vị thế lớn hơn trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

Trong vấn đề nhập cư: Đối với các nước như Ấn Độ, nước có số lượng lớn người có trình độ nhập cư sang Mỹ, thì kết quả cuộc bầu cử không phải là điềm báo tốt cho họ. Mặc dù hầu hết những người chỉ trích chính sách chống nhập cư, mà tiêu biểu là Thống đốc bang Arizona Jan Brewer, chĩa mũi tên vào người nhập cư đến từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhưng sắp tới chính sách visa thông thoáng cho những người nhập cư có trình độ như trước đây sẽ gặp phải nhiều trở ngại.

Trước đó, vào đầu năm 2010, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc tăng mạnh mức phí cấp visa H1B (loại hộ chiếu dành cho người nước ngoài có trình độ cao sang Mỹ), và trong thời gian tới, Quốc hội có thể sẽ thực hiện lại biện pháp đó hoặc có những cách khác để làm cho vấn đề nhập cư khó khăn hơn

Văn Văn (tổng hợp)
.
.
.